Hy hữu xá lợi của sư cô
Theo quan điểm đạo Phật, xá lợi là tinh hoa được đúc kết bằng công hạnh thiền định và lòng từ bi cứu khổ độ sanh của các vị chân tu mà thành. Vì thế, việc để lại xá lợi thường được tìm thấy ở các vị thiền sư có khoảng thời gian tu hành hàng chục năm.
Tuy nhiên, việc sư cô Huệ Tánh chỉ với 18 năm tu hành sau khi viên tịch có để lại xá lợi, không chỉ là điều hy hữu trong đạo Phật, mà khiến các tăng ni, phật tử xôn xao trong một thời gian dài.
Chùa Cái Bầu hay còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, là nơi dành riêng cho các vị nữ tăng tĩnh tâm tu dưỡng. Tại đây, sư cô Huệ Tánh sau khi trải qua quá trình tu hành khổ hạnh, đắc đạo đã về với cõi phật. Ni sư Huệ Tâm tại chùa Cái Bầu cho biết: Khi sư cô Huệ Tánh về với cõi cực lạc, nét mặt vẫn hiện rõ niềm hạnh phúc. Sư cô vẫn cố gắng nở nụ cười với chúng đệ tử trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Di ảnh sư cô Huệ Tánh cùng xá lợi kỳ diệu |
Trước khi mất sư cô Huệ Tánh từng căn dặn đệ tử: duyên thiền định của ta ở cõi tạm đã hết, vì thế khi ta mất mọi người không được khóc. Có như vậy, linh hồn mới sớm được siêu thoát. Việc sư cô Huệ Tánh mất, đã được nhà chùa tổ chức tang lễ bình thường như các vị sư cô khác, tuy chỉ có điều sau ba ngày viên tịch, thi thể của sư cô vẫn hồng hào lạ thường và tựa như người đang nằm ngủ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì sư cô Huệ Tánh mất vào ngày 4/10/2012, hưởng thọ 51 tuổi với 18 năm tuổi đạo. Sau khi được các đệ tử cùng các vị tăng ni, phật tử ở khắp nơi về tụng kinh, niệm phật trợ duyên, Thiền viện đã tổ chức tang lễ và tiến hành hỏa táng cho sư cô tại Đài hóa thân An Lạc Viên (Cẩm Phả - Quảng Ninh). Điều kỳ lạ đã xảy ra sau khi gom tro cốt của sư cô Huệ Tánh bởi các đệ tử chùa Cái Bầu đã bất ngờ phát hiện ra những vật “lạ”, có nhiều màu sắc. Với 7 chùm nhỏ kết dính lại với nhau, có chùm to bằng nửa đốt ngón tay. Mọi người đều cho rằng đó chính là “báu vật” xá lợi mà sư cô để lại cho đời.
Ni sư Huệ Tâm tâm sự: “Xá lợi của sư cô để lại là việc vô cùng hiếm có. 7 viên xá lợi ấy, chính là thành quả tu tập của đời của sư cô. Vì thế, lưu giữ xá lợi tại chánh điện nhằm nhắc nhở các đệ tử noi theo tinh thần tu hành, một đời hóa độ sinh, để xứng đáng là những người đệ tử chân chính của Đức Phật”.
Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) - nơi lưu giữ xá lợi của sư cô Huệ Tánh |
Khi phóng viên quan sát 7 viên xá lợi thấy có nhiều mầu sắc khác nhau như: đỏ, lam, tím, xanh ngọc”. Lý giải về việc xá lợi có nhiều màu sắc khác nhau khi chiêm bái, đại đức Thích Chơn Phương trụ trì chùa Viên Đình, Hà Nội cho rằng, ngay bản thân các xá lợi đã được tích tụ dựa trên Năng lực Thiền định và Năng lượng mặt trời, và nó tiềm ẩn như lực từ trường của vũ trụ có trong thiên nhiên.
Vì thế, khi chiêm bái chúng ta thấy các màu sắc khác nhau của xá lợi, đó còn phụ thuộc vào năng lực tiềm ẩn bên trong của mỗi người khi kết hợp với hai năng lực trên. Năng lực của chúng ta có được hay không, còn phụ thuộc vào năng lực tu học, lòng hiếu hạnh vị tha như Đức kham nhẫn (là phương pháp nhẫn nhịn, kham nhẫn, chịu đựng mọi chuyện trên đời - PV).
Do vậy, có người chiêm bái xá lợi thấy có mầu xanh, người khác lại thấy mầu vàng... Cũng theo đại đức Thích Chơn Phương, thường là các vị nam chân tu, khi tu hành đạt đến cảnh giới nhất định của đạo Phật mới để lại xá lợi sau khi viên tịch. Vì thế, việc một sư cô để lại xá lợi là vô cùng quý giá và hiếm có.
Bén duyên tu hành ngay từ nhỏ
Theo lời kể của ni sư Huệ Tâm, cuộc đời chân tu của sư cô Huệ Tánh là một hành trình dài đầy khắc khổ. Mặc dù thời gian bén duyên với đạo Phật không dài, nhưng sư cô lại sớm giác ngộ và đắc đạo. “Có lẽ, chính cuộc đời chân tu ngộ đạo của sư cô, cùng với hành trình hành thiện, học đạo không mệt mỏi của người, đã tạo ra những điều đặc biệt và kỳ lạ. Điều đặc biệt ấy, chính là 7 viên xá lợi mà người đã để lại cho đời sau khi viên tịch”.
Sư cô Huệ Tánh, tên thật là Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1962 tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Trong một gia đình có truyền thống gia giáo. Ngay từ nhỏ, sư cô đã theo mẹ đến các tịnh xá ở gần nhà để đọc kinh và nghe thỉnh giảng đạo pháp. Cũng chính từ những ngày theo chân mẹ, sư cô Huệ Tánh đã thấu hiểu và sớm giác ngộ với đạo Phật.
Tuy nhiên, phải đến năm 1989 khi duyên lành đã chín, sư cô được sự chấp thuận của gia đình và tình nguyện phát tâm xuất gia tại Thiền viện Huệ Chiếu, tại huyện Tân Thành với pháp danh là Thích Nữ Huệ Tánh.
Theo ni sư Huệ Tâm, sau 18 năm tu hành tại chùa Thiền viện Huệ Chiếu, năm 2007, sư cô Huệ Tánh theo chân sư phụ của mình ra miền Bắc mở Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Trong những năm đầu xây dựng khó khăn vất vả, sư cô Huệ Tánh cùng với sư phụ và các tăng ni phật tử khác, đã đem hết tâm lực của mình, không quản ngại khó khăn hết lòng phục sự cho việc xây dựng Tam Bảo.
Sư cô Huệ Tánh không phải thiền sư nhưng lại để lại xá lợi sau khi viên tịch là một điều khó lý giải. Nhưng Đại đức Thích Trường Xuân cho rằng, theo quan niệm nhà Phật, chỉ cần là nhà tu hành khi sống không làm khổ mình, khổ người, trạng thái của họ thanh thản, an lạc và vô sự mà đức Phật gọi là nhập “bất động tâm định. “Bất động tâm định” chính là một trong Tứ Diệu Đế tức là Niết Bàn… thì khi viên tịch thường sẽ để lại những dấu hiệu lạ./.