Cặp mãng xà xuất hiện ở di tích anh em nhà Tây Sơn
Chuyện cặp mãng xà xuất hiện tại di tích An Khê Trường (phường Tây Sơn, thị xã An Khê, Gia Lai) vào đúng dịp Tết Canh Tý đến nay vẫn gây ra những đồn đoán trong dư luận. Nhiều người cho rằng, sự xuất hiện của cặp mãng xà là điềm lành rất linh thiêng.
Theo đại diện Ban quản lý di tích An Khê Trường, cặp mãng xà xuất hiện tại di tích vào đúng 12h trưa ngày 30 Tết Canh Tý (tức ngày 24/1). Cặp mãng xà dài khoảng hơn 3m bò cùng nhau trong khuôn viên di tích và tỏ ra khá dạn người.
“Cặp mãng xà này chỉ xuất hiện đúng 5 phút, đúng thời điểm nhạy cảm là khi các cụ trong di tích An Khê Trường đang chuẩn bị làm lễ tiễn năm cũ và đón năm mới. Hiện tại, cặp mãng xà này đã đi đâu không ai biết”, vị này cho biết.
Cũng theo vị này, thời điểm cặp mãng xà xuất hiện, nhiều người chỉ dám đứng từ xa để nhìn chứ không dám lại gần vì sợ nguy hiểm. Việc cặp mãng xà xuất hiện là hiện tượng bình thường. Trước đây, trong di tích An Khê Trường cũng từng xuất hiện mãng xà trong những thời khắc quan trọng.
Một góc di tích An Khê Trường. |
“Theo quan sát, cặp mãng xà xuất hiện vào trưa ngày 30 Tết là lúc cặp đôi này đang giao phối với nhau. Điều lạ là do chúng xuất hiện vào thời khắc nhạy cảm nên nhiều người cảm nhận có điều gì đó rất thiêng và lạ”, vị này nói thêm.
Di tích An Khê Trường là một trong 17 di tích nằm trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo đánh dấu buổi đầu cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn. Đến di tích An Khê Trường, thả lòng mình trong một khuôn viên rộng và thoáng, được xem 3 hạng mục còn giữ nguyên vẹn đến ngày nay, gồm: cổng tam quan, trụ kính thiên mình rồng và bức bình phong có hình kỳ lân, khiến cho người chứng kiến có cảm tưởng mình được xích lại gần hơn với quá khứ. Các hạng mục này nằm liền kề trước đền thờ, mang ý nghĩa ngăn cách để trừ những tà khí xấu xâm nhập vào di tích.
Chính sử cũng có nhiều nguồn sử liệu khác ghi rằng, gọi là An Khê Trường bởi đây là một trạm thu thuế ở mạn ngược thời Chúa Nguyễn, nó còn lại với lịch sử bởi đây là nơi liên lạc, hội họp của các thủ lĩnh Tây Sơn trong buổi đầu dấy nghĩa. An Khê Trường được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Di tích ngày nay là một đền thờ rộng khoảng 100m2, bên trong thờ các vị tiền hiền, hậu hiền, các vị thần dân gian và từ năm 2010 có thêm Hoàng đế Quang Trung.
Các bậc cao niên ở đây cho biết, An Khê Trường là vị trí quan trọng, nơi người kinh tiếp xúc với người Bana ở đây, để giao thương buôn bán hàng hóa. Trong quá trình buôn bán giao lưu, anh em nhà Tây Sơn đã vận động người dân tham gia nghĩa quân để tập hợp lực lượng khởi nghĩa. Khu đây còn có gò chợ là điểm buôn bán và bức tường thành lũy bao bọc xung quanh nhưng nay đã không còn.
Để tưởng nhớ công lao của nhà Tây Sơn, hàng năm, tại di tích An Khê Trường, vào ngày 9/2, nhân dân trong vùng tổ chức tổ lễ hội tế thần; ngày 10/2 tổ chức lễ hội cầu huê, buôn bán các thức ăn ẩm thực của địa phương vì nơi đây là giao thương buôn bán thời xưa của nhà Tây Sơn. Từ năm 1975, vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán hàng năm, chính quyền địa phương chọn An Khê Trường để tổ chức lễ mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Những huyền thoại gắn với miếu Xà
Tại thôn Thượng An (xã Song An, thị xã An Khê) ngay trên trục quốc lộ 19 có một ngôi miếu nhỏ, người dân gọi là miếu Xà. Miếu Xà cũng là một trong 17 di tích nằm trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo.
