Huyền thoại Lâm Trung Trại (Kỳ 1): Nơi nghĩa sĩ nông dân đứng lên chống Pháp

Ở TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) có một ngôi chùa được dân gian gọi với cái tên kỳ lạ là chùa Cô Hồn, tức Bửu Hưng Tự (tọa lạc tại đường Phan Đình Phùng, phường Quang Vinh).
Bửu Hưng tự khởi nguyên là miếu thờ các nghĩa sĩ Lâm Trung Trại.

Gắn liền với lịch sử ngôi chùa này là huyền thoại về những người anh hùng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp, cụ thể là tổ chức hội kín yêu nước mang tên Lâm Trung Trại.

Nơi anh tài tụ nghĩa

Năm 1884, triều đình nhà Nguyễn ký kết với người Pháp Hòa ước Giáp Thân (còn gọi là Hòa ước Patenôtre), chấm dứt triều đại phong kiến nhà Nguyễn với tư cách là một quốc gia độc lập, thay vào đó là chế độ thuộc địa nửa phong kiến, đặt Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân Pháp cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bối cảnh đó càng thổi bùng tinh thần yêu nước của quần chúng nhân dân với nhiều phong trào đấu tranh chống lại ách cai trị của thực dân Pháp.

Tại miền Nam, những năm đầu thế thế kỷ XX xuất hiện các phong trào tự phát của giới dân nghèo nhằm chống lại ách áp bức của người Pháp, dưới hình thức hội kín. Đất Đồng Nai lúc bấy giờ cũng có một tổ chức tên là Lâm Trung Trại, tập hợp bởi những anh hùng hảo hán giàu lòng ái quốc. Cho đến tận bây giờ, trong ký ức của những bậc cao niên xứ này, những người anh hùng trại Lâm Trung hiện lên như một huyền thoại.

Tác giả Lương Văn Lựu – một người con tài đức của đất Biên Hòa, trong tác phẩm “Biên Hòa sử lược toàn biên”, có ghi chép nhiều thông tin quý giá về hội Lâm Trung Trại. Theo đó, hưởng ứng phong trào kháng Pháp của hội kín Nam Kỳ (người đương thời còn gọi là Thiên Địa Hội), một số người dân yêu nước ở tỉnh Biên Hòa cũ (nay là Đồng Nai) đã bí mật lập ra Lâm Trung Trại.

Lịch sử Cách mạng chùa Bửu Hưng.

Cũng theo tài liệu, Lâm Trung Trại chọn núi Gò Mọi thuộc xã Thiện Tân (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), nơi có địa hình hiểm trở, dễ thủ khó công làm căn cứ. Hơn thế, sinh sống tại Gò Mọi đa phần là người dân đồng bào dân tộc thiểu số nên giặc Pháp không để ý. Đây được coi là một căn cứ lí tưởng, về công có thể dùng thủy binh theo ngọn Rạch Đông ra Biên Hòa, thủ có thể dựa vào rừng núi theo thế ỷ dốc.

Thành phần những người sáng lập ra hội kín chống Pháp bí mật này là các tay anh chị, hảo hán ở nông thôn, võ nghệ tinh thông, đầy lòng hào hiệp. Thành phần đứng đầu của nghĩa quân được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn uy tín, đức độ tài năng, võ thuật và văn hóa.

Ban đầu, đứng ra sáng lập Lâm Trung Trại có 18 vị được người dân xưng tụng là “anh hùng” gồm: Năm Hi, Ba Hổ, Ba Hầu, Hai Lựu, Bảy Đen, Sáu Huyền, Ba Vạn, Hai Danh, Bảy Phát, Tám Tâm, Hai Mạnh, Ba Thứ, Năm Thanh, Ba Nghi, Tư Rùa, Hai Sở, Mười Lợi, Hai Cầm.

Ông Năm Hi được chọn làm thủ lĩnh, bởi ngoài tài võ nghệ, văn chương hơn người, ông còn giỏi về thuật số, chiêm tinh. Dưới trướng Năm Hi có 9 thành viên đều là những anh hùng, hảo hán lừng danh một cõi. Như ông Ba Hầu, người nổi tiếng can trường vì căm phẫn sự áp bức của thực dân Pháp đã từ giã gia đình, từ chức Hương hào, gia nhập trại Lâm Trung bằng câu nói bất hủ: “Ta sinh vi tướng, tử vi thần”.

Một cao thủ khác của Lâm Trung Trại là Tư Hổ. Truyền rằng, Tư Hổ chính là đệ tử chân truyền của Võ sư Chung, một đạo sĩ được dân chúng suy tôn là Phật sống trên núi Gò Mọi. Theo như miêu tả, Tư Hổ là một tay kiếm cung bậc nhất trong vùng thời bấy giờ.

Nhân vật này gắn liền với câu chuyện một mình vượt tường lẻn vào nhà làng Tân Trạch, nơi lính Pháp giam giữ thanh niên Biên Hòa để đưa đi làm lính đánh thuê. Tự tay kết liễu tên Việt gian khét tiếng với tuyệt kỹ Tỏa hầu cầm nã thủ - một tuyệt kỹ võ công dùng 3 ngón tay bóp đứt cuống họng đối thủ, giải thoát nhiều thanh niên bị giam hãm.

Tác Tác giả Lương Văn Lựu ghi chép nhiều thông tin quý giá về Lâm Trung Trại.

