Huyền thoại về tác giả 'Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên' của nước Việt

(PLO) -Cuối năm 1076, đại quân quân Tống chia làm nhiều cánh vượt biên giới tiến ào ạt vào Đại Việt. Ngày 18/1/1077, đại quân Tống đã tiến tới bờ Bắc sông Như Nguyệt, nhưng đã bị chặn lại, cho dù chúng đã cố gắng mở nhiều đợt tấn công liên tục. 
 Hình minh họa trận đánh trên sông Như Nguyệt
Hình minh họa trận đánh trên sông Như Nguyệt

Vào lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, Lý Thường Kiệt đã viết bài thơ tứ tuyệt “Nam quốc sơn hà” để cổ vũ tinh thần binh sĩ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”.

Dịch nghĩa: “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rõ ràng định phận ở sách trời / Cớ sao quân giặc dám xâm phạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Tương truyền, nửa đêm ông sai người bí mật vào đền thờ thánh Tam Giang (Trương Hống-Trương Hát là thần sông Như Nguyệt) để đọc bài thơ này. Theo “Việt điện u linh”: “Đang đêm nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi, quân Tống sợ táng đẩm, không đánh cũng tan”. 

Hiền tài “nghìn năm mới có vài ba người”

Theo sử sách truyền tụng, năm 1019, tại nhà một võ quan ở phường Thái Hòa (nay ở phía trên Vườn Bách Thảo – Hà Nội), con trai đầu lòng của ông Ngô An và người vợ họ Hàn đã ra đời, được đặt tên là Ngô Tuấn, tự là Thường Kiệt. Đến tuổi đi học, gia đình đội mâm quả lễ và dắt cậu bé đến ra mắt thầy Lý Công Ẩn để xin nhập môn. 

Tương truyền, khi nhìn thấy vẻ khôi ngô đĩnh ngộ khác thường của Ngô Tuấn, thầy Lý Công Ẩn sững sờ rồi xua tay, nhất định không nhận. Mọi người lấy làm lạ, cho rằng thầy đoán biết tương lai của đứa bé xấu quá nên từ chối, nhưng thầy lắc đầu bảo:

“Cứ như mắt nhìn của ta, thì đây là bậc hiền tài bậc nhất, mà đất nước nghìn năm mới có vài ba người. Ta sợ không đủ sức để gánh được cái phúc lộc lớn này”. Tuy đã mấy lần thầy từ chối, nhưng do gia đình Ngô Tuấn năn nỉ mãi, cuối cùng Lý Công Ẩn cũng phải nao núng. 

Lúc ấy, cậu bé Ngô Tuấn liền đến rút một bông lúa trong đống lúa vừa gặt về, rồi lễ phép thưa: “Con chỉ xin thầy một nhánh lúa này!”. Thấy vậy, gương mặt Lý Công Ẩn rạng rỡ, ông gật gù: “Nhà ta tiếng là mở trường dạy học, nhưng sinh sống vẫn trông vào việc nông tang là chính. Được rồi, một nhánh lúa làm giống, ta đâu dám tiếc, còn sự sinh sôi nảy nở ra cả một mùa vàng là phần của trò”. Thầy đã nhận lời, gia đình Ngô Tuấn vội bảo cậu bé làm lễ nhận thầy.

Tuy Lý Công Ẩn hẹn rằng chỉ cho một nhánh lúa làm giống, nhưng ông đã phải giành nhiều công sức cho việc chăm nom, dạy dỗ Ngô Tuấn. Ông không chỉ dạy Ngô Tuấn văn chương chữ nghĩa, mà còn dạy cả binh thư trận pháp. Ngô Tuấn lớn lên thành võ tướng tài năng, cầm quân đánh giặc ngoại xâm, có công lớn, được vua ban quốc tính (được mang họ nhà vua) với tên mới là Lý Thường Kiệt. 

Sau này, một lần nhà vua hỏi Lý Thường Kiệt, tài năng của ông do đâu mà có, ông đã tâu với vua về công ơn, đức độ của Lý Công Ẩn – người thầy của mình.

Cuộc tập kích chiến lược

Dưới triều Lý Thái Tông, Lý Thường Kiệt được bổ nhiệm chức Kỵ mã hiệu úy, rồi được thăng Kiểm hiệu thái bảo. Năm 1061, ông được lệnh cầm quân đi đánh Chămpa dẹp yên bờ cõi. Sau khi toàn thắng, giữ yên được biên giới phía nam, Lý Thường Kiệt được ban các chức tước: Phụ quốc Thái phó, Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc, Khi quốc công. Ít lâu sau, ông lại được thăng chức Thái úy, Đồng chung thư môn Hạ bình chương sự (chức quan thứ hai trong triều).

Năm 1072, Lý Thánh Tông từ trần, Lý Nhân Tông lên nối ngôi khi mới bảy tuổi. Chính quyền phương Bắc lúc đó xem đây là cơ hội tốt để tiến hành xâm lược nước ta. Tại ba châu Ung, Khâm, Liêm (thuộc Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay), phương Bắc xây dựng những căn cứ quân sự và hậu cần to lớn để làm nơi xuất phát cho các đạo quân xâm lược Đại Việt. 

Lúc này Lý Thường Kiệt giữ chức Đôn quốc Thái úy, Đại tướng quân, Đại tư đồ, tước hiệu Thượng phụ công. Với cương vị như tể tướng, ông đã nắm toàn quyền cả văn lẫn võ, điều đó có nghĩa là ông phải gánh vác nặng nề và chịu trách nhiệm to lớn đối với giang sơn xã tắc. 

