Huyền thoại đảo Ngọc Cát Bà và di tích Pháo đài Thần công

(PLVN) - Theo truyền thuyết, quần đảo Cát Bà là những viên ngọc quý được thả xuống vịnh Hạ Long. Thực tế, đảo Ngọc Cát Bà càng trở nên lộng lẫy, kỳ ảo nếu bạn ngắm nhìn từ đài quan sát Khu di tích Pháo đài Thần công... 
Đảo Cát Bà - viên ngọc xanh huyền thoại nhìn từ trên cao.
Đảo Cát Bà - viên ngọc xanh huyền thoại nhìn từ trên cao.

Khách du lịch đến với Cát Bà giờ đây có thêm sự lựa chọn đầy ý nghĩa để về với thiên nhiên, lịch sử và những giá trị nguyên bản, đó là Khu Du lịch Pháo đài Thần công, nơi giao hòa của trời và đất, là vị trí hiểm yếu với trọng trách canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc những năm bom đạn. Theo truyền thuyết, quần đảo Cát Bà là những viên ngọc quý được thả xuống vịnh Hạ Long. Thế nên, Cát Bà còn được gọi là đảo Ngọc đẹp kỳ ảo khi nhìn từ trên cao…

Từ trận địa Phòng không oanh liệt

Những năm 1940 của thế kỷ trước, “Pháo đài Thần công” được xây dựng kiên cố, gồm 3 khẩu pháo đối hải đặt tại 3 hướng”. Việc đưa được 3 khẩu pháo khổng lồ nặng hàng trăm tấn lên đỉnh cao này chỉ bằng sức người là một quá trình vô cùng gian khổ bằng sức lực của nhân dân Cát Bà lao động khổ sai ngày đêm vận chuyển. Thế nên, người dân Cát Bà ngày đó đã phải trả giá bằng cả máu và nước mắt cho việc xây dựng Pháo đài cho thực dân  Pháp. Các bộ phận của 3 khẩu pháo được kéo lên đỉnh bằng hệ thống đường ray lắp bánh xe tự tạo và dùng sức người kéo lên.

Khi người Nhật đảo chính Pháp, Pháo đài quân sự đã được biến thành trận địa pháo đối hải đầu tiên với 3 khẩu pháo 138 li. Đại chiến thế giới thứ 2 kết thúc cùng với Cách mạng tháng 8 thành công, người Nhật buộc phải rút khỏi Việt Nam. Bộ đội ta tiếp quản Cát Bà, Pháo đài quân sự hoàn thoàn thuộc sự quản lý của Đại đội bộ đội Ký Con.

Du khách ngắm trọn vẻ đẹp đảo Ngọc Cát Bà từ Khu di tích Pháo đài Thần công.
Du khách ngắm trọn vẻ đẹp đảo Ngọc Cát Bà từ Khu di tích Pháo đài Thần công. 

Theo Hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, quân đội Pháp được phép đưa quân đội ra miền Bắc thay thế quân Tưởng Giới Thạch. Do thông tin chưa đến được với đại đội Ký Con đóng tại Cát Bà nên  trận địa pháo trên cao điểm 177 nổ súng bắn cháy tàu chiến Pháp.

Đây là trận đánh pháo đối hải đầu tiên của pháo binh Việt Nam. Sự đặc biệt của trận chiến đấu này là các khẩu pháo 138 li không có kim hoả do đã bị quân Pháp phá huỷ trước khi rút quân, hòng vô hiệu hoá trận địa pháo này. Tuy nhiên, bộ đội ta đã sáng tạo dùng búa và đục thay kim hoả và vẫn bắn cháy tầu chiến địch.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khẩu pháo số 1 của “Pháo Đài Thần Công” khống chế toàn bộ cửa ngõ cảng Hải Phòng. Cuộc kháng chiến vệ quốc 1954-1975 lại gây chiến tranh leo thang ra miền Bắc cũng tại cao điểm này quân và dân huyện đảo Cát Bà đã biến nơi đây thành các trận địa phòng không với các khẩu pháo 37 li và cả súng trường bảo vệ vùng trời Đông Bắc Tổ quốc, góp phần vào những chiến công oanh liệt của quân ta! Trận địa phòng không cao điểm 177, quân và dân huyện đảo đánh rơi 6 máy bay của Đế quốc.

