Trên tuyến đường này, cả người và ngựa đều mang vác nặng, những người khuân vác trà đôi khi mang trên 60 - 90kg, nặng hơn cả trọng lượng cơ thể của họ. Những phu khuân vác thường đội trên đầu những chiếc giá bằng kim loại, vừa để giữ thăng bằng khi đi bộ vừa giúp hỗ trợ tải trọng khi họ nghỉ ngơi, nhờ đó, họ không cần phải đặt các kiện hàng xuống.
Được ví sánh ngang với tuyến đường thương mại con đường tơ lụa về tầm quan trọng, đây cũng là một trong những con đường kinh hoàng nhất trên hành tinh này. Thế nhưng, vì miếng cơm manh áo, những mã phu xưa kia vẫn phải gồng mình chở trà trên tuyến đường đầy chông gai. Nhiều người đã bỏ mạng nơi đây.
Dốc đứng Mã An Sơn
Có thể nói, con đường Trà Mã cổ đạo dài, ngoằn ngoèo luôn là thách thức cho bất kì ai. Mưa, tuyết và bão có thể xảy đến bất ngờ, sẵn sàng cướp đi mạng sống của con người. Nhiều mã phu và thương nhân đã nằm lại nơi này và ngày nay ta vẫn có thể bắt gặp những nấm mộ dọc đường đi. Như vậy, Trà Mã cổ đạo trở thành một nhân chứng, ghi dấu những câu chuyện đầy gian khổ của giới mã phu trà năm xưa.
Nhiều năm đã qua nhưng con đường mòn vẫn còn trong ký ức của những người đàn ông như Luo Yong Fu, nay đã 92 tuổi, mắt đã mờ, đang sống ở ngôi làng Changheba, cách Nhã An 10 ngày đi bộ. Xưa kia, người đàn ông này là một phu khuân trà có tiếng, thường xuyên vận chuyển trà đi trên con đường Trà mã cổ đạo.
Lưng đã còng nhưng vẫn khỏe mạnh đến bất ngờ, Luo Yong Fu cho biết ông đã làm công việc bốc vác trên con đường huyền thoại, chở trà đến Tây Tạng từ năm 1935 đến năm 1949. Hàng trà của Luo luôn nặng từ 61kg trở lên trong khi vào thời điểm đó, ông chỉ nặng chưa đầy 51kg.
“Khó khăn quá lớn và sự gian khổ cũng vô cùng lớn. Đó là một công việc khủng khiếp”, ông cho biết. Trong những chuyến đi đó, ông thường xuyên đi qua những con đèo khúc khuỷu, ngoằn nghèo ở Mã An Sơn thuộc tỉnh An Huy. Vào mùa đông, tuyết dày tới gần 1m với đầy những tảng băng dài tới gần 2m treo trên vách đá.
|
Phu trà Mã cổ đạo xưa. |
Các ông Gan Shao Yu, 87 tuổi và Li Wen Liang, 78 tuổi, cũng từng là những người từng sống bằng nghề bốc vác trà trên con đường năm nào. Lưng cúi gập xuống như thể vẫn đang chở trên lưng những bánh trà nặng trịch, bàn tay gân guốc chống nạng chữ T, mặt cúi gằm xuống chân, 2 ông già mô tả lại cách mà họ từng chếnh choáng nhấc từng bước chân dọc theo một dải đá cuội ẩm ướt.
Sau 7 bước, ông Gan dừng lại và dập nạng ba lần theo truyền thông. Cả hai người sau đó vòng nạng ra sau lưng để đặt chiếc khung gỗ trên đầu nạng. Lau mồ hôi trên lông mày bằng những chiếc lá tre, họ cất lên bài hát của người khuân vác trà: “Bảy bước lên, nghỉ một lần/ Tám bước xuống, nghỉ một lần. Mười một bước bằng, nghỉ một lần/ Bạn thật ngu ngốc nếu không nghỉ chân”.
Đánh cược cả mạng sống
Nói đến Trà mã cổ đạo, thường người ta sẽ nhớ đến việc đây được cho là một trong những con đường kinh hoàng nhất trên hành tinh hơn. Bão tuyết thường vùi lấp phần phía tây của tuyến đường và những cơn mưa xối xả tàn phá phần phía đông. Những kẻ cướp đường là mối đe dọa thường xuyên đối với những lữ khách. Tuyến đường chỉ bao gồm những con đường ngoằn ngoèo nhỏ hẹp qua những dãy núi dựng đứng.
