Khám phá “kho báu” di sản từ bảo tàng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Bảo tàng giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát huy tiềm năng của những di sản. Hiện nay, để lan tỏa nét đẹp văn hóa từ những “kho báu lịch sử”, nhiều bảo tàng đã có những cách quảng bá, tổ chức các chương trình hấp dẫn thu hút người dân đến xem.
Bảo tàng ở Việt Nam hiện nay có nhiều đổi mới, sáng tạo thu hút du khách.
Bảo tàng ở Việt Nam hiện nay có nhiều đổi mới, sáng tạo thu hút du khách.

Lan tỏa “dấu ấn lịch sử”

188 là con số các bảo tàng trên cả nước theo thống kê từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong có gần 130 bảo tàng công lập và 60 bảo tàng ngoài công lập. Mỗi bảo tàng đều có nét hấp dẫn, thú vị và những bộ sưu tập cổ ẩn chứa trong rất nhiều câu chuyện có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử to lớn của dân tộc.

Như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện nay đang lưu giữ và tái hiện các hiện vật của 54 dân tộc trên cả nước Việt Nam. Trong khuôn viên rộng lớn, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam lưu giữ 15.000 hiện vật, 42.000 thước phim và hình ảnh miêu tả văn hóa cùng đời sống sinh hoạt của người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc. trưng bày trang phục của tất cả các dân tộc, y phục, nông cụ và tôn giáo tín ngưỡng cũng như những phong tục, tục lệ của các dân tộc. Đồng thời có các mô hình tái hiện lại cuộc sống thu nhỏ, bình dị cùng các nét văn hóa cổ truyền của đồng bào dân tộc xưa và nay.

Hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay lưu giữ hơn 200.000 hiện vật, tư liệu quý hiếm có niên đại đến hàng trăm, hàng nghìn năm lịch sử từ thời cổ đại, đến thời Lý, Trần, Lê và thời hiện đại. Mỗi món đồ, từ bức tranh thời Lê Trung Hưng, bàn, tủ, giá nến thời nhà Nguyễn… đều có một câu chuyện ẩn sau, nói lên tinh thần của cả một thời kỳ lịch sử trải dài hàng trăm năm. Ví như gốm thời nhà Trần dùng những hoa văn chạm khắc hình người, hoa sen, hoa cúc, hoa chanh rất sống động, nghệ thuật đồ gốm thời bấy giờ hướng đến sự chắc khỏe và đơn giản, mang đậm hào khí Đông Á nhưng không kém phần duyên dáng. Trong khi ngược lại, thời nhà Lê vốn mang tinh thần Nho giáo, hướng đến vẻ đẹp tinh tế, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Mà nổi bật nhất chính là gốm hoa lam với các nét vẽ bằng bút lông với màu xanh lam, xanh lục bảo cùng hoa văn rồng phượng, hoa sen, mai trắng uyển chuyển, mềm mại, linh động vô cùng đẹp mắt.

Để các hiện vật, tư liệu quý hiếm không bị “đóng băng”, hiện nay, các bảo tàng đang tích cực quảng bá, đổi mới cách tiếp cận, để thu hút người dân, khách du lịch đến tham quan. Như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, có một số lượng rất lớn mô hình, hiện vật của cây cỏ thiên nhiên, động vật hoang dã và là nơi thu hút nhiều trẻ em, trường học tới để tham quan. Để tạo sức hấp dẫn, bảo tàng thường tour kèm hướng dẫn viên thuyết minh khoảng 30 - 60 phút đi xuyên suốt cả bảo tàng. Đồng thời, để giúp các em học sinh hứng thú với thế giới tự nhiên bảo tàng thường xuyên tổ các hoạt động như cuộc thi vẽ tranh như “Đại dương kỳ thú” hay những hoạt động trải nghiệm “Museum check in” (Chụp ảnh cùng khủng long) nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và các em nhỏ.

Nhiều bảo tàng cũng thực hiện số hóa bảo tàng chuyển đổi các tài liệu, tác phẩm nghệ thuật, di tích lịch sử và các nguồn thông tin liên quan đến bảo tàng vào dạng số hóa hoặc điện tử. Mục tiêu của việc số hóa bảo tàng là làm cho các tài liệu, thông tin này dễ dàng truy cập và sử dụng qua các thiết bị có kết nối mạng internet. Như Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội, chỉ cần một cú “click” chuột, du khách đã có thể dùng chiếc thoại thông minh để truy cập nhìn bảo tàng một cách toàn diện, đầy đủ, chi tiết. Tất nhiên, điều này không thể giúp du khách có trải nghiệm chân thực như khi đến tận nơi.

Để thu hút du khách, các bảo tàng đã kết hợp với công ty du lịch để làm ra nhiều chương trình thú vị. Vào tháng 3/2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Công ty Du lịch Bền vững Việt Nam tổ chức chùm tour “Bác Cổ - Mùa hoa gạo” với chủ đề “Hồn quê làng Việt”. Đây là sản phẩm thường niên của hai đơn vị, với mục đích mang đến trải nghiệm mới cho du khách, đặc biệt là hướng tới khách quốc tế đến Hà Nội.

Thực tế, với những chương trình, hoạt động ngày càng hấp dẫn, số lượng người tới bảo tàng cũng tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua. Theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa, trong quý I năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đón hơn 31.800 lượt khách, khách nước ngoài chiếm 25%. Ngoài ra, Bảo tàng cũng đón khoảng 10.000 lượt khách tham dự các triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng và triển lãm của các cá nhân, đơn vị khác. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đón 25.146 lượt/người (trong đó số khách miễn phí là 3.243 lượt/người). Bảo tàng cũng tổ chức các hoạt động “Giờ học lịch sử”, tổ chức 157 chương trình giáo dục cho 4.989 lượt/người.

