Huyền thoại Lâm Trung Trại (Kỳ 2): Khí phách của những vị anh hùng thà chết không chịu khuất phục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Như đã nói ở kỳ trước, từ kế hoạch đã được chuẩn bị, đêm ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thìn (1916), các hội viên Lâm Trung Trại chia thành nhiều mũi tấn công vào các khám, ngục giam giữ thanh niên bị bắt và đồng bào yêu nước.
Miếu thờ nghĩa sĩ mới được xây dựng lại tại Bửu Hưng Tự.
Miếu thờ nghĩa sĩ mới được xây dựng lại tại Bửu Hưng Tự.

* Kỳ 1: Huyền thoại Lâm Trung Trại - Nơi nghĩa sĩ nông dân đứng lên chống Pháp

Các mũi tấn công nhanh chóng bị đè bẹp, thành viên Lâm Trung Trại lần lượt rơi vào tay giặc nhưng vẫn giữ khí phách hiên ngang đến phút cuối cùng.

Đồng loạt tấn công các điểm giam giữ

Theo như dự định từ trước, ngoài mục đích giải cứu thanh niên đang bị giam giữ ở nhiều vùng, làng rải rác đất Đồng Nai, các mũi tấn công của Lâm Trung Trại diễn ra cùng thời điểm còn nhằm phân tán lực lượng của đối phương. Nhất là khi xét về tương quan lực lượng và trang bị, LTT còn nhiều hạn chế so với quân đội thực dân Pháp cùng đội quân tay sai.

Theo như ghi chép trong sách “Biên Hòa sử lược toàn biên”, đêm ngày 12 tháng Giêng năm Bính Thìn (1916), các hội viên nồng cốt của Lâm Trung Trại nhận nhiệm vụ khởi sự tại các vùng, làng. Trong đó, Năm Hi (thủ lĩnh), Tư Hổ, Ba Hầu, Hai Lựu, Ba Vạn thực hiện nhiệm vụ tấn công nhà giam ở vùng Tân Trạch. Ba Thứ và Năm Thanh ở vùng Tân Lương. Ba Nghi, Năm Rùa và Hai Sở ở vùng Tân Khánh và Bà Trà. Hai Cầm ở Bến Cá, Mười Lợi ở Lò Gạch.

Mười Sót, Mười Tiết, Bếp Đầy, Lào Lẹt (gốc người Lào), Bảy Phát, Hai Danh, cùng nhận mục tiêu chính, đó là phá khám Biên Hòa để giải cứu những tù nhân chính trị và dân lành bị bắt oan. Ở mũi tấn công này, các nghĩa sĩ Lâm Trung Trại phải đối mặt với lính Pháp trang bị vũ khí hiện đại, lại có quân tiếp ứng từ thành Sơn Đá. Trong cơn hỗn loạn, trước khi đợt tấn công của nghĩa sĩ Lâm Trung Trại bị đẩy lùi, số đông tù nhân trong ngục nổi dậy phá cửa thoát thân.

Ở các nơi khác, các cuộc tấn công diễn ra đúng kế hoạch, tuy nhiên, chỉ giải cứu được một số thanh niên bị bắt lính ở Tân Khánh. Nguyên nhân dẫn đến những thất bại được cho là bởi thành phần hội kín Lâm Trung Trại chủ yếu là nông dân chân lấm tay bùn, chưa có kinh nghiệm chiến đấu, vũ khí thô sơ.

Trong khi quân đội Pháp tổ chức phòng bị chặt chẽ, các điểm giam giữ có lính canh đông, dễ dàng đè bẹp các mũi tấn công. Nhiều hội viên bị bắn chết và bị bắt sống tại trận, trong đó có Mười Sót và Mười Tiết - hai người chỉ huy mũi tấn công khám đường Biên Hòa.

Lâm Trung Trại biết chắc chắn các cuộc tấn công dù kết quả thế nào thì cơ mưu cũng bại lộ, các hội viên sẽ bị lùng bắt, nên sáng hôm sau lực lượng tập hợp tại chùa làng Tân Trạch (Biên Hòa), để lên kế hoạch tấn công vào thành Sơn Đá.

