Cả gan ngồi lên… ngai vàng
Tô Phú Vượng người làng Bảo Hà (còn gọi là làng Linh Động) thuộc địa phận xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, phủ Hạ Hồng, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Bấy giờ làng Bảo Hà có rất nhiều thợ làm sơn mài, tạc tượng, chạm khắc giỏi, tiếng đồn lan khắp nơi, vang đến cả triều đình vì thế vua Lê chúa Trịnh cũng như các vương công đại thần thường cho gọi thợ Bảo Hà đến đắp tượng, chạm trổ hoa văn cho kiệu xe, dinh thự của mình, họ đều làm rất đẹp và tinh xảo, mà Tô Phú Vượng là người tài hoa hơn cả. Ông có biệt tài nhìn người tạc ra tượng đẹp, chuẩn mực theo phong cách hiện thực, thần thái sinh động có thể xem tướng được.
Thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) chấp chính, nghe tiếng Tô Phú Vượng nên đã triệu về kinh đô Thăng Long giao trách nhiệm tạc một cái ngai thuộc hạng... có một không hai trên đời! Vâng mệnh vua, Tô Phú Vượng cùng học trò yêu và cũng là con rể của mình là Hoàng Đình Úc khăn gói lên đường trẩy kinh.
Khi bắt tay vào công việc, Tô Phú Vượng mang hết tài nghệ ra làm chiếc ngai suốt mấy tháng ròng một cách cần mẫn, siêng năng mới hoàn thành. Ngắm nghía công trình mà mình dốc bao lao tâm khổ tứ, ông rất hài lòng, trong một lúc cao hứng, Tô Phú Vượng nảy ra ý định ngồi thử một cái xem cảm giác ở trên ngai có thực... sướng không?
Ông vừa ướm vào ngai thì bất chợt có một viên giám quan đi đến, thấy người thợ chạm đang chễm chệ trên ngai vàng thì hoảng hốt thét lên: “Ngai làm để cho đức vua ngự, sao ngươi dám ngồi lên?”, nói rồi lập tức gọi lính thị vệ kéo Tô Phú Vượng xuống, giải ra ngoài và làm sớ tâu trình lên vua.
Hành động cả gan ngồi lên ngai rồng là "khi quân phạm thượng", bị khép tội chém đầu, nhưng vua Lê tiếc tài của ông nên lệnh “trảm giam hậu”, tức là tạm giam vào ngục chờ ngày luận tội sau. Nghệ nhân Hoàng Đình Úc cũng bị bắt giam cùng bố vợ của mình.
Biến hạt gạo thành tác phẩm
Ở trong ngục mấy hôm, Tô Phú Vượng cảm thấy... ngứa nghề, buồn chân buồn tay không chịu nổi. Nhìn quanh phòng giam, ông thấy một vài hạt gạo nếp kiến tha từ chiếc chổi lúa còn vương dưới đất, để khuây khỏa xóa đi buồn chán, Tô Phú Vượng nảy ra ý nghĩ: “Ta sẽ dùng hạt gạo nếp này tạc hình con voi bé xíu để quên những ngày dài vô vị”.
Với móng tay của mình và một mũi kim găm, ông miệt mài, tỷ mẩn hết ngày này sang ngày khác chạm khắc những đường nét li ti biến những hạt gạo nếp dần trở thành những chú voi nhỏ xíu mà vẫn đầy đủ cả ngà, vòi, tai, đuôi, mắt, trông sinh động như thật.
Bạn tù, rồi lính cai ngục nhìn thấy đều hết sức kinh ngạc, thán phục khoe với quan giám sát, quan giám sát nói lại với pháp quan; cả những người ở dinh thự quanh ngục, rồi cả các cung nội nghe đồn đều truyền nhau nô nức kéo tới xem khiến ngục thất giam giữ phạm nhân trở thành nơi nơi nhộn nhịp.
