Kỳ thú non thiêng
Núi Tà Lơn thuộc tỉnh Kampot, Campuchia, từ lâu trở thành “Thánh địa” linh thiêng của các bậc tu hành, luyện phép khắp nơi. Nơi đây được xem là hội tụ tinh hoa trời đất mà các đạo sĩ, pháp sư hay những nhà tu hành sau khi khổ luyện ở quê nhà thượng sơn vào cảnh giới của sự giác ngộ và đắc đạo. Những hang động cheo leo bên vách núi, những tảng đá nhiều hình thù kỳ quái, mây mù vần vũ bốn phương…làm cho nơi này thêm huyền bí.
Dãy núi Tà Lơn có độ cao gần 1.080m, được người Việt ví như Đà Lạt của Campuchia. Có lẽ ít có vùng núi nào bên ngoài lãnh thổ mà có sức ảnh hưởng trong văn hóa tín ngưỡng đồng thời mang nhiều dấu ấn người Việt như vậy. Đặc biệt, với nhiều người dân trên vùng đất Thất Sơn, An Giang, họ vẫn xem những điều huyền bí trên quê hương mình được bắt nguồn từ thánh địa núi Tà Lơn.
Tà Lơn xưa từng được nhắc đến trong truyện ngắn “Thơ núi Tà Lơn” của nhà văn Sơn Nam, đó là vùng rừng hung đất hiểm với bao loài muông thú, hiện lên qua những câu thơ như: “Xứ hiểm địa chim kêu vượn hú/ Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan/ Ngó dưới sông con cá mập lội dư ngàn/ Nhìn trên suối sấu nằm dư khúc/ Loại thú cầm trông thấy chỉnh ghê”.
Bên cạnh đủ loài động vật hoang dại, Tà Lơn còn có không ít loài dị thú: “Giống chằn tinh lai vãng dựa xó hè/ Con gấu ngựa tới lui nằm xó vách/ Bầy chồn cáo đua nhau lúc nhúc/ Lũ heo rừng chạy giỡn bát loạn thiên/ Trên chót núi nai đi nối gót/ Cặp dã nhân kêu tiếng rảnh rang/ Ngó sau lưng con kỳ lân mặt đỏ như vàng/ Nhìn phía trước ông voi đen huyền như hổ…”.
Bên cạnh những điều huyền bí đậm chất tâm linh, Tà Lơn còn đặc biệt bởi đây là điểm rìa cuối cùng trong chuỗi kiến tạo địa chất của dải Himalaya hùng vĩ, dãy núi vốn được giới phong thủy từ cổ chí kim xem như là “long mạch tổ” của vùng đất phương Đông. Núi Tà Lơn vì vậy được xem là vùng phụ cận của vùng “đại huyệt” thuộc vòng cung long mạch tổ dải Himalaya, kéo dài hơn 2.400km, qua những quốc gia có nền văn hóa lâu đời Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal và Bu-tan.
|
Huyền bí non thiêng Tà Lơn. |
Đó là một trong những lý do mà ngay từ thuở bình minh của nền văn hóa phương Đông, núi Tà Lơn đã trở thành một địa điểm linh thiêng của người dân khu vực cực Nam châu Á, trong đó có Vương quốc Campuchia và Việt Nam. Nhưng có một luồng ý kiến khác lại cho rằng, chính điều kiện tự nhiên của vùng núi Tà Lơn là một trong những nguyên nhân chính tạo nên “linh danh” của ngọn núi này.
Được bao bọc bởi một bên là núi cao rừng thẳm, một bên là vùng Vịnh Thái Lan ấm áp rộng lớn, lại có độ cao tương đối vừa phải, núi Tà Lơn được xem như là túi khí tươi lành mà bà mẹ thiên nhiên ban tặng cho cư dân vùng đất cực Nam của đất nước Chùa tháp. Do có một vị trí lý tưởng nên khí hậu ở vùng núi này quanh năm mát mẻ, trái ngược với bầu không khí nóng ẩm thường thấy ở những khu vực cận xích đạo như Campuchia hay Việt Nam.
Theo các tài liệu địa chất, hàng triệu năm trước vùng núi Tà Lơn là biển cả, tuy nhiên sau quá trình kiến tạo vỏ trái đất, vùng đất chìm dưới biển này nhô lên thành non cao. Đến bây giờ, trên núi vẫn còn những vết tích của đại dương, như cát biển tinh nguyên, những vỏ sò ngàn năm tuổi, những hòn đá bị nước biển bào mòn tạo nên những hình thù muôn vẻ.
Nằm trong khu vực được điều tiết bởi khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, Tà Lơn rất đa dạng về mặt sinh học. Trong số hàng ngàn loài thực vật mà các nhà khoa học phát hiện ở đây, có rất nhiều loài được các nhà khoa học xếp vào loại kỳ hoa dị thảo, nhiều loài quý hiếm có tác dụng chữa bệnh.
