Nỗ lực của chính quyền từ việc trồng quế
Vượt quãng đường dài nhọc nhằn bằng xe máy từ thành phố Lào Cai lên Bắc Hà trong cái nắng nóng khô rát cuối thu, bụi đường dày đặc, cái cảm giác mệt nhọc bỗng tan biến khi chúng tôi đến địa phận xã Nậm Lúc, choáng ngợp trước bạt ngàn màu xanh của quế cùng mùi hương thơm ngát rất đặc trưng. Dọc theo hai bên đường là các vườn quế vừa mới trồng nằm xen kẽ giữa các ngôi nhà mới xây, các đồi quế cứ trùng trùng điệp điệp nối nhau dẫn vào bản, chỗ thì đã mọc ngang đầu cũng có chỗ đã vào mùa thu hoạch.
Thấp thoáng sau những vườn quế của đồng bào người Dao là sự thay đổi rõ rệt về kinh tế và đời sống ở địa phương. Giờ đây nhiều nhà xây, lợp ngói đã được mọc lên để thay cho những ngôi nhà lợp tranh xưa kia. Những con đường đất dẫn về bản trước đầy ổ voi, ổ gà nay đã được bê tông hóa khiến cho các phương tiện không phải lo thủng xăm hoặc gặp phải đá sỏi như trước kia.
Trước đây các đồi núi đều phải bỏ hoang do bà con phát nương làm rẫy, giờ được phủ một màu của xanh của quế. Trong các bản làng, đâu đâu cũng có quế, cây nào cây đấy thẳng tắp, vươn mình kiêu hãnh dưới mặt trời. Và quế chính là cây chủ lực để thay thế cho ngô, sắn vì nó không đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Tiếp chuyện phóng viên, ông Cò Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc phấn khởi cho biết: “Có được sự thay đổi như ngày hôm nay là do sự nỗ lực của bà con và chính quyền địa phương cùng đồng thuận. Từ ngày có cây quế, đời sống của bà con đồng bào Dao đã thay đổi hơn trước rất nhiều rồi. Bây giờ các hộ gia đình không còn phải ăn cơm ngô độn sắn như những năm về trước nữa.
Giờ có cây quế nên gia đình nào cũng hăng say chăm sóc cho vườn quế của gia đình mình. Nhận thấy đây là cây dược liệu có hiệu quả kinh tế nên chính quyền xã chúng tôi tiếp tục vận động bà còn mở rộng diện tích để phát triển, và ai cũng hăng hái thực hiện”.
|
Bà con ở Nậm Lúc tước vỏ quế bán cho thương lái |
Theo ông Đạt, hiện Nậm Lúc có trên 800ha rừng quế, trong đó diện tích trồng mới năm 2014 là trên 200ha. Do người dân mở rộng diện tích nên những năm gần đây sản lượng quế tăng cao. Quế Nậm Lúc lại có chất lượng tốt, không thua kém sản phẩm quế của xã Nậm Đét.
Trong vụ thu hoạch quế năm 2015 này, giá quế lại tiếp tục tăng cao nên bà con nhân dân càng phấn khởi. Quế ở Nậm Lúc chủ yếu là vỏ quế khô, hiện giá bán trung bình dao động từ 36-39 ngàn đồng/kg.
Cây quế mang ấm no cho bản làng
Mấy năm nay quế được giá, nhiều hộ gia đình ở Nậm Lúc đã có thu nhập hàng chục triệu đồng từ cây quế, làm được nhà, sắm được xe. Điển hình là hộ gia đình bà Phàn Thị Ngoan ở thôn Nậm Lầy. Bà Ngoan đã đi đầu trong việc mở rộng diện tích nhờ hưởng ứng dự án trồng quế năm 2014 do Trạm Khuyến nông và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp với xã triển khai.
