Người khuyết tật chịu nhiều thiệt thòi
Tháng 1/2019, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) đã công bố kết quả điều tra quốc gia về người khuyết tật Việt Nam. Đây là cuộc điều tra đầu tiên có quy mô lớn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế xác định người khuyết tật để thu thập thông tin toàn diện về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam được tiến hành trong 2 năm (2016-2017).
Điều tra cho thấy, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.
Cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật lại càng thấp hơn. Chỉ có 2% trường tiểu học và trung học cơ sở có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.
Ông Vũ Thanh Liêm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: “Kết quả cuộc điều tra cho thấy người khuyết tật ít có cơ hội đi học, đi làm hơn. Mặc dù người khuyết tật được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) cao hơn nhưng các dịch vụ phục hồi chức năng còn rất hạn chế. Việc tiếp cận các cơ sở y tế cũng như trường học gặp khó khăn. Người khuyết tật sống trong hộ nghèo cao hơn người không khuyết tật, đặc biệt vẫn còn tư tưởng kỳ thị đối với người khuyết tật”.
Bà Lesley Miller, Quyền Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) nhấn mạnh mục đích của điều tra là đánh giá tình trạng khuyết tật của dân số và điều kiện kinh tế - xã hội nhằm cung cấp bằng chứng phục vụ, lập kế hoạch, chính sách, cải thiện cuộc sống người khuyết tật ở Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng hiệu quả những kết quả nghiên cứu để hoạch định chính sách, lập ngân sách cho các chương trình hòa nhập.
Đừng để lãng phí nguồn lao động
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký văn kiện phê chuẩn Việt Nam gia nhập Công ước 159 của ILO về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm. Việc phê chuẩn này được đánh giá là một bước tiến trong việc cải thiện khung pháp lý hiện tại của Việt Nam nhằm hỗ trợ người khuyết tật.
Hiện nay, Việt Nam đã có Luật Người khuyết tật được thông qua vào năm 2010, Kế hoạch hành động quốc gia về người khuyết tật (2012) với mục tiêu đào tạo nghề và tạo việc làm cho 250.000 lao động khuyết tật, cũng như đã phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Quyền của người khuyết tật vào năm 2014.
Trên thực tế, một nghiên cứu của ILO đã chỉ ra rằng Việt Nam mất khoảng 3% GDP do không tận dụng người khuyết tật trong thị trường lao động. Còn theo Bộ LĐ-TB&XH, phần lớn người khuyết tật sống ở nông thôn (chiếm 87,27%), có khoảng 65% người khuyết tật trong độ tuổi lao động và khoảng 40% người khuyết tật còn khả năng lao động.
Trong số này, mới có 30% đang tham gia lao động tạo thu nhập cho bản thân và gia đình. Như vậy, tại Việt Nam còn hàng triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề và vay vốn tạo việc làm.
Theo bà Valentina Barcucci, Chuyên gia Kinh tế Lao động của ILO thì “những bất lợi và thiếu cơ hội mà người lao động khuyết tật gặp phải phần lớn không liên quan tới khiếm khuyết cá nhân của họ mà đó là hậu quả của cách mà xã hội và nơi làm việc phản ứng với những khiếm khuyết đó.
Chính sách và pháp luật là minh chứng cho sự phản ứng đó và là bước quan trọng để tạo ra những thay đổi. Bằng việc tập trung vào kỹ năng thay vì định kiến, người sử dụng lao động có thể tiếp cận tới một lực lượng lao động tài năng chưa được tận dụng”.
TS. Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam nhấn mạnh rằng việc tạo điều kiện cho người lao động khuyết tật chính là “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển của kinh tế và thị trường lao động. Đây không chỉ là vấn đề nhân quyền mà còn là vấn đề thành công của doanh nghiệp. Bằng việc tạo cơ hội việc làm cho lao động khuyết tật, các doanh nghiệp, cá nhân và cả xã hội đều sẽ được hưởng lợi.
Làm gì để giúp người khuyết tật thoát nghèo?
Bắc Kạn là một điển hình trong cả nước về việc giúp người khuyết tật thoát nghèo. Bắc Kạn có khoảng 6.000 người khuyết tật, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Từ năm 2016 Bắc Kạn triển khai mô hình “Ngân hàng bò” để giúp người khuyết tật tìm được công việc phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, từng bước thoát nghèo.
Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, góp phần tạo công ăn, việc làm bền vững cho người khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn và từng bước thoát nghèo.
Tại Vĩnh Phúc, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi các xã, thị trấn cũng vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp để tăng số tiền hỗ trợ nuôi bò sinh sản cho người khuyết tật. Số bò sinh sản tại 84 gia đình đã cho ra đời 157 bê con; các gia đình đã bán 102 bê con với số tiền gần 2 tỷ đồng. Còn tại Thanh Hóa, từ những lớp học nghề khâu nón lá, nhiều người khuyết tật đã có thêm thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng…
Ngoài trao bò, dạy nghề…, nhiều chính sách đang hướng đến giúp người khuyết tật có thể tiếp cận vốn vay, phát triển kinh tế. Đơn cử như Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ vốn vay cho người khuyết tật và các doanh nghiệp có sử dụng lao động là người khuyết tật suốt 15 năm qua.
Tuy nhiên, thực tế hiện chưa có nguồn vốn dành riêng cho vay người khuyết tật để phát triển kinh tế, mà chủ yếu vẫn là thông qua nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn từ nhà tài trợ Nippon. Chính vì vậy, theo nhiều ý kiến, các cơ quan quản lý nhà nước cần xem xét, bố trí nguồn vốn để dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật.