Nơi ghi dấu nhiều kỳ nhân tu hành
Các thư tịch, kinh sách, lời kể của các bậc tu hành vùng An Giang nói riêng, vùng đồng bằng Sông Cửu Long nói chung cho thấy, nhiều nhân vậttên tuổi trong giới tu hành ở miền Nam từ xa xưa hầu hết từng tu luyện, vãn cảnh Tà Lơn nói chung, chùa Năm Thuyền nói riêng. Như Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807-1856), người được biết đến vớivai trò là sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông là một nhà yêu nước, nhà dinh điền đã có công khai hoang nhiều vùng đất như Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp), Thới Sơn (Tịnh Biên), Láng Linh và Cái Dầu (đều thuộc Châu Phú).
Hay như Đức Huỳnh Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (1920 - 1947) - người sáng lập đạo Phật giáo Hòa Hảo. Ông sinh ra ở tỉnh Châu Đốc (nay là tỉnh An Giang), thuở nhỏ ông thông minh, học hết bằng sơ học yếu lược Pháp - Việt nhưng hay bị đau ốm nên đành bỏ dở việc học. Từ thuở bé, ông đã có căn tính của một người tu hành, ông không thích đàn địch, ca hát, cười giỡn như các bạn cùng trang lứa mà lúc nào cũng trầm tư, tĩnh mặc, thích ở nơi yên tĩnh.
Khi bệnh tình của ông ngày càng trở nặng, được người nhà đưa đi chữa trị khắp nơi, gặp nhiều danh y trong vùng nhưng họ cũng đành chịu thua. Sau khi trở về từ một lần đi viếng cảnh núi Tà Lơn và vùng Thất Sơn (An Giang) cùng thân phụ, những chứng bệnh của ông dần thuyên giảm. Năm 1939, Huỳnh Phú Sổ thoát nhiên tỏ ngộ và tuyên bố khai sinh đạo Phật giáo Hòa Hảo, khi ấy ông chỉ mới 19 tuổi. Ông là người đa tài, có thể chữa bệnh, tiên tri, thuyết pháp và sáng tác thơ văn, kệ giảng.
Người nữa là Đức Bổn Sư Ngô Lợi (hay Ngô Tư Lợi, 1831 -1890) là giáo chủ đạo TứÂn Hiếu Nghĩa (gọi tắt là đạo Hiếu Nghĩa),và là lãnh tụ phong trào kháng Pháp tại miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Ngô Lợi là người ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.Tương truyền từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành, Ngô Lợi cũng không có biểu hiện gì khác lạ. Cho đến năm 1851, lúc 20 tuổi, ông viết Bà La Ni Kinh dài 223 chữ Hán, mang nội dung xưng tán Quán Thế Âm Bồ tát để khuyên người đời tu niệm, sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Hiếu Nghĩa.
Vùng núi Tà Lơn nơi Đơn Hùng Tín rèn luyện trước khi trở thành tướng cướp. |
Năm 37 tuổi, vào ngày mùng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), bỗng nhiên ông bất tỉnh. Sau bảy ngày bảy đêm, ông hồi tỉnh lại, trở thành người “giải thoát tẩy trần tâm, giáo nhơn tùng thiện đạo” (rũ sạch lòng trần, dạy người theo đạo lành). Sau mỗi lần đi thiếp xong, ông thường nói những việc quá khứ và đoán định việc tương lai, nên được nhiều người tin theo.Về sau người trong đạo Hiếu Nghĩa cho rằng ngày 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867) chính là năm khai sáng bổn đạo.
Trong số những cao nhân tu hành, Phật sống Cử Đa (tên thật Nguyễn Đa hay Nguyễn Thành Đa) được cho là người có nhiều truyền thuyết gắn liền với Tà Lơn và chùa Năm Thuyền. Ôngthi đỗ cử nhân võ thời vua Tự Đức sau đó tham gia phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Nam Kỳ vào nửa cuối thế kỷ XIX. Các ghi chép cho rằng, sau nhiều cuộc khởi nghĩa kháng Pháp thất bại, Cử Đa lưu lạc nhiều tỉnh Nam kỳ vừa để tu luyện phép thuật vừa tuyển mộ đệ tử binh lính. Bị người Pháp truy lùng, có quãng thời gian ông ẩn tu ở Tà Lơn.
Năm 1896, trên vùng núi Tà Lơn, Cử Đa gặp được minh sư, xin quy y, được ban đạo danh là Ngọc Thanh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu, Cử Đa có thu nhận nhiều tín đồ ở núi Tà Lơn, và lâu lâu lại trở về Thất Sơn thăm các đệ tử cũ. Dần dà, chẳng còn ai thấy tăm hơi gì về ông. Thỉnh thoảng có người thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cưỡi hổ mun vượt rừng ở vùng Bảy Núi, người ta đồn rằng đó là ông Cử. Ông được người đời coi như Phật sống.
Một số tài liệu ghi chép, Cử Đa và ông Ba Gang là hai phó tướng của Quản cơ Trần Văn Thành - người chỉ huy cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa trong giai đoạn chống thực dân Pháp (1867 -1868). Khởi nghĩa thất bại, Quản cơ Trần Văn Thành tử trận, Cử Đa và Ba Gang về núi Tà Lơn tu luyện phép thuật chờ thời cơ. Lần lượt họ viên tịch tại nơi này và được dân địa phương đúc tượng phong thánh, được vị lục cả người Việt thờ cúng.
