Đảo Hải Tặc nói đúng ra là một quần đảo gần bờ, có nhiều yếu tố thuận lợi để xưa kia những nhóm cướp biển chọn làm nơi ẩn thân, phục kích và thực hiện các hoạt động đánh cướp tàu thuyền cũng như tẩu thoát, cất giấu của cải. Lịch sử ghi nhận từ thế kỷ 17 nạn cướp biển đã lộng hành trên vùng biển này, cũng là lý do sau này hình thành cái tên quần đảo, lưu truyền hàng trăm năm qua các thời kỳ và được sử dụng cho đến ngày nay.
Nơi một thời cướp biển thống trị
Quần đảo Hải Tặc (quần đảo Hà Tiên) gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ (có một số tài liệu ghi số lượng đảo khác nhau), thuộc xã Tiên Hải (TP Hà Tiên), có trung tâm là đảo Hòn Đốc (Hòn Tre), cách đất liền Hà Tiên khoảng 30km về phía Tây, và cách đảo Phú Quốc khoảng 40km về phía Đông. Vì có nhiều đảo lớn nhỏ nằm rải rác, địa hình hiểm trở, xa xưa là lại một vùng đảo hoang vu, nằm giữa một bên là đảo lớn, một bên là đất liền có thương cảng sầm uất, đã hội đủ các yếu tố lý tưởng để cướp biển chọn làm địa bàn hoạt động.
Nhà sử học Trương Minh Đạt - chuyên gia nghiên cứu lịch sử vùng Hà Tiên, Kiên Giang) cho rằng, nạn cướp biển ngoài khơi Hà Tiên có từ thời cha con Mạc Cửu (1655 – 1735), Mạc Thiên Tích (1708-1780) khai phá và bắt đầu cai trị đất Hà Tiên (thế kỷ 17). Lịch sử ghi nhận, hai cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích có công lao khai phá vùng Hà Tiên, biến Hà Tiên thành nơi sầm uất. Mạc Cửu vốn người Quảng Đông, là tướng nhà Minh, di cư đến vùng đất Hà Tiên sau khi nhà Minh bị tiêu diệt hoàn toàn năm 1645.
Sau khi dừng chân nơi này, Mạc Cửu gom dân lưu tán lại lập ra 7 xã: Cà Mau, Rạch Giá, Phú Quốc, Vũng Thơm (Sihanoukville), Hà Tiên... (dọc bờ biển Tây, từ Cà Mau đến Vũng Thơm) và tự đứng ra cai quản. Tuy nhiên, do bị quân Xiêm thường xuyên quấy nhiễu, ông đến Phú Xuân dâng biểu xin đem 7 xã mà mình khai phá quy phục Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn ưng thuận, lệnh đổi tên đất thành trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu làm Tổng binh coi giữ. Khi Mạc Cửu qua đời năm 1735, Mạc Thiên Tích đã nối nghiệp cha, tiếp tục mở mang đất Hà Tiên, được chúa Nguyễn Phúc Trú phong chức Tổng binh Đại đô đốc.
Trong thời gian hai cha con họ Mạc cai quản và phát triển vùng Hà Tiên, quần đảo Hải Tặc nằm trên tuyến đường thông thương rất quan trọng, muốn vào thương cảng phải qua nơi này, nên đã được cướp biển chọn làm hang ổ phục kích, thực hiện đánh cướp tàu thuyền qua lại. Các tàu buôn lớn của Trung Quốc và phương Tây thường xuyên bị các toán cướp thoắt ẩn thoắt hiện lao đến từ quần đảo Hải Tặc khống chế tàu, bắt người, giết người và cướp tài sản.
|
Quần đảo Hải Tặc nằm giữa đất liền Hà Tiên và đảo Phú Quốc. |
Bọn cướp biển hoạt động ở khắp cả một vùng rộng lớn, từ Vịnh Hà Tiên - Rạch Giá, đến mênh mông Vịnh Thái Lan chung quyền sở hữu của liên quốc gia. Đến thời Mạc Thiên Tích, bọn hải tặc bị quân của ông nhiều lần đánh cho tan tác. Một trong những trận đánh cướp biển diễn ra vào năm 1770, khi cướp biển chiếm giữ một hòn đảo. Đích thân Mạc Thiên Tích dẫn quân quân ra chiếm lại đảo, đánh tan bọn cướp biển. Sau trận đó, tàn dư vẫn còn tuy nhiên cướp biển chủ yếu hoạt động lén lút chứ không công khai rầm rộ như trước.
Thế nhưng, vùng biển Tây này chỉ tương đối yên ắng trong khoảng thời gian vài chục năm, khi tổng trấn Mạc Thiên Tích còn hưng thịnh. Giữa năm 1771, quân Xiêm tiến chiếm Hà Tiên, Mạc Thiên Tích không chống đỡ được phải phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn. Khoảng năm 1776, khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định, truy kích tàn quân chúa Nguyễn, Mạc Thiên Tích phải chạy sang Xiêm. Cướp biển lộng hành trở lại, tiếp tục hoành hành thời gian dài sau đó.
Đấu súng với lực lượng chức năng
Vùng Hà Tiên từ thời cha con Mạc Cửu trở đi trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, duy chỉ có điều dù là giai đoạn nào thì trên vùng biển này cũng có bóng dáng của cướp biển. Năm 1867, khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, quân Pháp cũng không dẹp nổi cướp biển, ngược lại còn bị cướp biển liên tục quấy phá. Cái tên Hải Tặc được người Pháp dùng để gọi tên quần đảo này khi lập bản đồ Việt Nam. Dấu ấn của họ trên quần đảo này là ngọn hải đăng ở Hòn Khoai, với tháp đèn cao 15,7m nằm trên độ cao 318m so với mặt nước biển.
