Lăng thờ Nhũ mẫu vua Gia Long
Trên một gò đất cao giữa cánh đồng thuộc tổ 9 (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) có một công trình kiến trúc cổ với tên gọi là lăng bà Vú. Đây là một di tích kiến trúc nghệ thuật vốn còn lại không nhiều ở các tỉnh miền Trung Việt Nam.
Trải qua bao biến động của xã hội, cùng với sự tàn phá của thiên nhiên và con người, đến nay công trình này không còn nguyên vẹn như xưa. Tuy nhiên, tất cả những gì còn lại vẫn cho chúng ta cảm nhận được giá trị đích thực của những quan niệm thẩm mỹ tinh tế và đầy chất thơ của người xưa đã gửi gắm vào đây.
Ngược dòng lịch sử, từ năm 1775 trở đi, Khánh Hòa là vùng đất thường xuyên xảy ra việc tranh chấp giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép rằng: “Nguyễn Ánh đã 5 lần đem quân đánh chiếm phủ Bình Khang (tỉnh Khánh Hòa ngày nay). Trong tất cả những lần đó, Nguyễn Ánh đều bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, bị đuổi chạy khắp nơi, điển hình như trận thủy chiến ở khu vực Hòn Thị vào 1784”.
Truyền thuyết của nhân dân trong vùng kể lại rằng, khi giao tranh với quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh thất bại phải bỏ chạy. Khi Nguyễn Ánh qua làng Mỹ Hiệp (thuộc phường Ninh Hiệp) thì lương thực cạn kiệt, trong mình lại đang bị bệnh, quân lính vừa đói vừa kiệt sức…tình thế vô cùng nguy khốn.
Trong đêm tối, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đến gõ cửa nhà một người dân để xin bát cơm đỡ dạ. Chủ nhà (tương truyền là bà Trương Thị Tiềm) động lòng trắc ẩn nên mời Nguyễn Ánh và đám tùy tùng vào nhà nghỉ ngơi. Sau đó, bà giết heo làm thịt, nấu cơm đãi tất cả mọi người, đồng thời cung cấp thêm lương thực để đi đường.
Riêng đối với Nguyễn Ánh, ngoài việc lo thuốc men chu đáo, bà còn cho người vắt sữa bò cho ông uống để mau phục hồi sức khỏe. Nhờ sự chăm sóc tận tình và đối đãi tử tế ấy mà Nguyễn Ánh sớm lành bệnh, tướng sĩ dần dần phục hồi sức khỏe để tiếp tục kéo quân về phương Nam.
Nơi chôn cất người Vú nuôi của vua Gia Long. |
Sau nhiều năm chinh chiến, Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, lên ngôi hoàng đế và lấy hiệu Gia Long (năm 1802). Nhớ ơn người từng cứu giúp nên ông đã quay lại làng Mỹ Hiệp tìm ân nhân để đưa ra kinh đô phụng dưỡng. Tuy nhiên, người dân trong làng cho hay người phụ nữ này đã qua đời.
Để tỏ lòng tri ân, vua Gia Long truy phong cho bà danh hiệu Nhũ mẫu (người Vú nuôi). Đồng thời, vua ra lệnh cho bộ Công cử một số thợ giỏi đang xây dựng cung điện nhà vua ở kinh đô lúc bấy giờ vào Mỹ Hiệp phối hợp với thợ địa phương xây dựng lăng mộ cho người Vú nuôi theo quy cách lăng tẩm của hoàng tộc.
Việc xây lăng mộ cho Nhũ mẫu kéo dài trong hai năm từ 1802 - 1804 mới hoàn thành. Buổi lễ khánh thành được tổ chức cúng rất lớn và do quan đầu tỉnh trực tiếp làm chủ lễ. Người dân gọi đây là lăng bà Vú.
Khuôn viên lăng nằm trên khoảng đất rộng chừng 1.360m2. Phía trước lăng có một ao nước hình chữ nhật, phía sau lăng có một hòn giả sơn đắp bằng đất nhưng nay không còn. Phần lăng chính có 3 lớp tường thành, gồm: La Thành, Bửu Thành và Uynh Thành.
Theo đó, La Thành là phần bao bọc bên ngoài, có hình chữ nhật và cửa vào rộng khoảng 3,6m; hai bên cổng có hai con kỳ lân nằm đắp bằng vữa, tô màu sống động và sắc sảo. Bửu Thành là vòng thành thứ hai, có hai con kỳ lân trong tư thế đặt một chân lên quả cầu; toàn bộ mặt Bửu Thành trong cũng như ngoài được chia ô hộc đắp hoa văn cảnh tích bằng vữa tô màu.
Uynh Thành là vòng thành trong cùng bao bọc lấy phần mộ, thành có hình trứng (hay hình thuyền). Các nghệ nhân khéo léo thể hiện những đường nét theo hướng nội ở từng chi tiết, đem lại cảm giác ấm cúng cho khu lăng mộ.