Thủ lĩnh trại là Năm Hi bấm quẻ thấy bất lợi, liền bàn với mọi người nên hoãn các kế hoạch, chờ tình hình lắng xuống sẽ thực hiện các cuộc tấn công. Tuy nhiên, đa số hội viên lúc này hừng hực khí thế chiến đấu và muốn ngay lập tức tấn công.

Thế nhưng ngay tại thời điểm đó, quân Pháp với lực lượng đông đảo đổ bộ đến bao vây chùa. Nhờ phát hiện sớm, các hội viên kịp thời rút lui. Sau đó để buộc các nghĩa sĩ phải nộp mình, quân lính bắt bớ vợ con gia đình của những thành viên đầu não.

Khu vực Dốc Sỏi trăm năm trước bây giờ là phố Phan Đình Phùng sầm uất.Khu vực Dốc Sỏi trăm năm trước bây giờ là phố Phan Đình Phùng sầm uất.

Tuy nhiên ý đồ không thành công vì gia đình các hội viên đã lánh mặt khi có báo động. Chỉ có người cha già của Tư Hổ, vì sức yếu không chạy kịp nên bị bắt, bị tra tấn. Thương cha, Tư Hổ ra nạp mình.

Vì tình thế bắt buộc, các đầu lĩnh Lâm Trung Trại sau đó quyết định tạm thời giải tán hội và tiêu hủy số vũ khí bấy lâu thâu góp được. Đêm tối các thành viên chở đi vứt xuống sông rồi mỗi người mỗi ngả, ngụy trang đi tìm sinh kế.

Tuy nhiên thực dân Pháp vẫn tiếp tục truy lùng, sử dụng tai mắt người Việt để theo dõi các thủ lĩnh trại. 8 vị đầu lĩnh trại gồm Năm Hi, Ba Hầu, Hai Lựu, Lào Lẹt, Hai Sở, Ba Vạn, Bảy Phát, Hai Danh sau đó lần lượt bị bắt ở những địa điểm khác nhau.

Hiên ngang trước họng súng quân thù

Khoảng tháng 3 năm 1916, tức khoảng hai tháng sau kể từ đêm nổ ra vụ phá khám Biên Hòa, các hội viên Lâm Trung Trại bị đưa bị đưa ra xét xử trước tòa “Áo đỏ” (tức Tòa đại hình của Pháp) với tội danh “phiến loạn, cướp của và giết người”. 9 nghĩa sĩ đóng vai trò nồng cốt bị xử án tử hình gồm có Năm Hi, Ba Hầu, Hai Lựu, Hai Sở, Lào Lẹt, Bảy Phát, Bếp Đầy, Mười Sót, Mười Tiết. Riêng Tư Hổ và Ba Vạn bị kết án 20 năm khổ sai, lưu đày ra Côn Đảo.

Vào một buổi xế chiều cuối mùa Hạ, người dân xóm Dốc Sỏi (thôn Bình Thành nay thuộc phường Quang Vinh, TP Biên Hòa, Đồng Nai) thấy viên quan Pháp dẫn đầu đoàn lính vác súng trên vai và tốp tội nhân khiêng nhiều cột gỗ, cuốc xẻng kéo đến vùng Gò Mô (trước cổng sân bay Biên Hòa ngày nay). Sau khi chọn địa thế, lính địch phát dọn một cây bụi để lộ ra khoảnh đất trống chừng 250 m2 sau đó đào lỗ trồng cột. Nhiều người dân tò mò bàn tán nhưng không một ai biết rằng đây sẽ là nơi dùng làm pháp trường.

Hôm sau, trời vừa rạng sáng, 2 xe chở lính Pháp trang bị súng ống đầy đủ dừng bánh tại đây, lính tráng đứng giàn hàng nghiêm chỉnh. Chiếc xe thứ 3 chở 9 tội nhân là những nghĩa sĩ Lâm Trung Trại, lúc này người ta mới biết sắp diễn ra việc hành hình. 9 vị hảo hán đối diện với cái chết vẫn hiên ngang. Khi được nói lời trăn trối cuối cùng, ông Ba Hầu hỏi vợ con ông có mặt ở đây không và dõng dạc nói lớn: “Ta sanh làm tướng, chết làm thần. Chào bà con ở lại mạnh giỏi”.

