* Bài 1: Huyền thoại đảo Hải Tặc: Nơi gieo rắc nỗi kinh hãi cho giới tàu buôn từ 400 năm trước
* Bài 2: Huyền thoại đảo Hải Tặc. Bí ẩn câu chuyện 3 chiếc rương vàng trên đảo Hòn Tre
Trong những câu chuyện kể nhau nghe nơi đầu làng cuối ngõ, không đầu không cuối, người ta có nhắc đến băng cướp lừng danh mang tên Cánh Buồm Đen với thái độ, tình cảm lạ thường.
Băng cướp mang lòng nghĩa hiệp
Trên vùng quần đảo Hải Tặc, kể từ sau sự việc hai người đàn ông phương Tây đi tìm kho báu bất thành, có nhiều người tin rằng, đâu đó trên quần đảo đang tồn tại kho báu, cũng chính là căn cứ của những nhóm cướp biển hàng trăm năm trước. Nhất là từ xa xưa trên quần đảo này, ngư dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một kho báu khổng lồ chứa đầy vàng bạc, được băng cướp Cánh Buồm Đen chôn giấu trên đảo. Tất nhiên đó chỉ là đồn đoán hay những câu chuyện trà dư tửu hậu, nhất là mỗi khi người ta tìm thấy những món vật xưa, những đồng tiền cổ.
Như việc năm 2009, cánh thợ lặn bắt ốc, hải mã vô tình tìm thấy một số lượng khá lớn tiền đồng cổ với nhiều loại mệnh giá khác nhau. Mà vị trí tìm thấy chúng là ở một nơi nằm gần chỗ hai người đàn ông ngoại quốc đào kho báu năm xưa.
Nhiều người suy đoán, đó có thể là những đồng tiền của cướp biển bỏ lại, cũng có thể là của thuyền buôn bị đắm, hay có liên quan đến kho báu nào đó. Không ai dám khẳng định hay phủ nhận điều gì, bởi lịch sử dữ dội, khắc nghiệt của xứ này không biết đã chôn vùi bao nhiêu bí ẩn.
Nhiều thứ diễn ra trên vùng biển đảo Hải Tặc sau này được biết đến qua những lưu truyền dân gian, bằng những câu chuyện truyền đời. Như giai thoại về băng cướp người Việt từng bá chủ vùng biển đảo này đầu thế kỷ 20 – Cánh Buồm Đen. Nhà sử học Trương Minh Đạt từng cho rằng, Cánh Buồm Đen là nhóm hải tặc hoạt động mạnh nhất trên vùng biển Hà Tiên giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Trong khoảng thời gian đó, băng Cánh Buồm Đen gần như thống trị vùng biển này, thâu tóm hầu hết các nhóm cướp biển khác trong vùng.
|
Một người dân ở đảo Hòn Tre đang kể về hải tặc Cánh Buồm Đen. |
Theo những lưu truyền trên quần đảo cho đến bây giờ, uy danh của băng cướp thể hiện ngay trên cánh buồm màu đen của tàu cướp, ở đó có treo ngược cây chổi, mang ý nghĩa thể hiện sức mạnh có thể quét sạch mọi tàu ghe trên vùng hoạt động của họ. Nhiều người cho rằng cái tên Cánh Buồm Đen bắt nguồn từ hình ảnh cây chổi treo trên cánh buồm đen.
Tuy nhiên theo như giải thích của một thành viên trong băng cướp khi xưa, được con cháu kể lại, chuyện treo cây chổi ngược trên cột buồm là không đúng. Đó là lá cờ hình tam giác, chính giữa có đính một mảnh hình tròn tượng trưng cho mặt trời chiều, cờ hiệu này cũng là cách để Cánh Buồm Đen phân biệt với những đảng cướp khác.
