Huyền bí ngôi mộ cổ ven biển, nơi phu nhân của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực hi sinh

(PLVN) - Từ nhiều thập niên nay, ngư dân ở xã Cửa Cạn (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) thường đến thăm viếng một ngôi mộ cổ ở cửa sông Cửa Cạn trước chuyến đi biển dài ngày. Đó là mộ của Bà lớn tướng Lê Kim Định - phu nhân của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Xung quanh ngôi mộ có tiếng linh thiêng này tồn tại nhiều câu chuyện bí ẩn, ly kì...
Mộ bà lớn Lê Kim Định
Mộ bà lớn Lê Kim Định

Nhiều người dân kể rằng, vào những đêm trăng tròn, họ thường thấy một chiếc tàu cổ xuất hiện trên mặt biển gần khu vực ngôi mộ. Trên con tàu đó có tiếng hát ru con rất thê lương của một thiếu phụ. Nếu ngư phủ nào trông thấy con tàu mà thành tâm nguyện cầu, nhất định những chuyến đi biển về sau sẽ được “thuận buồm xuôi gió” và trúng nhiều cá tôm?

Giai thoại về phu nhân của anh hùng Nguyễn Trung Trực

Chúng tôi đã vượt quãng đường hơn 20km từ thị trấn Dương Đông về xã Cửa Cạn, tìm gặp những nhân chứng để tìm hiểu về câu chuyện mà người dân nơi đây truyền tụng. Theo chỉ dẫn của tấm biển “Đường vào mộ bà” nằm ngay sát con lộ lớn, khách phải xuyên qua hơn 3km rừng sim, toàn cát biển và bạt ngàn cỏ dại mới tới ngôi mộ cổ nằm chơ vơ sát mép biển hoang sơ. Nơi đây vốn là địa danh nổi tiếng với nhiều giai thoại liên quan đến Bà lớn tướng Lê Kim Định, phu nhân của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Đường đến khu mộ thiêng
Đường đến khu mộ thiêng  

Theo một số tài liệu nghiên cứu và tài liệu lịch sử, vào đêm 16/6/1868, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh chiếm và làm chủ thành Rạch Giá (Kiên Giang), làm nên chiến công hiển hách “kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần”. Ngay sau chiến thắng oanh liệt đó, quân Pháp gồm các sĩ quan cấp cao cùng một số tên Việt gian đã kéo quân phản công. Trong tình thế địch mạnh ta yếu, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực tạm thời lui về đảo Hòn Chông, rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Hàm Ninh nhằm tổ chức kháng chiến lâu dài.

Đến tháng 9/1868, tên Việt gian Huỳnh Công Tấn, bạn kháng chiến của Nguyễn Trung Trực thời điểm đánh trận đốt tàu L’Espérance của quân Pháp trên sông Nhật Tảo (10/12/1861) đã đầu hàng giặc. Rồi hắn dẫn đường cho bọn Pháp tiến quân ra đảo Phú Quốc truy kích nghĩa quân. Tại đây, Nguyễn Trung Trực bị Huỳnh Công Tấn viết một lá thư nói quân Pháp đã bắt được mẹ Nguyễn Trung Trực, ông phải nộp mạng để cứu mẹ mình.

Vì vậy, ông ra hàng và bị Pháp xử tử không lâu sau đó. Cũng theo tài liệu của các nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây cho rằng, phu nhân của Nguyễn Trung Trực có tục danh là Điều, tên thật là Lê Kim Định. Bà đã sát cánh bên chồng trong các hoạt động kháng Pháp. Có nhiều nguồn khẳng định, bà đã từng bị Pháp bắt 2 lần, giam tại Rạch Giá và đều được Nguyễn Trung Trực giải cứu thành công. Khi chồng lui quân về Phú Quốc, bà Điều cũng đi theo.

Vì bà là vợ cả nên dân địa phương Phú Quốc gọi là “Bà Lớn Tướng”. Khi quân Pháp đánh ra Hàm Ninh, Nguyễn Trung Trực phải đưa nghĩa quân về Dương Đông rồi rút về Cửa Cạn. Sau đó, bà Lớn Tướng đã hy sinh tại đây. Trong lúc giao chiến, nghĩa quân đã lén cướp xác bà đem lên bãi Ông Lang chôn cất. Vì sợ Pháp quật mồ nên nghĩa quân chỉ đắp một ngôi mộ đất, không đề bia. 

Tìm được mộ từ một giấc mơ

Ngược dòng thời gian, bà Chín Hồng (SN 1959, người chăm nom mộ bà Lớn Tướng 32 năm, ngụ xã Cửa Cạn) kể lại rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí: Thủa ban đầu mộ bà Lớn Tướng chỉ là một nấm mồ đất, xung quanh được bao bọc bởi cây gỗ trai. Đến năm 1968, mộ được xây bằng đá và trùng tu lại vào năm 1980.

Cũng từ đó, ngôi mộ mới trở nên khang trang, sạch sẽ với mộ bia có dòng chữ trang trọng bà Lớn Tướng Lê Kim Định. Quãng thời gian tìm được mộ bà Lớn Tướng thật vất vả, quanh đó đã có rất nhiều chuyện kỳ lạ đã xảy ra. Trước đây, ông Tư Ngây, một ngư phủ địa phương, được cho là con cháu nhiều đời của một nghĩa sĩ trong nghĩa quân Nguyễn Trung Trực chính là người đã tìm thấy nấm mộ bà Lớn Tướng.