Tương truyền rằng, năm 1773, khi 3 anh em nhà Tây Sơn xuất quân tiến xuống đồng bằng. Khi đến khúc ngoẹo Cây Khế tại đèo An Khê, bất ngờ có một con rắn đen như gỗ mun, to như cột đình ra nằm chặn giữa đường.
Trong hàng ngũ tướng lĩnh và nghĩa quân có người cho rằng đây là điềm gở, đề nghị thâu quân. Nhưng Nguyễn Huệ đã tiến lên, rút kiếm chém đứt đôi con rắn, lấy máu tế cờ và hòa rượu cho binh sĩ uống. Sau đó, Nguyễn Huệ cho người trèo lên cây ké phất cờ và cây cầy gần đó nổi trống làm hiệu tiến binh.
Từ lần xuất quân đó, Nguyễn Nhạc đã lấy được thành Quy Nhơn. Sau khi thắng trận, Nguyễn Nhạc cho lập miếu thờ rắn thần tại ngoẹo Cây Khế nhưng do thời gian và biến loạn nên người dân đưa miếu Xà về thôn Thượng An. Riêng cây ké và cây cầy, qua thời gian nên hiện không còn dấu tích.
Còn trong sách “Nước non Bình Định”, nhà thơ Quách Tấn lại kể rằng, một hôm Nguyễn Huệ vâng lệnh Nguyễn Nhạc chỉ huy một đạo tân binh từ Tây Sơn thượng đạo xuống Tây Sơn hạ đạo. Gần đến chân phía tây đèo An Khê thì đạo binh vùng thoái lui, bởi một cặp rắn mun cực kỳ to lớn nằm chặn giữa đường, cổ cất cao như cột nhà cháy và miệng hả to như hai chậu máu tươi.
Miếu Xà ở thôn Thượng An. |
Mọi người đều kinh hồn và cho là một điềm xấu. Nguyễn Huệ liền xuống ngựa, chắp tay khấn: “Nếu anh em chúng tôi có thể dựng được nghiệp lớn thì xin xà thần tránh đường cho quân đi. Bằng mạng số chúng tôi không ra gì thì chỉ xin cắn chết tôi mà tha cho quân lính được sống về cùng vợ cùng con”. Vừa khấn xong thì cặp rắn quay đầu xuống, song song đi trước dẫn đường cho đạo binh.
Khi đến thôn Thượng An thì cặp rắn dừng lại. Một con vào bụi rậm ngậm ra một thanh long đao, cán đen như mun, lưỡi bén như nước. Rồi cả hai ngậm ngang thanh đao, song song bò đến dâng cho Nguyễn Huệ, sau đó biến mất. Thanh đao Nguyễn Huệ dùng đánh giặc là thanh đao của thần rắn dâng. Ðể tỏ lòng tri ân, Nguyễn Huệ lập miếu thờ thần rắn tại nơi dâng đao, người dân gọi là miếu Xà.
“Tuy không có sách vở nào chép, song chuyện vẫn lưu truyền qua nhiều đời. Chuyện chém rắn đề cờ cũng như chuyện rắn dâng đao là những huyền thoại gắn liền với những chiến công hiển hách của 3 anh em nhà Tây Sơn”, nhà thơ Quách Tấn viết.
Các bậc cao niên ở thôn Thượng An cho biết, khi xây dựng miếu xà, vua Quang Trung có sắc phong hẳn hoi. Có điều khi vua Gia Long trả thù khốc liệt, người dân trong vùng đốt hết sắc phong và gọi trại miếu Xà là miếu Bà để tránh sự trả thù.
Thời chống Mỹ, miếu Xà bị phá phách hoang tàn, khu thờ chỉ có 4 cây cột dựng lên như nhà sàn nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Cách đây gần 20 năm, người dân xã Song An góp tiền của và đi quyên góp để xây dựng miếu Xà khang trang như bây giờ. Hàng năm, cứ vào 20/2 âm lịch, người dân địa phương lại góp tiền làm lễ cúng xà thần rất long trọng. Phía sau hương khói nghi ngút là tưởng nhớ vị vua Quang Trung lẫm liệt thuở nào.
Qua bao thăng trầm của lịch sử, An Khê Trường, miếu Xà nằm trong quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo luôn là niềm tự hào của bao lớp người sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Tây Sơn thượng. Đây không chỉ là chứng tích lịch sử oai hùng và truyền thống thượng võ, vang danh gắn liền với phong trào khởi nghĩa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà còn là điểm thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu, khám phá trong mỗi dịp lễ, Tết.