Khám phá những ngôi chùa kỳ lạ ở Thái Lan (Kỳ 3:) Bí ẩn bức tượng Phật vàng lớn nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chùa Traimit (Wat Traimit) hay chùa Phật Vàng nổi tiếng nhờ pho tượng Phật bằng vàng được cho là lớn nhất thế giới. Hình tượng của Đức Phật được điêu khắc trong thời kỳ Sukhothai - vương quốc đầu tiên trong lịch sử Thái Lan, tiêu biểu cho phong cách Sukhothai, sự sáng tạo của nền nghệ thuật Xiêm trong giai đoạn đầu tiên.
 Chùa Phật Vàng - Thái Lan.
Chùa Phật Vàng - Thái Lan.

* Ngôi chùa mọi người đến cầu xin “trúng số” biến thành “nghĩa địa gà”

Pho tượng ẩn mình 200 năm

Chùa Traimit (Wat Traimit) gọi theo tên tiếng Việt là chùa Phật Vàng, tọa lạc ở cuối đường Yaowarat, quận Samphanthawong, Bangkok, Thái Lan. Với đầu tượng hình quả trứng, pho tượng Phật bằng vàng nổi tiếng của chùa - tượng Phật Vàng (Golden Buddha) được xác định là làm trong thời đại Sukhothai (khoảng thế kỷ XIII-XV), một trong những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo của Thái Lan. Bức tượng được khám phá một cách tình cờ vào thập niên 1950.

Câu chuyện ly kỳ về bức tượng Phật Vàng có nhiều dị bản. Ở dị bản thứ nhất, khi quân Miến Điện cướp phá thủ đô vào năm 1767, để tránh sự xâm hại của quân xâm lược, bức tượng được phủ một lớp bê tông bên ngoài và những người thợ ngụy trang bức tượng này được cho là đã bị giết ngay sau khi hoàn tất công việc nhằm giữ bí mật tuyệt đối cho pho tượng.

Sau đó, tượng được đóng thùng chuyển đến Bangkok và đặt tại chính điện của chùa Choti-Naram (nay là chùa Phrayakrai) dưới thời vua Rama III (1824-1851). Năm 1931, ngôi chùa này bị bỏ hoang và bức tượng phủ bê tông này chẳng được ai ngó ngàng tới. Vào thập niên 1950, một nhà sư đã cho di chuyển bức tượng đến một ngôi chùa mới ở Bangkok, tuy nhiên, trong khi di chuyển, tượng bị tuột khỏi cần cẩu, rơi xuống hố bùn và không được trục vớt lên.

Theo người dân địa phương, một nhà sư sau đó được đức Phật báo mộng nên đi tìm và kéo được tượng từ dưới hố bùn lên. Qua vết nứt trên thân tượng, nhà sư thấy lóe lên tia sáng màu vàng nên cho người đập bỏ phần bê tông bên ngoài, Phật Vàng được “tái sinh”.

Ở dị bản thứ hai, người ta kể lại rằng, ban đầu, nguyên bản pho tượng vàng cực kỳ quý giá này được giấu trong lòng một pho tượng Phật đồ sộ khác đắp bằng vữa trát tường, đặt ở một tu viện Phật giáo bỏ hoang gần khu buôn bán sầm uất tại Bangkok. Tiếc pho tượng cũ nằm lăn lóc, vị sư già trụ trì chùa Wat Traimit bèn cho người di chuyển tượng đến một khoảng đất rào kín thuộc chùa Wat Traimit để tiện việc thờ phụng.

Tượng Phật Vàng lớn nhất thế giới: cao 3 mét và nặng 5,5 tấn.Tượng Phật Vàng lớn nhất thế giới: cao 3 mét và nặng 5,5 tấn.

Trong khi di chuyển tượng, một sự cố xảy ra và điều lạ lùng nhất đã xuất hiện: dây treo cần trục bị đứt, khiến cần trục dùng để nhấc đỡ tượng đổ sụp. Pho tượng rơi xuống nền nhà, nứt vỡ. Đêm hôm ấy, một cơn mưa lớn xối xả trút xuống pho tượng vỡ.

