Nơi hội ngộ của người học võ 4 phương trời

(PLO) - Được thành lập từ năm 1973, trải qua 45 năm, Võ đường Trần Hưng Đạo (nằm tại TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) của đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo đã khẳng định được vị thế của mình trong giới võ thuật trong nước và quốc tế. Đây xứng đáng là nơi nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng, góp phần vào sự phát triển của võ học Việt Nam.
Một võ sư nước ngoài đến “tầm sư học đạo” Võ sư Trương Văn Bảo
Một võ sư nước ngoài đến “tầm sư học đạo” Võ sư Trương Văn Bảo

Luyện đao quyền dưới ánh trăng

Sự ra đời của võ đường mang tên vị tướng tài ba của dân tộc – Trần Hưng Đạo – là tâm huyết của võ sư Trương Văn Bảo. Điều này xuất phát từ ý thức tự hào về truyền thống lịch sử nước nhà, đồng thời, cũng là một hồi ức, kỷ niệm đẹp gắn với tên ngôi trường Trung học Trần Hưng Đạo (TP. Đà Lạt) nơi ông đã một thời cắp sách đến trường, nơi chứa chan tình nghĩa thầy trò, tình bạn bè hồn nhiên, trong sáng…

Sinh ra trong một gia đình nghèo, lại đông anh em nhưng giàu truyền thống hiếu học và tinh thần thượng võ, võ sư Bảo sớm thụ hưởng tinh hoa võ thuật, may mắn lĩnh hội các bài võ quý báu từ thầy Nguyễn Ngọc Ẩn (một trong những võ sư có tiếng thời bấy giờ). Cậu thanh niên Văn Bảo sớm say mê các bài roi, bài quyền cổ truyền dân tộc, nhận thức được tinh thần võ đạo. 

Ông kể, hồi ấy, không có điện sáng như bây giờ nên tận dụng những đêm trăng thanh (khoảng từ mùng 6 đến 16 Âm lịch), ông xách đèn dầu, đi chân đất sang nhà thầy Ẩn học võ. Thầy rất “kén” trong việc chọn lựa môn sinh nên lứa đầu chỉ dạy mỗi Văn Bảo, sau có thêm 5, 6 người. 

Lớn lên, chàng thanh niên Văn Bảo học tại Viện Đại học Đà Lạt - chuyên ngành Anh ngữ. Đây là tiền đề để ông hấp thu những tinh hoa văn hoá của nhân loại và lĩnh hội, tiếp thu võ thuật từ nhiều môn phái khác nhau. Ngoài Võ cổ truyền, ông còn học võ Thiếu Lâm Phật Gia Quyền, sau đó là Judo, Jiujitsu, Tae-kwondo, Boxing… 

Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo múa Hồi thủ Kê quyền
Đại võ sư Quốc tế Trương Văn Bảo múa Hồi thủ Kê quyền

Đến năm 1968, ông được cấp bằng võ sư và đến năm 1973, ông sáng lập câu lạc bộ võ thuật tại ngôi nhà nhỏ của mình, trong một con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP. Đà Lạt – tiền thân của Võ đường Trần Hưng Đạo. 

Thuở sơ khai, câu lạc bộ võ thuật của Trương Văn Bảo còn tạm bợ, đơn sơ, sân tập là khoảng đất trống chừng 200m2 trước nhà, với vài môn sinh tìm đến học theo đúng nghĩa “tầm sư học đạo”. 

Ông dạy võ xuất phát từ đam mê và từ cái tâm nên chẳng đòi hỏi học phí hay tiền bạc gì cả, tuỳ vào tấm lòng và sự tri ân của học trò, có khi là túm bánh, gói trà nhưng đậm đà tình nghĩa thầy trò.

Những năm sau ngày giải phóng, khó khăn chồng chất khó khăn, người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ, phải nương tựa vào đôi vai của ông. Có những lúc gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền, tưởng chừng khiến ông phải “buông sào ngã gánh”, nhưng trong ông vẫn không lúc nào nguôi tình yêu với võ thuật. 

Ngoài dạy võ, ông còn tranh thủ đi dạy thêm tiếng Anh, trồng trọt, chăn nuôi, đạp xe đạp đi khắp nơi tìm việc làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống gia đình và duy trì võ đường… Giờ kể lại những năm tháng thăng trầm, ông vẫn còn rơm rớm nước mắt!

Thầy trò chung tay xây dựng

Vẫn nhớ như in buổi sơ khai của Võ đường Trần Hưng Đạo, Thạc sĩ, Huấn luyện viên Nguyễn Văn Bắc (TP. Đà Lạt), một trong những lứa võ sinh “đời đầu” của Võ đường, kể, lúc đó, ông được thầy Bảo giao phụ trách sân tập, thấy sân tập nền đất, mỗi lần anh em tập đất bụi bay mù mịt như phim chưởng rất bất tiện nên ông đứng ra kêu gọi thế là anh em đồng môn “của ít lòng nhiều”, người góp công, kẻ góp sức, mua xi măng, vật liệu, rồi về chung tay xây dựng, “nâng cấp” sân tập khang trang, sạch đẹp hơn, giúp việc tập luyện được thuận lợi, hiệu quả hơn. 

