Huyền thoại Trà Mã cổ đạo - (Kỳ 6): Những trầm tích văn hóa dọc tuyến đường nguy hiểm nhất hành tinh

(PLVN) - Trà Mã cổ đạo (茶馬古道)là một con đường mòn huyền thoại nằm sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên vốn dùng để vận chuyển trà và ngựa liên thông Trung Quốc với Tây Tạng. Đây là con đường thông thương buôn bán cổ nhất nhì châu Á, ẩn chứa những giá trị văn hóa, lịch sử chờ được khám phá.

Trà Mã cổ đạo xưa kia giờ chỉ tồn tại trong ký ức của những người dân bản địa, nhường chỗ cho những tuyến đường cao tốc hiện đại. Thế nhưng, những dấu tích văn hóa của nghìn năm lịch sử là điều không thể xóa nhòa.

Con đường của những huyền thoại

Với chiều dài hơn 10.000 km, Trà mã cổ đạo được nhiều người xem là con đường thương mại cổ dài nhất thế giới, đồng thời cũng là con đường khó đi nhất. Trà mã cổ đạo khi xưa là một mạng lưới các tuyến đường thương mại nối các khu vực sản xuất trà của Vân Nam và Tứ Xuyên tới các khu vực tiêu thụ trà trên khắp Trung Quốc, đặc biệt là với Tây Tạng. Con đường này cũng mở rộng tới Đông Nam Á, qua Nepal và Ấn Độ, sau đó đến Trung Đông và thậm chí cả bờ Biển Đỏ của Ai Cập. 

Theo một số ghi chép, tại Trung Quốc, Trà mã cổ đạo được chia thành hai con đường chính là Trà mã đạo Tứ Xuyên - Tây Tạng và Trà mã đạo Vân Nam - Tây Tạng. Chiều dài hoàn chỉnh của con đường Tứ Xuyên - Tây Tạng là hơn 4.000 km, với lịch sử 1.300 năm, kéo dài từ Nhã An ở Tứ Xuyên đến Lhasa qua Lude, Kangding, Batang và Chamdo ở Tây Tạng đến Nepal, Myanmar và Ấn Độ. 

Ở các triều đại nhà Đường và nhà Tống (960–1279), tuyến đường Thanh Hải - Tây Tạng đã trở thành một phương án thay thế chính cho việc vận chuyển trà từ Tứ Xuyên và các khu vực phía đông khác đi một chặng đường dài ít dốc hơn qua Thành Đô, Tây An (khi đó là Trường An) và Con đường Tơ lụa đến Tây Tạng. Ở thời nhà Minh (1368–1644), Trà mã đạo Tứ Xuyên - Tây Tạng chính thức được công nhận, giúp các thị trấn và thành phố thương mại dọc theo con đường được mở rộng đồng thời thúc đẩy thương mại giữa các khu vực nội địa và Tây Tạng. 

Cung đường của những huyền thoại.  

Trà mã đạo Vân Nam - Tây Tạng cũng được hình thành vào cuối thế kỷ thứ 6. Đa số các ghi chép cho rằng, nói đến Trà mã cổ đạo, người ta sẽ nhớ đến con đường nối Vân Nam với Tây Tạng. Là một trong những con đường mòn cao nhất, khắc nghiệt nhất ở châu Á, con đường này khởi đầu từ huyện Mãnh Hải thuộc Song Bản Nạp, Vân Nam qua Phổ Nhĩ, Fengqing, Dali, Lijiang, Shangrila và tới Tây Tạng trước khi hướng tới điểm cuối cùng là Lhasa. Để từ điểm đầu tới được điểm cuối của hành trình này sẽ phải mất đến 6 tháng. 

Trong quá trình đó, lữ khách sẽ phải băng qua nhiều con sông, trong đó có sông Mekong, sông Dương Tử và qua nhiều ngọn núi cao (một số cao tới 5.000 m). Trong hành trình này, họ cũng phải trải qua nhiều địa hình khác nhau, từ rừng mưa ôn đới của Song Bản Nạp đến rừng núi cao và đồng cỏ của Shangri-la.

Con đường cũng đi qua nhiều khu văn hóa khác nhau, là nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc đa dạng, bao gồm các dân tộc Dai, Bai, Naxi và Tây Tạng. Con đường này nằm ở vị trí địa hình đa dạng nhất của Trung Quốc, phong phú cả về hệ thực vật và động vật và là nơi có số lượng lớn nhất các dân tộc Trung Quốc. 

Những di sản quan trọng

Do sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc trong những năm qua, ngày nay, hầu hết con đường Trà mã cổ đạo ban đầu đã biến mất, chỉ còn lại những vết tích bị bỏ hoang trong nhiều thập kỷ. Với sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc vào cuối thế kỷ 20, những con đường cổ xưa đã được thay thế bằng đường cao tốc Tứ Xuyên - Tây Tạng và những con đường khác dẫn tới vùng đất đầy huyền bí. Vì thế, Trà mã cổ đạo giờ đây gần như bị quên lãng và chỉ tồn tại trong suy tưởng của những người dân bản địa già nua. Có những đoạn đường cổ giờ đã vĩnh viễn biến mất. Thế nhưng, con đường này vẫn mang trong mình những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đáng chú ý. 

