Khai quốc công thần triều Nguyễn được ban họ vua vì lòng trung nghĩa

(PLVN) - Nguyễn Huỳnh Đức (1748 - 1819) là công thần khai quốc của nhà Nguyễn, từng giữ chức Tổng trấn của cả Bắc Thành lẫn Gia Định Thành. Sinh thời ông được xem là một trong ngũ hổ tướng của triều Nguyễn, tên tuổi gắn với những chiến công vang dội và nổi tiếng là bề tôi trung nghĩa hiếm có.
Điện thờ có nhiều di, cổ vật gắn liền sự nghiệp của ông Nguyễn Huỳnh Đức.

Hổ tướng được cả 2 bên trọng dụng

Nguyễn Huỳnh Đức vốn tên là Huỳnh Tường Đức (có tài liệu ghi Huỳnh Công Đức), nhưng có nhiều công trạng nên được ban họ vua. Ông sinh trưởng tại giồng Cái Én, làng Tường Khánh, châu Định Viễn, dinh Long Hồ, nay thuộc phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An.

Nguyễn Huỳnh Đức xuất thân là con cháu võ tướng, cha là Huỳnh Công Lương, ông nội là Huỳnh Công Châu đều làm đến Thủy sư đô đốc. Thời trẻ Nguyễn Huỳnh Đức có công mở đất Ba Giồng (Gò Yến, Gò Kỳ Lân, Gò Qua Qua). Ông được mô tả là “dung mạo khôi ngô, khoẻ mạnh hơn người, ai cũng coi là hổ tướng”. Cùng Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Đỗ Thành Nhơn, Trương Tấn Bửu, ông được người đời suy tôn “Ngũ hổ tướng Gia Định”.

Năm 1781, ông gia nhập quân Đông Sơn của Đỗ Thành Nhơn. Cùng năm, chủ tướng Đỗ Thành Nhơn bị Nguyễn Ánh sát hại nhưng Nguyễn Huỳnh Đức vẫn đượctin dùng. Năm 1783 trong trận chiến Đồng Tuyên, ông bị quân Tây Sơn đánh bại và bị bắt làm tù binh. Chỉ huy quân Tây Sơn lúc này là Nguyễn Huệ thấy ông khôi ngô, dũng mãnh, lòng sinh ái mộ nên tự tay cởi trói và khuyến dụ.

Ông chịu theo Tây Sơn nhưng có lời giao kết là chỉ đánh quân Trịnh, chứ không đánh quân chúa Nguyễn. Với tính khí khẳng khái trung quân, tài thao lược, ông được Nguyễn Huệ trọng dụng. Năm 1786, ông theo Nguyễn Huệ ra Bắc Hà đánh chúa Trịnh. Ông lập công lớn nên được cho giữ đất Nghệ An và làm phó tướng của Nguyễn Văn Duệ. Sau nhân cơ hội Duệ làm phản, Nguyễn Huỳnh Đức trốn về với chúa Nguyễn.

Khu lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức ở TP Tân An, tỉnh Long An.

Năm 1799, ông được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, ra đánh lấy được Phan Rí. Ông cũng dẫn quân tham chiến trận Thị Nại, chiếm thành Quy Nhơn giúp Nguyễn Ánh xoay chuyển cục diện. Sauông được cử vào cai quản xứ Định Tường rồi khi Nguyễn Ánh chiếm thành Phú Xuân, ông được giao trấn giữ thành Quy Nhơn.

Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công. Năm 1810, ông được làm Tổng trấn Bắc thành kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân. Năm 1816, ông làm Tổng trấn Gia Định cùng với Hiệp Tổng trấn Trịnh Hoài Đức, cai quản toàn miền Nam. Ông là danh tướng duy nhất từng giữ cả chức Tổng trấn Bắc Thành và Gia Định Thành.

Năm 1819 ông mất khi đang tại chức, thọ 71 tuổi, được an táng tại nơi quê nhà. Vua Gia Long truy tặng ông là: “Thôi trung Dực vận công thần, đắc tấn phục quốc, Thái phó Đức quận công, Thượng tướng quân thượng trụ quốc” và được thờ tại miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng là Kiến Xương Quận công. Ông có bốn người con trai đều là võ quan, trong số đó có hai người là rể vua Gia Long.

Một lòng trung nghĩa

Bên cạnh tài năng, dũng mãnh, Nguyễn Huỳnh Đức được người đời biết đến bởi lòng trung nghĩa hiếm có. Sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” chép rằng khi chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn đánh tan tác ở Sài Gòn, Nguyễn Huỳnh Đức chạy theo cứu giá. Khi đi thuyền trên sông, lo sợ phía trước có thuyền địch, vua muốn lội lên bờ để tránh, nhưng Nguyễn Huỳnh Đức nghĩ rằng sông ấy có nhiều cá sấu rất nguy hiểm, cố xin chúa bình tĩnh để xem hư thực thế nào.

Sau nhìn kĩ mới biết, phía trước chỉ là đàn cò trắng đang đậu trên cây dọc bờ sông chứ không phải những cánh buồm thuyền địch. Vừa sợ bị truy kích vừa mệt mỏi, giữa đêm trên thuyền vua gối đầu vào đùi Huỳnh Đức ngủ. Hổ tướng cứ thế xua muỗi suốt đêm cho vua và canh chừng động tĩnh. Nguyễn Ánh sau đó khen Huỳnh Đức là người trung quân, ban cho ông quốc tính và xem ông như người trong hoàng tộc.