Tà Lơn bây giờ không còn hoang vắng và đáng sợ như miêu tả người xưa, trên con đường nhựa rộng lớn trải dài ngoằn ngoèo hơn 30km dẫn lên đỉnh núi thường xuyên tấp nập du khách. Khách du lịch đến với Tà Lơn có thể tận hưởng cảm giác mát dịu cùng kiểu khí hậu, thời tiết đỏng đảnh bất thường, từ nắng vàng đang rực rỡ đó bỗng trong phút chốc vần vũ mây bay, từ đất trời treo vong bỗng chốc mờ ảo trong làn sương mù lành lạnh, hay lúc chờn vờn mây trắng khi lại tối sầm trong khung cảnh mây vờn gió hú. Vào mùa mưa, trên lưng chừng núi dày đặc sương mù, tầm nhìn chỉ được vài mét.
Cảnh sắc thiên nhiên theo địa hình cũng thay đổi liên tục, nơi thì cánh đồng trăm mẫu có bạt ngàn cây cối sinh sôi, chỗ thì vùng Rừng đá (thạch lâm) với hàng trăm ngàn phiến đá đen đủ hình thù kỳ bí, có nơi lại thoai thoải đá và cây cỏ xen lẫn trải dài ngút tầm mắt. Lưng chừng núi non là thác Povokvil gồm hai tầng - một công trình kỳ thú của thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này.
Xen lẫn với quang cảnh kỳ vỹ hoang sơ núi non, du khách sẽ bắt gặp những công trình tâm linh, những vết tích tiền nhân để lại, ẩn hiện trong làn sương mù gắn liền bao truyền thuyết, huyền thoại lưu truyền trăm năm. Ngoài ra còn có những phế tích do người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, từng thời gian dài bị con người lãng quên chìm vào hoang phế… Đặc biệt với du khách người Việt, trên Tà Lơn phóng tầm mắt có thể nhìn thấy bao quát toàn bộ đảo Phú Quốc của đất nước ta.
Thánh địa của giới tu hành
Từ xa xưa, Tà Lơn trong mắt mọi người là chốn rừng thiêng nước độc, non cao hiểm trở cùng sự ngự trị của muôn loài thú dữ, là nơi trùng trùng nguy cơ chỉ một sơ sẩy là coi như lành ít dữ nhiều. Thế nhưng với giới đạo sĩ, những cao nhân tu hành và những người muốn khẳng định tài năng, sức mạnh thì vùng núi hiểm này là nơi lý tưởng, bởi nơi đây được cho là tập trung linh khí đất trời, hội đủ yếu tố thích hợp để tu hành, rèn luyện nâng cao công lực, giác ngộ đắc đạo.
Người Việt vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vùng Thất Sơn tin rằng, ai đã tu luyện ở Tà Lơn đều là kỳ tài, có năng lực phi thường, đẳng cắp tối thượng, từ những danh y, vị chân tu đến pháp sư, đạo sĩ. Nhiều tài liệu và truyền thuyết lưu truyền trong dân gian cho rằng, từ trăm năm trước nhiều người Việt tu luyện tại Tà Lơn, có người mất trên núi được phong thánh, lại không ít người hoàn thành tu luyện, thăng cấp đại sư về sau khai môn lập đạo, trở thành giáo chủ của nhiều tôn giáo, đạo giáo ở miền Nam Việt Nam, được đông đảo tín đồ và người đời kính ngưỡng.
Theo đó, ảnh hưởng tâm linh của Tà Lơn từ hàng trăm năm trước đã vượt ra khỏi lãnh thổ Campuchia, được đông đảo đồ đệ các môn phái huyền thuật các nước trong khu vực tìm đến tu luyện, hoàn thành các thử thách để trở thành đại sư. Tà Lơn cũng là nơi nhiều môn phái lựa chọn làm nơi khảo nghiệm đệ tử sau thời gian học tập, rèn luyện ở bản doanh.
Ngày nay một số tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo ở Tịnh Biên, An Giang mỗi năm đều dẫn đoàn hành hương đến Tà Lơn tu luyện, giao lưu với các vị chân tu nơi này. Theo nhiều người tu hành, trong thế giới tu hành không có khoảng cách địa lý, không gian, mà mọi người chỉ biết hội tụ về nơi có oai linh để tinh tấn tu hành. Không chỉ các vị tu hành người Việt Nam, mà các vị tu hành người Thái Lan, Myanmar…cũng hay lui tới đây.
Theo lời một pháp sư, đường lên đỉnh Tà Lơn hầu như ai cũng biết, nhưng đường đến nơi tu luyện của các pháp sư chỉ có những người thuộc đẳng cấp nhất định mới có quyền biết. Trên núi có quần thể hang động luyện phép thuật, ẩn dưới những khối đá xếp tầng xếp lớp, các hang động sâu hun hút, vô số khối đá hình thù kỳ dị và hang, khe sâu tạo nên những hệ thống như mê cung. Tùy vào năng lực và đẳng cấp của từng đạo sĩ, pháp sư mà phải lựa chọn nơi tu luyện thích hợp.
Có những bãi hang động dành cho những pháp sư lần đầu chân ướt chân ráo đến tu luyện. Tuy nhiên cũng có những hang động nằm sâu dưới thung lũng, cạnh vực thẳm sâu hun hút với vách núi dựng đứng, nơi này chỉ dành cho những pháp sư cao tay ấn luyện. Những người chưa đủ trình độ năng lực muốn vào những nơi bí hiểm này phải có thầy đi kèm, nếu liều lĩnh vào những nơi vượt quá năng lực chịu đựng thì lành ít dữ nhiều.
(Còn tiếp)