Huyền thoại Trà Mã cổ đạo (Kỳ 3): Lá trà theo người đẹp “nhập quốc”

(PLVN) -  Truyền thuyết kể lại rằng, trà lần đầu tiên được mang đến Tây Tạng khi công chúa Văn Thành của triều đại nhà Đường kết hôn với Vua Tây Tạng Tùng Tán Cán Bố (Songtsen Gampo) vào năm 641.
Một vở diễn tái hiện câu chuyện tình tuyệt đẹp liên quan đến Trà Mã cổ từng ghi dấu trong sử sách Trung Hoa.
Một vở diễn tái hiện câu chuyện tình tuyệt đẹp liên quan đến Trà Mã cổ từng ghi dấu trong sử sách Trung Hoa.

Trà Mã cổ đạo (茶馬古道)là một con đường mòn huyền thoại nằm sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên vốn dùng để vận chuyển trà và ngựa liên thông Trung Quốc với Tây Tạng. Đây là con đường thông thương buôn bán cổ nhất nhì châu Á, ẩn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử chờ được khám phá.

Đường đi của lá trà vào đất thánh

Tạng Vương Songtsen Gampo là triều vua thứ 33 và cũng là bậc minh quân vĩ đại nhất trong lịch sử đế quốc Thổ Phồn từng tồn tại ở Tây Tạng. Vào thời Đường, Trung Quốc đang phát triển một nền văn hóa trà đỉnh cao còn vua Songtsen Gampo khi đó đã thống nhất được Tây Tạng và mở rộng quyền bá chủ sang khu vực Tây Bắc Vân Nam. 

Được người dân tôn sùng, yêu kính bởi tài năng trị quốc và tinh thông văn võ, Tùng Tán Cán Bố được coi là người có công đầu dựng xây Thổ Phồn thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh. Là người hiếm hoi đọc hiểu được kinh sách tiếng Phạn, căn cứ trên tư tưởng Phật giáo, ông ban bố Thập Thiện và Thập lục yết luật để dân chúng thi hành.

Nhà vua Tây Tạng thậm chí đã chinh phục Lệ Giang và Đại Lý bằng cách đi theo một con đường mòn cũ mà về sau trở thành Trà mã cổ đạo. Songtsen Gampo lúc bấy giờ đánh tiếng muốn kết hôn với một phụ nữ quý tộc Trung Quốc. Đáp lại, nhà vua Trung Quốc khi đó đã gả cháu gái là Công chúa Văn Thành cho Songtsen Gampo. 

Việc kết hôn với Công chúa Văn Thành nhà Đường được cho là nằm trong chiến lược ngoại giao khôn khéo của Tạng Vương nhằm đưa các nền văn hóa khác nhau đến với Thổ Phồn, thông qua cây cầu nối gắn kết hôn nhân với hoàng tộc láng giềng. 

Còn về phía Nhà Đường, cuộc hôn nhân đó cũng giúp mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc sang triều đình Tây Tạng. Bằng cách này, trà đã lần đầu tiên vào Tây Tạng như một mặt hàng xa xỉ. Chỉ trong vòng 3 thập kỷ sau đó, tầng lớp quý tộc Tây Tạng đã uống trà như một thứ đồ uống không thể thiếu. Đến năm 1000 sau Công nguyên, nó đã trở thành một mặt hàng chủ lực. Cả hoàng gia lẫn dân du mục Tây Tạng đều dùng trà.

Trước đó, với tính chất địa hình cao nguyên đặc trưng đồ uống mà người dân ở đây hay dùng là tuyết nấu chảy, sữa nấu, sữa dê, sữa lúa mạch hoặc một loại bia làm từ lúa mạch có tên địa phương là chang. Với sự xuất hiện của trà, họ có thêm một loại đồ uống nóng trong khí hậu lạnh. Một tách trà bơ với vị mặn đặc trưng, béo ngậy trở thành một thứ đồ uống tuyệt vời để những người chăn gia súc ở khu vực lộng gió của Tây Tạng xua tan đi cái lạnh giá trong những lúc phải làm việc ngoài trời. 

Đặc biệt, với chế độ ăn uống nhiều đạm và chất béo, người dân Tây Tạng ngày càng ưa thích trà bởi những công dụng của nó. Người Tạng xưa có câu “Một ngày thiếu trà thân trì trệ, ba ngày không trà hóa bệnh tật”. 

Những viên gạch trà

Dưới thời nhà Đường (618–907), trà được các thương lái vận chuyển từ Vân Nam sang Tây Tạng để đáp ứng nhu cầu của người dân ở đây. Do không thể phát triển ở độ cao của cao nguyên Tây Tạng nên việc nhập khẩu mặt hàng này với số lượng đủ lớn để đáp ứng nhu cầu là một công việc rất khó. 

