Thời đại của các tướng quân và samuirai Nhật Bản đã qua từ lâu nhưng tại Nhật được cho là vẫn còn 1 hoặc 2 ninja. Là những bậc thầy về nghệ thuật gián điệp hay ám sát trong bóng tối, các ninja thường truyền những kĩ năng theo kiểu “cha truyền con nối”.
Ngồi phòng này nghe được kim rơi ở phòng khác
Ông Jinichi Kawakami, 63 tuổi, hiện là kĩ sư về hưu đang sống ở làng Iga, tỉnh Mie, Nhật Bản được cho chính là ninja cuối cùng ở Nhật Bản. Kawakami là trưởng môn thứ 21 của gia tộc Ban – một trong 53 gia tộc đã làm nên phái ninja ở tỉnh Koga, 1 trong 2 thủ phủ của ninja tại Nhật.
Theo lời kể của Kawakami, theo đúng truyền thống của các gia tộc ninja khác, ông được cha huấn luyện các kỹ năng cần thiết ngay từ khi còn nhỏ. Đến năm lên 6 tuổi, ông được cho theo học thầy Masazo Ishida.
Ông Kawakami kể rằng, vì còn là một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn nên ông thực chất không hiểu rõ mình đã học những gì.
“Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi vẫn đang chơi đùa chứ không phải đang tiếp thu các kỹ thuật của các ninja. Lúc đó, tôi cũng chưa hiểu được vấn đề nên thậm chí còn nghĩ có khi thầy đang huấn luyện mình trở thành một tên trộm chuyên nghiệp vì thầy dạy tôi cách đi lại thật nhẹ nhàng, cách đột nhập vào nhà người khác”, ông Kawakami kể lại.
Phải đến khi lớn hơn, Kawakami mới nhận thức được những thứ mà mình đang học. Cường độ học tập khi đó cũng cao hơn. Bài tập mỗi ngày của Kawakami là chạy đường dài, bơi lội, trèo tường, nhảy cao và sử dụng vũ khí. Ông phải luyện tập ném shuriken, luyện côn, sử dụng đao kiếm và những vũ khí chuyên biệt khác của ninja.
“Việc tập luyện rất gian khổ và vất vả. Tập luyện là một phần cuộc sống của tôi”, Kawakami nói. Cùng với việc rèn luyện thể chất, ông cũng được huấn luyện kỹ càng về tinh thần, thính lực...
Ví dụ, để tăng khả năng phản xạ của đôi tai, ông phải tập nghe một cây kim rơi trên nền gỗ ở phòng bên cạnh. Nhờ đó mà Kawakami có thính lực rất tốt. Để rèn sự tập trung, Kawakami bị thầy yêu cầu phải nhìn vào một ngọn nến trong nhiều giờ liền tới khi ông thực sự cảm nhận mình “bị hút vào bên trong”, không còn bị phân tâm bởi những diễn biến xung quanh,
Là một phần không thể thiếu trong việc huấn luyện của ninja, Kawakami cũng được thầy dạy thêm về các kỹ năng như chế thuốc nổ và trộn các loại thuốc với nhau.
“Tôi có thể trộn một số loại thảo dược để chế thành một loại thuốc độc khiến cho khi uống phải người bệnh không chết nhưng có những biểu hiện đang mắc bệnh truyền nhiễm”, ông kể.
Kết quả của quá trình khổ luyện kéo dài này là việc Kawakami có thể di chuyển nhiều ngày mà không cần thức ăn hay nước uống. Ông cũng có thể thoắt ẩn thoắt hiện như một làn khói và ra tay quyết đoán khi hành động. Kawakami nói rằng ông hoàn toàn có thể giết chết một người bằng đường rạch chỉ 2cm trên cổ họng hoặc chỉ trong nháy mắt đã đoạt mạng được đối thủ đứng ở cách mình 20 bước chân.
|
Ông Jinichi Kawakami và những vũ khí nổi tiếng của các ninja. |
Mặc dù vậy nhưng Kawakami cũng cho rằng những truyền thuyết nhiều khi đã “nói quá” về khả năng của các ninja.
Người ta kể rằng ninja có thể bẻ khớp để vượt qua những không gian quá chật hẹp hoặc phân thân nhưng đó thực chất chỉ là hư cấu. Ninja dù có thể di chuyển linh hoạt và có thân thể vô cùng dẻo dai nhưng không thể làm vậy. Sức mạnh của các ninja chính là khả năng tạo đột biến. Kỹ thuật của họ là “lấy nhu thắng cương”, dùng những mánh nhỏ để hành động.
Ví dụ, nếu bạn ném một cái đũa, đối phương có thể sẽ nhìn theo và mất tập trung. Lợi dụng cơ hội đó, bạn có thể tẩu thoát. Các ninja cũng có thể quan sát rất tốt, họ có thể nhìn ra được điểm yếu của đối phương và lợi dụng điểm yếu của họ để tung đòn triệt hạ nhanh nhất. Kawakami cũng cho rằng khả năng lớn nhất của ninja chính là thuật ẩn mình hoặc ngụy trang vào môi trường xung quanh.
