Dốc 3 cô huyền thoại
Con đường độc đạo từ thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai vào xã Chơ Glong nay đã được trải nhựa, chạy len lỏi dưới tán rừng già. Người dân nơi đây ví vai trò của con đường như mạch máu nối Chơ Glong với thế giới văn minh bên ngoài. Nếu không có con đường này có lẽ Chơ Glong vẫn sẽ lạc hậu và bị tách biệt với xã hội.
Trong trí nhớ của những vị cao niên trong xã, cách đây khoảng 40 năm, con đường này chỉ là lối mòn do người dân đi lại lâu ngày tạo thành. Chính vì thế, việc đi lại vô cùng khó khăn.
Ngày đó, cách duy nhất để vào được Chơ Glong là đi bằng “hai chân”, vượt qua hàng chục km đường rừng cùng rất nhiều con dốc dựng đứng. Do việc đi lai khó khăn, giao thương không phát triển nên khi đó Chơ Glong gần như bị lãng quên, cô lập với thế giới bên ngoài.
Trên con đường dẫn vào Chơ Glong có một địa danh đã đi vào huyền thoại đối với người đồng bào Ba-na nơi đây đó là “dốc 3 cô”. Gắn liền với địa danh “dốc 3 cô” là một câu chuyện cảm động về hành trình cõng con chữ đến với đồng bào vùng cao của 3 cô giáo trẻ miền xuôi.
Theo lời kể, những năm đầu khi đất nước mới giải phóng vùng đất Chơ Glong còn rất hoang sơ và lạc hậu. Cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn, bên cạnh đó tư tưởng cổ hủ còn phổ biến khiến cho đời sống của người dân tại Chơ Glong chậm phát triển.
Trong hoàn cảnh đó, 3 cô giáo trẻ người miền xuôi mới chừng mười tám, đôi mươi đã không quản khó khăn, vất vả tình nguyện xin lên Chơ Glong giúp đồng bào nơi đây khai sáng con chữ. Với hành trang đơn sơ, người nào cũng tỏ ra háo hức và tràn đầy nhiệt huyết.
Thế nhưng, sau nhiều ngày đi bộ, băng rừng, lội suối, đối mặt với những nguy hiểm, thú rừng rình rập để bắt người khiến 3 cô gái trẻ cảm thấy hoang mang. Khi 3 cô đi đến được dốc Hle (con bò) thì hoàn toàn kiệt sức nên phải ngồi nghỉ lại.
Ngửa mặt nhìn con dốc thẳng đứng như bức tường nối mặt đất với bầu trời khiến 3 cô giáo trẻ cảm thấy tuyệt vọng và phần nào hối hận vì quyết định có phần nông nổi của mình. Không chỉ đói, mệt mà còn sợ khiến 3 cô chỉ biết ôm lấy nhau mà khóc. Thậm chí, đã có những khi nhụt chí trong lòng họ nảy sinh ý tưởng quay đầu.
Mặc dù vậy, với tình yêu nghề, khát khao gieo mầm con chữ đến với đồng bào vùng cao đã giúp các cô quyết tâm đứng dậy. Họ cùng nhau gạt đi những giọt nước mắt sợ hãi rồi dìu nhau từng bước vượt qua con dốc Hle vào Chơ Glong. Họ chính là 3 cô giáo đầu tiên có mặt để đem con chữ đến cho người dân nơi đây.
Sau này, con dốc Hle nơi 3 cô giáo ngồi nghỉ chân và đưa ra quyết định “quay đầu hay bước tiếp” đã được người dân đổi tên thành “dốc 3 cô”, nhằm tri ân, tưởng nhớ đến công lao của 3 cô giáo trẻ đã quyết tâm cõng con chữ lên vùng cao.
Cô Lâm tâm sự với PV |
Hành trình đi tìm 3 cô
Trong hành trình đi tìm danh tính của 3 cô giáo trong câu chuyện đầy cảm động trên, chúng tôi đã được trò chuyện với ông Đinh Kriu (60 tuổi), Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã Chơ Glong.
Ông Kriu cho biết, bản thân ông cũng là một trong những người may mắn học được cái chữ từ 3 cô giáo miền xuôi năm xưa. Thời gian lâu quá nên ông chỉ nhớ được tên 2 cô giáo Lâm và Ghi, người còn lại ông không thể nhớ nổi.
Hồi tưởng về ký ức xa xưa, Ông Kriu nói, Chơ Glong giờ đã khác, điện - đường - trường - trạm đã đủ cả. Người dân có nhà xây ở. Trẻ con không còn mù chữ. Tất cả điều này đều khởi nguồn từ quyết tâm cõng chữ lên non của 3 cô giáo.
Ông Kriu nói: “Lúc hơn 20 tuổi mới bắt đầu được học con chữ. Chính cô Ghi và cô Lâm là người khai sáng đồng bào tôi. Bà con hồi đó đói lắm, lên rẫy, ở rừng miết. Các cô vào dạy xóa mù chữ, dạy tính toán, làm ăn. Rồi họ còn lên rẫy làm chung với dân làng nữa. Người Chơ Glong bây giờ biết ơn 3 cô nhiều lắm”.