Bên cạnh đó, vì bà không có con cháu để nhang khói và tế tự nên Nguyễn Ánh còn cấp ruộng đất cho người dân trong vùng cày cấy không phải nộp thuế để lo cúng giỗ cho bà. Hàng năm, cứ đến ngày 16 tháng chạp, chức sắc và dân làng tập trung làm lễ giỗ rất trọng thể, đủ lễ nhạc như các lăng tẩm ở triều đình. Ngày nay, Ban quản lý di tích cùng chính quyền và nhân dân địa phương vẫn tổ chức lễ giỗ bà hàng năm.
Lăng bà Vú được đánh giá là công trình kiến trúc lăng tẩm mang đầy đủ những yếu tố lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật… của triều Nguyễn. Nhà thơ Quách Tấn từng viết về lăng bà Vú trong cuốn Xứ Trầm Hương rằng: “Tuy không nguy nga tráng lệ bằng lăng vua, nhưng ở miền Nam Trung Việt không thấy ngôi mộ nào có thể sánh về quy mô cũng như về kiến trúc”.
Năm 1999, lăng bà Vú được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Năm 2001, do di tích xuống cấp nặng nề nên đã được tiến hành đại trùng tu tất cả các hạng mục.
Huyền thoại cuộc chiến giữa kỳ lân và bạch hổ
Theo ông Mai Hoàng (người trông coi lăng bà Vú), những bậc cao niên trước đây kể lại rằng, từ khi xây dựng lăng, hàng đêm những người dân sống cạnh đó thường xuyên thấy những hiện tượng lạ vô cùng ly kỳ. Người dân trong vùng thấy ở cạnh lăng bà Vú xuất hiện một đôi thỏ ngọc đang tung tăng nô đùa dưới ánh trăng, khi trời dần về sáng thì biến mất cùng với bóng đêm.
Người dân thấy thế lấy làm kinh ngạc, nhiều lần các thanh niên trong làng tìm cách tiếp cận đôi thỏ ngọc để xem thực hư chuyện như thế nào, nhưng cứ hễ động có tiếng người là cặp thỏ ngọc đi vào lăng rồi biến mất. Những thanh niên này chỉ còn nghe tiếng đùa giỡn mà không thấy những con vật kia đâu cả.
Ông Hoàng kể về cuộc chiến giữa kỳ lân và bạch hổ. |
Truyền thuyết còn kể lại rằng, vào những đêm trăng sáng, người dân nhìn thấy bốn còn kỳ lân thay nhau ra đùa giỡn dưới chiếc sân rộng cách lăng bà Vú khoảng độ vài chục mét. Sau khi chơi đùa chán, những con linh thú này lặn ngụp xuống chiếc ao sâu ngay bên cạnh lăng để tắm. Sau đó, chúng vào rừng bẻ trái cây và hoa màu của người dân để ăn.
Nhiều người dân xót của nhưng không dám động chạm đến những con vật này, chỉ biết đứng từ xa nhìn mà cầu khẩn cho chúng đừng đến nữa. Khi đã ăn no nê, chúng trở về lăng bà Vú và biến mất dạng khi ánh bình minh dần lên.
Nghe lời một thầy mo trong làng, người dân bèn lập đàn cầu trước lăng bà Vú để mong phù hộ và trấn áp những con vật đang hoành hành gây hoang mang cho người dân địa phương. Chỉ một thời gian sau, khi những con kỳ lân bắt đầu bay qua những đám hoa màu của người dân trong làng thì lập tức xuất hiện con bạch hổ lớn đuổi theo để ngăn chặn những con vật hung hăng kia.
Và cứ thế, vào mỗi độ trăng tròn là ở trong làng lại xuất hiện những tiếng gầm rú ghê sợ của những con vật đang đánh nhau. Đến khi trời sáng thì tất cả biến mất sau lăng bà Vú mà không để lại dấu tích gì. Thế nhưng, năm này qua năm nọ, cuộc chiến vẫn cứ dai dẳng và không có hồi kết.
Nhiều năm liền trôi qua, người dân sống trong hoang mang với những cuộc chiến kinh hoàng của bạch hổ và kỳ lân. Thế rồi, người làng cũng mời được một thầy bùa cao tay ấn là người Chămpa về để trấn yểm những con quái thú đang gây họa ở vùng quê.
Tương truyền rằng, khi thầy bùa này đến nơi đây thì phát hiện vùng đất này có long mạch với nhiều linh khí kỳ lạ mà trước nay chưa từng thấy qua. Sau khi đã quan sát thật kỹ về thế đất cũng như nghiên cứu về những linh vật hoành hành ở đây, vị thầy người Chămpa liền nhờ dân làng lập đàng để giải trừ nạn kiếp.
Sau khi khấn vái, người này liền dùng kiếm gỗ để khoét mắt và bẻ sừng tất cả 4 tượng đá có hình thù kỳ lân ở lăng bà Vú. Sau đó, người này dùng bùa chú yểm vào những con vật bằng đá kia. Công việc lập đàng và giải hạn của vị pháp sư này kéo dài 7 ngày 7 đêm mới dừng lại.
Quả nhiên sau đó, người dân trong làng không còn nhìn thấy những con thú hung dữ và tiếng gầm rú ghê sợ kia nữa. Nhưng cũng từ đó trở về sau, không ai tìm thấy tung tích của vị pháp sư người Chămpa này nữa.