Huyền thoại Trà Mã cổ đạo – (Kỳ cuối): Trải nghiệm núi cao, vực sâu, bốn mùa trong một tour du lịch

(PLVN) - Quá trình hiện đại hóa đã làm giảm đi ý nghĩa thương mại của Trà mã cổ đạo nhưng con đường hiện thu hút sự chú ý do sự phát triển của du lịch ở phía tây nam Trung Quốc vì hội tụ nhiều giá trị độc đáo, trong đó có sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa.
Lạc Đại Sơn Phật.
Lạc Đại Sơn Phật.

Xứng đáng để lên đường

Theo các cuộc khảo sát, tuyến đường trà ngựa từ Tứ Xuyên đến Lhasa dài khoảng 2.350km với 56 chặng, băng qua 51 cây cầu vượt sông, 15 cầu dây, 10 cầu sắt và 78 ngọn núi cao trên 3.000m. Tất cả những điều này làm cho tuyến đường trở thành một trong những lộ trình khó khăn nhất trên thế giới. Hơn nữa, thời tiết ở khu vực này cũng thường xuyên thay đổi. Trong một ngày, du khách có thể gặp tuyết rơi dày đặc, mưa đá, nắng cháy và gió lớn, cùng sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt.

Tour Trà mã cổ đạo theo nhánh Tứ Xuyên-Tây Tạng thực sự là một trong những trải nghiệm du lịch thú vị với cung đường hiểm trở nhưng vô cùng hấp dẫn. Đi trên cung đường này, du khách có thể tận hưởng những cung đèo tuyệt vời, những đỉnh núi tuyệt đẹp và những vực thẳm bí ẩn. Bạn cũng có thể đến thăm các ngôi làng địa phương, tu viện, đền thờ và cảm nhận văn hóa của nơi đây.

Trên hành trình dọc tour du lịch hiện nay, du khách thường sẽ được chiêm bái đại tượng Phật Lạc Sơn hay Lạc Sơn Đại Phật còn gọi là Lăng Vân Đại Phật, Gia Định Đại Phật, là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. 

Bức tượng Phật Di Lặc này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở chỗ hợp lưu của ba con sông là Dân Giang, Đại Độ và Thanh Y ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, cách thị trấn Lạc Sơn khoảng 3km về phía đông. Bức tượng đá đối mặt với núi Nga Mi và dòng sông chảy dưới chân của Phật.

Công trình tạc tượng được bắt đầu vào năm 713 thời nhà Đường do một nhà sư là hòa thượng Hải Thông chỉ huy. Ông hy vọng rằng Phật có thể phù hộ giúp làm cho nước sông êm đềm tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại trên sông. Theo truyền thuyết, khi nguồn tài trợ cho công trình bị đe dọa, Hải Thông hòa thượng đã tự khoét mắt để tỏ lòng mộ đạo và sự ngay thẳng của mình. Công trình Lạc Sơn Đại Phật được các môn đồ của ông hoàn thành vào năm 803 với sự góp sức của hàng ngàn nhà điêu khắc và công nhân. 

Với chiều cao 71m, bức tượng mô tả Phật Di Lặc đang ngồi với hai tay đặt trên đầu gối. Thân của tượng Phật cao 59,98m, đầu cao 14,7m rộng 10m, mắt rộng 3,3 m mũi dài 5,6m, miệng rộng 3,3m, tai dài 7m; cổ cao 3m; vai rộng 28m; thân rộng 28,5m; chân dài 10,3m, rộng 9m. Đỉnh đầu có 1.021 búi tóc và móng tay nhỏ nhất cũng đủ lớn để có thể đủ cho một người ngồi vào. Hai bên tượng Phật có hai hộ pháp, cao khoảng 16m, rộng khoảng 6m, thân mặc chiến bào, tay cầm pháp khí.

Khu vực núi Nga Mi với phong cảnh đẹp, bao gồm cả khu vực có Lạc Sơn Đại Phật đã được liệt kê trong danh sách di sản thế giới của UNESCO kể từ tháng 12/1996. 

Là một tượng Phật chạm khắc vào núi đá lớn nhất trên thế giới, Đại Tượng Phật Lạc Sơn đã được đưa vào thơ, nhạc, hội họa và chuyện sử. Bức tượng này thu hút vô số khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến chiêm bái mỗi năm.

Một số thị trấn và làng cổ nổi tiếng từng là ga và chợ chính của Trà mã cổ đạo xưa nay đã được đưa vào danh sách trong số các địa điểm quốc tế quan trọng nhất để bảo tồn lịch sử như thị trấn Lệ Giangđã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1997. 

