Nguy cơ đánh mất tiếng mẹ đẻ
Không phải cho đến bây giờ, người ta mới nhắc đến việc tiếng nói của dân tộc thiểu số có nguy cơ mất đi mà đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Song đến nay, tình trạng này gần như phổ biến ở tất cả các dân tộc.
Từ những năm 1986 – 1987, GS.Đặng Nghiêm Vạn đã dành hàng tháng trời nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa ngôn ngữ của người Ơ Đu, ông đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát khác nhau và kết quả là họ đã mất đi tiếng nói của dân tộc mình. Những nỗ lực tìm kiếm, sưu tầm tiếng Ơ Đu của ông không mang lại nhiều kết quả khả quan bởi tiếng Ơ Đu đã gần như bị mất đi.
Hiện 70% ngôn ngữ của dân tộc này chủ yếu vay mượn từ tiếng Thái và tiếng phổ thông. Những từ ngữ dùng trong quan hệ xưng hô gia đình cũng vay mượn chủ yếu từ tiếng Thái như “ta-ka-luông-dinh” (ông nội), “me-ka-luông-dinh” (bà nội), “ta-nai” (ông ngoại),…
Không chỉ đánh mất tiếng nói, chữ viết trong sinh hoạt hằng ngày, người dân tộc thiểu số còn đứng trước nguy cơ bị mất đi những sáng tác như những bài hát, bài thơ hay bài cúng cổ dùng tiếng nói dân tộc. Trong những bài hát dân ca truyền thống của người Kháng, người Xi Mun, bài văn cúng cổ sử dụng nhiều ngôn ngữ Ơ Đu nhất thì việc vay mượn từ tiếng Thái cũng chiếm tới 70 – 80%.
Hiện nay, tại một số dân tộc thiểu số có tiếng nói, chữ viết riêng, việc sử dụng song ngữ tiếng mẹ đẻ và tiếng Kinh là hình thức giao tiếp chính. Nhưng trong nhiều năm qua, người dân các vùng này lại đang dần chuyển sang tiếng Kinh, chỉ còn lại số ít người già vẫn giữ được tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Đặc biệt, những người trẻ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số gần như sử dụng tiếng Kinh là ngôn ngữ chính. Không ít dân tộc đã làm mất đi tiếng nói, chữ viết riêng của mình.
Mặt khác, tâm lý của người trẻ tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, nhiều người không muốn sử dụng tiếng dân tộc mình bởi quá khó khăn trong giao tiếp, cũng không được tiếp xúc thường xuyên với ngôn ngữ này, thậm chí nhiều người cho rằng đó là “quê mùa” và không hội nhập, vì vậy họ từ bỏ dần tiếng dân tộc mình.
Ông Nịnh Văn Nghi, 81 tuổi, dân tộc Cao Lan, thôn Dân Chủ, xã Đội Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang cho biết: “Ngôn ngữ giao tiếp chính của đồng bào người dân tộc nơi đây vẫn sử dụng ngôn ngữ Cao Lan là chính nhưng do giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế, sống xen kẽ với người dân tộc Kinh, đại đa số biết và sử dụng thành thạo tiếng phổ thông nên việc học, sử dụng tiếng dân tộc thiểu số được xem là không cần thiết và không được chú trọng. Thế hệ trẻ hiện nay sinh sống và lớn lên ở thành phố, thị trấn, gia đình không chú trọng việc học tiếng cũng không biết nghe, nói tiếng dân tộc mình”.
Còn theo một báo cáo của Sở Thể thao và Văn hóa du lịch tỉnh Lào Cai, đồng bào dân tộc Tu Dí thuộc một nhánh của dân tộc Bố Y, từng có chữ viết và tiếng nói riêng, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ là ngôn ngữ chính nhưng cách đây 50 năm, họ đã đánh mất bản sắc ngôn ngữ riêng.
Bảo tồn ngôn ngữ qua các sản phẩm du lịch
Hiện nay nhiều dân tộc vẫn giữ được những bản sắc riêng như trang phục hay các lễ hội truyền thống, từ đó phát triển mạnh mẽ hơn công tác bảo tồn văn hóa của dân tộc thiểu số. Trong đó, cần nhấn mạnh ngôn ngữ dân tộc cũng là tài nguyên du lịch nhân văn, cần nghiên cứu, bảo tồn, phát huy để trở thành sản phẩm du lịch, giúp đồng bào có thêm nguồn thu nhập.
Nguy cơ đánh mất ngôn ngữ dân tộc thiểu số trước những thay đổi của xã hội hiện tại. |
Vấn đề này có thể khai thác bằng cách tổ chức trình diễn, tái hiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các lễ hội văn hoá dân tộc, bảo tàng, hội chợ văn hoá – du lịch quốc tế.
Ngoài ra, ngôn ngữ là một trong những sáng tạo lớn nhất của con người, có sức hút lớn đối với các nhà khoa học về xã hội – nhân văn trên thế giới; thậm chí với cả giới đạo diễn điện ảnh, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước – những người luôn đi tìm kiếm những chất liệu mới. Còn đối với ngành du lịch, dù du khách quốc tế đến Việt Nam hay du khách nội địa đều mong muốn những trải nghiệm mới lạ, đậm đà bản sắc địa phương.
Những khó khăn trong việc giữ tiếng dân tộc thiểu số đòi hỏi cần có những biện pháp kịp thời để bảo tồn không chỉ ngôn ngữ riêng mà còn là bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ được yếu tố đa dạng sắc màu dân tộc của nước ta hiện nay.
Nghị định số 82/2010/NÐ-CP của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên đã mở ra một cách làm mới cho việc bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số hiện nay. Việc đưa 6 tiếng dân tộc: Mông, Ê Đê, Jrai, Bahnar, Chăm, Khmer vào chương trình dạy học chính của 20 tỉnh và thành phố đã bước đầu giúp thế hệ trẻ biết tới và có thể sử dụng tốt hơn tiếng nói của cha ông.
Bên cạnh đó, ứng dụng những sản phẩm sáng tạo sử dụng tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số vào công tác phát triển du lịch, tạo ra môi trường du lịch cộng đồng cho du khách cũng được xem là hướng phát triển mới, vừa có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển đời sống, vừa đảm bảo cho công tác bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số hiện nay.
Bảo tồn tiếng nói dân tộc mình là bảo tồn những giá trị bản sắc cốt lõi nhất. Nhưng đứng trước những thách thức mà nền kinh tế thị trường đặt ra, ngôn ngữ riêng của các dân tộc đang bị bão hòa và rất khó khăn để giữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Trong số các dân tộc thiểu số ở nước ta có khoảng 30 dân tộc có tiếng nói và chữ viết riêng nhưng hiện chỉ còn 14 dân tộc còn giữ được ngôn ngữ riêng có sử dụng vay mượn từ. Bởi vậy, nếu không có những biện pháp kịp thời bảo tồn ngôn ngữ thì nguy cơ bị mất đi bản sắc văn hóa riêng của các dân tộc thiểu số sẽ không còn là nỗi lo...