Sang những những năm đầu thế kỷ 20, ở vùng biển này và khu vực lân cận, nạn cướp biển vẫn hoành hành. Vấn nạn này âm ỉ kéo dài đến tận những năm đầu thế kỷ 21, bất chấp sự hiện diện của các lực lượng chức năng. Như hồi đầu năm 2002, cướp biển được trang bị vũ khí súng ống, khống chế cả một chiếc tàu chở khách của ta đem về bên kia biên giới để đòi tiền chuộc. Hay như những trường hợp tàu ngư dân bị các đối tượng dùng súng tấn công khi đang đánh bắt cá trên vùng biển này. Và không ít lần những người chiến sỹ biên phòng của chúng ta đụng độ với những tên cướp biển nói tiếng nước ngoài, vô cùng hung tợn và thậm chí có thể xuống tay giết người.
Thực tế qua các vụ cướp trên biển cho thấy, phương thức hoạt động của các băng cướp trong 20 năm trở lại đây là dùng các phương tiện như ca nô, xuồng cao tốc, tàu đánh cá và các loại vũ khí quân dụng như súng AK, AR15, M79, CKC… Khi phát hiện tàu nạn nhân, chúng sẽ tiếp cận và dùng vũ khí đe dọa, áp sát để khống chế, uy hiếp tinh thần để cướp hoặc yêu cầu thực hiện theo sai khiến của chúng. Nếu nạn nhân không nghe theo hoặc tăng tốc bỏ chạy, chúng sẽ truy đuổi, nổ súng tấn công người và tàu bằng những loạt đạn lạnh lùng tàn khốc.
Thậm chí không ít lần lực lượng biên phòng địa phương trong quá trình giải cứu các tàu đánh cá của ngư dân đã đụng độ cướp biển và xảy ra những trận đấu súng. Các nhóm cướp biển khát máu sẵn sàng chống trả lực lượng chứng năng kiểu một mất một còn chứ quyết không đầu hàng. Điều đáng nói, tại vùng biển quanh quần đảo Hải Tặc và lân cận, đã có rất nhiều vụ đấu súng khốc liệt diễn ra. Chỉ riêng trong năm 2002, công an tỉnh Kiên Giang thống kê có tới hàng chục tàu của ngư dân bị tấn công trên vùng biển địa phương, gây thiệt hại lớn cho bà con.
Hay như chỉ trong 20 ngày đầu tháng 4/2003, hải tặc đã tổ chức 7 vụ tấn công các tàu của ngư dân đang đánh bắt thuỷ sản trên vùng biển Kiên Giang, gây nhiều thiệt hại về tải sản và khiến người dân lo sợ. Một trong số những vụ cướp đó là ngày 6/4/2003, 9 đối tượng đã sử dụng xuồng cao tốc và vũ khí để khống chế một tàu khách đang di chuyển từ Hà Tiên ra đảo Phú Quốc. Nhóm cướp lấy 5 triệu đồng, 3 chỉ vàng 18K cùng 391 lít xăng.
Càng về sau này, hiện tượng cướp biển trên vùng quần đảo Hải Tặc nói riêng, vùng biển Kiên Giang nói chung ngày một giảm thiểu. Dưới sự tuần tra giám sát và tăng cường chiến đấu của các đơn vị như Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển… những năm qua vùng quần đảo Hải Tặc trở nên yên bình và trở nên cuốn hút bởi vẻ đẹp thơ mộng. Từ một quần đảo mà nhắc đến cái tên đã khiến dân tàu thuyền sợ hãi, giờ đây chính cái tên đó lại là “của lạ”, một phần lý do khiến người ta chú ý và ấn tượng với quần đảo, khiến nó trở nên sôi động với các hoạt động tham quan, du lịch.
Những tháng năm dữ dội của quần đảo ngày một lùi xa, thế nhưng huyền thoại lưu truyền thì vẫn đi cùng các thế hệ, gợi bao điều tò mò và khát khao khám phá cho hậu thế. Cho tới tận bây giờ vẫn chưa có một con số ước đoán về số tài sản, vàng bạc châu báu mà hải tặc đã cướp được trên con đường giao thông biển sầm uất này. Và liệu những thứ đã cướp được ấy, chúng đã vận chuyển, cất giấu đi đâu, có phải được chôn giấu ở một điểm bí mật nào đó trên quần đảo này như một số lời đồn đại?
Cho tới bây giờ, trong niềm tin của không ít người, quần đảo Hải Tặc có kho báu của những nhóm cướp biển năm xưa. Bởi ngoài những câu chuyện cướp biển lưu truyền, có một thực tế là hàng chục năm qua, những thợ lặn, ngư dân mò cua bắt ốc thường nhặt được những tiền cổ, với nhiều kích thước, hoa văn, màu sắc khác nhau. Thậm chí có khi những đứa trẻ chơi đùa trên cát cũng vô tình mò được tiền xưa. Trên đảo bây giờ nhiều gia đình vẫn còn giữ những đồng tiền cổ, ai hỏi mua cũng không bán, bảo quản cất giữ chúng đơn giản để làm kỷ niệm.
(Còn tiếp)