“Tuy chỉ là một hành động nhỏ, nhưng qua đó thể hiện tình đoàn kết giữa các môn sinh dưới mái nhà chung – Võ đường Trần Hưng Đạo – và cũng là sự tri ân của các “đệ tử” chúng tôi với người thầy tận tâm, giàu tài năng và đức độ như đại võ sư Trương Văn Bão”, ông Bắc, chia sẻ. 

Ngưỡng mộ đức độ và tài năng của võ sư Trương Văn Bảo, nhiều phụ huynh đã đưa con em mình tới để nhờ thầy truyền thụ võ học, nhiều võ sĩ, võ sư khắp trong và ngoài nước cũng tìm đến Võ đường Trần Hưng Đạo.

Hiện võ đường luôn duy trì trên dưới 200 môn sinh, với đủ mọi thành phần, lứa tuổi; trong đó, có nhiều cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội đến học võ của thầy Bảo nhằm nâng cao nghiệp vụ võ thuật, phục vụ công tác.   

Có một điều đặc biệt là, khi ra nước ngoài truyền dạy võ học, võ sư Trương Văn Bảo chỉ dạy duy nhất võ cổ truyền Việt Nam (võ ta). Còn những ai thực sự mến mộ, đủ tố chất, đủ kiên trì và hữu duyên thì tìm đến Võ đường Trần Hưng Đạo để được thầy truyền dạy cả võ ta lẫn Thiếu Lâm Phật gia quyền và nhiều môn võ khác trên thế giới. 

Võ sư Trương Văn Bảo và các môn sinh tại Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt
Võ sư Trương Văn Bảo và các môn sinh tại Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt

Theo ông, đó cũng là cách để duy trì bản sắc Việt - “hoà nhập nhưng không hoà tan”. Có lẽ, khi đến với võ đường, ngoài việc lĩnh hội các bài võ độc đáo của thầy Bảo, các võ sinh còn được lĩnh hội đức độ và vốn kiến thức sâu rộng đông - tây - kim - cổ của ông... Do đó, bao thế hệ học trò, ai cũng yêu quý, ngưỡng mộ và xem thầy Bảo là tấm gương sáng để noi theo.

Dù đã nhiều năm khổ luyện, nhưng Võ sư Bảo luôn nhắn nhủ học trò, võ thuật là không biên giới, mỗi môn võ, mỗi dân tộc đều có những chiêu thức, tuyệt kỹ đặc sắc riêng. Võ học hơn nhau không phải ở sự thắng – thua trên sàn đấu, mà ở trí tuệ và tinh thần thượng võ.

Đừng bao giờ đánh chết đối thủ, bởi người học võ phải biết trọng nghĩa nhân và lòng thương người, làm sao để tránh sát thương, tránh ra đòn là tốt nhất. 

Khi cần thiết bắt buộc phải ra tay để tự vệ, bảo vệ chính nghĩa hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc gia thì mình phải biết dùng mưu trí, kết hợp vận dụng linh hoạt các bài võ một cách uyển chuyển, thiết thực, hiệu quả nhất. Bởi võ thuật trong đời sống khác với võ thuật trên sàn đấu. Nhưng dù ở bất cứ nơi đâu thì người học võ thực sự phải có “trái tim ấm và cái đầu lạnh”.

Ươm mầm tài năng

Trải qua chặng đường 45 năm thăng trầm cùng với thời gian nhưng Võ đường Trần Hưng Đạo vẫn tồn tại và sống mãi trong lòng bao thế hệ học trò gần xa. Tên tuổi võ đường và uy tín của võ sư Trương Văn Bảo không chỉ lan toả trong nước mà còn vang xa ra thế giới.

Nhiều võ sư, võ sinh nước ngoài tìm đến tận nơi để “tầm sư học đạo”, hoặc mời thầy sang nước bạn để truyền dạy Võ cổ truyền như: Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Indonesia, Ấn Độ…

Cứ mỗi chuyến đi như thế, thầy lại thức trắng mấy đêm liền để chuẩn bị hành trang bài giảng, để làm sao vừa chuyển tải được cái “tinh hoa” Võ thuật Việt Nam qua đòn, thế; nhưng cũng thể hiện qua những lý giải, dẫn chứng cụ thể qua từng trang giáo án, qua ngôn ngữ, lời nói và đặc biệt qua các bài thiệu.