Để giải mã giai thoại “dốc 3 cô” chúng tôi còn may mắn được gặp thầy Đặng Hước (Phó Trưởng Phòng giáo dục thị xã An Khê) người cùng thế hệ với 3 cô giáo.
Thầy Hước kể, những năm 1970, thầy là hiệu trưởng một trường trong huyện vùng sâu Kbang. Tuy nhiên nếu so về độ biệt lập, trắc trở chẳng thấm vào đâu so với Chơ Glong.
Nhắc về những nữ đồng nghiệp giàu nhiệt huyết, thầy nhớ lại: “Có lần anh em ngồi họp, tôi có nghe cô Lâm và cô Ghi kể và khóc nức nở khi nhắc chuyện vượt rừng vào Chơ Glong gieo chữ. Cùng là giáo viên vùng cao nhưng cả hội trường ngồi lặng lẽ nghe rồi vỗ tay ầm ầm tán thưởng quyết tâm sắt đá của 3 cô”.
Thầy Hước lục lọi đống tài liệu cũ và may mắn tìm được địa chỉ 2 cô giáo. Theo địa chỉ, chúng tôi tìm về khu vực đường Tạ Quang Biểu (thị xã An Khê) nơi cô Vũ Thị Lâm (SN 1959) cư ngụ. Cô Lâm hiện đang dạy tại Trường tiểu học Bùi Thị Xuân (TX An Khê).
Hơn 40 năm trôi qua, nhưng khi gợi lại chuyện cũ cô Lâm vẫn không thể cầm được nước mắt. Cô cho biết, cô vốn quê ở Thanh Hóa, năm 1977, sau khi tốt nghiệp lớp 10, mặc cho gia đình ngăn cản cô vẫn tình nguyện vào Gia Lai công tác.
Cô giải thích: “Lúc đó, mặc dù tôi chưa biết Tây Nguyên thế nào, nhưng nghĩ đơn giản chỉ đi là đi thôi, đi theo lý tưởng của mình không cần biết là khổ hay sướng”.
Thế nhưng, có một điều thật bất ngờ khi chúng tôi nghe cô Lâm thừa nhận mình và cô Ghi không phải là nhân vật chính trong giai thoại “dốc 3 cô”. Cô Lâm nghẹn ngào: “Thực sự không phải chúng tôi, trước khi tôi vào Chơ Glong một năm, 3 cô giáo ấy đã có mặt rồi. Họ mới thực sự là người đặt nền móng cho việc gieo chữ ở Chơ Glong.
Người đi trước bao giờ cũng gặp khó khăn, vất vả hơn nhiều. Bản thân tôi xem 3 cô giáo là tấm gương cần noi theo. Hôm nay, tôi phải nói để trả lại công bằng cho họ, cho những giáo viên đầu tiên mang con chữ đến miền cao Chơ Glong”.
Cô Lâm cho biết, suốt đời không quên được giây phút chạm mặt 3 cô giáo giữa chốn rừng thiêng nước độc. Họ dù chưa quen biết nhau nhưng vì quá mừng rỡ, xúc động cứ ôm chầm lấy nhau mà khóc. Từ đó, hai thế hệ giáo viên đầu tiên ở Chơ Glong ngày ngày miệt mài dạy chữ cho bà con người đồng bào nơi đây.
Cô Lâm tâm sự: “Khó khăn nhất với các cô giáo trẻ chính là rào cản về ngôn ngữ. Học sinh có những người đến 50 tuổi nhưng chưa biết tiếng phổ thông và các cô cũng chưa biết tiếng Ba-na. Các cô vừa dạy nhưng cũng phải vừa học lại ngôn ngữ của học sinh. Thêm vào đó, người dân bảo thủ giữ ý nghĩ “con chữ không làm no được cái bụng, chỉ có lên rẫy cái bụng mới được no”, nên không ai thiết tha với với việc học”.
Ông Đinh Kriu kể về những ngày được học chữ từ các cô giáo miền xuôi. |
Khó khăn chồng chất khó khăn, để có gạo ăn, các cô phải cùng người dân lên rẫy để đi làm. Các cô còn liên tục bị sốt rét, tuổi trẻ, xa gia đình nhiều lúc nhớ nhà đến rơi nước mắt, nhưng vì quá thương các học trò nghèo nên cô vẫn quyết tâm ở lại với học trò.
Trước khi chia tay cô Lâm đã tha thiết nói lên niềm mong mỏi của bản than mình: “Thành quả giáo dục, văn hóa, kinh tế của Chơ Glong có được ngày hôm nay nhờ vào nghị lực quyết tâm của 3 cô giáo ấy. Người Ba-na luôn dành cho họ sự biết ơn sâu sắc. Cái địa danh “dốc 3 cô” là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Tôi hy vọng 3 cô giáo khi biết mọi người đang muốn gặp lại họ có thể lên tiếng”.
Và có lẽ, đây cũng chính là tiếng lòng, niềm mong mỏi của biết bao thế hệ con người Chơ Glong. Họ rất muốn được tri ân với những con người đã đi vào huyền thoại trong thâm tâm mỗi người dân Chơ Glong… Mong rằng có một ngày gần nhất 3 cô giáo năm nào sẽ có dịp trở về thăm lại địa danh “dốc 3 cô” huyền thoại, thăm lại mảnh đất Chơ Glong đã gắn liền với tên tuổi của mình.