Phía bên dưới là những con sông chảy xiết dọc theo tuyến đường. Do đó, chỉ có ngựa thồ mới là phương tiện vận chuyển thích hợp trong điều kiện này. Ban đầu con đường được tạo ra với sự giẫm đạp liên tục của những vó ngựa. Ở các giai đoạn tiếp theo, con đường dần dần được cải thiện nhờ nỗ lực của những người buôn bán trà và ngựa cũng như cư dân của các làng lân cận.
Dù nguy hiểm là vậy nhưng con đường mòn này đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thế kỷ. Mong muốn giao thương là lý do tại sao con đường mòn tồn tại, kết nối nhu cầu mà người ở 2 đầu của tuyến đường muốn có: Trung Quốc có thứ mà Tây Tạng muốn là trà còn Tây Tạng có thứ mà Trung Quốc rất cần là ngựa.
Những con đường do các thương nhân tạo ra đã kết nối các cộng đồng trong các thung lũng và làng mạc lân cận tuyến đường trà mã, đồng thời trở thành phương thức kết nối thông tin liên lạc cho vùng tây nam Trung Quốc. Các trạm mà thương nhân dừng lại để trao đổi hàng hóa sau này trở thành thị trấn hoặc thành phố. Lệ Giang ngày nay là một thị trấn cổ được bảo tồn tốt, được biết đến như một địa điểm quan trọng còn sót lại từ Trà mã cổ đạo.
|
Một thung lũng trà Tây Tạng ngày nay. |
Những người khuân vác trà, bao gồm cả nam và nữ, thường xuyên mang những kiện trà nặng từ 68 đến hơn 90kg, trong đó những người đàn ông khỏe nhất có thể mang được tới 136kg. “Anh mang được càng nhiều thì càng được trả nhiều tiền hơn: Mỗi cân trà sẽ được trả bằng một cân gạo khi trở về nhà”, ông Gan kể lại.
Trên con đường mưu sinh đầy vất vả đó, những phu trà thường chỉ khoác trên mình những bộ quần áo đã sờn rách, đi dép rơm và sử dụng những chiếc móc sắt thô sơ để bám vào những con đèo đầy tuyết. Thức ăn duy nhất của họ là một túi bánh mì ngô và thỉnh thoảng là một bát đậu nấu với sữa để đông. “Tất nhiên một số người trong chúng tôi đã chết trên đường đi. Nếu bị vướng vào một cơn bão tuyết, cái chết rất dễ ập đến. Nếu bị rơi ra khỏi đường mòn, anh cũng khó thoát khỏi cửa tử”, ông Gan cho hay.
Công việc bốc vác trà trên con đường trên chỉ chấm dứt sau khi Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông lên làm lãnh đạo vào năm 1949 và một đường cao tốc được xây dựng ở khu vực này. Chính sách chia lại ruộng đất khiến những người khuân vác trà được giải phóng khỏi công việc lao động cực nhọc. Ông Luo cho biết, sau khi nhận được thửa đất của mình, ông bắt đầu tự trồng lúa và “thời kỳ phu trà buồn bã đó đã qua đi”.
(Đón đọc: Những trầm tích văn hóa dọc tuyến đường cổ nhất nhì thế giới)
Ngoài trà là mặt hàng chủ đạo, người ta còn mang theo muối để trao đổi. Người ta tin rằng chính nhờ mạng lưới buôn bán này mà trà (điển hình là trà gạch) từ Phổ Nhĩ, Vân Nam lần đầu tiên được phổ biến khắp Trung Quốc và châu Á.
Đến thế kỷ 11, trà gạch đã trở thành đồng tiền của Tây Tạng. Triều đình nhà Tống đã sử dụng nó để mua những chiến mã dũng mãnh từ Tây Tạng phục vụ cho những trận chiến chống lại các bộ lạc du mục từ phía bắc, tiền thân Thành Cát Tư Hãn. Nó trở thành mặt hàng giao thương chính giữa Trung Quốc và Tây Tạng. Với gần 60kg trà gạch, người Trung Quốc sẽ nhận được một con ngựa. Đó là mức phí do Cơ quan Chè và Ngựa Tứ Xuyên đưa ra năm 1074.
Vào thế kỷ 13, Trung Quốc đã đổi hàng triệu cân trà lấy khoảng 25.000 con ngựa mỗi năm. Việc đổi trà lấy ngựa tiếp tục diễn ra trong suốt triều đại nhà Minh (1368-1644) và vào giữa triều đại nhà Thanh (1645-1912). Khi nhu cầu về ngựa của Trung Quốc bắt đầu suy yếu vào thế kỷ 18, trà được trao đổi để lấy các loại hàng hóa khác như da từ vùng đồng bằng cao, len, vàng bạc và quan trọng nhất là các loại thuốc truyền thống của Trung Quốc phát triển mạnh ở Tây Tạng.