Nhờ nền tảng kiến thức sâu rộng kết hợp vốn tiếng Anh sẵn có, nên những giờ dạy võ của thầy Bảo luôn sinh động, dễ hiểu và sâu sắc. Đó cũng là lợi thế của thầy so với những võ sư khác.

Nhiều người trưởng thành từ Võ đường Trần Hưng Đạo vẫn một lòng khắc ghi, tưởng nhớ, tri ân về người thầy năm xưa. Trong đó, có cả những người thành danh theo nghiệp võ và cả những người thành công trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hằng năm, bao lứa học trò đều tranh thủ về thăm thầy, hoặc thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm sức khoẻ, chia sẻ về công ăn việc làm và bao chuyện về gia đình, xã hội…

Rất nhiều Võ sư, võ sinh quốc tế đến Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt để học võ cổ truyền và được cấp chứng nhận
Rất nhiều Võ sư, võ sinh quốc tế đến Võ đường Trần Hưng Đạo Đà Lạt để học võ cổ truyền và được cấp chứng nhận

Trong số đó, thầy Bảo ấn tượng về một nữ tu vì đam mê học võ nên đã bị sư phụ trụ trì đuổi ra khỏi chùa. Nghe danh, nữ tu này đã tìm vào Đà Lạt xin được bái sư và được thầy tạo điều kiện bố trí cho chỗ ăn ở tại võ đường và nhận là đệ tử. Bên cạnh đó, thầy Bảo còn hướng cho nữ tu này học thêm để nâng cao giáo lý tại Trường Trung cấp Phật học tại địa phương. 

Đúng là cuộc đời vô thường, “gieo hạt giống tốt, sẽ gặt quả ngọt”. Qua thời gian, sư phụ của nữ tu nguôi ngoai, cho gọi về lại chùa cũ, tiếp tục cho học nâng cao sau đó trở thành trụ trì ngôi chùa năm xưa. 

Mới đây, khi vị nữ tu đã trở thành trụ trì một ngôi chùa có tiếng phía Bắc, trở lại Đà Lạt thăm võ đường xưa, thăm vị võ sư đáng kính đã từng cưu mang và truyền thụ tuyệt kỹ võ học cho mình. 

Trong lúc thăm nơi làm việc của thầy, sư trụ trì phát hiện thầy Bảo đang dồn tâm huyết và kinh phí để xuất bản cuốn sách “Lý luận võ cổ truyền”, bà đã âm thầm cùng phật tử của mình quyên góp, hỗ trợ kinh phí in ấn để thầy Bảo bớt phần gánh nặng, chuyên tâm lo hoàn thiện và xuất bản cuốn sách trong năm nay, để kho tàng tư liệu võ thuật Việt Nam và thế giới có thêm tư liệu, nghiên cứu quý cho mai sau.

Thầy Bảo kể, khi nghe Nhà xuất bản cho biết, có người đã lo kinh phí in ấn cuốn sách, ông rất bất ngờ và cảm kích hơn khi biết đó là từ tấm lòng của một “đệ tử” của mình. 

“Lâu nay, với võ học, tôi làm việc không hề câu nệ, chẳng bao giờ đòi hỏi lượng phạn hay học phí gì. May sao, trời thương, bao thế hệ học trò của tôi đều kính yêu, tình nghĩa, tri ân thầy. Đó cũng là niềm an ủi rất lớn cho một lão võ sư như tôi. Tôi chỉ hy vọng mình còn đủ sức khoẻ để tiếp tục cống hiến “tài hèn, sức mọn” của mình cho nghiệp võ”, lão võ sư chia sẻ.

Dù đã ở ngưỡng 70, nhưng võ sư Trương Văn Bảo vẫn một lòng tâm niệm: “Phải học tập, mở mang kiến thức, thường xuyên luyện tập. Bởi những gì ta biết chỉ là “một giọt nước giữa đại dương mênh mông của võ học”. Tôi mong sao các thế hệ học trò, lớp sau giỏi hơn lớp trước; đủ tài, đủ tâm, đủ đức để cống hiến, giúp ích cho xã hội, góp phần phát triển nền võ thuật nước nhà”.

“Theo tôi, làm thầy nói chung và thầy võ nói riêng là một cơ duyên, là một thiên chức chứ không phải là một cái nghề. Do đó, làm sao để mỗi người thầy là tấm gương sáng cho học trò noi theo. Bởi không chỉ dạy về chuyên môn võ thuật mà còn gửi gắm bao bài học làm người.

Không chỉ riêng tôi mà các thầy võ nói chung, đều mong muốn thế hệ học trò của mình trưởng thành cả về nhân cách, tài năng và đức độ để phục vụ cho quê hương, đất nước”, vị võ sư quốc tế chia sẻ.

Kỳ sau: Đời võ và những chuyến đi

Đọc thêm