Những huyền tích nửa hư nửa thực cùng sự tài hoa trong điêu khắc của các nghệ nhân đã đưa Ngài trở thành một nét đẹp trong tín ngưỡng Phật giáo Việt nam.
Huyền tích về công đức với nhân dân
Trong chùa Cầu Đông (38B Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), nằm bên trái ban Tam Bảolà khu vực thờ Đức thượng đẳng Đức chúa ông Ngô Long. Theo lời giới thiệu của Sư cô Thích Đàm Đạo, chính vì sự hiển linh của Ngài mà chùa Cầu Đông được xây dựng. Nhờ công đức của Ngài mà nhân dân tại khu vực quán Đông Kiều, xã Đức Môn, phủ Thuận Thiên nay là khu vực chùa Cầu Đông có được cuộc sống an sinh thịnh vượng.
Ngài là một nhân vật lịch sử có thật, được sinh ra tại trang Thanh Quả, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, Đạo Nam Sơn nay thuộc thôn Sinh Quả, thôn Sinh Liên, thôn Minh Kha (huyện Thanh Oai, TP Hà Nội ngày nay). Trong cuốn sách “Thánh tích Ngô Long và lịch sử chùa Thanh Quả” có nguồn gốc được dịch từ các tài liệu cổ đã ghi rằng, tương truyền 18 đời triều Kinh Dương Vương truyền đến Duệ Vương lên ngôi, có một vị quan từ phương Bắc có tên Ngô Tín sang nước Nam ta lánh nạn và hành nghề lương y tại trang Thanh Quả.
Nhờ y đức của mình, ông được người dân yêu mến. Trong đó, có ông Vũ Công nhờ được Ngô Tín cứu chữa khỏi căn bệnh đau bụng kinh niên liền gả người con gái tên Ngoạn, tuổi vừa 21, đức hạnh, dung nhan hơn người cho ông.
Cổng chùa Cầu Đông. |
Sau hơn 10 năm kết tóc se duyên, hai vợ chồng ông bà chưa một lần thai nghén. Một buổi trưa ông Ngô Tín nằm nghỉ dưới bóng cây trước sân thì nằm mơ thấy đức Phật đứng trên 9 tầng mây, cùng một đại thần đứng trước án báo rằng: “Nay cơ đồ triều Hùng vào cuối đời đang cần người phò tá, nên cho Long thần xuống trần để cứu giúp nước nhà, đầu thai vào nhà họ Ngô ở linh tự này làm con vì nhà người phúc hậu dốc lòng cứu dân, hương đăng chăm sóc linh tự đức độ, có vậy mới xứng đáng”.
Quả nhiên 1 tháng sau bà Ngoạn có bầu và sau 13 tháng hạ sinh một cậu bé vào ngày mùng 4 tháng 4 năm Giáp Tý. Theo các điều mà ông Ngô Tín thấy trong chiêm bao nên đã đặt tên con là Long. Ngay từ khi 8 tuổi với tư chất thông minh Ngài đã tinh thông võ nghệ và thơ văn.
Tới khi Ngài 12 tuổi, cha mẹ Ngài đều lần lượt qua đời. Sau đó Ngài ở với người chú nhưng vì chuyên chú việc thi thơ không hợp công việc ruộng vườn nên ngài bỏ đi đến khu Hậu Nghiêm, phủ Phụng Thiên, phường Phục Cổ (nay thuộc TP Hà Nội). Tới đây Ngài nằm nghỉ ở một quán nhỏ có tên Long Đầu.
Sau đó nhân dân ở địa phương được 4 vị thần đất tới báo mộng về việc có Thần Long chủ tể về làm phúc Thần cho nhân dân địa phương. Nhân dân sau đó ra quán nơi Ngài nghỉ hành lễ và xin làm thần tử cho thần. Sau này, nhân dân sửa sang lại quán cẩn thận và rước Ngài ở đây. Nhân dân chu cấp lương thực và thực phẩm đèn sách để Ngài dùi mài kinh sử.
Ban thờ Đức ông Ngô Long tại chùa Cầu Đông. |
Năm 14 tuổi, Ngài lên kinh ứng thí và trúng tuyển. Ngay khi vừa đỗ đạt, Ngài đã được nhà Vua trọng dụng phong vượt cấp Ngài làm Tham Tán Binh Sự, từ đó Vua tôi hợp sức, thiên hạ thanh bình.
Nhiều năm sau đó, chính Ngài cũng là người phụ tá vua Hùng Duệ Vương, có công dẹp giặc Hồ Lư ở Châu Hoan. Sau đó, vào ngày mùng một tháng 11 (chưa rõ năm), Ngài Ngô Long về tới cung Khánh Hội (nay là chùa Hàm Long, TP Hà Nội) cùng nhân dân và gia thần làm lễ chúc mừng ngài thắng trận và mở yến tiệc trao thưởng sỹ tốt.