Phát huy ưu thế, đẩy mạnh liên kết

Tour du lịch khám phá bảo tàng đang thu hút nhiều người tham gia.

Tour du lịch khám phá bảo tàng đang thu hút nhiều người tham gia.

Hiện nay, mỗi bảo tàng đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, từ đặc thù riêng và có cách làm, hướng đi để phát huy được giá trị của mình. Như nhiều bảo tàng áp dụng phương án trưng bày thường xuyên theo chuyên đề được thay đổi liên tục để du khách luôn thấy được những cái mới, cái hay. Mỗi hiện vật, tư liệu trong bảo tàng đã được trưng bày, thuyết minh để “kể” những câu chuyện gửi gắm những thông điệp mới qua từng chuyên đề giúp du khách cảm nhận được điều mới mẻ mỗi khi đến tham quan bảo tàng.

Như Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (tại TP HCM) hiện nay có khoảng 30.000 hiện vật, tư liệu được trưng bày theo 11 chủ đề gồm: Truyền thống phụ nữ miền Nam trước khi thành lập Đảng Cộng sản; Bác Hồ với phụ nữ miền Nam và phụ nữ miền Nam với Bác Hồ; Sự hình thành và phát triển của các tổ chức phụ nữ Việt Nam; Phụ nữ miền Nam sau ngày thống nhất đất nước; Phụ nữ miền Nam trong chính trị, quân đội, đối ngoại… Được đổi mới liên tục phong cách trưng bày theo hướng truyền thống xen lẫn hiện đại.

Để hệ thống bảo tàng ở Việt Nam cùng phát huy thế mạnh, thu hút khách du lịch, trở thành điểm đến văn hóa. Cần các bảo tàng phải có tính liên kết với các chương trình, tổ chức du lịch, đồng thời có mối liên hệ với nhau, để cùng phát triển. Như vào tháng 3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (Khu di tích) và các bảo tàng trực thuộc Bộ. Thứ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, giữa các bảo tàng thuộc Bộ đẩy mạnh liên kết, có sáng kiến xây dựng mô hình giới thiệu khách tham quan ở bảo tàng này đến các bảo tàng khác. Và đề nghị các bên phối hợp trên cơ sở chia sẻ lợi ích, thử nghiệm trước khi đưa vào triển khai thực tế.

Điều này có thể thấy rõ nhất ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, gồm có hai khu riêng biệt, một bên là bảo tàng với những hiện vật từ thời cổ đại đến hết thời phong kiến. Còn một khu độc lập khác là bảo tàng từ thời cận đại đến hiện đại. Khi mua vé, du khách thường được người bán vé và nhân viên bảo tàng giới thiệu tham quan cả hai khu. Đồng thời, trên tờ hướng dẫn, cũng ghi chi tiết về vấn đề này. Chính vì vậy, dù tách riêng biệt, nhưng không một du khách nào bỏ qua 2 khu này khi tới.

Hiện nay, có thể liên kết giới thiệu bảo tàng có địa chỉ gần nhau như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam với Bảo tàng Dân tộc học. Hay các bảo tàng có điểm giao thoa với nhau như Bảo tàng Văn học với Bảo tàng Mỹ thuật. Ngoài ra, không chỉ những bảo tàng công lập, mà ngay cả bảo tàng tư nhân cũng cần chú trọng. Hiện nay, có đến 60 bảo tàng tư nhân, trong đó rất nhiều nơi lưu giữ những bộ sưu tập có giá trị văn hóa, lịch sử như Bảo tàng mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì), Bảo tàng nghệ thuật Hồn đất Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (xã Nam Quất, huyện Phú Xuyên)... Bên cạnh việc các bảo tàng tư nhân cần Nhà nước hỗ trợ, thì liên kết giới thiệu bảo tàng tư nhân có thể giúp du khách biết đến những địa điểm này và có thêm thông tin, tư liệu mới. Đặc biệt, tạo nguồn thu nhập để những bảo tàng ngoài công lập tiếp tục phát triển.

Hơn nữa, các bảo tàng cần tính đến hợp tác thường niên với những công ty du lịch. Hai bên cần thỏa thuận với nhau trong việc đưa khách đến tham quan để cùng có lợi nhuận trong hoạt động dịch vụ. Như Bảo tàng Văn học rất thành công với tour “Chữ Tâm, chữ Tài” khởi động từ tháng 12/2022, với cách kể chuyện độc đáo, sáng tạo, giúp du khách tiếp cận di sản văn hóa một cách khác biệt. Ở TP HCM, vào ngày 2/9 năm nay đã có tour Biệt động Sài Gòn, nhằm đưa du khách tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định thu hút sự quan tâm, chú ý của rất nhiều người. Tour du lịch nội thành này sẽ cho du khách trải nghiệm chuyến xe buýt hai tầng, đi đến những địa điểm lịch sử và bảo tàng có hướng dẫn viên thuyết minh, giới thiệu.

Việc liên kết các bảo tàng với nhau và với các công ty du lịch sẽ giúp bảo tàng cùng nhau phát triển, chia sẻ lợi ích. Đồng thời, mỗi bảo tàng phát huy được thế mạnh của riêng mình, có những chương trình hấp dẫn thu hút khách du lịch, để lan tỏa nét đẹp, tinh hoa của di sản văn hóa Việt Nam.

Đọc thêm