Hưng Yên hiện có 8 Bảo vật quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 73/QĐ-TTg về việc công nhận 29 bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023), trong đó có Bia "Đại Bi Diên Minh tự bi" hiện lưu giữ tại UBND xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Như vậy, tính đến nay, tỉnh Hưng Yên đã có 8 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” hiện lưu giữ tại UBND xã Lạc Đạo (Văn Lâm).
Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” hiện lưu giữ tại UBND xã Lạc Đạo (Văn Lâm).

1. Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi”

Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” (còn được gọi là Bia đá chùa Đại Bi) được tạo tác thời Trần (năm 1327), triều vua Trần Minh Tông. Đây là tấm bia đá cổ quý hiếm còn được lưu giữ tại UBND xã Lạc Đạo (Văn Lâm). Bia được làm bằng đá xanh nguyên khối, dạng khối hình chữ nhật dẹt: Chiều rộng 60cm; chiều cao 100cm, dày 11 cm. Bia gồm 2 mặt (mặt trước và mặt sau) bao gồm các phần: Trán bia và diềm bia. Tấm bia là một chứng tích về sự phát triển huy hoàng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo, góp phần phản ánh trình độ mỹ thuật và kỹ thuật điêu khắc đá thời Trần đạt đến đỉnh cao.

2. Tháp đất nung đền An Xá

Tháp đất nung đền An Xá được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2021, hiện đang được lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viện, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Tháp đất nung đền An Xá là một trong hai ngôi tháp đất nung quý hiếm hiện còn lại cho đến ngày nay. Tháp có bình đồ hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, có màu nâu đỏ, cao 12 tầng (không kể phần đỉnh tháp) và chia thành bốn phần: bệ tháp, đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.

Tháp đất nung đền An Xá được xây dựng vào thế kỉ XVI, sau đó tháp được trùng tu lại nhiều lần, hiện tháp đang được đặt tại vị trí phía trước tòa Tiền Tế của đền An Xá. Tháp là hiện vật gốc gắn liền với di tích đền An Xá bao đời nay. Tháp được dựng bởi nhiều viên gạch đất nung ghép lại với nhau, bằng phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, chau chuốt và độc đáo, mang đậm dấu ấn thời đại mà nó được sinh ra. Đây là ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại tại tỉnh Hưng Yên và là một trong hai ngôi tháp đất nung còn lại khá nguyên vẹn tính đến nay trên cả nước cùng với tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc).

Tháp đất nung đền An Xá.
Tháp đất nung đền An Xá.

Tháp đất nung đền An Xá là ngôi tháp có đồ án trang trí phong phú và đặc sắc nhất trong những cây tháp tương tự đã phát hiện tại khu vực phía Bắc với những mảng chạm trang trí là những tác phẩm nghệ thuật đẹp, với những đề tài phong phú mang đậm yếu tố dân gian phản ánh thời kỳ nghệ thuật dân gian phát triển cao.

3. Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ

Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020, là sưu tập di vật bằng vàng có giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt quý hiếm trong kho tàng Di sản văn hóa Việt Nam.

Sưu tập 05 đĩa hoa sen vàng được đội dân công thôn Trúc Nội, xã Quang Trung (nay là xã Xuân Trúc), huyện Ân Thi đào được vào ngày 21/10/1965 trong quá trình làm thủy lợi, khai rộng sông Cửu An tại thôn Cộng Vũ (còn gọi là thôn Mụa), xã Vũ Xá, huyện Kim Động.

Sưu tập gồm 05 đĩa vàng và 01 cục vàng nhỏ (là chân đế của một chiếc đĩa) được phát hiện dưới độ sau cách đất 2m, đặt úp chồng khít lên nhau. Sau khi phát hiện, số hiện vật trên đã được đưa về kho của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hưng Yên. Đến năm 2011, bàn giao lại cho Kho bạc Nhà nước tỉnh lưu giữ và bảo quản.

Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ.
Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ.