Ngoài ra, thứ trà xanh được ưa chuộng không thể giữ được màu xanh và tươi sau khi vượt qua quãng đường dài có khi phải mất đến nhiều tháng. Vì vậy, trà được đưa đến Tây Tạng dọc theo Trà mã cổ đạo được đóng thành hình dạng viên gạch giúp nhỏ gọn hơn và cũng ít bị hư hỏng do vận chuyển dài ngày.

Trong khi trà xanh được làm từ búp và lá chưa bị ôxy hóa thì trà gạch ở Tây Tạng, cho đến nay, được làm từ lá, cành và thân cây trà. Đây là loại trà có vị đắng nhất và kém mịn nhất. Đó là những khối trà đen, trà xanh hoặc lá Phổ Nhĩ để nguyên hoặc nghiền mịn đã được đóng gói trong khuôn và ép thành khối. 

Trong suốt quá trình vận chuyển qua quãng đường dài, độ dốc cao và thời tiết khắc nghiệt, những con ngựa, con la và cả những người khuân vác đều đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu đã đổ ở dọc đường. 

Hơi ẩm kết hợp với thân nhiệt của họ đã thúc đẩy quá trình lên men trà. Do đó những viên gạch trà có hương vị nhẹ khi rời Trung Quốc tiếp tục lên men dọc đường, tạo ra một thứ hương vị hấp dẫn thị hiếu người dân ở Tây Tạng. Sau khi pha, thứ trà này chuyển từ màu xanh lá cây sang màu hổ phách và cuối cùng là màu gỗ tếch sẫm. Hương vị của nó cũng được cho là trở nên hấp dẫn hơn. Mặc dù người Trung Quốc coi nó như một sản phẩm kém chất lượng nhưng nó được người Tây Tạng rất thích vì hương vị mạnh, kết hợp đặc biệt tốt với hương vị của bơ yak mà họ thường trộn với trà. 

Trà trở thành mặt hàng giao thương chính giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Do giá trị cao, nó từng trở thành đồng tiền ở Tây Tạng. Những viên gạch trà được sản xuất với 5 mức chất lượng khác nhau và có giá trị tương ứng với các mức độ đó.

Loại trà gạch được sử dụng phổ biến nhất làm tiền tệ là loại trà có chất lượng cao thứ 3 mà người Tây Tạng gọi là “brgyad pa” (có nghĩa là thứ 8), bởi nó có giá trị bằng tám tangkas - đồng xu bạc tiêu chuẩn của Tây Tạng nặng khoảng 5,4g. Những viên gạch đạt tiêu chuẩn này cũng được Tây Tạng xuất khẩu sang Bhutan và Ladakh.

Trên tuyến đường này, cả người và ngựa đều mang vác nặng, những người khuân vác trà đôi khi mang trên 60–90kg, nặng hơn cả trọng lượng cơ thể của họ. Những phu khuân vác thường đội trên đầu những chiếc giá bằng kim loại, vừa để giữ thăng bằng khi đi bộ vừa giúp hỗ trợ tải trọng khi họ nghỉ ngơi, nhờ đó, họ không cần phải đặt các kiện hàng xuống.

Ngoài trà là mặt hàng chủ đạo, người ta còn mang theo muối để trao đổi. Người ta tin rằng chính nhờ mạng lưới buôn bán này mà trà (điển hình là trà gạch) từ Phổ Nhĩ, Vân Nam lần đầu tiên được phổ biến khắp Trung Quốc và châu Á.

(Đón đọc kỳ tới: Vân Nam có trà, Tây Tạng có ngựa)

Văn Thành công chúa, được người Tạng biết tới như là Gyamoza cũng như là một hóa thân của Đa La Bồ Tát.

Mang trọng trách kết nối và tăng cường quan hệ bang giao Hán - Tạng, của hồi môn mà Văn Thành công chúa mang về rặng tuyết sơn vĩnh cửu không chỉ có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni Bát tuế đẳng thân cùng bạc vàng châu báu, mà còn có cả giống cây trồng, giống tằm tơ, sách dạy gieo trồng, thiên văn lịch pháp những bài thuốc y dược…

Không chỉ nhập Tạng trong vai trò một người vợ tài sắc vô song, bà còn bắt tay vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở miền đất mới, nơi du mục trên thảo nguyên đã trở thành nếp sống ăn sâu từ ngàn năm về trước. Nhờ có Văn Thành, người dân Tây Tạng dần làm quen với kỹ thuật luyện kim, làm men gốm, sản xuất giấy - mực, dệt tơ lụa và thêu thùa… Thổ Phồn bước vào giai đoạn thịnh trị và phát triển rực rỡ. 

Đọc thêm