Những cuộc hôn nhân 'dối gian' để hoàn thành trách nhiệm

(PLVN) - Kết hôn là chuyện đại sự cả đời, bất cứ ai đều mong muốn có một gia đình trọn vẹn, xuất phát từ tình yêu giữa hai người. Nhưng đôi khi, có những cuộc hôn nhân lại không như ý nguyện, đó là những lời “nói dối” từ hai phía để hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ hay đơn giản là che giấu chính mình. Những cuộc “giao kèo hạnh phúc” của những người đồng tính trong xã hội.
Có người hài lòng, có người đắng cay với cuộc sống hôn nhân giả tạo.
Có người hài lòng, có người đắng cay với cuộc sống hôn nhân giả tạo.

Cuộc “giao kèo hạnh phúc”

Vào vai một người đồng tính nam có nhu cầu tìm người nữ đồng tính khác để kết hôn. Đăng tải trên nhóm facebook có tên: “Se duyên gay - les” - một hội nhóm chuyên chia sẻ thông tin của những người trong giới có nhu cầu kết hôn. Chỉ sau vài giờ, một cô gái tên Duyên (Thái Bình) đã chủ động nhắn tin để hẹn gặp nhau nói chuyện.

Duyên chia sẻ, cô là người đồng tính nữ, dù mới 23 tuổi nhưng do gia đình ở quê, bố mẹ đã nhiều tuổi nên muốn con gái lấy chồng sớm. Vốn dĩ, cô không có cảm xúc với nam giới. Vì thương bố mẹ, Duyên không dám công khai chuyện mình đồng tính. Được một người bạn trong giới chỉ cách theo dõi các hội nhóm người đồng tính có nhu cầu kết hôn, Duyên đã thử để tìm một người đồng tính nam có nhu cầu kết hôn.

“Thật ra, như vậy là mình đang nói dối gia đình. Nhưng cũng không còn cách nào khác cả. Lấy chồng bình thường chỉ sợ không chịu nổi cuộc sống hôn nhân vợ chồng.Tìm một bạn gay, chia sẻ trách nhiệm để kết hôn, hoàn thành nghĩa vụ với gia đình đôi khi lại thoải mái hơn”. Duyên chia sẻ về mục đích của mình.

Duyên chia sẻ, mình có thể đám cưới bất cứ lúc nào nếu cả hai đã sẵn sàng. Không ít người đồng tính nữ như Duyên chọn cách kết hôn với gay để có thể làm tròn chữ hiếu. Những cuộc tìm kiếm “bạn đời” cứ thế được đăng tải lên mạng xã hội hàng ngày để những người cùng cảnh ngộ tìm đến nhau. Họ cùng nhau chấp nhận một cuộc kết hôn “giả” để làm tròn nghĩa vụ con cái với gia đình, tránh đi những ánh nhìn không hay từ xã hội.

Anh D.V.Tuấn (Văn Lâm, Hưng Yên) là một người đồng tính nam. Tốt nghiệp đại học, ra trường có ngay công việc ổn định tại một cơ quan tại thành phố Hưng Yên. Chưa bao giờ, anh dám công khai giới tính của mình vì đặc thù công việc cũng như áp lực từ sự kì thị của xã hội. Đi làm đã lâu nhưng không thấy Tuấn ra mắt bạn gái, bố mẹ sốt ruột nên giục anh lấy vợ. Cuối năm 2017, anh Tuấn quyết định lấy vợ và cô gái đó là một người đồng tính nữ (les).

Anh Tuấn tâm sự: “Vợ mình là người đồng tính nữ. Cô ấy vẫn có “người yêu” bên ngoài. Mình thì cần một người “vợ cho bố mẹ”, cô ấy cũng cần một người chồng. Cả hai đều đạt mục đích nên bọn mình kết hôn vào cuối năm 2017. Đến nay được hai năm, mọi thứ đều ổn, về nhà vẫn “vợ vợ- chồng chồng” vậy thôi”.

Trường hợp của anh Tuấn không phải là chuyện hiếm trong cộng đồng người đồng tính. Vì họ phải chịu áp lực từ gia đình đối với chuyện “nối dõi tông đường”, nên họ quyết định kết hôn để hoàn thành trách nhiệm của người con trai trong gia đình.Những cuộc “giao kèo hạnh phúc” cứ thế được thực hiện, họ phải chọn lựa một bên trách nhiệm còn một bên là “chính mình”.

Hôn nhân chỉ là bức bình phong của những người đồng giới.
Hôn nhân chỉ là bức bình phong của những người đồng giới.

Đa số, những người đồng tính nam - nữ đều chọn cách “giấu mình” để kết hôn làm trọn chữ hiếu. Dù họ biết, đó là giả dối, là “diễn” nhưng không còn cách nào khác cho sự lựa chọn của mình. Không phải ở bất cứ xã hội nào, họ cũng được cảm thông, được chia sẻ..

Đắng cay lắm!

Phía sau những cuộc hôn nhân “giả dối” ấy, người trong cuộc cũng có phần hài lòng vì họ đã làm tròn bổn phận người con đối với gia đình, họ hàng. Có những người chấp nhận cuộc sống hôn nhân như vậy như một bức “bình phong” che chắn giới tính và sự kì thị từ xã hội. Chấp nhận “sự gian dối”, đánh đổi chính mình để làm tốt những chuẩn mực của một xã hội đã hình thành từ lâu.