Khi đang yến tiệc Ngài làm thơ rằng: “Sống làm tướng giỏi hóa làm thần/ Thờ cúng lâu bền ở xã dân/ Có công với nước ghi sử nước/ Rạng rõ Phật tiền mãi thơm hương”
Đúng lúc giữa trưa đó ở đình Khánh Hội bỗng trời đất tối sầm, sấm, gió nổi lên, bên trong nơi cung Ngài ngồi có xung khí hào quang tỏa sáng, tự thấy Rồng vàng từ trong trướng nhảy ra rồi bay lên trời. Lại nghe ở trên trời có một tiếng sấm, sét làm tan mây, trời lại trong sáng.
Quan quân, gia thần và nhân dân kéo nhau vào trong cung thấy Ngài đã hóa rồi. Nhân dân và binh sĩ làm lễ linh táng ở nơi chính thâm cung. Biết tin, nhà Vua thương tiếc người liền ra lệnh cho đình thần về làm lễ ở nơi ngài hóa. Lệnh cho gia thần và nhân dân sở tại tạc tượng và dựng đền thờ, tế lễ hàng năm.
Nhà Vua lại có chiếu chỉ cho các chùa có tượng Long Công ở bên trái tòa Tam Bảo. Vua Trần Anh Tông dựng tượng Ngài ở núi Yên Tử tập hợp nhiều sa môn giảng kinh, phong Ngài là Đỗ Hòa Thượng. Từ đấy, tiếng tăm linh ứng khắp nơi, tuy nhiên nơi nhiều người biết đến Ngài nhất là ở chùa Thanh Quả (huyện Thanh Oai) và chùa Hàm Long (TP Hà Nội).
Qua các đời vua Ngài đã được 16 sắc phong. Có nhiều người vẫn truyền tai nhau rằng, từ lúc nhà Lê mở nước đều khấn ngầm ở đền Ngài – đền Hàm Long. Sau khi nhà Lê bình định được giậc Minh lên ngôi Vua ở Lam Sơn liền bao phong cho ngài là ‘Phó Tể Hộ Quốc Thượng Đẳng Tôn Thần”
Ngài Ngô Long tại chùa Cầu Đông
Theo lời kể của Sư cô Thích Đàm Đạo, sau khi Ngài hóa được một thời gian, tại quán Đông Kiều, xã Đức Môn liên tục đem nào trong quán cũng tỏa ra ánh hào quang làm mọi người sợ hãi. Các bô lão đến quán làm lễ cầu xin thì được thần báo mộng rằng: “Quán ấy có bảo khí trung linh phải đổi quán làm chùa sẽ được hạnh phúc”. Dân làng nghe theo xây quán thành chùa gọi là chùa Cầu Đông. Sau đó tạc tượng Ngài. Từ đó nhân dân an sinh thịnh vượng chính là nhờ ơn đức của Ngài. Vua chúa bao phong Mỹ Tự Thưởng Đẳng Phúc thần.
Tại chùa Cầu Đông, tượng Ngài nằm trong số 60 pho tượng Phật cổ có giá trị được chùa lưu giữ qua hàng trăm năm qua. Tượng Ngài Ngô Long tại chùa được tạc ở tư thế ngồi, hai tay đặt trên đùi, bàn tay trái úp xuống, bàn tay phải để ngửa như đang nâng một vật gì trên tay. Mắt Ngài nhìn thẳng, biểu lộ sự oai phong, kiên định. Tượng đúc mặc triều phục, áo có hoa văn hổ phù và rồng đăng đối trước ngực, gấu áo đúc nổi thủy ba sóng gợn, có cân đai và đầu đội mũ cánh chuồn.
Theo Sư cô Thích Đàm Đạo, tại chùa Cầu Đông hàng năm không có bất cứ lễ hội nào liên quan đến ngài nhưng người dân quanh vùng và Phật tử thâp phương đều tới đây để cầu xin Ngài bình an. “Hiện tại, chỉ có chùa Thanh Quả và chùa Hàm Long còn lưu giữ những lễ hội liên quan tới Ngài. Ở đây, các sư thầy vào ngày kỵ của Ngài vẫn tới hai ngôi chùa trên để hành lễ, tưởng nhớ tới công đức của Ngài”.
Vào mùa xuân mùa thu tế thần đều tổ chức theo nghi thức Quốc gia. Vào các tiết như thần sinh, thần hóa và yến tiệc cũng như tên húy, sắc phục cấm kỵ đều được quy định từ đời nhà Lê. Một số điều cấm kỵ vẫn được lưu giữ tới ngày nay như; vào ngày Ngài sinh 4/4 khi hành lễ những người được chọn trước đó 1 ngày phải tắm rửa sạch sẽ, rước văn cáo tế, mâm chay oản quả dân lễ chư Phật, cũng lễ các chính vị hoặc dê gà, lợn đen; tên húy ngài là Rồng (Long) nên cấm không được viết đủ nét phải viết lái đi; không được mặc sắc phục màu vàng...