Ngoài các nhân vật kể trên, nhiều bậc tu hành khác như Phật Trùm, Sư Vãi Bán Khoai…. cũng được cho là có thời gian tu luyện ở núi Tà Lơn và chùa Năm Thuyền. Theo lời kể nhà văn Sơn Nam, ông Ngô Minh Chiêu(tên thật là Ngô Văn Chiêu, 1878-1932), người khai sáng đạo Cao Đài cũng tứng ghé đến Tà Lơn. Có ghi chép rằng, trong những ngày tháng cuối đời năm 1932, sức khỏe suy yếu, ông đi thăm núi Tà Lơn lần thứ hai và tỏ ý sẽ thoát xác nơi đây. Tuy nhiên vìcác môn đệ đi theo hết sức khẩn khoản, ông mới bằng lòng trở về.
Nơi khổ luyện của tướng cướp khét tiếng
Đơn Hùng Tín - tướng cướp khét tiếng một thời làm đau đầu nhà cầm quyền người Pháp ở Đông Dương, cũng có nhiều giai thoại gắn liền với vùng núi Tà Lơn. Đơn Hùng Tín tên khai sinh là Lê Văn Tín, người gốc Cao Lãnh (Đồng Tháp). Xoay quanh cái tên “Đơn Hùng Tín” là nhiều lưu truyền thú vị. Có ý kiến cho rằng, do mồ côi từ nhỏ, sống đời phiêu bạt nên ông lấy luôn tên Đơn (cô đơn), Hùng (anh hùng) và Tín (tên tục).
Cũng có một giả thuyết khác là thời trẻ Tín rất thích đọc tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc, trong đó có một nhân vật giang hồ hào hiệp tên Đan Hùng Tín (tiểu thuyết “Thiên Hạ Kiêu Hùng”, thời Đường). Vì quá ngưỡng mộ nên Tín lấy và cải tên họ của nhân vật này cho bản thân. Thuở hàn vi, nghe danh núi Tà Lơn là chốn thiên linh, hiểm địa, có nhiều đạo sỹ, người có công năng bùa phép huyền bí nên Tín lặn lội tìm tới, mong được nâng cao bản lĩnh.
Trên núi nhiều hang động, mỗi động được xem là một am tu phải hương khói đầy đủ. Tín tự đặt cho mình cách rèn khắt khe, mỗi sáng thức dậy, ông châm một que nhang sau đó chạy thật nhanh để châm hương cho tất cả số am trên núi mà đến am cuối cùng mồi lửa vẫn còn. Qua năm tháng tôi luyện, đôi chân Tín có thể vượt rừng, băng hang đá như loài sơn dương leo đèo, đôi mắt sáng như mắt khỉ quan sát trong đêm tối cũng như ban ngày.
Nhờ thân thủ phi phàm, Tín từng ăn cắp được một khẩu súng ngắncủa người Pháp, ngày ngày tự học bắn để đạt đến độ bách phát bách trúng. Ngoài ra gã giang hồ này còn học bùa chú từ các thầy cao tay.Trong tập “Đơn Hùng Tín chào đời”, nhà văn Sơn Nam có viết về cuộc gặp gỡ giữa Đơn Hùng Tín và một “quân sư” tên giáo Phép, cuộc hội ngộ giúp Tín sau này trở thành thủ lĩnh.
Phép rất thông minh, nhiều mưu mẹo, từng là thầy giáo nên còn được gọi là giáo phép. Mộng đổi đời đã đưa chân Phép sang núi Tà Lơn, sau đó gặp giang hồ họ Đơn.Giáo Phép mách nước với họ Đơn rằng, trong giới tu hành trên núi Tà Lơn có lưu giữ một cuốn sách tên “Thiên thư bí quyết”, chứa đựng nhiều bí kíp xảo thuật kỳ bí, nếu học được có thể thay đổi vận mạng.
Giáo Phép kể với Tín, có một ông lão trên núi học được “bí kíp” trên, ông ta nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ bảy thì khỉ lăn ra chết. Ông đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra thì khỉ mở mắt, ông liền cho uống tiếp lá bùa thứ tám thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Mỗi ngày con khỉ chạy xuống núi trộm lấy hai đồng xu về cống nạp cho ông lão.
Sau đó, Tín theo cách đó mà luyện được màn xảo thuật bắn đạn vào người không chết, có thể dễ dàng qua mắt thiên hạ. Theo nhiều tài liệu ghi lại, nhà chức trách Pháp lúc bấy giờ không thể lần ra dấu vết của họ Đơn sau mỗi vụ cướp vì ông biến hóa đại tài, lúc ẩn lúc hiện. Cũng nhờ những màn xảo thuật, Tín dễ dàng thu phục được nhiều môn đệ, trong đó đa phần làtiều phu, dân nghèo quanh núi, giang hồ đói rách. Khi đã có băng nhóm, ông dùng danh xưng Đơn Hùng Tín, chuyên đi cướp của khắp vùng Bảy Núi, Tiền Giang, Hậu Giang…
Những giai thoại xoay quanh cuộc đời tướng cướp Đơn Hùng Tín có nhiều dị bản khác nhau, cách nhìn nhận đánh giá về những việc làm của người này cũng nhiều mâu thuẫn. Song điểm chung, Tín nhờ tu luyện phép thuật, biết nhiều trò lừa bịp thiên hạ, có khả năng ẩn thân, biến hóa. Song, cũng do ỷ lại tài cao mà mất cảnh giác, bị một tên thuộc hạ phản trắc, báo tin cho người Pháp sát hại trong một lần đi chợ ở Mỹ Tho.