Một hậu duệ của thành viên băng Cánh Buồm Đen cho rằng, đảng cướp Cánh Buồm Đen có sáu thành viên chính: ông Năm Bùn, Tư Vân, Tư Hạt, bà Tằng Thủy Hoàng, ông Hai Hưng, ông Ba Cang. Trong đó, đầu lĩnh là ông Năm Bùn, lớn tuổi nhất và cũng cao lớn nhất, người mang dị tướng. Theo như mô tả, chân ông to đến nỗi không mang dép được, chân mày rậm đen rũ xuống che cả hai mắt, tóc dựng như bờm sư tử. Người đàn ông này có sức khỏe phi thường, thân thủ nhanh nhẹn, cùng lúc quật ngã vài ba người, tung mấy chiêu là khống chế được cả tàu đối phương.
Ngoài 6 người nòng cốt, băng cướp còn hàng chục tùy tùng, lâu la, lúc đông nhất có khi lên trăm người. Băng cướp này thường đóng quân ở Hòn Chông, vùng Kiên Lương, và mỗi khi trời chuyển gió thì di chuyển đến các cứ điểm khác, có khi là quần đảo Hải Tặc, có khi sang bên Campuchia. Uy danh Năm Bùn và Cánh Buồm Đen lớn đến mức khiến đảng cướp cùng thời e sợ, không dám đối mặt. Thế nhưng, ngư dân trong vùng, đặc biệt là dân nghèo lại có tình cảm đặc biệt với đảng cướp này.
Theo như một số lý giải, băng hải tặc Năm Bùn cũng là những con người hào hiệp, nghĩa khí. Mỗi lần thu được chiến lợi phẩm trở về, họ đem vàng bạc, của cải, lương thực chia cho người nghèo, chỉ giữ lại một phần để băng cướp duy trì hoạt động. Ngoài ra, đối tượng mà Cánh Buồm Đen thường nhắm đến là những tàu buôn nước ngoài giàu có, cụ thể lúc bấy giờ là các tàu buôn của Pháp. Có lẽ xuất phát từ những hành động đó, đặc biệt trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nên mặc dù là băng cướp nhưng 3 từ Cánh Buồm Đen sau này được người đời nhắc tới với sự ngưỡng mộ.
Đánh đâu thắng đó và hàng chục năm thống trị vùng biển Hà Tiên nhưng cuối cùng Cánh Buồm Đen vẫn tan rã. Theo câu chuyện của một hậu nhân, trong một lần giong buồm đi cướp, tàu ông Năm Bùn đụng độ một tàu khá lớn. Vẫn như mọi khi, ông dễ dàng hạ hết những người trên tàu, chỉ là không ngờ trong hầm tàu còn có một cao nhân. Người đàn ông ngồi xếp bằng, bình thản đỡ đòn của Năm Bùn một cách nhẹ nhàng. Gặp trúng cao thủ giang hồ, Năm Bùn biết mình không phải là đối thủ, lẳng lặng thoái lui.
Chính lần bại trận ấy đã khiến Cánh Buồm Đen quyết định “giải nghệ”. Các thành viên vứt binh khí xuống biển, từ biệt nhau rồi mỗi người một hướng mà không hẹn ngày tái ngộ. Sự tan rã của nhóm cướp cũng khép lại huyền thoại “hải tặc” trên vùng biển này. Một số thành viên sau đó về thăm lại quần đảo, có người sống ở đây đến cuối đời rồi an nghỉ trên đảo. Các thế hệ đời sau của các thành viên băng cướp cũng mỗi người một nơi, có vài người sau này về sinh sống trên quần đảo Hải Tặc, lưu giữ những hồi ức xa xưa về cha ông mình.
Đi vào văn chương
Có ý kiến cho rằng, từ sự việc một thành viên của Cánh Buồm Đen tham gia kháng Pháp, nhà văn Sơn Nam sau này viết thành truyện “Đảng “cánh buồm đen”” từng làm say mê nhiều thế hệ độc giả ở miền Nam trước năm 1975. Truyện nói về nhân vật Sáu Bộ - thuở nhỏ theo bạn lên núi Cô Tô học đạo nhưng không có đạo nào khiến cậu thích thú.
Trong một chuyến lang thang đến vùng Thất Sơn (An Giang), Sáu Bộ gặp được một vị đạo sĩ già pháp lực cao cường, vốn từng là nghĩa binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Được cao nhân mở đường chỉ lối, Sáu Bộ liền bái sư học đạo.
