Huyền tích ly kỳ về đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở cửa ngõ xứ Đàng Trong

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dọc đường thiên lý Bắc – Nam, qua địa phận Đèo Ngang nối Hà Tĩnh với Quảng Bình (khi xưa gọi là cửa ngõ xứ Đàng Trong) có một ngôi đền nhỏ được coi là linh thiêng bậc nhất đất Quảng Bình. Đó là đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc bên đường quốc lộ ngay chân Đèo Ngang thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc bên đường quốc lộ, ngay chân Đèo Ngang thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc bên đường quốc lộ, ngay chân Đèo Ngang thuộc thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Sự tích bí ẩn và linh thiêng

Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (tên gọi khác là đền Liễu Hạnh công chúa, đền Mẫu Liễu Hạnh) là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng nhất của tỉnh Quảng Bình. Ngôi đền thiêng thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - một trong bốn vị thánh “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng văn hóa dân gian Việt Nam, được nhân dân hết lòng tôn kính. Đằng sau lịch sử xây dựng đền là cả một sự tích ly kỳ và bí ẩn.

Tấm biển bằng đá chỉ dẫn Di tích lịch sử văn hóa: Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Đèo Ngang, Quảng Bình.Tấm biển bằng đá chỉ dẫn Di tích lịch sử văn hóa: Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Đèo Ngang, Quảng Bình.

Sự tích kể rằng, từ thuở xa xưa, người Việt vào Nam ra Bắc trên bộ duy nhất chỉ có một con đường cái quan hiểm trở. Dọc đường thiên lý đó, dãy Trường Sơn tới Quảng Bình thì rẽ một nhánh chạy ngang ra biển gọi là Hoành Sơn; trên đó Đèo Ngang với Hoành Sơn quan vừa là cửa ngõ của xứ Đàng Trong, cũng là điểm dừng chân để các bậc tao nhân mạc khách làm thơ, họa cảnh trước vẻ đẹp của non sông gấm vóc, tự hào về kỳ quan thiên nhiên đất nước mình.

Tại chân Đèo Ngang phía địa phận tỉnh Quảng Bình, bên con đường mòn từ xa xưa đã tồn tại một ngôi miếu nhỏ. Đó là miếu thờ Công chúa Liễu Hạnh – là một nhân vật trong Tứ Bất tử huyền thoại của văn hóa dân gian Việt Nam.

Phần ban thờ còn lại của không gian hậu cung đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trước khi trùng tu năm 1993.

Phần ban thờ còn lại của không gian hậu cung đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trước khi trùng tu năm 1993.

Sự tồn tại của ngôi Miếu từ hàng trăm năm qua với giai thoại truyền rằng công chúa Quỳnh Hoa con gái Ngọc Hoàng sơ ý phạm lỗi mà bị vua cha đọa xuống hạ giới. Dưới hạ giới, dù bị coi là chịu án phạt lưu đày nhưng nàng đã dầy công giúp dân, vì nước, tích phước đức nên sau khi mất nàng được nhân dân tôn kính lập đền thờ Bà Chúa với tên là Liễu Hạnh ở nhiều nơi. Tại Đèo Ngang, đền thờ Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một trong những di tích sớm nhất, huyền thoại lưu truyền cùng với ngôi Miếu này tới bây giờ.

Còn theo truyền thuyết về công chúa Liễu Hạnh, bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng có tên là Quỳnh Hoa, là người mẹ cai quản vùng trời, vị thánh mẫu đứng đầu hệ thống Tam Phủ, Tứ Phủ thờ đạo Mẫu của người Việt. Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nằm bên dãy Hoành Sơn cũng là nơi ghi dấu cho sự tích giáng trần của bà tại đây.

Đền thờ Mẫu Liễu Hạnh tại Đèo Ngang chính là minh chứng hùng hồn cho sự tích về Liễu Hạnh công chúa, đóng góp một phần quan trọng trong lịch sử phát triển của dòng tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Từ bao đời nay, ngôi đền này có tiếng linh thiêng, ai qua lại nơi này thường vào thắp hương đều được bình an, cầu gì được nấy.

Ngôi đền dựa lưng vào dãy Hoành Sơn hùng vĩ.

Ngôi đền dựa lưng vào dãy Hoành Sơn hùng vĩ.

Chuyện về một giấc mơ kỳ lạ

Trên đường công tác, chúng tôi dừng chân chiêm bái đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới chân Đèo Ngang đúng ngày rằm và tình cờ được biết thêm một câu chuyện kỳ bí về ngôi đền nổi tiếng linh thiêng này.

