Nghi lễ đón thần thánh xuống trần gian vui với dân làng
Đến nay, Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn đã hai lần được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Pà Thẻn, còn có tên Pà Hưng…, thuộc nhóm ngôn ngữ Hmông-Dao, là một dân tộc thiểu số có dân số dưới 10.000 người, cư trú chủ yếu tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang); Chiêm Hóa, Yên Sơn, Lâm Bình (Tuyên Quang).
Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là Thần Lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Theo quan niệm của người Pà Thẻn, nhảy lửa là nghi lễ đón thần thánh xuống trần gian cùng vui với dân làng, phù hộ cho dân làng thêm sức khoẻ, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Diễn ra vào lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn thường được tổ chức vào khoảng từ 16/10 âm lịch năm trước đến 16/1 âm lịch năm sau. Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần: cúng trước khi mặt trời lặn, diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối, diễn ra trong khoảng 1 tiếng, bắt đầu vào khoảng từ 19h.
Nhảy múa trên giàn lửa nhưng không ai bị bỏng. |
Trong phần nghi lễ thứ nhất, người Pà Thẻn tổ chức lễ “kéo chày”. Lúc này, thầy Mo cầm một chiếc chày dựng thẳng trên đất (chày được làm bằng một đoạn gỗ hoặc cây vầu, có đường kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m), xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú. Còn hai thanh niên cường tráng ôm chặt phần trên và dưới của chày. Vừa xoay chày, thầy Mo vừa đọc thần chú, sau đó như có một phép thuật mà không ai có thể diễn tả nổi, chiếc chày tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng trong bản hè nhau kéo chày xuống cũng không kéo nổi. Chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chày mới chạm đất, khi đó lễ kéo chày kết thúc.
10 năm nhảy múa trên than hồng chưa bao giờ bị bỏng
Mở đầu nghi lễ Nhảy lửa, thầy Mo bày các lễ vật lên mâm cúng, thắp hương tế cáo trời đất, tổ tiên. Lễ vật cúng tế gồm một con lợn, rượu, giấy cúng, đèn hương… Đầu tiên, thầy cúng sẽ gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Khi thầy Mo gõ vào đàn gỗ, làm lễ cúng, những người tham gia nhảy lửa (chỉ dành cho nam giới, một lễ hội thường có 8-10 người nhảy múa trên lửa) sẽ ngồi đối diện với thầy và được làm phép “nhập ma”.
Trước kia, phụ nữ Pà Thẻn cũng nhảy lửa như nam giới. Tuy nhiên, trong quá trình nhảy múa, trang phục của một số người bị xô lệch. Các cụ già khi xem thấy không chấp nhận được nên đề nghị thầy Mo xin với Thần Lửa và tổ tiên khoá cửa nhập đồng đối với người phụ nữ. Từ đó người phụ nữ Pà Thẻn không thể nhảy múa trên đống than lửa như nam giới.
Toàn cảnh Lễ Nhảy lửa huyền bí. Ảnh: Giang Lam - Lê Đức |
Nghệ nhân, thầy Mo Phù Văn Thành (ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, mở đầu thầy Mo gọi hết tên 28 sư thầy về đầy đủ rồi khấn: “Hôm nay, tôi triệu tập các sư thầy và quan binh về đây, không phải vì lý do lễ tết hay ma chay, mà gọi về đây vì các học trò và muôn dân muốn được thưởng thức một Lễ hội Cầu lửa, để xua đi tà ma, đem lại niềm vui cho mọi người, đem lại ấm no cho mọi nhà”. Khi được các thần đồng ý, thầy Mo sai các học trò châm lửa vào đống củi. Đống củi to được đốt cháy thành than đỏ rực. Trong lúc đó, thầy Mo tiếp tục gõ đàn Pàn dơ và lắc Pà sán tầu, miệng lẩm nhẩm đọc các bài cúng. Khoảng 20 - 30 phút sau, người từng chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt tự nhiên khác lạ, đầu lắc đi lắc lại như đang nhập đồng. Người Pà Thẻn cho rằng, lúc này các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó.
Khi đã ở trạng thái xuất thần, chàng trai Pà Thẻn lao vào đống than lửa cháy rực nhảy múa trên đống lửa với đôi chân trần. Anh ta dùng tay bốc than đỏ tung lên, vẫy vùng phá lửa, xung quanh người nhảy phủ kín một màu đỏ rực rất đẹp mắt. Có người còn bốc than hồng cho vào mồm nhai. Nhảy múa một lúc, hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban tiếp sức mạnh cho đợt nhảy mới. Anh Phù Văn Hồng (ở thôn Thượng Minh) cho biết: “Tôi nhảy lửa 10 năm rồi và chưa bao giờ bị bỏng. Những người khác cùng tham gia nhảy lửa như tôi cũng vậy, chân tay vẫn nguyên lành, không bị tổn thương gì cả”.
Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ. Lễ hội kết thúc, thầy Mo đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.