Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều học giả, chuyên gia đầu ngành ở trong nước và quốc tế như: GS. Alexander Proelss, Khoa Luật, Đại học Trier, CHLB Đức; TS. Makmur Keliat, Đại học Jakarta, Indonesia; GS. Yoshifumi Tanaka, Khoa Luật, Đại học Copenhagen, Đan Mạch; PGS. Richard J. Heydarian, Đại học De La Salle Manila, Philippines...
Với 4 phiên trình bày và thảo luận, hội thảo đã tập trung làm rõ 3 nội dung lớn, đó là: Cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của luật quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); Thực tiễn giải quyết tranh chấp quốc tế về biển tại các cơ quan tài phán quốc tế và các Tổ chức quốc tế; Thực tiễn áp dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp biển trong khu vực.
Đối với Cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của luật quốc tế và UNCLOS 1982, hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến quy định của Hiến chương Liên Hợp quốc về các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, đặc biệt Phần XV của UNCLOS 1982 về cơ chế giải quyết tranh chấp biển đã được làm rõ và các phụ lục liên quan cũng là nội dung mà các học giả rất quan tâm.
Hội thảo ngày càng sôi nổi và đi vào chiều sâu khi các tham luận liên quan đến thực tiễn giải quyết tranh chấp tại các cơ quan tài phán và khả năng áp dụng cho các tranh chấp trong khu vực. Hầu hết các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đều nhận định: việc tồn tại những tranh chấp là cơ sở để “khởi động” chức năng xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế.
Tuy nhiên, cơ quan nào sẽ có thẩm quyền xét xử đối với các vụ việc được đưa đến tòa thì còn tùy thuộc vào chức năng và phạm vi thẩm quyền của từng cơ quan trên cơ sở các quy định của luật quốc tế và UNCLOS 1982.
Đồng thời, các chuyên gia cũng “lưu ý” rằng: các quốc gia khi quyết định đệ đơn lên bất kì cơ quan tài phán quốc tế nào cần có sự cân nhắc kĩ về thời điểm, căn cứ, niềm tin và quyết tâm mà quốc gia theo đuổi cũng như các áp lực về chính sách đối nội, đối ngoại mà quốc gia sẽ gặp phải. Dù lựa chọn biện pháp nào thì sự hợp tác, đồng thuận và thiện chí của các bên là điều vô cùng quan trọng.
|
Cũng trong nội dung này, các học giả đưa ra những gợi ý nhất định về các biện pháp được cho là “hợp lý” để Việt Nam và các bên cân nhắc. Ngoài ra, vai trò của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp biển Đông cũng được phân tích tương đối kỹ.
Sau hai ngày làm việc nghiêm túc và hiệu quả, với phương thức thảo luận thẳng thắn, khách quan, xây dựng và cầu thị, hội thảo được đánh giá là rất thành công với sự tham gia thảo luận sôi nổi của các học giả. Hội thảo có ý nghĩa như một diễn đàn lớn cung cấp các thông tin, kinh nghiệm liên quan đến vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển, đặc biệt là tranh chấp trên biển Đông. Nhiều nội dung được các đại biểu thống nhất, cũng có những vấn đề chưa đạt được sự đồng thuận nhưng đây chính là tiền đề, điều kiện để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, tìm giải pháp.
Kết quả của hội thảo là những đóng góp quan trọng từ phương diện pháp lý và thực tiễn của giới học giả nhằm tìm kiếm các giải pháp thiết thực cho việc giải quyết tranh chấp biển giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có tranh chấp biển giữa Việt Nam và các nước ở biển Đông, hướng đến xây dựng một khu vực phát triển ổn định, hòa bình và thịnh vượng hơn.