Xây dựng lực lượng chuẩn bị thời cơ

Theo tác giả Lương Văn Lựu, hoạt động dưới sự cai trị của thực dân Pháp, các hội viên của Lâm Trung Trại phải hoạt động ngầm để vừa đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ nhưng vẫn qua mắt được quân đội Pháp. Họ liên lạc, trao đổi thông tin bằng hệ thống ám hiệu, mật hiệu đã được quy ước từ trước, chỉ thành viên trong hội mới hiểu được, như lối hoạt động của các tổ chức Thiên Địa Hội.

Cụ thể, trong cuốn Biên Hòa sử lược toàn biên ghi rằng: “Đảng viên lén lút và bí mật liên lạc nhau. Đặc biệt là dùng cây dù vải cán ngoéo, là vật sử dụng của nam giới mỗi khi ra đường, đề ra mật hiệu bằng thể ca dao mà chỉ người trong cuộc mới biết, hiểu nhau và hoàn toàn giữ kín. Khách đến nhà tùy cách móc dù trên cánh cửa trước mà chủ nhận ra “đồng chí” và biết rõ ý hướng của mỗi người”.

“Ví dụ: “Dù máng bên tả, Đảng viên. Đi việc cơ mật, nói riêng chủ nhà”. (Gia trưởng phải dành riêng chỗ ngồi và thời gian để mật đàm). “Dù máng cái móc trở ra. Bàn sơ chút việc ghé qua đi liền”. (Việc không lấy gì làm hệ trọng). “Dù nằm cái móc trở vô. Phải lo cơm nước với đồ nghỉ ngơi”. (Đó là trường hợp khách lưu lại nhiều ngày cho công tác địa phương). Gặp việc khẩn để báo nguy nhau, thì áp dụng hóa trang dáng dấp và bộc lộ cử chỉ bằng cách: “Quần xăng ống thấp ống cao. Bộ đi vội vã… có tàu của Tây””.

Hoạt động đấu tranh của Lâm Trung Trại thời bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, gian nan. Hội kín hình thành tự phát, thành viên chủ yếu là nông dân nên trang bị cũng khá ít ỏi, gồm vài khẩu súng và một số vũ khí thô sơ như các loại đao kiếm, cung tên, giáo mác.

Các thành viên sử dụng nhiều cách thức, có khi dùng mỹ nhân kế để đoạt lấy vũ khí của lính Pháp. Lương thực thì do các nhà hào hiệp trong vùng chu cấp, nhưng chuyên chở khó khăn, chỉ có mỗi phương tiện duy nhất là xe bò, nhưng vì sự tố giác, chỉ điểm của đội quân tay sai mà thường bị tra xét, chặn bắt.

Đối mặt với bao gian khó hiểm nguy, hoạt động của Lâm Trung Trại thời gian đầu vẫn được duy trì và phát triển. Sinh hoạt thường ngày của hội là tập luyện võ nghệ, kỹ thuật chiến đấu, dùng những hành động cao đẹp, nghĩa cử hào hiệp để quy tụ nhân tâm, kết nạp hội viên ở khắp nơi và củng cố hàng ngũ. Là nơi tụ nghĩa của những hào kiệt có khí phách và tinh thông võ nghệ với mục đích đưa quê hương thoát khỏi xiềng xích nô lệ, Lâm Trung Trại từng được người dân xứ Biên Hòa xưa xem như những anh hùng Lương Sơn Bạc của đất này.

Phạm vi hoạt động của tổ chức này càng ngày càng được mở rộng. Hội viên của trại Lâm Trung ngày một đa dạng, trong đó phân nửa lực lượng là nông dân ở đồng quê. Trong đó trai tráng là lực lượng hoạt động chính, đảm nhận nhiệm vụ cốt yếu, còn người có gia đình, người lớn tuổi thì thực hiện nhiệm vụ cảm tình viên. Những gia đình giàu có thì làm ủng hộ viên. Trại dần dần cũng trang bị được một số súng, thậm chí có những loại súng hiện đại từ tay thực dân Pháp.

Lâm Trung Trại đặt ra một số mục tiêu cụ thể như thành Sơn Đá, các khám - nơi các nhà hoạt động cách mạng bị giam cầm, nuôi dưỡng tinh thần quật khởi của nhân dân để đợi thời cơ. Dẫu đấu tranh một cách tự phát, còn nhiều hạn chế về trang bị và tổ chức lực lượng, tuy nhiên tinh thần đấu tranh của các hội viên Lâm Trung Trại đã góp phần vực dậy tinh thần quật cường, lòng yêu nước, kiên quyết đấu tranh đòi quyền tự do của người dân Đồng Nai lúc bấy giờ.

Sau thời gian bí mật xây dựng lực lượng, Lâm Trung Trại từng bước công khai chống sự xâm lược của thực dân Pháp ở đất Đồng Nai. Năm 1914, chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Pháp đối đầu với quân Đức trong khi quân số ngày một kiệt quệ. Để bổ sung quân tham chiến, năm 1915-1916, thực dân Pháp tiến hành bắt bớ thanh niên trai tráng nước ta để mang sang Châu Âu làm bia đỡ đạn. Điều này làm cho người dân Việt đang bị áp bức càng thêm căm phẫn tột cùng.

Năm 1916, Lâm Trung Trại vừa phản ứng ngầm, có nhiều hành động chống đối lại việc thực dân Pháp bắt bớ thanh niên trai tráng ở địa phương mang đi giam giữ để chờ ngày đưa xuống tàu để sang Pháp. Một mặt, tổ chức này cũng vừa liên lạc với các hội kín ở các địa phương khác như Sài Gòn, lên kế hoạch hành động nhằm đánh chiếm vào những nơi giam giữ, giải cứu thanh niên bị bắt lính và những người yêu nước đang bị thực dân Pháp giam cầm.

(Còn nữa)

Đọc thêm