Huyền bí Tà Lơn – (Kỳ cuối): Bí ẩn chưa lời giải, sự hoang sơ mất dần

(PLVN) - Vẻ đẹp huyền bí của Tà Lơn được đánh thức. Mảnh đất này chứng kiến nhiều sự đổi thay nhưng cũng để lại không ít nuối tiếc về những khoảng trống trong nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Một góc điện Minh Châu trên núi Tà Lơn.
Một góc điện Minh Châu trên núi Tà Lơn.

Những địa danh huyền thoại

15 năm trước, Tà Lơn từ khoảng trống trên bản đồ du lịch bỗng trở nên nổi tiếng. Chùa Năm Thuyền trên đỉnh núi trở thành điểm du lịch tấp nập. Thắng cảnh này được đầu tư, cải tạo phục vụ hoạt động tham quan. Điều khiến nhiều người tiếc nuối là dấu tích người Việt ở đây theo năm tháng phai nhạt dần, vị lục cả không còn, tượng Cử Đa và tượng Ba Gang cũng không còn như nguyên mẫu.

Hàng năm rất nhiều người Việt đến đây, trong đó những người tu hành ở vùng Thất Sơn, An Giang hành hương về chùa như một truyền thống. Đây cũng là địa điểm tham quan được nhiều công ty du lịch Việt Nam, Campuchia lựa chọn đưa du khách đến thăm viếng. Du khách người Việt, trong đó có nhiều bạn trẻ rất thích thú khi từ ngôi chùa trên đất nước láng giềng có thể ngắm nhìn về quần đảo Phú Quốc thân yêu. 

Ngoài ngôi cổ tự này, núi Tà Lơn còn rất nhiều địa chỉ được người Việt gọi tên như điện Minh Châu, điện Bình Thiên, điện Bàn Ngự, điện Tứ Giao, Trung Tòa, Lan Thiên, Hàm Long, Cán Dù, Tào Cau, điện vua Hàm Nghi, điện Búp Sen, ruộng Năm Dây… Từ chùa Năm Thuyền để đến được những khu vực này, phải đi theo đường Nắp Ấm hiểm trở.

Các địa điểm này nằm rải rác, nối với nhau bằng hệ thống những con đường mòn ngoằn ngoèo nhấp nhô uốn lượn, ẩn khuất giữa những tảng đá, rừng cây bụi rậm với nhiều loài cây đặc trưng như cây bá tùng, địa lan, cây nắp ấm…

Gọi là điện nhưng các địa điểm trên hầu hết là sản phẩm của tạo hóa từ hàng vạn năm trước, khá hoang sơ huyền bí. Có nơi là mặt phẳng trên những tảng đá trải dài, bề mặt gồ ghề rêu phong, nhiều hình thù dáng dấp kỳ lạ như Tứ Giao điện. Hay hang đá lưng chừng sườn núi hình thành từ vồ đá khổng lồ như điện Minh Châu, nơi xa xưa ông Cử Đa tham thiền tĩnh tọa sớm chiều. Hay hai cột đá song song dựng thẳng lên trời nằm giữa quần thể hàng ngàn phiến đá trải dài mênh mông mà người ta gọi là cổng trời – điện Bàn Ngự.

Điện Bàn Ngự hay còn thường được gọi là Cổng trời trên đỉnh núi Tà Lơn.
Điện Bàn Ngự hay còn thường được gọi là Cổng trời trên đỉnh núi Tà Lơn. 

Dấu ấn con người ở đây là những bàn thờ với bát nhang, hoa quả và những cây cầu tre bắt ngang khe đá hay chiếc thang dẫn lên nóc điện. Cho đến bây giờ, ý nghĩa tên gọi và quá trình người xưa khám phá những địa danh này vẫn còn nhiều bí ẩn. Chỉ biết rằng, đây hầu hết là những địa chỉ xa xưa nhiều tiền nhân người Việt dừng chân tu luyện phép thuật, đạt thành chánh quả. Thậm chí cho đến những năm sau này, những khu vực này vẫn là nơi tu luyện lý tưởng dành cho môn đệ các giáo phái, các nhà tu hành người Việt và thậm chí khắp vùng Đông Nam Á.

Họ về đây luyện phép theo mùa vặt sa, thường bắt đầu ngày rằm tháng 9 âm lịch và kéo dài một tháng rưỡi. Vượt qua kỳ vặt sa đồng nghĩa với thăng cấp, nâng cao thêm địa vị trong giới huyền thuật. Quá trình tu luyện ở đây đổi lại vô cùng khắc nghiệt, có người vào hang động tu luyện hóa điên, có người bỏ xác lại nơi này. Ngoài là địa điểm tu luyện bùa thuật nhuốm màu huyền hoặc, ngày nay những khu vực này cũng là điểm hành hương, thăm viếng hàng năm của nhiều đệ tử các giáo phái.

