Đều là những tuyến đường buôn bán quan trọng được duy trì suốt chiều dài phát triển của Trung Quốc nhưng trong khi Con đường tơ lụa ở miền bắc nổi tiếng khắp thế giới thì Trà mã cổ đạo ở miền Nam Trung Quốc lại ít người biết tới hơn. Có điều, theo nhiều người, đến thăm những thị trấn dọc theo Trà mã cổ đạo ngày nay thú vị không kém hoặc thậm chí còn hấp dẫn hơn tham quan những dấu tích của Con đường tơ lụa xưa.
Những cây trà đại thụ
Từ năm 1957 trở đi, sau khi chính phủ Trung Quốc xây dựng đường cao tốc Vân Nam-Tây Tạng và một tuyến đường cao tốc khác, vật liệu và hàng hoá được vận chuyển bằng đường ô tô đến Tây Tạng, điều này đã chấm dứt việc vận chuyển hàng hóa bằng người và ngựa đã lỗi thời dọc theo con đường Trà mã cổ đạo.
Tuy nhiên, dấu tích một thời hào hùng của tuyến đường khi xưa vẫn khiến khám phá Trà mã cổ đạo ngày nay thực sự là một trải nghiệm vô cùng hấp dẫn. Cuộc hành trình này sẽ đưa bạn đi qua những khu vực có vẻ đẹp thiên nhiên đa dạng bao gồm những ngọn núi và cảnh quan tuyệt đẹp. Những nơi xung quanh dọc theo con đường cũng có di sản văn hóa vô cùng phong phú.
Theo nhiều người, xét về nhiều khía cạnh như phong cảnh, thăm thú ngoài trời, cảnh đẹp thiên nhiên, kiến trúc, văn hóa dân tộc, lịch sử, mua sắm và các sở thích khác, những địa điểm dọc theo nhánh phía nam của Trà mã cổ đạo, kéo dài từ Cảnh Hồng, Tây Song Bản Nạp thuộc Vân Nam tới Tây Tạng là tuyến đường dễ dàng cho du khách hơn.
Trên tuyến đường phía nam này có sự tương phản khí hậu lớn, từ nhiệt đới đến bắc cực, và dọc theo đó, du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh núi non đẹp nhất ở Trung Quốc, được chiêm ngưỡng những ngọn tháp nghìn năm tuổi, những hang động Phật giáo đầy tính nghệ thuật và rất cổ xưa, những thị trấn đậm đà bản sắc dân tộc để mua sắm cũng như thưởng thức ẩm thực, trong đó có những khu mua sắm hàng thủ công, quà lưu niệm, ngọc bích thuộc loại đẹp nhất cùng các loại trà hảo hạng của Trung Quốc.
Những cây trà mã cổ 1700 năm tuổi. |
Một số ghi chép cho rằng, Tây Song Bản Nạp là nơi cây chè đầu tiên được trồng. Nằm ở vùng đất cao hơn mực nước biển hơn 1.500m, hầu hết các đồn điền chè ở đây đều ở trên núi cao, do thời tiết sương mù nên chất lượng chè ngon.
Người dân địa phương đa số chế biến trà tại nhà bằng tay. Trong đó, ở khu vực cách thành phố Cảnh Hồng khoảng 1 giờ lái xe có một điểm ngập trong sương mù thu hút rất nhiều sự chú ý được gọi là “những vườn trà cổ thụ”. Đáng chú ý trong số này là một cây trà lớn được gọi “vua của cây trà”, có chiều cao tới 14,7m và đường kính 0,9m. Đây được cho là cây trà hoang lớn nhất trên thế giới, có tuổi đời tới 1.700 năm. Cây ban đầu được cho là cao tới 32,12m nhưng đã bị gió quật gãy vào năm 1967.
Theo một số chuyên gia, cây trà này thuộc giống cây trà dại và là cây tổ mà người dân từ đó đã nhân giống ra thành cây trà được trồng phổ biến hiện nay. Lá của cây trà này chứa 46,05% chất amin, cao hơn nhiều so với lá trà do con người trồng. Nhiều người khẳng định, loại trà này có thể chữa được nhiều bệnh như cao huyết áp, phòng chống ung thư.
