Giữa nhịp sống hiện đại, các thế hệ người Dao đỏ vẫn luôn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua trang phục, tiếng nói, lễ hội, dân ca, dân vũ và các nghi thức truyền thống. Trong đó, Lễ hội nhảy lửa là một hoạt động thể hiện sức mạnh phi thường của người Dao đỏ muốn chinh phục thiên nhiên. Đây cũng là giá trị nét văn hoá hoang sơ của bà con dân tộc Dao nơi địa đầu Tổ quốc.
Nghi lễ thiêng liêng
Ngọn lửa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống sinh hoạt và văn hóa, tâm linh của đồng bào Dao đỏ. Lửa còn được coi như là một thần linh thiêng, mang lại sự ấm áp và cuộc sống no đủ, thịnh vượng.
Lễ hội Nhảy lửa thường tổ chức vào dịp đầu Xuân, năm mới đây là dịp người dân tạ ơn tổ tiên cho họ một năm làm ăn hanh thông thuận lợi, mùa màng bội thu. Mọi người tin rằng khi lễ nhảy lửa diễn ra, thần lửa sẽ sưởi ấm và mang lại cho dân làng một năm mới bình yên, mưa thuận gió hòa.
Trước đó, mọi người sẽ chuẩn bị một đống củi lớn và tiến hành đốt lửa cho thành than. Phần nghi lễ thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến… tất cả đều được bày trên một bàn gỗ. Thầy cúng cùng với người già trong bản sẽ tiến hành phần nghi lễ cúng, cầu xin may mắn, bình an, mùa màng tốt tươi cho cả cộng đồng dân tộc và xin các vị Thần linh, Tổ tiên ban sức mạnh cho mọi người dân và du khách.
|
Lễ hội Nhảy lửa đã truyền một sức mạnh kỳ bí khiến người tham gia có thể dẫm trực tiếp lên than hồng mà không bỏng. |
Hoạt động mang bản sắc truyền thống
Lễ hội được tổ chức khoảng sân có diện tích rộng, thoáng, khi nhảy lửa, có một quy định nghiêm ngặt với tất cả những người tham gia, hoạt động nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và cơ thể phải được tắm rửa sạch sẽ.
Chính vì vậy, nhảy lửa thường được thực hiện vào lúc tối, tức là sau khi những người tham gia đã ăn uống xong và tắm rửa sạch sẽ. Những chàng trai tham gia nhảy múa bằng chân trần trong đống than đỏ rực và dùng tay tung hất đống than củi ra các hướng tạo lên khung cảnh lấp lánh ảnh lửa trong đêm. Người tham gia nhảy lửa phải rất nhanh và khéo léo để không xảy ra bị bỏng.
Thường là 4 người một lượt, mỗi lượt khoảng 5 - 7 phút sau đó tiếp tục nhảy lò cò trước ban thờ rồi lao vào giữa đống than lửa đỏ rực. Ở bên ngoài, người xem đứng thành những vòng rộng vừa đánh trống, chiêng, vừa reo hò cổ vũ. Bên trong khi thầy cúng vẫn chăm chú niệm thần chú nhờ các vị thần, tổ tiên phù hộ cho người chơi không bị bỏng.
|
Người dân, du khách nhảy qua ngọn lửa hồng. |
Khi bài cúng kết thúc, người chơi bắt đầu nhập tâm, cơ thể họ dần thoát khỏi thực tại và chìm vào một cõi riêng kỳ bí, càng lúc càng run rẩy và lắc lư mạnh. Có người còn nhảy vào giữa đống lửa, lấy chân gạt than ra thành một bãi rộng, sau đó quỳ xuống dùng tay bốc đống tro than nóng bỏng dội lên đầu, lên thân, gọi là tắm lửa.
Lễ hội nhảy lửa không chỉ là minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao đỏ - Hoàng Su Phì mà còn là phong tục văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc rất hoang sơ, huyền bí cần được bảo tồn và phát huy. Lễ hội nhảy lửa của người dân Dao đỏ Hà Giang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.