Sau 5 năm lĩnh ngộ đạo thuật và võ nghệ, Sáu Bộ xuống núi với cái tên Tư Hiền, mang theo cây roi dài một thước tám, bằng cây trắc. Một sáng nọ, Tư Hiền gặp một ghe buôn nhỏ bị đánh cướp, liền ra tay nghĩa hiệp, một mình đánh bại băng cướp Cánh Buồm Đen mà đầu lĩnh khi đó là một cao thủ tên Năm Bùn. Trong lần hội ngộ sau đó, Tư Hiền giao lưu võ nghệ với băng cướp. Anh biểu diễn một tuyệt kỹ có tên là đường roi Lưu Thủy mà mình học được ở Thất Sơn.
“Lúc biểu diễn, người ở ngoài tự do ném đá hoặc phóng dao vào thử. Ngọn roi xoay chung quanh mình anh như nước chảy không dứt, không rời, chớp nhoáng như gió… Kết quả là Năm Bùn sẵn sàng giao đảng Cánh Buồm Ðen cho Tư Hiền làm đảng trưởng. Nhờ vậy đảng được chỉnh đốn lại”, nhà văn Sơn Nam miêu tả. Tư Hiền sau đó chỉnh đốn lại đảng cướp, hàng ngày các bộ hạ phải rèn luyện võ công.
Dưới thời Tư Hiền làm đầu lĩnh, đảng cướp Cánh Buồm Đen có nguyên tắc không xâm phạm tài sản của người chài lưới ở ven biển. Hai kẻ thù chính cần đánh đổ không nương tay là tàu của người Pháp và ghe buôn lậu Hải Nam. Băng cướp Cánh Buồm Đen đã khiến người Tây và ghe buôn lậu Hải Nam kinh hoàng bạt vía. Với dân mình, băng cướp thường hành hiệp trượng nghĩa, ra tay cứu người gặp nạn trên biển, được dân chúng khắp miền duyên hải Rạch Giá, Cà Mau ca tụng.
Ba năm sau có tin đảng Cánh Buồm Đen tan rã. Thì ra Tư Hiền trong một trận đánh nhau với một ghe Hải Nam vì quỵt tiền mua heo, đã đánh chết oan một người làm mướn trên ghe. Biết chuyện, Tư Hiền hối hận vô cùng, từ giã đảng cướp để về với hôn thê, mai danh ẩn tích bằng nghề câu cá với cái tên Năm Lập. Cánh Buồm Đen tan rã sau đó. Khoảng năm 1946, đánh Pháp chiếm Hà Tiên Rạch Giá, dân chúng căm hờn, hàng chục thanh niên nguyện đi đánh giặc Pháp.
Khi đó ông già Năm Lập xuất hiện, thừa nhận mình là Tư Hiền – chúa đảng Cánh Buồm Đen khi xưa. Như muốn trả nợ giang sơn, Tư Hiền nguyện đem đường roi Lưu Thủy truyền lại cho các thanh niên để dùng đánh Pháp. Ông biểu diễn tuyệt kỹ võ học nhưng không ai chịu học nên vô cùng thất vọng. Sau đó không lâu giặc tràn tới, Tư Hiền chết vì quyết bám trụ lại làng không chịu tản cư.
Truyện ngắn của nhà văn Sơn Nam nhìn chung có nhiều tình tiết tương đồng với những câu chuyện lưu truyền. Đó là đảng cướp Cánh Buồm Đen giàu lòng nghĩa hiệp, chỉ cướp tàu buôn nước ngoài giàu có đặc biệt là các tàu Pháp, cứu giúp ngư dân gặp hoạn nạn và được dân chúng yêu mến, kính trọng. Đây có lẽ là băng cướp biển vô tiền khoáng hậu khi không chỉ để lại những giai thoại dân gian mà còn khơi nguồn cảm hứng nghệ thuật, tạo nên hình tượng văn chương đi cùng năm tháng.