Thứ trà Phổ Nhĩ đắt giá
Trong những điểm du lịch đáng chú ý của nhánh phía nam của tuyến đường Trà mã cổ đạo hiện nay có thành phố Phổ Nhĩ. Nằm cách thành phố Cảnh Hồng khoảng 2 giờ lái xe theo tuyến đường cao tốc được xây dựng dọc nơi khi xưa là Trà mã cổ đạo về phía Bắc, thành phố Phổ Nhĩ chỉ có khoảng 200.000 dân. Ở nơi này không có nhiều thứ để xem nhưng điều làm cho nó trở nên nổi tiếng trong lịch sử và thời hiện đại chính là trà – mặt hàng giao dịch chủ yếu của con đường nổi tiếng trong quá khứ. Trà ở Phổ Nhĩ cũng cho là là một trong những loại trà ngon nhất ở Trung Quốc.
Đến Phổ Nhĩ, du khách có thể mua một vài bánh hoặc túi trà để thưởng thức dọc đường và mang về làm quà. Tại đây, bạn cũng có thể tìm hiểu tận mắt lý do tại sao mọi người lại bất chấp khoảng cách lớn và cả những rủi ro đối với tính mạng của họ để mang trà đến nơi khác để trao đổi. Trà Phổ Nhĩ được công nhận là loại trà vừa ngon vừa có tác dụng như một loại dược liệu giúp làm giảm căng thẳng và thực sự bổ dưỡng.
Người Trung Quốc gọi trà Phổ Nhĩ là trà đen, nghĩa là trà lên men. Loại trà này không bị oxy hóa như các loại trà đậm thường được uống ở phương Tây. Điều này tạo nên sự khác biệt lớn và khiến nó trở thành một trong những thức uống tự nhiên tốt cho sức khỏe nhất ở Trung Quốc.
Người ta khẳng định uống trà Phổ Nhĩ có tác dụng thay đổi tâm trạng và giúp người dùng thư giãn. Nguyên nhân dường như là do các vi sinh vật lên men lá trà để lại các chất có lợi cho sức khỏe, có tác dụng an thần. Các vi sinh vật bao gồm các loại nấm mốc khác nhau như Penicillium cùng nhiều loại nấm men và nhiều loại vi sinh khác.
Trà Phổ Nhĩ được làm từ những lá trà có nguồn gốc tự nhiên và lâu năm, tốt hơn và đắt tiền hơn so với những loại trà khác. Hiện nay, một bánh trà Phổ Nhĩ loại lớn và chất lượng cao có giá đến hàng ngàn USD. Ngoài việc có nhiều lợi khuẩn hơn, trà này cũng được chứng minh là có chứa vitamin B và chất chống ung thư epigallocatechin gallate. Nó giúp mọi người tiêu hóa thịt, đường và dầu dễ dàng hơn.
Người Tây Tạng thường pha trà Phổ Nhĩ với bơ yak hoặc sữa bò. Có điều, trà Phổ Nhĩ mà nhiều người Tây Tạng ở trên núi thường uống có giá rẻ hơn nhưng cũng có hàm lượng florua cao đến mức có thể gây hại cho sức khỏe nếu uống trong thời gian dài.
Ở Phổ Nhĩ cũng có những cây trà cổ thụ có lá lớn, được cho là 800 năm tuổi, cũng được gọi là vua của các cây chè. Việc giâm cành từ cây ở những vùng biên giới Trung Quốc này được cho là đã lan truyền việc trồng chè đến hơn 50 quốc gia.
Cũng có những tài liệu thậm chí cho rằng cây trà ở Tây Song Bản Nạp có tuổi đời còn thua xa cây trà mọc hoang hơn 2.700 năm tuổi ở làng Qianjiazhai thuộc Phổ Nhĩ. Cây trà này được cho là mang trong mình tư liệu về nguồn gốc và lịch sử tiến hóa của cây trà và được biết đến như là hóa thạch sống của ngành trà.
Còn con đường Trà cổ đoạn qua Qianjiazhai ẩn mình trong những khu rừng nguyên sinh của núi Ailao rộng lớn, trải qua hơn 1.500 năm lịch sử và đã trải qua bao thăng trầm hiện vẫn còn dấu vết móng ngựa trên đá thạch anh ghi lại sự thịnh vượng của con đường cổ đại. Những câu chuyện huyền thoại về đoàn xe ngựa hiện cũng vẫn còn được lưu truyền ở đây.
(Còn nữa)