Huyện Hoài Đức liệu có lên Quận trong vòng 2-3 năm tới?

(PLO) - Cuối tháng 7 vừa qua, tại buổi làm việc của Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải với huyện Hoài Đức, lãnh đạo huyện Hoài Đức đã đề xuất cơ chế để huyện đạt các tiêu chí lên quận chậm nhất vào năm 2020.
bản đồ hành chính huyện Hoài Đức
bản đồ hành chính huyện Hoài Đức

Thành phố Hà Nội hiện có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Trong quy hoạch kiến trúc, dự kiến thời gian tới sẽ có một số huyện nằm trong kế hoạch rà soát, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có huyện Hoài Đức. Đây là một huyện thuộc cửa ngõ phía Tây của Thủ đô đang trên đà phát triển tương đối mạnh mẽ.

Để Hoài Đức đạt tiêu chí quận, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Quang Đức đề nghị thành phố chỉ đạo triển khai nhanh, đồng bộ tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32; tuyến đê Tả Đáy chạy qua 9 xã dài 16,5 km; tuyến liên khu vực 1 từ Đại lộ Thăng Long đến thị trấn Trạm Trôi. Huyện Hoài Đức cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch hai bên Đại lộ Thăng Long và Quốc lộ 32 để thu hút nhà đầu tư xây dựng trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm.

Căn cứ vào Nghị định số 62/2011/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, trị trấn thuộc thành phố trực thuộc trung ương và các số liệu thống kê của huyện Hoài Đức trong năm 2015, so sánh thực tế phát triển tại địa bàn với các tiêu chí thành lập quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thì cần xét đến những nội dung sau:

TT

Điều kiện cần

Thực tế

1

Mật độ dân số > 10.000 người/km2

Mật độ dân số: 3.031 người/km2

2

Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp >90% so với tổng lao động

Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 84% trên tổng số lao động

3

Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế <10%

Hiện tại: 5,7%

4

Hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ

Đã đạt được tiêu chí đồng bộ và hoàn chỉnh về hạ tầng cơ sở

5

Nằm trong quy hoạch phân khu đô thị được phê duyệt của cấp có thẩm quyền

Nằm trong quy hoạch theo quyết định số 3976/QĐ-UBND ngày 13/08/2015 của UBND Thành phố Hà Nội

Hiện mật độ dân cư của huyện Hoài Đức còn khá khiêm tốn so với tiêu chí lên quận. Tuy nhiên việc huyện Hoài Đức đưa vào quy hoạch các khu đô thị mới cộng với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ là sức hút không nhỏ cho lực lượng lao động chọn mua nhà tại đây để sinh sống và làm việc. Các dự án bất động sản mới, các khu thương mại như Dự án nam 32, Vân Canh,…đi vào hoạt động sẽ thu hút hàng vạn dân cư sinh sống.

Bên cạnh đó, sinh viên của trên 30 trường Đại học, Cao đẳng tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy sau khi ra trường thường ở lại Hà Nội sinh sống làm việc cũng sẽ là một nguồn giúp huyện Hoài Đức sớm hoàn thành tiêu chí về mật độ dân số. Với mức giá nhà đất tương đối phù hợp như hiện nay quanh khu vực Hoài Đức sẽ là kênh thu hút một lượng dân cư mới, gia tăng theo từng năm. 

Ngoài ra, khi Việt Nam hội nhập TPP, các sản phẩm làng nghề của huyện Hoài Đức sẽ có thị trường rộng lớn trong khối TPP, khiến việc sản xuất phải mở rộng và thu hút lượng lao động lớn từ các nơi đổ về đây làm việc… 

Như vậy, xét trên cả hai tiêu chí Mật độ dân số và Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, khi mật độ dân cư tăng lên với cơ cấu dân số, lực lượng lao động phi nông nghiệp là chủ yếu thì tiêu chí Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp >90% so với tổng lao động của huyện Hoài Đức sẽ được đáp ứng. Và vấn đề thời gian 2 - 3 năm tới để huyện Hoài Đức tiếp tục chuyển mình, phấn đấu trở thành quận trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương là điều hoàn toàn có thể làm được./.

Đọc thêm