Trong một đêm nằm ngủ mơ, ông Tư Ngây đã gặp một nữ tướng tự xưng là bà Lớn Tướng nói: “Tiền nhân của ngươi là người từng chôn cất cho ta, ông ta hứa rằng sau này sẽ xây mộ đàng hoàng cho ta. Ngươi là phận con cháu thì phải thực hiện lời hứa đó. Hài cốt của ta đang ở giữa rừng hoang, ngươi hãy an táng cho ta ở cửa sông, gần bãi biển nơi ta đã nắm xuống khi xưa, chỗ đó có tấm ván gỗ lớn”. Khi tỉnh dậy, ông Tư Ngây nhớ lại thuở còn trẻ thường nghe ông cố mình kể nhiều câu chuyện liên quan đến phu nhân của anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Cận cảnh bàn thờ phu nhân tướng quân Nguyễn Trung Trực
Cận cảnh bàn thờ phu nhân tướng quân Nguyễn Trung Trực  

Sau khi Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp đánh úp đã phải di binh về Phú Quốc. Vợ ngài tên là Điều (được mọi người gọi là bà Lớn Tướng) cũng ra Phú Quốc cùng chồng tham gia kháng chiến chống Pháp. Lúc ấy bà cũng vừa hạ sinh một công tử. Khi căn cứ chưa xây xong, quân Pháp đã đưa quân ra đánh. Trong hoàn cảnh đó, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực phải chia thành 2 cánh quân lùi về bắc đảo Phú Quốc hoang vu để tạo bẫy gọng kìm chờ quân Pháp tiến vào.

Một cánh quân do bà Điều chỉ huy đóng chốt tại cửa sông Cửa Cạn có nhiệm vụ nghi binh câu nhử quân Pháp từ biển tiến sâu vào đảo theo đường sông. Cánh quân kia do Nguyễn Trung Trực chỉ huy mai phục trên sông nhằm đánh úp bất ngờ. Để an toàn cho đứa con mới chào đời, bà Điều đã giao con trai cho Nguyễn Trung Trực giữ. Ở cửa sông này, mỗi khi thủy triều dâng, sóng đẩy cát lấp cửa sông nhưng tàu bè vẫn có thể ra vào được. Khi triều rút, nước biển từ sông rút ra, cát bị tồn ứ ở cửa sông khiến tàu bè không thể ra vào được.

Quân Pháp tấn công đúng lúc thủy triều rút, tàu nghi binh của bà Điều đã bị mắc cạn. Dù vậy, bà Điều vẫn không nao núng, chỉ huy binh sỹ vừa chiến đấu vừa cho người móc cát để tàu lui vào nhánh sông. Khi lính do thám báo tàu của phu nhân mắc cạn, Nguyễn Trung Trực quá lo lắng nên vội vã giấu đứa con trai sơ sinh vào một bọng cây cổ thụ (hiện vẫn còn di tích ở Cửa Cạn) rồi chỉ huy binh sĩ xông ra giải cứu cho vợ.

Thật đáng tiếc vì ra đến nơi thì bà Điều đã hy sinh. Bị quân Pháp đánh cấp tập, ông đành lui quân về Ghềnh Dầu nhằm bảo toàn lực lượng. Trong cơn nguy biến, sinh mạng binh sĩ quan trọng hơn nên ông đành  lòng bỏ con ở lại trong lùm cây cùng với một nải chuối vàng. Mấy ngày sau, ông cố của ông Tư Ngây là một nghĩa binh thuộc hạ của Nguyễn Trung Trực giả dạng ngư phủ đánh vượt vòng vây quân Pháp trở ra Cửa Cạn để tìm con trai chủ tướng.

Khi đến nơi, không thấy công tử ở đó nữa. Ông đành ngậm ngùi cho đám quân của mình mang thi thể phu nhân Nguyễn Trung Trực đưa lên bãi biển hoang vu cách Cửa Cạn vài cây số để mai táng tạm và khấn hứa sẽ dặn con cháu đời sau xây mộ khang trang cho bà. Sau giấc mơ kỳ lạ, ông Tư ngây nhiều năm lặn lội, bất chấp khó khăn, nguy hiểm và cuối cùng cũng tìm được mộ bà Lớn Tướng.

Nhưng hoàn cảnh lúc đó nghèo khó nên ông cũng chỉ biết thắp hương, vén đất và dùng gỗ đóng quanh ngôi mộ. Dù đã cố gắng nhưng những kỷ vật như nải chuối vàng chẳng thể nào tìm thấy. Trong một đêm trăng sáng, ông bất ngờ thấy ánh hào quang sáng phát ra từ khu vực mộ cổ, khi chạy đến thì ánh hào quang vụt tắt. Ông cố tìm kiếm khu vực ven bãi biển chỗ khu vực phát ra ánh hào quang thì phát hiện ra một tấm ván lớn. Cho rằng đó chính là tấm ván trên chiếc thuyền của bà Lớn Tướng nên ông đã rửa sạch, đem về để cạnh ngay ngôi mộ bà.

Sau này, ông cùng các gia đình ngư dân khác gom góp tiền bạc, công sức xây mộ. Khi chúng tôi hỏi về gia đình ông Tư Ngây để tìm hiểu câu chuyện rõ ràng hơn thì được bà Chín cho biết, cả hai vợ chồng ông đã qua đời ở tuổi trên 100. Con cái của ông Tư Ngây đã trưởng thành hết lượt nhưng mỗi đứa một phương trời, giờ đây cũng không biết họ sinh sống như thế nào.

(Còn nữa) 

Đọc thêm