Trước dã tâm của giặc, Lý Thường Kiệt cho rằng ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc. Được triều đình tán thành, ông huy động 10 vạn quân và tiến hành cuộc tập kích đánh thẳng vào căn cứ chuẩn bị xâm lược của kẻ thù ngay trên đất Tống. 

Lý Thường Kiệt đã viết bài hịch: “Phạt Tống lộ bố văn” (Bài văn công bố đánh giặc Tống) và cho yết bảng ở khắp nơi mà quân đội ta đi qua. Bài hịch truyền đi đã đạt hiệu quả lớn, quân đội của Lý Thường Kiệt tiến đến đâu cũng được nhân dân ở đó nhiệt liệt hưởng ứng. 

Quân Việt bắt đầu tiến vào đất Tống từ ngày 27/10/1075. Đầu tiên, quân ta phá hủy hàng loạt các đồn trại biên giới, rồi lần lượt đánh chiếm các thành Khâm, Liêm, sau đó, tiếp tục tiến sâu vào đất địch. Ngày 18/1/1076, quân Việt áp sát thành Ung – là căn cứ quan trọng nhất của cuộc viễn chinh xâm lược. 

Sau 42 ngày vây hãm và tấn công quyết liệt, ta đã hạ được thành, tiêu diệt, bắt sống nhiều tên giặc, san bằng các kho tàng lương thực, vũ khí, làm tổn thất nghiêm trọng các cơ sở vật chất và phương tiện chiến tranh của địch, khiến cho quân phương Bắc phải nhụt nhuệ khí xâm lược. 

Sau khi đã đạt được mục tiêu, Lý Thường Kiệt quyết định rút nhanh quân về nước, vừa để bảo toàn được lực lượng, vừa đề phòng được kế hiểm của giặc điều quân sang đánh úp Đại Việt. 

Cuộc tập kích chiến lược của Lý Thường Kiệt đã được lịch sử ghi nhận là chiến công có một không hai trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Trong cuốn “Việt sử tiêu án”, nhà viết sử Ngô Thì Sĩ đã ca ngợi Lý Thường Kiệt: “Bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ”.

Bài thơ “thần” có sức mạnh vạn quân 

Biết trước rằng nhà Tống vẫn không chịu từ bỏ âm mưu xâm lược, Lý Thường Kiệt lại vạch kế hoạch chống ngoại xâm cho các lực lượng vũ trang địa phương, các thổ binh, hương binh ở vùng núi phía Bắc chuẩn bị làm nhiệm vụ kiềm chế và tiêu hao địch trên con đường tiến quân của chúng. Ông tập trung xây dựng phòng tuyến chính của quân ta dựa vào bờ Nam sông Như Nguyệt (sông Cầu), có rào giậu nhiều tầng, chạy dài trên 200 dặm, từ chân núi Tam Đảo đến sông Lục Đầu. 

Cuối năm 1076, đại quân quân Tống chia làm nhiều cánh vượt biên giới tiến ào ạt vào Đại Việt. Ngày 18/1/1077, đại quân Tống đã tiến tới bờ Bắc sông Như Nguyệt, nhưng đã bị chặn lại, cho dù chúng đã cố gắng mở nhiều đợt tấn công liên tục. 

Vào lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt, Lý Thường Kiệt đã viết bài thơ tứ tuyệt “Nam quốc sơn hà” để cổ vũ tinh thần binh sĩ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư / Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. Dịch nghĩa: “Sông núi nước Nam vua Nam ở / Rõ ràng định phận ở sách trời / Cớ sao quân giặc dám xâm phạm / Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.

Tương truyền, nửa đêm ông sai người bí mật vào đền thờ thánh Tam Giang (Trương Hống-Trương Hát là thần sông Như Nguyệt) để đọc bài thơ này. Theo “Việt điện u linh”: “Đang đêm nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi, quân Tống sợ táng đẩm, không đánh cũng tan”. 

Bài thơ được truyền tụng trong toàn quân, người người đều cho rằng thần đã làm ra bài thơ đó để báo trước việc quân giặc tất bại, quân ta tất thắng. Do đó lòng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng được củng cố, quân sĩ ai nấy đều hăm hở tiến lên phía trước để giết giặc. Khí thế đã hăng, Lý Thường Kiệt bèn mở cuộc tiến công, đánh cho giặc Tống đại bại, phải cầu hòa và rút về nước.

Gần 900 năm sau, sau khi Hiệp định Pari được ký kết ngày 27/1/1973, Henry Kissinger – cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ, cố vấn đặc biệt của phái đoàn Hoa Kỳ tại Hội nghị Pari, đã tới Hà Nội. Khi đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử và được giới thiệu về bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, Henry Kitxinhgiơ đã nói: “Đây chính là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam”. 

Lý Thường Kiệt là một trọng thần trải ba đời vua, từ đời Lý Thánh Tông, ông được cất lên ngang hàng các hoàng tử, với danh hiệu Thiên tử nghĩa nam; đời Lý Nhân Tông được nhà vua coi như em và ban hiệu Thiên tử nghĩa đệ. Ông mất năm 1105, thọ 86 tuổi. Khi mất, ông được phong tặng Kiểm hiệu Thái úy Bình chương Quân quốc trọng sự, Việt quốc công và được lập đền thờ ở nhiều nơi trên đất nước.

Đọc thêm