Khai quốc công thần triều Nguyễn, soạn giả Bộ luật Gia Long chết vì nghi án thơ phản?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đó là cái chết ẩn ức của Tiền quân Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là một trong những vị khai quốc công thần có công lớn trong việc đưa Nguyễn Ánh lên ngôi, mở đầu triều Nguyễn. 
Lăng mộ Tiền quân Nguyễn Văn Thành ở Thừa Thiên Huế.
Lăng mộ Tiền quân Nguyễn Văn Thành ở Thừa Thiên Huế.

Tiền quân Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là một trong những vị khai quốc công thần có công lớn trong việc đưa Nguyễn Ánh lên ngôi, mở đầu triều Nguyễn. Ông là người văn võ song toàn, phò trợ vua Gia Long từ những tháng năm lận đận nhất đến khi thống nhất giang sơn. Thế nhưng về sau ông lại rơi vào kết cục bi thảm vì một bài thơ của người con trai.

Võ tướng đa tài

Sử sách ghi rằng, Nguyễn Văn Thành trạng mạo đẹp đẽ, tính trầm nghị, thích đọc sách, tài võ nghệ. Tổ tiên Nguyễn Văn Thành vốn người xứ Thuận Hóa, sau dời vào Gia Định. Năm 1773, ông cùng cha ra tận đất Phú Yên để phò trợ Định Vương Nguyễn Phúc Thuần đánh Tây Sơn. Năm 1775, quân Nguyễn bị nhà Tây Sơn đánh bại ở Phú Yên, cha ông tử trận.

Năm 1786, ông tham gia giúp quân Xiêm đánh tan quân Miến Điện ở Sài Nặc (trên đất Xiêm). Vua Xiêm thán phục đem vàng, lụa đến tạ ơn và ngỏ ý một lần nữa giúp quân cho Nguyễn Ánh thu phục Gia Định. Trước lời đề nghị này, Nguyễn Ánh triệu chư tướng hội bàn đặng tìm sách lược đối ngoại.

Vốn người nhìn xa trông rộng, Nguyễn Văn Thành tâu rằng: “Vua Thiếu Khang chỉ một lữ còn dựng được cơ đồ nhà Hạ. Ta nuôi sức mạnh mà thừa chỗ sơ hở thì việc có thể làm được, lính Xiêm tàn ngược, không nên nhờ họ giúp, nếu nhờ binh lực họ mà thành công lại có sự lo sau, không bằng cứ yên tĩnh để chờ cơ hội là hơn”. Vua cho là phải, từ chối đề nghị vua Xiêm.

Ông cũng thể hiện mình là bề tôi trung thành, hết lòng phò trợ chúa Nguyễn Ánh, đặc biệt là trong những lúc nguy nan. Đại Nam Liệt Truyện ghi: “...trận đánh ở Mỹ Tho (năm 1787), quân ta thất lợi. Hoặc có người bảo Thành về ẩn quê nhà, để đợi thời cơ. Thành nói rằng: “Nghĩa cả vua tôi sống chết vẫn theo đi, sự thành bại nhờ trời, ta đoán trước sao được, và nhân bị quở mà đi, nhân thua mà trốn là phản phúc, tiền nhân ta không làm thế.”.

Theo “Đại Nam Liệt Truyện”, Nguyễn Văn Thành là người “biết chữ, hiểu nghĩa sách, biết đại thể, ở trong chư tướng, vua trọng Thành hơn cả, không cứ việc lớn việc nhỏ đều hỏi để quyết đoán. Mỗi khi ông đến chầu vua cho ngồi thong dong hỏi han, ông cũng đem hết sức hiểu biết tiềm tàng, tình hình ngoài biên, sự đau khổ của dân, kế hoạch nhà nước, mưu kế việc binh, biết điều gì là nói hết, cũng nhiều bổ ích”.

Về tài cầm binh, Nguyễn Văn Thành còn được đánh giá là vị tướng “phân tích kỹ lưỡng, đâu là điểm mạnh, đâu là thế yếu, rồi mới quyết đoán, lúc tiến, khi lui nhằm giảm thiểu hao tổn tướng sĩ”. Năm 1801, ông lãnh ấn Khâm Sai Chưởng Tiền quân, Bình Tây Đại tướng Quân, tước Quận Công, về sau thường gọi Tiền quân Nguyễn Văn Thành.

Năm 1802, khi đã bình định xong Bắc Hà, vua Gia Long nhận thấy cố đô Thăng Long là trung tâm của Bắc thành với nghìn năm văn hiến, nên quyết định cho trọng thần trấn thủ. Khi đó Tiền quân Nguyễn Văn Thành được chọn làm Tổng trấn Bắc thành. Ông được ban cho sắc ấn quản lý cả 11 trấn, quyết định việc truất nhắc quan lại, xử quyết việc án lớn nhỏ.

Năm 1802, tại Thuận Hóa, ông đứng chủ tế ở lễ truy điệu các tướng sĩ bỏ mình trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn. Ông đã soạn bài “Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong” với lời văn thống thiết, giọng văn hùng hồn. Lúc tế ông đọc bài văn này, lấy cảm tình của một ông võ tướng mà giãi bày công trạng anh hùng của kẻ đã qua, thổ lộ tấm lòng thương tiếc của người còn lại.

Tượng Tiền quân Nguyễn Văn Thành được tôn trí tại một ngôi miếu thuộc Đại Nội Huế.Tượng Tiền quân Nguyễn Văn Thành được tôn trí tại một ngôi miếu thuộc Đại Nội Huế.