Thành viên khác là Hai Sở, nước da trắng, mặt trông thư sinh nhưng dáng vẻ hiên ngang: “Cứ bắn ta đi. Sở này không sợ đâu. Cái chết, ta thị như quy tân gia (xem như được về nhà mới)”. Sau 2 loạt đạn, 9 vị nghĩa sĩ lần lượt gục xuống, máu tươi nhuộm đỏ thân mình trước sự khóc thương của những người dân chứng kiến. “Khí hùng đã thoát xác xông ra, bay lên để rồi bàn bạc trên non sông cây cỏ, tạo ra hồn thiêng của đất nước Biên Hùng (tên gọi của Biên Hoà trong thời kỳ nửa cuối thế kỷ XVIII – PV”, tác giả Lương Văn Lựu ghi lại trong cuốn “Biên hòa sử lược toàn biên”.

Cũng theo sử gia Lương Văn Lựu, ông Biện Lý Đỗ Hữu Tri – người đọc bản án trong buổi hành hình, cũng nghiêng mình trước các hảo hán trại Lâm Trung. Trên đường ra về sau vụ hành quyết, ông Biện Lý gặp một toán phụ nữ nói cười cợt nhả những người dân địa phương khóc than 9 anh hùng, ông liền mắng: “Đồ nhí nhảnh, người nước Nam bị bắn không biết xót thương…”. Câu mắng này được lưu truyền, được các bô lão đánh giá là bất hủ.

Những nghĩa sĩ được lính địch chôn chung tại một điểm cách pháp trường 50 thước về phía Tây. Chỗ đó có một cây gõ cổ thụ, dân gian thường gọi là cây gõ cụt, bởi vì từ lâu đời bị sét đánh gãy ngọn nhưng vẫn sống, được cho là cây thiêng. Trong lúc các tội nhân đang đào hố chôn, người dân địa phương thương tình, hùn tiền mua cho mỗi nghĩa sĩ một chiếc chiếu mới để bó thân. Đến chiều tối thân nhân mới hay tin và đến đây làm lễ cúng cho 9 nghĩa sĩ.

Riêng hai ông Tư Hổ và Ba Vạn bị lưu đày Côn Đảo, đến năm 1920 thì được trả tự do về với quê hương. Tư Hổ sau đó tham gia cuộc khởi nghĩa tháng 8 năm 1945, bị thực dân Pháp bắt. Người Pháp cho rằng ông là lãnh tụ Thiên Địa Hội, từng bị bắt nhưng nay tiếp tục phiến loạn nên đã bắn ông tại Tân Uyên.

Sau này, câu chuyện về tinh thần bất khuất, khí tiết oai dũng của những vị anh hùng hảo hán Lâm Trung Trại được người dân truyền tai nhau từ nhà ra xóm, từ thôn ấp lan đến cả châu quận. Tình cảm nhân dân với niềm đau xót tiếc thương xen lẫn tự hào gói gọn trong 2 câu ca dao: “Ai về Bến Cá Tân Uyên/ Nhớ rằng Dốc Sỏi, đất thiêng, khí hùng”. Tuy nhiên, về mặt chính sử, có điều đáng tiếc là rất ít tài liệu đề cập đến nguồn gốc và sự hình thành hội kín anh hùng này.

Phong trào đấu tranh của những nghĩa sĩ Lâm Trung Trại đã thất bại nhưng sự hi sinh anh dũng của họ trở nên bất tử trong lòng nhân dân. Cảm khái trước lòng yêu nước của các nghĩa sĩ, năm 1918, dân chúng quanh vùng dựng một am bằng tranh tre vách lá tại gốc cây đa lớn nơi đầu Dốc Sỏi để nhanh khói cho các vị anh hùng, thờ Phật và cầu siêu cho những oan hồn uổng tử phảng phất trên vùng đất thiêng này.

Người dân quanh vùng khi ấy gọi cái am nhỏ ấy là “miếu cô hồn”. Đây là nơi đầu tiên nhân dân thờ tự, lưu dấu hồn thiêng của các vị anh hùng Lâm Trung Trại. Đó cũng là khởi nguyên của chùa Cô Hồn – Bửu Hưng Tự tại khu vực trung tâm TP Biên Hòa ngày nay.

(Còn nữa)

Đọc thêm