Sáng hôm sau, khi mưa tạnh, vị sư trụ trì lau dọn bức tượng thì thấy ánh vàng lấp lánh bên trong một vệt nứt. Ông cùng một số thầy tu đập vỡ lớp vữa bao bọc bên ngoài tượng, bí mật được hé lộ: bên trong là một pho tượng chói lọi và rực rỡ bằng vàng 18 carat với khoảng 80% là vàng nguyên chất. Đó là tượng Phật bằng vàng lớn nhất thế giới: cao 3 mét và nặng hơn 5 tấn.

Ở dị bản thứ ba, pho tượng vàng được trát bằng lớp thạch cao dầy để ngăn trộm cắp và nạm đầy viên thủy tinh màu. Theo giới nghiên cứu, quá trình trát thạch cao diễn ra trước khi vương quốc Ayutthaya bị quân xâm lược Miến Điện phá hủy vào năm 1767. Bức tượng nằm giữa đống đổ nát của Ayutthaya và rơi vào lãng quên.

Năm 1801, sau khi lập Bangkok làm Thủ đô và chỉ đạo xây dựng nhiều đền thờ ở đây, vua Thái Lan Buddha Yodfa Chulaloke (Rama I) lệnh đưa về Bangkok nhiều tượng Phật cũ từ những ngôi đền bị tàn phá trên khắp cả nước. Người dân Thái Lan vận chuyển tượng Phật nặng 5,5 tấn này tới Bangkok qua con sông Chao Phraya.

Vào thời gian vua Rama III trị vì (1824-1851), bức tượng vẫn phủ thạch cao được đặt làm tượng Phật chính ở tòa nhà trung tâm của khu đền Wat Chotanaram. Trong 100 năm, tượng Phật Vàng được đặt tại chùa Wat Chotanaram, không ai biết giá trị thực sự của bức tượng đằng sau lớp thạch cao.

Tượng Phật Vàng được đặt tại một không gian nhỏ hẹp ở chánh điện.

Tượng Phật Vàng được đặt tại một không gian nhỏ hẹp ở chánh điện.

Năm 1935, người Thái đã chuyển tượng Phật Vàng về ngôi chùa Wat Traimit như hiện tại. Chùa Wat Traimit khi đó chưa nổi tiếng, lưu giữ tượng Phật giống như các bức tượng bình thường khác.

20 năm sau, người Thái Lan mới biết về giá trị thực sự của bức tượng Phật. Năm 1954, một tòa nhà mới được xây trong khu đền để lưu giữ bức tượng. Bức tượng chuyển sang địa điểm mới ngày 25/5/1955. Khi đoàn vận chuyển nỗ lực nâng bức tượng từ bệ thờ, những sợi dây thừng đứt tung và bức tượng rơi xuống nền đất. Vào khoảnh khắc đó, một số phần của vỏ thạch cao nứt ra, hé lộ lớp vàng bên dưới.

Khi thẩm định bức tượng, các chuyên gia đã cẩn thận gỡ bỏ toàn bộ thạch cao bao phủ bức tượng và phát hiện thân tượng gồm 9 phần lắp ghép hoàn hảo với nhau. Họ cũng tìm thấy một chiếc chìa khóa bọc thạch cao ở chân tượng, có thể dùng để tháo rời các phần thân, cho phép vận chuyển dễ dàng hơn. Tượng Phật Vàng trở thành một trong 3 bảo vật quốc gia mang ý nghĩa quan trọng ở Thái Lan.

Ngôi chùa này càng nổi tiếng hơn sau khi đội bóng Leicester giành được giải vô địch ngoại hạng Anh. Lúc trước đội bóng này chẳng được một ai biết đến cả, nhưng khi đến ngôi chùa Phật Vàng linh thiêng để nhờ sư trụ trì làm lễ cầu may thì bỗng dưng nổi tiếng vô cùng. Bây giờ, ngôi chùa này đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn tại Bangkok, không một du khách nào có thể bỏ qua ngôi chùa này khi đến du lịch Thái Lan.