Hiện gia đình bà Ngoan đã trồng thêm 10ha quế, nâng tổng diện tích của gia đình lên 20ha, trong đó có 7ha đang cho thu hoạch. Mấy năm gần đây, gia đình bà Ngoan thu trên dưới 100 triệu đồng từ bán quế. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình bà Ngoan đã thu trên 50 triệu đồng từ tỉa bán vỏ quế khô.
Đến thăm nương quế của gia đình bà Phàn Thị Ngoan đã bắt đầu thu hoạch tước vỏ, bà Ngoan thật thà bộc bạch về bí quyết làm giàu của gia đình mình: “Năm đầu thấy người Dao Đỏ xã Nậm Đét trồng quế cho thu nhập cao, gia đình tôi đã sang xin giống và học cách trồng. Đến nay gia đình tôi có 10ha quế đã cho thu hoạch và đem lại nguồn thu ổn định. Năm ngoái chính quyền có dự án mở rộng diện tích, tôi đã đi đầu bằng việc mở rộng 10ha quế để bà con cùng làm theo”.
|
Ở xã Nậm Lúc, quế là cây trồng chủ lực trong việc xóa đói giảm nghèo |
Được biết, riêng vụ thu hoạch quế năm 2015, bà con nông dân ở xã Nậm Lúc đã thu hoạch, bán gần 100 tấn vỏ quế khô, thu gần 4 tỷ, tăng trên 1,5 lần so với năm 2014. Đây là vụ quế cho thu nhập cao nhất từ trước đến nay. Ngoài sản phẩm vỏ quế khô, người dân xã Nậm Lúc còn chủ động xây lò chế biến tinh dầu quế từ lá và cành quế, họ còn thu gom hạt rồi bán cho tiểu thương. Hiện nay quế là cây trồng chủ lực, vừa giải quyết việc làm lại tăng thu nhập cho hàng trăm lao động ở địa phương.
Chủ tịch xã Nậm Lúc Cò Văn Đạt cho biết: Thôn Nậm Kha 1 và Nậm Kha 2 là thôn điển hình của xã Nậm Lúc trong việc mở rộng diện tích trồng quế. Trong năm 2014, thực hiện dự án trồng quế do UBND xã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai gắn với chương trình trồng rừng kinh tế, bà con nhân dân 2 thôn đã tích cực chuyển đổi đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng quế, đồng thời tích cực khai hoang, trồng mới hơn 100ha quế.
Hiện 2 thôn trên có hơn 200ha quế. Cây quế đã và đang đem lại nguồn thu đáng kể, cải thiện, nâng cao đời sống cho nhân dân. Có được kết quả này, cấp ủy, chi bộ thôn đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Ông Đặng Văn Ánh, Bí thư Chi bộ thôn Nậm Kha 2 phấn khởi cho biết: “Trước đây gia đình chỉ quen trồng lúa, ngô một vụ và trồng sắn, thu nhập chẳng đáng kể nên không đủ ăn. Kể từ khi gia đình được Chi bộ thôn vận động trồng quế, hiểu được lợi ích thiết thực nên tôi đã mạnh dạn trồng và mở rộng diện tích, đến nay cây quế đã và đang đem lại nguồn thu chính cho gia đình tôi”.
Cũng theo ông Cò Văn Đạt: “Hiện bà con nhân dân luôn đồng thuận trong việc phát triển cây quế. Xã Nậm Lúc luôn coi quế là cây trồng chủ lực và đã đưa vào Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015- 2020 để bà con có thể xóa được đói, giảm được nghèo. Xã xác định mỗi năm phải trồng thêm mới từ 50-70ha và đến năm 2020, toàn xã sẽ có trên 1.200ha quế. Riêng năm 2015, xã Nậm Lúc phấn đấu trồng mới 130ha rừng quế, gồm 100ha theo chương trình của Ban Quản lý rừng phòng hộ; 30 ha thuộc chương trình khuyến nông.
Chủ trương, quyết sách đúng đắn trong biện pháp phát triển kinh tế của Nậm Lúc, nhất là việc định hướng có hiệu quả cho bà con từ chương trình trồng quế đã và đang góp phần tích cực vào việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.