Là một võ tướng, Nguyễn Văn Thành lại là người rất coi trọng việc học hành thi cử. Năm 1804, ông tâu lên vua: “Hiện nay thánh thượng lưu ý đào tạo nhân tài, chia đặt đốc học, rèn đúc học trò, để cống hiến cho đất nước… Vậy xin chuẩn định học quy, khiến cho người dạy lấy đó mà dạy học trò và học trò lấy đó làm chuyên nghiệp để cho giảng dạy khảo khóa lấy đó mà theo”. Vua xem xong liền chuẩn y.

Trong thời gian cai quản Bắc Thành, ông đã cho tu bổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, dựng thêm Khuê Văn Các. Năm 1806, ông đề nghị đưa thư và xin đề cử người trao đổi với quan chức nhà Thanh, vạch rõ địa giới hai nước. Mùa đông năm đó, khi vào kinh chầu ông đã dâng bản đồ nội ngoại 11 trấn và các phủ, châu, huyện tất cả 164 bản.

Công trạng nổi bật của Tiền quân Nguyễn Văn Thành là việc ông đã soạn thảo được bộ Hoàng Việt luật lệ, thường được gọi là bộ luật Gia Long. Năm 1810, ông được triệu về kinh, lãnh ấn Trung Quân, rồi được giao cử chức Tổng tài, tham gia soạn bộ luật này và hoàn tất vào năm 1812. Bộ luật có hai phần, chia làm hai mươi hai quyển, có tất cả 398 điều, được xem là bộ luật đầy đủ và hoàn chỉnh nhất thời bấy giờ.

Bộ luật phối hợp, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội thuộc nhiều lãnh vực khác nhau: từ luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân gia đình đến cả luật hành chính, luật tài chính, luật quân đội và luật tư pháp quốc tế. Hoàng Việt luật lệ góp phần ổn định trật tự xã hội, củng cố các phong tục, tập quán cổ truyền tốt đẹp cùng với nhiều định chế rất tiến bộ. Bộ luật cũng được đánh giá là thể hiện tinh thần nhân đạo.

Bị bức tử vì một bài thơ

Dù là bậc khai quốc công thần với nhiều công lao cho vương triều nhưng Tiền quân Nguyễn Văn Thành lại chết oan chỉ vì một bài thơ mà ông chịu trách nhiệm liên đới. Chuyện là ông có người con trai là Nguyễn Văn Thuyên, vốn đam mê văn chương, thường thơ ca với những kẻ sĩ đó đây. Bấy giờ nghe ở Thanh Hóa có hai người nổi tiếng hay chữ, Thuyên đã làm một bài thơ tặng.

Bài thơ có nội dung: “Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt. Dành để chiếu bên ta muốn chờ. Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn. Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc. Thơm nghìn dặm lan trong hang tối. Vang chín chằm phượng hót gò cao. Phen này nếu gặp Tể (tướng) trong núi. Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ”.

Tiền quân Nguyễn Văn Thành lúc bấy giờ vốn dĩ có hiềm khích với đại thần trong triều, lại bị một số người ghen tị. Khi biết bài thơ này, những người có hiềm khích với ông đã dựa vào hai câu cuối mà lập luận, thêu dệt rằng hai cha con ông có ý muốn làm phản, truất ngôi vua. Trước những cáo buộc về tội tày đình, ông bị cắt chức, tịch thu ấn kiếm rồi cho về nhà riêng.

Vị khai quốc công thần đã kêu oan nhưng đình thần luôn muốn khép tội ông. Con trai ông vì bị tra tấn cực hình nên đã nhận vơ mưu phản. Vua Gia Long cho rằng Nguyễn Văn Thành dù là đại thần nhưng đã làm nên tội thì phải xử trí theo phép công, vua không thể bao che. Sau khi bị bắt giam và bị triều đình xét hỏi rằng có làm phản hay không, ông khẳng khái trả lời không. Vụ án ngày càng trở nên căng thẳng.

Khi thống chế Hoàng Công Lý nói với Nguyễn Văn Thành rằng: “Án đã xong rồi, vua bắt bầy tôi chết, bầy tôi không chết không phải là trung”. Thành lặng im uống thuốc độc chết trong ngục, con trai ông là Nguyễn Văn Thuyên thì bị xử án chém. Vua triệu Hoàng Công Lý hỏi rằng: “Văn Thành khi chết có nói gì không?”, Hoàng Công Lý nói: “Bẩm không”. Vua giận nói rằng: “Văn Thành không biện bạch mà chết, sự nhơ bẩn càng rõ rệt”.

Đúng lúc đó, có quân lính nhặt được tờ di chiếu trần tình của Tiền quân Nguyễn Văn Thành trước lúc chết đem dâng. Nội dung rằng cha con ông bị quy chụp tội danh nhưng không thể kêu oan, đành chọn cái chết. Vua cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.

Vụ án Nguyễn Văn Thành để lại những dấu hỏi lớn, cho đến sau này vẫn còn nhiều tranh luận. Năm 1868, thể theo lời đệ tấu xin gia ân của Đông các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn, vua Tự Đức đã truy xét công trạng, lại chiếu giải oan án, cho lại chức tước đúng như nguyên hàm để thờ tự, cho vào thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần, và phong chức tước cho con cháu của ông.

Đọc thêm