Chị Linh (26 tuổi, Quảng Ninh) lấy anh Hải (28 tuổi, Quảng Ninh) được 2 năm. Chị cũng có một đám cưới đầy đủ như bao người khác. Ai cũng tấm tắc khen chị “số có phúc”, lấy chồng làm viên chức, gia đình gia giáo. Nhìn hai người rất đẹp đôi, ai cũng mừng cho đôi vợ chồng trẻ.

Đến năm 2018, chị Linh có thai con đầu lòng. Hạnh phúc chẳng tày gang khi chị cảm nhận được sự khác lạ của chồng. Anh thường đi về khuya, ít quan tâm và nói chuyện với vợ. Chuyện con cái cũng miễn cưỡng khi kết hôn 1 năm mà vẫn chưa có con, trong gia đình ai cũng giục. 

Chuyện vợ chồng cũng ít mặn mà, anh Hải như một con người khác với chị. Chuyện đau lòng, một ngày chị nhận ra chồng mình là người đồng tính nam. Anh đang có một mối quan hệ bên ngoài với một bạn nam khác. Chị cay đắng, bẽ bàng nhận ra sự thật, dù anh Hải rất tốt không hề đánh mắng vợ, vẫn thường xuyên chạy công việc hai bên gia đình.

“Cay đắng lắm! Anh ấy chưa bao giờ ôm vợ dù chỉ một lần. Mình cũng như bao người phụ nữ khác, muốn được yêu thương. Nhiều khi hai vợ chồng như người dưng nước lã, chẳng ai trò chuyện với ai. Mình sợ cảm giác cô đơn, khi người ấy lại là chồng mình”.

Khi biết được chồng mình là người đồng tính, chị Linh đã rất sốc và không dám tin đó là sự thật. Đám cưới, tình yêu giờ đây chỉ là một câu chuyện “giả dối” để thực hiện xong trách nhiệm con cái với gia đình. Chị miễn cưỡng chấp nhận ở lại với anh vì con, cũng vì chính bản thân mình và gia đình hai bên. Cuộc sống vợ chồng ngày càng xa cách, sự tủi thân lại thường trực hàng đêm dù bên cạnh chồng. Dù thông cảm cho chồng, nhưng nỗi đau ấy chị chỉ biết chịu đựng một mình vì con, vì gia đình.

Không giống chị Linh, anh Tiến (30 tuổi, Hà Nội) lại trải qua những khó khăn, đổ vỡ từ chính cuộc hôn nhân giữa người đồng tính nam và nữ. Năm 2017, anh tìm được một bạn les tên Lanqua một nhóm facebook để kết hôn.

“Chúng tôi có rất nhiều quan điểm giống nhau, như chia sẻ, hiền lành và sống vì gia đình. Bạn les không thích có con và tôi cũng thấy không có con cũng được, vì dù sao có con cuộc sống có thể phức tạp hơn. Tôi có nhà ở trên này, nên tôi nói nếu cô ấy có người yêu thì có thể dọn về sống chung cũng được. Đôi tháng hoặc có việc gì thì về quê thăm gia đình như hai vợ chồng”.

Cuộc sống của anh Tiến và “vợ” duy trì được 1 năm đầu. Đến 2018, chị Lan quyết định dọn ra ở riêng với người yêu (là người đồng tính nữ). Mối quan hệ của hai người đó ngày một sâu đậm. Người yêu chị Lan lo lắng và sợ chị ở lâu với anh Tiến sẽ nảy sinh tình cảm giữa hai người.

Được vài tháng sau đó, chị Lan đột ngột cắt đứt mọi liên lạc với anh Tiến và gia đình anh. Vì vậy, mỗi lần gia đình hỏi chuyện, anh đều phải nói dối quanh co chuyện hai vợ chồng không hợp nhau và chuẩn bị ly hôn.

“Nếu chúng ta là bạn và là mối quan hệ tương hộ để báo hiếu hai bên thì hãy báo hiếu trọn vẹn. Còn không thì chỉ làm tổn thương nhau thôi. Bản thân người đồng tính đã khổ mà không tựa vào nhau mà sống, thì ai mới giúp nhau hạnh phúc được đây.” Anh Tiến giãi bày.

Dù biết những lời nói dối của người trong cuộc là sự hi sinh bản thân khi họ mang áp lực từ gia đình và xã hội. Nhưng, đa số những người đồng tính họ đa phần  hài lòng với những cuộc hôn nhân như vậy. Không tình yêu, không mặn nồng, ràng buộc nhau bằng sợ dây trách nhiệm quá đỗi mong manh. Cũng có người đã bẽ bàng nhận ra sự cay đắng từ những cuộc hôn nhân “giả dối”. Nhưng, đôi khi họ lại chấp nhận để tránh né đi những sự kì thị đang đè nặng lên thế giới của người đồng tính.

Mượn lời mẹ Ly – một vị phụ huynh thuộc nhóm “Cha, mẹ người đồng tính” (Flag) chia sẻ về hôn nhân: “Hôn nhân không có tình yêu thì trước sau gì cũng tan vỡ. Mong rằng cộng đồng chúng ta trong tương lai, không phải nghe nhiều về những câu chuyện bình phong kia nữa”.

Đọc thêm