Cánh cửa phòng ngủ được mở ra không một tiếng động, lưỡi kiếm sáng lên trong ánh trăng…
Đó là điển hình về hình tượng ninja trong những cuốn truyện tranh và cả phim ảnh - những sát thủ có tàng hình trong trang phục đen, có khả năng ẩn mình và thực hiện nhiệm vụ sát thủ một cách thần kỳ.
Đối lập samurai
Theo các ghi chép, ở thời phong kiến của Nhật có 2 loại chiến binh cùng tồn tại. Một là samurai - những người thuộc tầng lớp quý tộc, cai trị đất nước dưới danh nghĩa của Hoàng đế còn bên kia là những ninja – thường là những người xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội, đảm nhiệm các vụ ám sát hay gián điệp.
Vì bản chất bí ẩn của mình nên tên tuổi của các ninja có phần “lép vé” hơn so với samurai. Tuy nhiên, không vì thế mà ninja không trở thành cái tên gắn liền với văn hóa Nhật Bản, là đề tài trong các tác phẩm nghệ thuật của cả thế giới trong nhiều năm qua.
Đến nay, thời điểm chính xác mà các ninja bắt đầu xuất hiện vẫn chưa được làm rõ. Nhiều người phỏng đoán rằng những ninja đầu tiên xuất hiện vào khoảng thế kỷ 14 nhưng cũng có ghi chép cho rằng ninja xuất hiện trước đó khá lâu, cụ thể là từ thời kỳ Kamakura (1192 - 1333).
Theo các ghi chép này, ở thời kỳ đầu, các ninja chuyên thực hiện những vụ ám sát và phá hoại – những việc mà các võ sỹ samurai không thể thực hiện vì những rào cản nghi thức riêng về danh dự và chiến đấu của họ.
Trong thời kỳ đầu, những ninja chưa được gọi tên là ninja, thậm chí họ chưa có một cái tên chính thức vì không được thừa nhận là một nhóm hay một tổ chức cụ thể nào. Phải đến thế kỷ thứ 15, hoạt động của những ninja mới được thừa nhận và họ được xem là một nhóm người cụ thể. Đến lúc này, tên của những ninja cũng không phải là ninja.
Do đặc thù bí mật và tính ngôn ngữ địa phương, ở thời kỳ này, họ được gọi bằng nhiều danh xưng khác nhau như monomi, ukagami, ninjutsu tsukai… Trong số đó, shinobi momo – hay thường được bằng cái tên rút gọn là shinobi - là danh xưng được sử dụng nhiều nhất để nhắc đến những nhân vật về sau được gọi là ninja. Trong tiếng Nhật, shinobi có nghĩa là những kẻ đánh cắp còn momo là người.
Đến khi người phương Tây bắt đầu tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, nhất là từ sau Thế chiến thứ hai, họ thường dùng từ ninja vì từ này ngắn gọn, dễ nói, dễ nhớ. Từ đó, danh xưng ninja trở nên phổ biến hơn ở cả Nhật Bản lẫn trên thế giới.
Ninja là ai?
Trong thời kỳ nước Nhật còn chưa thống nhất và những trận chiến lớn nhỏ vẫn nổ ra liên miên, hoạt động chủ yếu của các ninja là xâm nhập vào lãnh thổ của đối phương để thu thập thông tin hay gây rối từ phía sau.
Dân gian cũng truyền miệng rằng ninja thời kỳ này cũng là những bậc thầy về đâm thuê chém mướn, được phái đi thực hiện các vụ giết người một cách bí mật. Lúc này, ninja mới chỉ là tập hợp lỏng lẻo những người sẵn sàng thực hiện những hành vi không được người đời coi trọng. Nói cách khác họ là những kẻ côn đồ, bị xã hội coi khinh.
Hình minh họa |
Tuy nhiên, về sau, có những ý kiến cho rằng thông tin về những vụ việc phi pháp do các ninja thực hiện có thể đã được dựng lên chứ không phải là sự thực. Những luồng ý kiến này cho rằng trên thực tế các vụ việc ám sát chấn động có thể do binh lính, kẻ thù hay thậm chí những người thân cận với các mục tiêu bị ám sát gây ra nhưng đã bị cố tình đổ cho các ninja để trốn tránh trách nhiệm vì bản chất bí ẩn của nhóm người này.
Trong các ghi chép hay phim ảnh, ninja thường được mô tả là những người mặc đồ đen từ đầu đến chân, lưng mang kiếm, lợi dụng đêm tối để đột nhập vào căn cứ của địch hòng thực hiện hành vi do thám hoặc ám sát mục tiêu nhưng trên thực tế, trang phục ban đầu thực sự của các ninja là màu nâu sẫm và trang phục màu đen của ninja chỉ phổ biến vào thời Edo, khi thể loại kịch Kabuki phát triển. Dựa trên bản chất hoạt động bí mật và lén lút của các ninja nên các biên kịch lúc bấy giờ quyết định gắn những bộ đồ màu đen với cho họ.