Tại Phòng truyền thống ghi lại dấu tích của một thời Cát Bà anh dũng chiến đấu với những mô hình, vũ khí, dụng cụ và những hiện vật được trưng bày được lưu giữ từ những cuộc chiến tranh vệ quốc vỹ đại của quân và dân ta.

Ngắm trọn vẻ đẹp đảo ngọc Cát Bà từ Pháo đài Thần công.
Ngắm trọn vẻ đẹp đảo ngọc Cát Bà từ Pháo đài Thần công.  

Bên cạnh Phòng Truyền thống là “phòng tình yêu”, nơi dành cho những người thân trong gia đình đến thăm các chiến sỹ đang ngày đêm trên trận địa. Căn phòng có tác dụng cổ vũ tinh thần, là không gian để động viên chia sẻ tình cảm mẫu tử yêu thương của người cha, người mẹ, tình yêu ngọt ngào người vợ, người con…

Hầm chống bom nguyên tử bên cạnh Nhà Truyền thống, còn có tên gọi khác là hầm chữ U. Sở dĩ nơi này được gọi như vậy vì hầm được xây dựng mô phỏng theo hình chữ U độc đáo. Hầm chữ U không chỉ là địa đạo, giúp bộ đội ta tránh quân thù mà đến đây chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào cuộc sống sinh hoạt thường nhật trong kháng chiến. Hầm có sức chứa 500 người, có phòng ăn, nhà bếp, phòng họp, phòng nghỉ, phòng dành cho những bệnh nhân hồi sức.. được thiết kế lối thông gió thẳng khu vực sân bay…

Và không chỉ là huyền thoại

Từ đài quan sát này, chúng ta có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của các bãi tắm tại quần đảo Cát Bà, nơi cát trắng nước trong, không gian yên tĩnh như cõi tiên bồng. Theo truyền thuyết, xưa kia, các tiên nữ nhà trời thường hoá thành những cánh cò hạ xuống các bãi tắm này để thưởng ngoạn vui đùa. Bởi thế, Cát Cò 1 và Cát Cò 2 là cách gọi của cư dân Cát Bà.

Và phía trước là một hòn đảo giống như chiếc guốc trôi trên sóng nước Cát Bà, đó chính là Hòn Guốc hay có tên gọi khác là Hòn Hài. Chuyện kể rằng, các nàng tiên xuống trần du ngoạn đã đam mê chiêm ngưỡng cảnh quan nơi đây. Khi trời chiều, Ngọc Hoàng Thượng đế gọi về trời, nàng tiên út do vội vã đã “ vô tình” làm rơi chiếc hài xuống nước và hoá thành ngọn núi giống hình chiếc Hài, để đến hôm nay có hòn Hài cứ bồng bềnh trôi.

Phía xa là hòn Khoá, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vì hòn Khoá có hình giống một tàu chiến nên bị không quân Mỹ lầm tưởng là mục tiêu nên đã bắn hàng trăm tấn bom đạn xuống. Chính vì thế, hòn Khoá còn được nhân dân Cát Bà gọi là hòn Bắn. Nhìn xa hơn nữa là đảo đèn Long Châu hay còn gọi là Mắt Rồng, đêm đêm toả sáng dẫn đường cho hàng vạn con tàu vào ra cập bến cảng Hải Phòng.

Đảo đèn Long Châu là công trình hàng hải trọng yếu cho khu vực Vịnh Bắc Bộ, được xây dựng từ thời đầu Pháp thuộc cách đây trên 100 năm cùng với ngọn hải đăng hòn Dấu Đồ Sơn. Đảo đèn Long Châu giờ đây đã trở thành điểm du lịch khám phá.

 

Khu vực “Rừng Dứa Dại” hay còn gọi tên khác là Dứa Ông. Với địa lý thuận lợi, thiên nhiên thuận hoà, những cây dứa nơi đây cao, lá dài xanh ngắt đan xen vào nhau tạo thành lớp nguỵ trang bảo vệ che chở cho các chiến sỹ cách mạng trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ đúng với nghĩa “

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta. Cây dứa dại ra hoa kết trái, trái ngọt của dứa hấp thụ những tinh khí của trời đất, theo cổ truyền dân tộc còn là một vị thuốc rừng có tác dụng kháng viêm, tiêu xưng và phòng ngừa chữa trị bệnh u bướu, huyết áp và tim mạch.