Căn cứ vào hình dáng và đặc biệt là các chi tiết hoa văn trang trí trên các đĩa vàng, các nhà nghiên cứu cho rằng Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ có niên đại thế kỷ XI-XII (thời Lý). Theo kết quả giám định ngày 10/3/1975 của Hội đồng giám định Ngân hàng Nhà nước, Sưu tập đĩa vàng hoa sen Cộng Vũ được chế tạo bằng kim loại vàng tốt (từ trên trên 70%-80%), còn lại là một ít kim loại khác để gia tăng độ cứng cho đĩa.

4. Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở

Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2018, hiện đang được lưu giữ tại Quan Âm các (gác Quan Âm) chùa mễ Sở, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Pho tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở là một trong những kiệt tác đỉnh cao của nghệ thuật tạo tác, tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn cùng với các pho tượng ở các ngôi chùa: Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) và chùa Đào Xuyên (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội), chùa Hội Hạ (đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam).

Pho tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.
Pho tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn.

Tượng có niên đại vào đầu thế kỷ XIX, được tạo tác bằng gỗ mít phủ sơn trong tư thế ngồi tọa thiền trên tòa sen với bàn chân phải đặt ngửa trên đùi trái. Pho tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở là loại di vật độc bản, tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc thủ công truyền thống hết sức công phu, tỉ mỉ, cẩn thận và vô cùng độc đáo.

Từ những giá trị cơ bản, đặc trưng hoàn hảo về mỹ thuật và tính độc đáo cho thấy pho tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Mễ Sở thực sự là một tuyệt tác đỉnh cao của nền mỹ thuật nước ta đầu thế kỷ XIX đến nay còn giữ được.

5. Bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh"

Bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh" là tấm bia thời Lý thuộc chùa Cảnh Lâm (Diên Phúc tự), xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ, được công nhận bảo vật Quốc gia năm 2020.

Trải qua thời gian, ngôi chùa đã phá hủy hoàn toàn, hệ thống tượng Phật và các di vật tại chùa đều bị thất lạc. Những năm 1960, bia được tìm thấy tại hồ tắm voi, sau đó đưa về dựng tại bờ giếng trong làng nhưng không ai biết đó là bia thời Lý. Năm 1990, bia được cán bộ viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện, nghiên cứu và công bố. Năm 2001, chính quyền và nhân dân địa phương tổ chức bảo vệ di dời bia về dựng tại chùa Cảnh Lâm để gìn giữ, phục vụ nghiên cứu, trưng bày.

Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh”.
Bia “Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh”.

Bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh" được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối, gồm có 02 mặt và 03 phần: Trán bia, diềm bia và đế bia. Nội dung minh văn có nhiều giá trị lịch sử, văn hóa rất cao đóng góp vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc thời Lý. Minh văn mô tả lịch sử xây dựng chùa Diên Phúc, đồng thời mô tả khá chi tiết cấu trúc mặt bằng tổng thể chùa Diên Phúc, tính từ ngoài vào trong.

Nhìn chung, bia "Cổ Việt thôn Diên Phúc tự bi minh" là một trong số những tấm bia thời Lý hoàn chỉnh đóng góp nhiều tư liệu quý hiếm về mặt lịch sử, văn hóa và lịch sử mỹ thuật thời Lý. Về mặt nghệ thuật, các nhà khảo cổ học và lịch sử mỹ thuật đã căn cứ vào bia Diên Phúc kết hợp với một số nguồn tư liệu khác để thiết lập một giai đoạn lịch sử mỹ thuật cuối thời Lý gọi là giai đoạn Diên Phúc - Báo Ân có niên đại khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XII, đầu thế kỷ thứ XIII.

6. Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng

Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng hiện đang lưu giữ tại tòa Tam Bảo chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2020.