Những năng lực siêu nhiên
Qua nhiều thế kỷ, danh tiếng đáng sợ về các ninja chỉ càng ngày càng tăng thêm. Cuối cùng, những câu chuyện và huyền thoại xung quanh họ mang toàn những màu sắc siêu thực. Trong những câu chuyện hay những bộ phim về ninja hiện nay, các ninja thường được miêu tả là những nhân vật có chiều cao vượt trội, có thể bay, có thể trở nên vô hình, có thể đi qua những bức tường, biến hình, có 3 đầu hay biến thành những bóng ma… đầy màu sắc liêu trai.
Một trong những nhân vật nổi tiếng nhất khi nói về những năng lực siêu nhiên của ninja là Kato Danzo.
Theo các câu chuyện dân gian, Kato từng biểu diễn màn nuốt chửng cả con bò trước đám đông vài chục người. Ông ta cũng có khiến những hạt giống nảy mầm rồi ra hoa ngay sau khi được trồng xuống đất và thậm chí có thể bay được, khiến ông được đặt cho biệt danh Kato biết bay.
Tương truyền, lãnh chúa Uesugi Kenshin khi nghe về danh tiếng của Kato đã quyết định thử các năng lực của Kato bằng cách thách ông ta có thể lấy trộm được thanh gươm từ nơi ở của một thuộc hạ thân tín và rất giỏi võ thuật tên Naoe Kanetsugu.
Quả thực, Kato đã không những lấy được thanh gươm mà còn lấy được luôn cả một người hầu gái từ tòa lâu đài được canh gác cẩn mật mang về. Tâm phục khẩu phục, lãnh chúa Kenshin sau đó đã mời Kato về làm việc cho ông ta.
Một bậc thầy về ninja khác là Ishikawa Goemon cũng sống ở thế kỷ 16 được cho là đã thành công trong việc ám sát lãnh chúa Oda Nobunaga bằng cách thả thuốc độc chảy theo một sợi chỉ từ nơi ông ta ẩn nấp trên mái nhà của Oda xuống miệng của tên này. Vô số các câu chuyện khác cũng đã được kể lại, càng khiến cho hình tượng ninja trở nên kỳ bí và đầy huyền ảo.
Theo các nhà phân tích, có một số nguyên nhân dẫn đến việc hình tượng các ninja trở nên ly kỳ như vậy, trước hết ở việc các ninja đều là những người được huấn luyện, đào tạo nghiêm túc trong thời gian rất dài. Người ta nói rằng việc được huấn luyện hàng ngày giúp các ninja có thể di chuyển đến 400km mỗi ngày và nhảy cao đến 3m.
Trí tưởng tượng phong phú của dân gian cũng khiến những câu chuyện về các năng lực mang tính siêu thực của các ninja Nhật được lan truyền mạnh mẽ thông qua những tác phẩm nghệ thuật mang đầy màu sắc lãng mạn ở thời kỳ Edo.
Thêm vào đó, những nhân vật lịch sử và các anh hùng huyền thoại của Nhật Bản đều có những kỹ năng của các ninja, khiến câu chuyện về những năng lực phi phàm của các ninja trở nên dễ tin hơn.
Bản thân các ninja được cho là cũng đã cố tình lan truyền những câu chuyện mang đầy màu sắc kỳ bí về họ. Ví dụ, một trong những ninja nổi tiếng của Nhật Bản là Nakagawa Shoshujin, sống ở thế kỷ 17 trong những tác phẩm của ông ta khẳng định ông ta có thể biến hình thành chim và động vật khi cần thiết.
Ngoài ra, không thể phủ nhận việc khả năng của các ninja đã được nói quá lên nhiều hơn so với thực tế thông qua những câu chuyện truyền miệng về ninja càng khiến cho ninja trở thành một nhóm nhân vật phi phàm. Bản chất bí ẩn trong hoạt động và hành tung của các ninja khiến cho ý tưởng họ là những nhân vật mang năng lực phi phàm dễ được chấp nhận và lan tỏa hơn.
Các thông tin cho biết, trước đây, nhiều tổ chức vũ trang đặc biệt của quân đội và cảnh sát của các nước đã từng áp dụng các kỹ thuật của các ninja trong huấn luyện. Hiện nay, hầu hết các kỹ thuật của các ninja cổ xưa đều bị thất truyền nhưng những kỹ thuật tương đồng của họ được cho là vẫn được sử dụng đối với các lực lượng đặc nhiệm của các nước như lực lượng SEAL, SWAT…