Như với người Việt vùng An Giang, đặc biệt là các tín đồ đạo Phật Giáo Hòa Hảo, đạo Hiếu Nghĩa, hàng năm họ thường chọn hành lễ, cầu nguyện các điểm như điện Tứ Giao, điện Minh Châu, điện Bàn Ngự, điện Tào Cau… Họ về đây tưởng nhớ công lao đức tiền nhân khai sáng đạo, những bậc cha ông trong kháng chiến và nguyện ước những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Bí ẩn 36 ngôi mộ người Việt

Gần khu vực Động Kim Quang, có quần thể 36 ngôi mộ của người Việt, trong đó có nhiều vị từ miền Nam Việt Nam tu luyện rồi bỏ xác. Đây là quần thể 36 mộ người Việt đã “hóa thánh” tại đỉnh núi linh thiêng này, trong đó chỉ có một vài ngôi được dựng bia khắc chữ, số còn lại không rõ danh tính, bởi có người khi phát hiện chỉ còn bộ xương khô trong tư thế tọa thiền.

Khu vực này còn được những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hòa Hảo ở An Giang gọi là điện Vua Hàm Nghi. Họ gọi tên như vậy là bởi trong 3 cụm mộ tách biệt, có một cụm 4 ngôi mộ mà theo nhiều tín đồ các đạo phái trên thì đây là mộ vua Hàm Nghi và 3 tướng cận vệ. 

Theo một số lưu truyền, niềm tin của nhiều tín đồ các tôn giáo trên, vua Hàm Nghi xưa kia không phải bị quân đội Pháp bắt đi đày ở Algerie. Người bị bắt đi đày là giả, còn nhà vua thật ra đã thoát thân và đến vùng Bảy Núi An Giang gặp và được Đức Bổn sư Ngô Tự Lợi, Cử Đa đưa sang Tà Lơn và sau đó an nghỉ tại đất này.

Những ngôi mộ này ngày nay vẫn được các tín đồ thăm viếng, kính cẩn nhang khói khi có dịp hành hương về đây. 

Trong khi đó, lại có giả thuyết khác về chủ nhân những ngôi mộ này, rằng đây có thể là mộ của những thành viên hội kín Phan Xích Long. Theo đó, năm 1912, Phan Xích Long (tức Phan Phát Sanh, 1893 - 1916) tự xưng là Đông cung Thái tử, con trai vua Hàm Nghi. Ông tự tôn mình làm “hoàng đế”, lập hội kín để khởi nghĩa chống Pháp và ông cũng từng sang Tà Lơn luyện bùa phép.

Phan Xích Long dùng bùa thuật lập hội, thu hút hàng trăm thành viên tham gia, trong đó tướng cướp Đơn Hùng Tín là một trong những đệ tử thân tín. Năm 1913, hội kín thực hiện kế hoạch tấn công chiếm lĩnh các cơ quan đầu não của Pháp tại Sài Gòn, Chợ Lớn nhưng bị bại lộ. Bị thực dân Pháp truy lùng, Phan Xích Long cùng các hội viên đào tẩu. Ông bị bắt giữ ở Phan Thiết và đưa về giam ở Khám lớn Sài Gòn. Tháng 11/1913, ông bị Tòa đại hình của Pháp kết án khổ sai chung thân.

Năm 1916, phó tướng của ông là Nguyễn Hữu Trí chỉ huy hàng trăm hội viên các hội kín ở các địa phương lên kế hoạch giải cứu ông nhưng cuộc tấn công giải cứu thất bại. Cũng trong năm 1916, thủ lĩnh Phan Xích Long, Nguyễn Hữu Trí cùng một số nghĩa sĩ bị Pháp tử hình. 

Truyền rằng, các đệ tử của ông sau đó bí mật đào mộ cướp xác, đem thi thể của ông và phó tướng là Nguyễn Hữu Trí sang núi Tà Lơn an táng. Tuy nhiên, nhiều tài liệu chính thức cho rằng, Phan Xích Long cùng các hội viên được chôn cất tại nghĩa trang Đất Thánh Chà, Sài Gòn.

32 ngôi mộ còn lại cũng mang nhiều bí ẩn, các mộ phần nằm rải rác được phủ những phiến đá đánh dấu,Trong số hầu hết những ngôi mộ xếp đá sơ sài không bia mộ, có người chết trong hang đá, được những người đến sau phát hiện chôn cất. Người ta cho rằng, vẫn còn nhiều người mất trong các hang đá, khe ngầm bởi quá trình tu luyện khắc khổ nơi hiểm trở khuất vắng không được phát hiện, chôn cất, linh hồn họ vẫn phảng phất trên vùng núi này.

Điều khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, khi du lịch ở Tà Lơn ngày một phát triển, những địa danh đậm dấu ấn người Việt có thể bị tác động. Và những bí ẩn về những địa danh đã đề cập, quần thể 36 ngôi mộ còn nhiều điều mơ hồ chưa được nghiên cứu để có những câu trả lời rõ ràng. Lo ngại khác là hoạt động du lịch, tham quan hiện tại đã ít nhiều làm ảnh hưởng đến môi trường hoang sơ ở đây, tác động xấu đến những thắng cảnh của vùng đất được mệnh danh “thiên đường nơi trần thế”.

Đọc thêm