Khắc phục "chia cắt" trong tố tụng?

Việc sửa đổi Pháp lệnh Kiểm sát viên có giải quyết định những "chia cắt" trong hoạt động tố tụng hay không đang là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.

Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND hôm qua (22/7), Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc chia 4 ngạch thẩm phán sẽ bảo đảm tính liên tục trong việc giải quyết án hình sự của Viện Kiểm sát (VKS) và khắc phục tình trạng chia cắt trong hoạt động tố tụng đối với các vụ án VKS cấp trên phải uỷ quyền cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên toà. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra: nếu oan sai, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Không phải “biệt phái”

Trình bày trước phiên họp thứ 32 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sáng 22/7, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng cho biết, một trong hai nội dung lớn đề nghị sửa đổi lần này là quy định về ngạch kiểm sát viên (KSV).

Theo ông Vượng, nên bỏ quy định về các loại KSV VKS các cấp theo đơn vị hành chính như hiện nay. Thay vào đó, VKSNDTC đề nghị 2 phương án. Một là sửa đổi bổ sung làm 4 loại KSV gồm: KSV VKSNDTC; KSV cao cấp, KSV trung cấp, KSV sơ cấp. Hai là, chia 3 ngạch: KSV VKSNDTC; KSV trung cấp, KSV sơ cấp (không có KSV cao cấp).

Viện KSNDTC rất mong Quốc hội đồng ý sửa Pháp lệnh KSVND

Uỷ ban Tư pháp đồng tình sửa đổi từ 3 loại KSV sang 4 ngạch như dự thảo. Theo Uỷ ban này, quy định như vậy sẽ giải quyết được những vướng mắc trong thực tiễn về quản lý, sử dụng, điều động KSV giữa các cấp, góp phần tăng cường năng lực cho đội ngũ KSV nhất là cấp tỉnh và huyện.

Đặc biệt quy định như vậy sẽ bảo đảm tính liên tục trong việc giải quyết án hình sự của VKS và khắc phục tình trạng chia cắt trong hoạt động tố tụng đối với các vụ án VKS cấp trên phải uỷ quyền cho VKS cấp dưới thực hành quyền công tố tại phiên toà.

Tuy nhiên, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội không đồng tình với lập luận của Uỷ ban Tư pháp.

Ông Vượng chỉ ra thực tế nhiều vụ án lớn, phức tạp, Bộ Công an rút lên điều tra, VKSNDTC kiểm sát hoạt động điều tra và uỷ quyền cho VKS cấp tỉnh thực hành quyền công tố. “Anh nói chia ngạch KSV cho dễ điều động nhưng việc KSV tối cao đó xuống địa phương thực hành quyền công tố (vì KSV này theo vụ án từ đầu sẽ thuận lợi hơn), xong rồi về hay ở lại đó vô thời hạn? theo cơ chế nào” ông Vượng gay gắt.

Đáp lời, Viện trưởng Trần Quốc Vượng nói rõ thêm “điều động ở đây chỉ là cử cán bộ, giải quyết xong vụ án rồi anh lại về chứ không phải ở đó mãi”.

Oan sai, ai chịu trách nhiệm?

Chưa thoả mãn, Ủỷ viên thường vụ QH Trần Thế Vượng tiếp tục: “Theo nghị quyết 388 về bồi thường oan sai, nếu VKS tỉnh gây oan sai thì trước khi bồi thường, Viện trưởng VKS đó phải thương lượng với đương sự. Nhưng trong trường hợp cử KSV của VKSNDTC xuống tỉnh thì chả lẽ nếu oan sai Viện trưởng VKSNDTC phải làm thay nhiệm vụ của Viện trưởng VKS tỉnh?”

Thay vì trả lời thẳng câu hỏi nêu trên, Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể dẫn chứng một vụ án bị dư luận phản ứng rất “dữ” vì cho kiểm tra viên lấy lời khai bị can.

Bên cạnh đó, là một số vụ, một số công việc mà KSV trung cấp hay sơ cấp có thể làm mà không nhất thiết phải là KSV của VKSNDTC. “Mỗi cấp VKS nên có nhiều loại KSV.

Chúng tôi rất mong Thường vụ xem xét, tạo cơ chế linh hoạt cho VKS hoàn thành tốt nhiệm vụ” ông Thể nói.

Giống như khi thảo luận về việc sửa đổi Pháp lệnh thẩm phán và Hội thẩm nhân dân, có ý kiến phản ứng “tổ chức chưa có đã bàn nhân sự”, việc sửa đổi chỉ nhằm “giải quyết về chế độ chính sách cho cán bộ trong ngành”.

Tuy nhiên, một thực tế ai cũng nhìn thấy đó là những khó khăn của cán bộ ngành tư pháp nói chung, kiểm sát nói riêng. Như Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhiều lần lên tiếng tại phiên thảo luận: “cứ quy định như hiện tại, VKSNDTC uỷ quyền cho VKS tỉnh thực hành quyền công tố, KSV ở đó không nắm được vụ án vì không làm từ đầu, như thế thì không thể tranh luận tại phiên toà. Không tranh luận được thì làm sao cải cách tư pháp? Cho sửa ngạch KSV sẽ giải quyết được vấn đề này”. Bà Ba khẳng định.

Ngược lại với quan điểm chưa cần sửa Pháp lệnh, nhiều Ủy viên Ủy ban thường vụ QH đồng ý cao với việc sửa đổi. Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho rằng: những vấn đề phát sinh, phù hợp với thực tế mà không trái Hiến pháp, không trái Luật tổ chức VKSND thì nên ủng hộ. Phó Chủ tịch lưu ý nếu rà lại hệ thống Toà án, VKS cho đồng bộ theo tinh thần cải cách tư pháp thì có thể sẽ rất lâu, trong khi thực tiễn đang bức xúc hàng ngày. Do đó, quan điểm của Phó Chủ tịch là nên sửa Pháp lệnh.

Thu Hằng

Đọc thêm