Tượng được tạo tác khá sớm vào cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII bằng đá sa thạch. Cho đến nay, đây là một tác phẩm điêu khắc bộ tượng sư tử đá có kích thước lớn nhất của Việt Nam thời Lý. Bệ tượng sư tử đá gồm có 3 tầng cơ bản: tầng đế, tầng thân và tầng mặt. Bệ tượng đá có sử tử đội tòa sen là một xu thế của nghệ thuật Phật giáo thời Lý. Trong kho tàng Nghệ thuật Phật giáo thế giới, riêng các loại bệ tượng Việt Nam thời Lý đứng riêng một phong cách, vừa khác lạ về cấu trúc, vừa cao sang tỉ mỉ về trang trí.

Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng.

Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng.

Có thể nói, Bệ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng là một công trình nghệ thuật thể hiện trí tuệ tuyệt vời của người nghệ nhân điêu khắc đá thời Lý. Thông điệp lịch sử và mỹ thuật từ tượng sư tử đá chùa Hương Lãng cho thấy sức sáng tạo của cái đẹp với đặc trưng dân tộc rất cao và khẳng định sức sống trường tồn của dân tộc. Đây cũng là một tác phẩm đại diện cho khuynh hướng nghệ thuật sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian để minh chứng cho sự bền vững và linh ứng của Viên Giác tự, xứng đáng là một bảo vật quốc gia.

7. Bệ thờ đất nung đền An Xá

Bệ thờ đất nung đền An Xá hiện lưu giữ tại trung tâm toà Hậu cung đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2022. Bệ thờ đất nung được cấu tạo bởi nhiều khối đất nung khác nhau gắn kết khít lại để tạo thành một bệ thờ hoàn chỉnh có dạng khối hộp chữ nhật cao 135cm, dài 290cm, rộng 106cm. Nhìn tổng thể bệ thờ có dáng như một tòa sen lớn, chia làm 4 phần: mặt bệ đài sen, thân bệ, chân bệ, đế bệ. Bệ thờ được tạo tác bằng phương pháp thủ công truyền thống với kỹ thuật nung, chạm khắc tinh xảo, chau chuốt và vô cùng độc đáo, không bị rập khuôn theo một hình mẫu nhất định, mang đậm dấu ấn niên đại thế kỷ XVI.

Bệ thờ đất nung đền An Xá.
Bệ thờ đất nung đền An Xá.

Bảo vật quốc gia không chỉ là niềm tự hào của Hưng Yên mà còn khẳng định những giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc của vùng quê văn hiến, và là những hiện vật quý để thế hệ sau hiểu rõ hơn về những giai đoạn phát triển rực rỡ của đất nước trong lịch sử dân tộc.

8. Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng

Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng là những dấu tích văn hóa thời Lý, có niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020, hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm.

Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng gồm 06 bộ thành bậc, được bố trí tại lối lên xuống cửa chùa. Tất cả đều được tạo tác liền khối bằng loại đá sa thạch, hình thang vuông, đề tài trang trí hoa văn tương tự nhau. Phía trên các thành bậc chạm hình sấu thần dưới dạng tượng tròn đang trong tư thế lao nhanh xuống dưới, đầu ngẩng cao, má dài, mang xoáy, gáy có bờm, miệng ngậm ngọc, đuôi to lượn sóng tỉa mượt, mình thon lẳn phủ dày đặc hình hoa tròn cánh xoáy, các khuỷu chân đều có các túm lông mềm mại lượn cong. Mỗi chân sấu có móng sắc nhọn, tì chặt xuống phía dưới. Trên những tay vịn bằng đá trên thềm bậc chạm phượng, lân, hoa cúc dây mềm mại sắc xảo.

Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng.
Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng.

Tất cả hệ thống thành bậc đá đều được tạo tác hoàn toàn thủ công, mang đậm dấu ấn thời đại mà chúng sản sinh ra, thể hiện trí tuệ tuyệt vời và khả năng khéo léo của các nghệ nhân điêu khắc đá. Hiện nay, chùa Hương Lãng là ngôi chùa duy nhất trên cả nước có số lượng các thành bậc đá thời Lý còn tương đối nguyên vẹn, đầy đủ nhất và nhiều nhất mà chưa có di tích nào có thể so sánh được.