Trong đó, về mặt di sản hữu hình, Trà mã cổ đạo hiện bao gồm các con đường và lối đi còn sót lại, các loại cầu (vòm, dầm chìa và dây cáp), những vết tích của các quán trọ ven đường – khi xưa là nơi khách lữ hành có thể nghỉ ngơi sau hành trình dài mệt mỏi, cũng là nơi hỗ trợ dòng chảy giao thương, thông tin và con người -, những khu chợ bao gồm cả lớn và nhỏ, những trụ cột và đền thờ (bao gồm cả nhà thờ Hồi giáo và thậm chí có cả một số nhà thờ Thiên chúa giáo). 

Một góc thị trấn Lệ Giang xinh đẹp ngày nay.  

Còn nói về di sản văn hóa phi vật thể, Trà mã cổ đạo được đánh giá là một mạng lưới giao thương quan trọng, với đích đến là trung tâm của văn hóa trà trong đời sống của nhiều dân tộc ở Vân Nam (và xa hơn nữa). Nói đến con đường này cũng là đề cập đến nền văn hóa lữ hành vốn đang biến mất nhanh chóng mà theo lịch sử là con đường để vận chuyển hàng hóa và cả những quan điểm, tư tưởng đến và đi từ Vân Nam.

Do đó, Trà mã cổ đạo không chỉ là một con đường quan trọng để thúc đẩy hoạt động thương mại (bao gồm cả trà, muối, thuốc và hàng xa xỉ) mà còn là con đường để trao đổi văn hóa, đặc biệt là giữa Tây Tạng và Tây Nam Trung Quốc. Ngoài Con đường Tơ lụa nổi tiếng, Trà mã cổ đạo cũng được cho là một con đường quan trọng để đưa Phật giáo tới Trung Quốc.

Trà mã cổ đạo bằng sự kết hợp giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cùng cảnh quan văn hóa đã trở thành trọng tâm ngày càng tăng của các nỗ lực bảo tồn và phục hồi di sản của Trung Quốc. Con đường này cũng đang được sử dụng như một công cụ tiếp thị để thúc đẩy phát triển du lịch tại Trung Quốc. Dù vậy nhưng đến với Trà mã cổ đạo ngày nay, lữ khách có thể tận hưởng những cung đường đèo tuyệt vời, những đỉnh núi tuyệt đẹp và những vực thẳm bí ẩn trên đường đi. Họ cũng có thể đến thăm các ngôi làng địa phương, tu viện, đền thờ và cảm nhận văn hóa của nơi đây.

(Đón đọc kỳ tới: Núi thiêng Mai Lý và con đường của những tu viện). 

Nói đến Trà mã cổ đạo, thường người ta sẽ nhớ đến việc đây được cho là một trong những con đường kinh hoàng nhất trên hành tinh hơn. Bão tuyết thường vùi lấp phần phía tây của tuyến đường và những cơn mưa xối xả tàn phá phần phía đông. Những kẻ cướp đường là mối đe dọa thường xuyên đối với những lữ khách. Tuyến đường chỉ bao gồm những con đường ngoằn ngoèo nhỏ hẹp qua những dãy núi dựng đứng.

Phía bên dưới là những con sông chảy xiết dọc theo tuyến đường. Do đó, chỉ có ngựa thồ mới là phương tiện vận chuyển thích hợp trong điều kiện này. Ban đầu con đường được tạo ra với sự giẫm đạp liên tục của những vó ngựa. Ở các giai đoạn tiếp theo, con đường dần dần được cải thiện nhờ nỗ lực của những người buôn bán trà và ngựa cũng như cư dân của các làng lân cận.

Dù nguy hiểm là vậy nhưng con đường mòn này đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thế kỷ. Mong muốn giao thương là lý do tại sao con đường mòn tồn tại, kết nối nhu cầu mà người ở 2 đầu của tuyến đường muốn có: Trung Quốc có thứ mà Tây Tạng muốn là trà còn Tây Tạng có thứ mà Trung Quốc rất cần là ngựa. Những con đường do các thương nhân tạo ra đã kết nối các cộng đồng trong các thung lũng và làng mạc lân cận tuyến đường trà mã, đồng thời trở thành phương thức kết nối thông tin liên lạc cho vùng tây nam Trung Quốc. Các trạm mà thương nhân dừng lại để trao đổi hàng hóa sau này trở thành thị trấn hoặc thành phố. Lệ Giang ngày nay là một thị trấn cổ được bảo tồn tốt, được biết đến như một địa điểm quan trọng còn sót lại từ Trà mã cổ đạo. 

Đọc thêm