Năm 2002, làng Sidengjie ở Vân Nam cũng đã được xếp vào danh sách “di sản kiến trúc thế giới được bảo vệ“ của Tổ chức Kiến trúc Thế giới.Hơn nữa, con đường Trà mã cổ đạo xưa đến nay cũng vẫn tiếp tục là con đường thiêng liêng đối với nhiều người. Những người thuộc các tôn giáo khác nhau vẫn thường xuyên hành hương dọc con đường.

Quá khứ nhường chỗ cho hiện tại

Khi đi qua những vùng đồng bằng ở Tây Tạng ngày nay, những khu chợ buôn bán mới đã mọc lên dọc theo Trà mã cổ đạo xưa. Hiện nay, người Tây Tạng không còn cưỡi ngựa nhiều và trà cũng không còn là thức uống chính của người dân ở thành thị ở đây. Red Bull và bia Budweiser có ở khắp mọi nơi.

Tuy nhiên, việc buôn bán dọc đường vẫn khá tấp nập, điều khác biệt ở đây là mặt hàng trao đổi chính. Nếu như xưa kia, trà có nguồn gốc từ các vùng truyền thống của Trung Quốc trong khi người ở Tây Tạng không trồng được trở thành mặt hàng thúc đẩy giao thương giữa 2 đầu của tuyến đường thì nayđông trùng hạ thảo trở thành mặt hàng thay thế. 

Tương tự trà chỉ trồng được ở Trung Quốc, đông trùng hạ thảo tự nhiên được tìm thấy trên Cao nguyên Tây Tạng độ cao từ 4.000 – 5.000m so với mực nước biển. Ngày nay, người Trung Quốc sẵn sàng trả giá đắt cho mặt hàng đông trùng hạ thảo như họ đã từng làm với những con ngựa bất khả chiến bại của Tây Tạng xưa kia. Ở chiều ngược lại, các mặt hàng từ giày dép và dầu gội đầu, tivi và lò nướng bánh mì đổ về phía tây dọc theo các phần lát đá của tuyến đường thương mại cổ đại xưa kia.

Vào mỗi mùa xuân, những người du mục Tây Tạng thường đi lang thang trên đồng cỏ yak của họ với một thanh kim loại nhỏ và cong để tìm đông trùng hạ thảomà bản chất là một loại nấm sống ký sinh trên cơ thể của ấu trùng bướm. 

Theo một người dân địa phương, mỗi “con sâu bướm khô” như vậy sẽ được bán với giá từ 4 đến 10 USD. Trong các cửa hàng thuốc bắc trên khắp châu Á, đông trùng hạ thảo được bán với lời quảng cáo như một phương thuốc chữa khỏi rất nhiều thứ, từ chống lão hóa cho các vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng đến viêm, mệt mỏi và ngay cả ung thư. 

Được trưng bày trong những tủ kính để ngăn không cho khí hậu tác động đến, những loại đông trùng hạ thảo chất lượng cao nhất được bán với giá gần 80 USD/g, cao gấp đôi giá vàng ngày nay. Mặt hàng này cũng đang thúc đẩy sự phát triển của hoạt động buôn bán dọc Trà mã cổ đạo khi xưa, hứa hẹn duy trì sức sống lâu dài chocon đường.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là vào năm 1942, khi các thành phố ven biển của Trung Quốc bị quân đội Nhật Bản chiếm đóng, còn những tuyến đường cao tốc bị chặn lại, Trà mã cổ đạo đã trở thành một tuyến giao thông quan trọng đối với Trung Quốc. 

Theo một ghi chép, hơn 25.000 con ngựa và la đã được sử dụng. Công việc kinh doanh tốt và có lãi đến nỗi ngay cảmùa mưa cũng không ngăn được một số thương gia ưa mạo hiểm, bất chấp việc mùa mưa ở Tây Tạng và khu vực biên giớirất đáng sợ, khiến tất cả các đoàn lữ hành cùng người hành hương thường dừng hoạt động trong thời gian này. 

Trong khoảng thời gian này, những con đường mòn trở nên lầy lội, sông và suối dâng cao đến mức kinh khủng, núi bao bọc trong sương mù còn tuyết lở và lở đất trở thành quy luật. Nhiều người đã bị chôn vùi vĩnh viễn dưới hàng tấn đất đá hoặc bị cuốn theo dòng nước dữ. Với sự thất bại của Nhật Bản, hoạt động buôn bán, vận chuyển dọc tuyến đường này đã dừng lại.  

Đọc thêm