Chuyện đến tai vua, Lê Dụ Tông liền lệnh mang tác phẩm “siêu nhỏ” đến cho ngài xem và vô cùng ngạc nhiên trước những bức tượng voi nhỏ xíu mà phải thốt lên: “Kỳ tài! Kỳ tài! Thật là kỳ tài!”, rồi truyền lệnh tha cho Tô Phú Vượng và con rể của ông.
Không những thế vua Lê còn phong tước cho Tô Phú Vượng là Kỳ tài hầu, đây là một danh hiệu mới chưa hề có trong điển lễ của nhà nước, đủ biết chữ “tài” đã chinh phục lòng người mầu nhiệm như thế nào!
Nhận được vinh dự lớn nhưng Tô Phú Vượng không ham danh lợi, ông xin về quê tiếp tục làm nghề. Trên đường trở về, khi qua chùa Đông Cao (nay thuộc xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) thấy đang trùng tu, hai cha con ông được dân làng mời tham gia góp sức.
Tô Phú Vượng nhận làm pho tượng Ngọc Hoàng và quan hầu, ông nghĩ vua trên trời hẳn cũng như vua dưới trần, bèn lấy dung nhan vua Lê mà làm tượng Ngọc Hoàng để đền ơn cứu mạng.
Tương truyền sau này, lúc sắp mất Tô Phú Vượng cho gọi con cháu đến bên giường căn dặn rằng: “Muốn xem mặt vua Lê và các quan tứ trụ triều đình hãy đến chùa Đông Cao. Tượng Đức Ngọc Hoàng không có râu là chân dung vua, các tượng xung quanh là bộ mặt của các quan triều do ta dày công biểu hiện. Nếu theo nghề ta các con phải quan sát, nắm lấy cái thần của mọi hạng người để cho hóa thân vào các pho tượng của mình thì mới tránh được sự rập khuôn buồn tẻ”.
Trong số các tác phẩm của Tô Phú Vượng còn để lại, nổi tiếng nhất là bức tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp (nay thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Đây là bức tượng Phật bà cổ duy nhất có đủ nghìn mắt nghìn tay và có khắc tên nghệ nhân làm tượng, đó cũng là điều đặc biệt vì trong hàng ngàn, vạn nghệ nhân đã tham gia xây tháp, xây đền, là tác giả của những tượng gỗ tượng đá, những bức chạm nổi ở đình đền, chùa chiền nhưng không có ai ghi lại danh tính, chỉ trừ tên một người độc nhất là Tô Phú Vượng.
Câu chuyện về Tô Phú Vượng lấy hạt gạo tạo hình con voi, một số tài liệu cho rằng là giai thoại thời vua Lê Hiển Tông. Vì sử sách còn lại đến nay không cho biết nhiều về ông, nhưng theo sắc phong đề ngày 26 tháng 3 năm Bảo Thái thứ 9 (1728) đời vua Lê Dụ Tông ở ngôi và chúa An Vương Trịnh Cương nắm quyền thì Tô Phú Vượng được phong là Kỳ tài tử, phụng thi dư phó cai hợp tả phiên ấn lại ứng vụ, sau đó được thăng là Kỳ tài bá. Như vậy câu chuyện nổi tiếng nói trên của Tô Phú Vượng là ở thời vua Lê Dụ Tông chứ không phải thời Lê Hiển Tông.
Trong giấy chứng nhận hưởng bổng lộc của ông thấy ghi mức lương là 38 quan cổ tiền, 40 phương thóc, 254 bát gạo, tính ra bằng 35% số cổ tiền, 90% số thóc, 100% số gạo của thuế trong một năm mà xã Bảo Hà phải nộp cho triều đình.
Đến năm Ất Hợi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 16 (1755) đời Lê Hiển Tông và chúa Tĩnh Vương Trịnh Sâm, Tô Phú Vượng được vinh phong là Hoàng tín đại phu, sự viện Kỳ tài hầu. Con cháu ông sau này nối nghiệp đều trở thành những người thợ tài hoa nổi tiếng, nhất là người cháu nội tên là Tô Phú Luật được phong tước Diệu nghệ bá.