Năm 1783, khi bại trận, bị anh em nhà Tây Sơn bắt, Nguyễn Huỳnh Đức đã khảng khái: “Nếu không giết ta thì ta lại trốn về với chúa cũ mà thôi”. Nguyễn Huệ nể trọng người tài, không giết mà còn chiêu dụ. Thời gian lưu lại doanh trại của Nguyễn Huệ, do nhớ thương chủ cũ nên trong lòng ông thường phẫn uất. Một đêm mơ ngủ ông quát mắng Nguyễn Huệ rất to.Quân tướng giận, muốn đem giết nhưng vị anh hùng áo vải cho là lời trong giấc ngủ, không nỡ bắt tội.

Suốt thời gian theo nhà Tây Sơn bình định Bắc Hà, Nguyễn Huỳnh Đức đã thực hiện lời thề: “Nếu nghe Nguyễn vương còn sống thì dù thiên lý, vạn lý cũng tìm”. Thực hiện lời thề này, năm 1786, ông trốn khỏi quân đội Tây Sơn để vượt núi rừng hiểm trở sang Xiêm La với chúa Nguyễn, có lúc lương cạn ông cùng quân sĩ đã ăn lá cây cầm hơi. Khi ông đến được đất Xiêm La (Thái Lan) thì Nguyễn Ánh đã về lại Gia Định.

Thấy ông là mãnh tướng, vua Xiêm La muốn giữ lại, Nguyễn Huỳnh Đức thề là thà chết chứ không chịu, nhân đó lại kể nỗi gian nan đi tìm chủ, khiến khí uất ngùn ngụt bốc lên mà thổ ra một hòn máu. Vua Xiêm La thấy không thể ép buộc được, cũng trọng mà cấp thuyền cho về.Và cuối cùng ông đã thực hiện được lời thề, tiếp tục phò trợ chúa Nguyễn đến ngày hoàn thành đại nghiệp.

Chẳng những là danh tướng khai quốc công thần của triều Nguyễn, Nguyễn Huỳnh Đức còn là người có công khai phá Giồng Cái Én (Khánh Hậu), được nhân dân tôn thờ như một vị Tiền hiền. Tương truyền, khi ông mất đã có câu hát khóc thương: “Ngậm ngùi thay, tôi trung liệt. Giữ một tiết ngay, ở cùng chúa. Vẹn toàn câu chung thủy! Ước tự ngàn xưa có mấy ai!”.

Ngày nay tại đền thờ trong di tích lăng mộ và đền thờ ông(phường Khánh Hậu, TP Tân An, tỉnh Long An) vẫn còn những liễn đối do vua Gia Long đề tặng: “Bắc Nam tam tổng trấn, vạn lý binh quyền” (nghĩa: từ Bắc chí Nam muôn dặm, ông nắm binh quyền tổng trấn ba lần), “Anh hùng mi lục Xiêm, Miên, Lào, Mán tri danh” (nghĩa: mày mắt anh hùng Xiêm, Miên, Lào, Mán đều biết tiếng).

Tại đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý như các sắc phong, chiếu, chế, chỉ và cả tranh vẽ. Đặc biệt là bức họa truyền thần Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ từ năm 1802, lúc ông 55 tuổi. Bộ ván độc mộc dài 3,4 m - rộng 1,8 m - dày 0,14 m, vốn là là di vật mà ông sử dụng lúc chưa đi theo chúa Nguyễn. Trong đền còn có 3 bộ lỗ bộ (đồ binh khí), chiếc khánh bằng đồng thau được đúc năm 1819.

Đền còn lưu giữ chiếc hộp sơn son đựng tám bản chiếu, chỉ, chế, sắc của nhiều vua Nguyễn phong tặng. Đặc biệt, nơi điện thờ còn lưu giữ đoản kỷ do vua Xiêm La ban tặng vào năm 1789, khi ông đi sứ qua đó; một khánh lệnh bằng đồng do vua Gia Long ban tặng vào năm 1819. Ở cuối chánh điện có khám thờ với bức đại tự do vua Tự Đức đề tặng năm 1854.

Cách không xa đền là khu lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức cho chính ông xây dựng năm 1817, tức hai năm trước khi mất. Với chất liệu đá ong và vữa tam hợp, đây là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất tại Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến nay.

Trước mộ có tấm bia đá cao 1,56 m- rộng 0,95 m được mang từ Huế vào.Mộ đắp nấm hình hộp: dài 3,4 m - rộng 2,7 m - cao 0,3 m. Sau mộ là bình phong lớn có viết bài Thọ Phần Minh, tất cả được che chắn bằng những bức tường đá ong kiên cố. Trong khuôn viên này có cả thảy 9 cặp liễn đối, một bài minh, một bức bình phong bằng đá ong cao 3 m với hoa văn hình cây đại thụ che mát cho đôi hươu.

Di sản lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức mang giá trị về cả lịch sử lẫn nghệ thuật kiến trúc. Lăng mộ và đền thờ ông được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật vào năm 1993. Tưởng nhớ tiền nhân, hàng năm, vào 3 ngày (mùng 7, 8 và 9 tháng 9 âm lịch), nhân dân trong và ngoài tỉnh tề tựu cùng gia tộc làm lễ giỗ ông hết sức trọng thể.

Ngày nay tên ông được đặt cho nhiều đường tại các tỉnh Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long. Nguyễn Huỳnh Đức cũng được suy tôn làm tổ sư của mônphái Nam Huỳnh Đạo. Theo các nhà nghiên cứu, Nguyễn Huỳnh Đức đã trở thành tín ngưỡng trong văn hóa dân gian Nam bộ. Ngoài đền thờ ở TP Tân An, ông còn được thờ ở các đình Cẩm An (Tây Ninh), đình Long Hải (Vũng Tàu), đình Mỹ Trung (Tiền Giang) và đình Ưu Long (quận 8, TP HCM).

Đọc thêm