Từ đài quan sát số 2, phía dưới là Trung tâm du lịch Cát Bà, hướng ra Vịnh Cát Bà- nơi có hàng nghìn phương tiện khai thác thuỷ sản trên ngư trường Vịnh Bắc Bộ. Nơi đây còn được biết đến là trung tâm dịch vụ thuỷ sản lớn của khu vực. Trong tương lai, Vịnh Cát Bà sẽ là một vùng dành riêng cho phát triển du lịch, là nơi neo đậu của các nhà hàng nổi và du thuyền…

Nhìn sang phía Nam, nhóm đảo nằm cạnh hòn Guốc là Áng Thảm. Gọi là Áng Thảm vì nơi đây lưu giữ một câu chuyện tình đau thương của  một đôi trai gái. Chuyện kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở một làng chài nọ có một cô gái xinh đẹp, thuỳ mị, nết na.

Đến tuổi cập kê, cô yêu một chàng ngư phủ có tài đánh bắt cá và bơi lặn tuyệt vời. Nhưng trớ trêu thay, cô gái đã lọt vào mắt đa tình của chúa đảo. Vì thế, Chúa đảo tìm cách đưa chàng trai ra trận hòng chiếm đoạt cô gái cho riêng mình. Khi chàng trai ra trận, cô gái trốn làng chài ra khu vực đảo này sinh sống, ngày ngày mò cua bắt ốc, hái lượm lá rừng chờ ngày chàng trở về.

Năm tháng cứ thế trôi qua, một ngày kia, trận bão biển cực lớn hay còn gọi là sóng thần trùm lên đảo cướp đi sinh mệnh của cô. Khi chàng trai thắng trận trở về đi tìm cô gái. Nhưng tìm mãi, tìm mãi và tới được một nơi cô từng sống. Lúc này, ở đây chỉ có đàn rùa biển và đồi mồi. Chàng nghỉ lại đảo và được cô gái báo mộng là cô đã trở thành người thiên cổ.

Quá đau đớn, chàng quyên sinh để gặp nàng. Đàn rùa biển xốt thương cho mối tình của chàng và nàng nên đã chôn chàng trai cạnh mộ cô gái. Tiếc thương cho mối tình, khu vực này có tên là Áng Thảm từ đó. Điều đặc biệt là cho đến ngày nay, nơi đây vẫn là nơi đi về để sinh sản của những đàn rùa biển và đồi mồi hoa nổi tiếng.

Về phía Tây của Pháo đài Thần công, nơi có ngọn núi Voi Phục. Người xưa đã từng nói: “Cát Bà là nơi quần ngư tranh thực, có thế đất voi quỳ, mã phục, nghiên úp bút đàm thiên” không kém Hạ Long. Thế núi non Cát Bà thật đa dạng, được ví như các tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ của thiên nhiên.

Phía Tây Nam pháo đài là “đảo Các Ông”. Trong quần thể đảo Cát Bà rộng lớn, đảo Các Ông có diện tích khiêm tốn hơn nhưng lại có vị trí khá quan trọng. Một nhà thơ của huyện đảo đã viết: “Các Bà hậu cứ vững vàng cho phía trước Các Ông/ Quyết ngày đêm một lòng giữ đạo…”

Theo truyền thuyết, xưa kia tên gọi đảo Các Bà sau này đọc lệch đi và trở thành địa danh đảo Cát Bà hôm nay. Từ Pháo đài Thần Công vào những ngày đẹp trời tầm nhìn xa trên 40 km, sẽ nhìn thấy ngọn núi của khu du lịch Đồ Sơn như con rồng đang cuộn mình trên sóng nước.

Có thể nói, Cát Bà là nơi hòa quyện của rừng và biển, làm nên bầu không khí trong lành và những phong cảnh rất đỗi thơ mộng. Bức tranh sơn thủy hữu tình này đã được UNESCO chính thức công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, được nhiều du khách lựa chọn là điểm đến trong hành trình của mình.

Và hơn thế, nằm ở vị trí hiểm yếu của vùng biển Đông Bắc, quần đảo Cát Bà còn là một phòng tuyến khổng lồ, một pháo đài tự nhiên canh giữ cửa ngõ chiến lược của Tổ quốc… Sẽ là một cảm xúc rất khác, khi bạn đứng từ trên cao, giữa mây trời non nước, giữa kì ảo và hiện thực - để thêm yêu đất nước, quê hương mình…

Đọc thêm