Năm 18 tuổi, Kawakami chính thức tiếp nhận vị trí trưởng tộc ninja từ cha. Tuy nhiên, ở thời kỳ này, ninja đã chỉ còn là “vang bóng”. Như bao nhiêu người khác, dù được đào tạo một cách bài bản nhưng Kawakami vẫn phải học nghề thực thụ và được chấp nhận trong xã hội hiện đại để tồn tại.
Ông quyết định trở thành một kỹ sư và làm việc như bao nhiêu người bình thường khác. Chỉ thi thoảng ông nhận lời tham gia giảng dạy các kỹ thuật của ninja chủ yếu là để phòng thân ở một số cơ sở.
“Tôi nghĩ rằng mình được gọi là ninja cuối cùng vì chẳng còn ai học các kĩ thuật bí truyền từ xưa truyền lại nữa. Ninja đúng nghĩa đã không còn tồn tại”, Kawakami nói.
Vẫn còn 1 ninja thứ hai?
Tuy nhiên, ngoài Kawakami, cụ ông Masaaki Hatsumi hiện đã ngoài 80 tuổi nhận mình mới là ninja cuối cùng. Hatsumi nói rằng ông chính là thủ lĩnh của phái Togakure – một phái ninja khác. Ông cũng chính là người sáng lập tổ chức võ thuật quốc tế có tên Bujinkan với hơn 300.000 học viên trên toàn thế giới.
Có trụ sở ở thị trấn Noda thuộc tỉnh Chiba của Nhật Bản, tổ chức của Hatsumi cũng đã thành lập các văn phòng ở nhiều nơi trên thế giới. “Trong số những học viên này có cả cả những nhân viên quân đội và cảnh sát ở nước ngoài”, ông Hatsumi cho biết.
Tại cơ sở chính ở Nhật Bản, võ đường của ông Hatsumi được cho là lúc nào cũng đông đúc, trong đó có cả người nước ngoài lặn lội tìm tới học. Cùng với việc dạy võ, ông Hatsumi cũng trở nên nổi tiếng với vai trò cố vấn võ thuật trong rất nhiều bộ phim, như bộ phim về đề tài James Bond có tên tiếng Anh chỉ sống 2 lần…
Dù có tranh cãi về việc ai mới là ninja cuối cùng nhưng cả Kawakami và Hatsumi đều đồng thuận ở một điểm là sẽ không chọn truyền nhân. Ông Kawakami tuyên bố không nhận thêm đồ đệ và cũng không truyền lại bí thuật ninja cho bất kì ai.
Cho biết bản thân rất buồn với ý nghĩ mình là ninja cuối cùng còn sống ở Nhật Bản cho tới lúc qua đời nhưng ông nói sẽ chấp nhận vì theo ông, ninja không phù hợp với thời hiện đại.
“Ở thời kỳ chiến tranh hay trong thời Edo, khả năng do thám hay ám sát, chế thuốc của các ninja có thể hữu dụng nhưng ngày nay chúng ta có súng, có internet và những loại thuốc tốt hơn nhiều nên kỹ thuật ninjutsu không còn chỗ trong thời đại hiện nay. Tôi cũng không thể dạy cho ai đó cách giết người hay pha thuốc độc vì đó là điều không thể chấp nhận ở thời đại này. Dù biết cách pha chất độc đi nữa, chúng ta cũng không thể thử nghiệm nó”, ông nói.
Sau khi về nghỉ hưu, Kawakami nhận lời điều hành bảo tàng Ninja Iga-ryu tại làng Iga, cách thủ đô Tokyo 300 km về phía tây nam. Bảo tàng này đang hợp tác với đại học Mie để nghiên cứu sâu hơn về lịch sử ninja. Thi thoảng, ông nhận lời giảng dạy về lịch sử ninja tại trường Đại học Mie.
Dù có nhiều học trò nhưng ông Hatsumi cũng đã quyết định không chọn người kế vị. “Các học trò của tôi vẫn tiếp tục thực hiện một số kỹ thuật mà các ninja từng sử dụng nhưng không có người nào kế vị gia tộc ninja của tôi”, ông khẳng định.
Các ninja chắc chắn sẽ không bị lãng quên nhưng những bí kíp ám sát từng trở thành nỗi khiếp sợ của những lãnh chúa Nhật Bản xa xưa giờ chỉ còn thấy được trên phim ảnh, hay trò chơi trên máy tính. Một số nơi từng là thủ phủ của các ninja hiện trở thành địa điểm du hút khá đông khách du lịch.
Tại Bảo tàng ninja ở thành phố Iga vốn thu hút rất nhiều khách từ khắp nơi trên thế giới, một nhóm nghệ sỹ được đào tạo khá bài bản cũng thường xuyên biểu diễn những ngón nghề của ninja.
Có điều, không giống như nghệ thuật im lặng của ninjutsu, khán giả là những học sinh hay người nước ngoài thường chăm chú lắng nghe với sự hào hứng và cả những tiếng vỗ tay, những lời cổ vũ. Sự bí ẩn trong võ thuật của ninja vì vậy biến mất trước cả khi ninja cuối cùng qua đời.