Chuyện kể rằng khi thi công hầm đường bộ Đèo Ngang, ban đầu người ta có ý định thiết kế con đường chạy qua khu di tích và sẽ di dời ngôi đền đến một địa điểm gần đó. Tuy nhiên, ý định đó đã phải thay đổi vì câu chuyện về một giấc mơ mang đậm màu sắc liêu trai.

Chuyện kể rằng vào một ngày mùa hạ nắng như đổ lửa, anh công nhân cùng tốp thợ đang nằm nghỉ trưa mơ màng thì bỗng thấy một bà cụ vấn tóc, quần nâu áo vải theo lối cổ, vai đeo tay nải đi ngang qua.

Anh công nhân ngạc nhiên không hiểu sao lại có một bà lão đi bộ trên đường thiên lý giữa buổi trưa nắng gió thế này, bèn hỏi sao bà không ở nhà nghỉ ngơi thì bà lão nói nhà bà ở chân đèo, nhưng sắp bị người ta phá nên chẳng biết đi đâu về đâu nữa. Rồi bà lão giờ tay nải lấy đồ ăn ra mời, nhưng bên trong chỉ có toàn hoa quả... Anh công nhân bừng tỉnh, thoắt cái bà lão biến mất, chỉ có buổi trưa vắng ngắt với cái nắng chang chang hoa mắt.

Khi anh kể lại giấc mơ với bạn bè thì trong nhóm thợ có 4 người cùng kinh ngạc xác nhận cũng mơ gặp một bà cụ có hình dáng, cử chỉ, lời nói giống y hệt như đã kể. Lập tức câu chuyện về giấc mơ kỳ lạ của 4 người được lan truyền và người ta linh cảm có liên quan đến ngôi đền nhỏ thờ Mẫu linh thiêng dưới chân đèo. Là những người tín tâm, họ trình báo lại giấc mơ kỳ lạ đó với người có thẩm quyền và sau đó con đường được nắn lại theo hướng khác để giữ nguyên hiện trạng khu di tích.

Cũng nhờ quyết định mang tính lịch sử năm nào, đền công chúa Liễu Hạnh tọa trấn Đèo Ngang đến nay là điểm cuối phía Nam còn giữ được kiến trúc đền thờ Mẫu.

Theo quan sát, hiện Khi di tích đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh nằm trên khu đất bằng phẳng có tổng diện tích gần 350m², sát đường thiên lý Bắc Nam trước đây, lưng tựa dãy Hoành Sơn, mặt soi bóng hồ Quảng Đông. Từ ngoài đi vào trong đền lần lượt là cổng đền, bức bình phong, cổng tam quan, hai trụ đầu lân trước điện thờ, đền Tiền, đền Hậu.

Quang cảnh đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong đêm vẫn đèn điện sáng trưng.

Quang cảnh đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong đêm vẫn đèn điện sáng trưng.

Cổng tam quan.

Cổng tam quan.

Bức bình phong.

Bức bình phong.

Hai "ông voi" bằng đá trước sân đền.

Hai "ông voi" bằng đá trước sân đền.

Ngôi đền tuy không quá đồ sộ nhưng vẫn đậm chất mỹ quan Á Đông và bảo lưu được bản sắc văn hoá dân tộc. Toàn bộ kiến trúc của đền được sắp xếp một cách cân đối từ thấp đến cao theo một trục dọc, tạo nên nét trang nghiêm của đền Liễu Hạnh công chúa. Lối bố trí đối xứng được thể hiện rất rõ ngay từ cổng tam quan.

Vào bên trong đền, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tứ linh gồm long, lân, quy, phụng; tứ thủ là cầm, kỳ, thi, họa; tứ quý tùng, trúc, mai sen; cùng nhiều biểu tượng cúc hóa long, mai hóa long, tùng hoá long khác. Các chi tiết được chế tác vô cùng tinh tế và được bày trí hài hoà với bố cục chung. Tất cả tạo nên nét độc đáo của ngôi đền và ẩn sau đó là khát vọng vươn tới những giá trị tốt đẹp, hướng đến chân – thiện - mĩ.

Gian thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Gian thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Lễ hội đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh Quảng Bình diễn ra trong 3 ngày, từ mồng 1 tháng 3 đến mồng 3 tháng 3 âm lịch hàng năm. Hội đền ngoài mang đặc trưng của lễ hội cổ truyền Việt Nam với các nghi lễ mang tính phong tục và hướng về cội nguồn thì còn mang sắc thái văn hóa của riêng của tỉnh Quảng Bình, trở thành nếp sinh hoạt tín ngưỡng, hướng con người tới những giá trị tốt đẹp và cao cả.

Bài: Diệu Minh - Ảnh: Internet

Đọc thêm