“Cái nôi” của văn hoá và văn học Thái Lan

Tượng Phật Vàng được đúc theo phong cách Sukhothai tĩnh lặng. Vương quốc Sukhothai là một vương quốc cổ của người Thái nằm ở nửa phía Nam của vùng Bắc Thái Lan hiện nay. Sukhothai có nghĩa là “bình minh của hạnh phúc” và được xem là trái tim của Phật giáo. Vương quốc này tồn tại từ năm 1238 đến năm 1438, được người Thái Lan xem như là “cái nôi” của văn hoá và văn học quốc gia. Đây có thể xem là thời kỳ sơ khai của văn học Thái Lan.

Theo truyền thuyết, người sáng lập ra vương quốc Sukhothai là vị anh hùng Phra Ruang (Hoàng tử Vinh danh) hay vua Sri Intraditya nghĩa là “Vua Mặt trời với quyền lực của Indra” (tên gốc là Pho Khun Bang Klang Hao, cai trị vương quốc Sukhothai từ năm 1238 đến khoảng năm 1270). Ông được coi là người sáng lập ra triều đại Phra Ruang, là triều đại đầu tiên trong lịch sử Thái Lan và đặt quốc hiệu Xiêm lần đầu tiên. Triều đại của ông đã chấm dứt quyền bá chủ của Đế chế Khmer hùng mạnh đối với Xiêm La.

Vào thế kỷ XIII, vì vua Khmer cần nước thiêng từ 4 miền biên giới nên dân tộc Thái phải triều cống thứ nước thiêng lấy từ hồ nước bên ngoài Lop Buri cho vua Khmer. Xe bò chở nước trong các lu bằng đất nung, đi từ Thái Lan sang Angkor, đường xá xa xôi, gập ghềnh, hiểm trở nên các lu nước bị va, xóc, bể vỡ dọc đường. Vì vậy, để cống đủ nước, người dân Thái đã phải chuyên chở 2-3 lần.

Khi Hoàng tử Phra Ruang tới tuổi trưởng thành, ông đã chế ra loại lu đan bằng tre và được gắn kín, nhờ đó việc chuyên chở nước thật dễ dàng. Thay vì khen thưởng cho công lao của Phra Ruang thì vua Khmer lại cho rằng ông quá giỏi và có thể gây hại cho mình về sau, nên cử một vị tướng sang tìm cách giết ông.

Kết quả, Phra Ruang đã biến kẻ thù thành đá. Sau đó ông kết hôn với con gái 1 tộc trưởng miền núi Sukhothai và thành lập vương quốc độc lập đầu tiên của Sukhothai. Phra Ruang mang danh hiệu Sri Indraditya. Kể từ thời đại Sukhothai, đạo Phật đã được truyền bá rộng rãi và đi dần vào nếp sống của dân chúng cho tới ngày nay.

Vua Phra Ruang, người chấm dứt quyền bá chủ của Đế chế Khmer đối với Xiêm La.

Vua Phra Ruang, người chấm dứt quyền bá chủ của Đế chế Khmer đối với Xiêm La.

Vương quốc Sukhothai thực sự hùng mạnh dưới thời vua Ramkamhaeng (Rama anh hùng), người con trai thứ hai của vua Sri Indraditya. Vương quốc Sukhothai vào thời Ramkamhaeng lên ngôi chỉ là một xứ sở nhỏ hẹp nhưng dưới triều đại này, lãnh thổ đã được mở rộng gấp 10 lần, từ Luang Prabang tại Lào qua cánh đồng trung tâm của dòng sông Chao Phya tới tận bán đảo phía Nam, còn tại phía Tây, sắc dân Mon của miền nam Miến Điện cũng phải thần phục.

Ramkamhaeng là nhà cai trị, nhà lập pháp và chính khách. Ông đã phát minh ra chữ Thái bằng cách phối hợp hệ thống mẫu tự Khmer với tiếng Thái. Các sắc chỉ viết bằng lối chữ mới đã được Ramkamhaeng dùng từ năm 1292 theo đó mô tả Thái Lan là một miền đất phì nhiêu, đồ ăn dư thừa, tự do buôn bán, cấm chỉ chế độ nô lệ và quyền thừa kế được bảo đảm. Cũng vào thời đại này, các trường Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravada) được thiết lập tại Sukhothai. Các trao đổi văn hóa với nước ngoài được duy trì, vì thế tại nơi đây mới có ảnh hưởng Sinhalese và đặc biệt nhất là đã có mối liên lạc ngoại giao với Trung Hoa.

Chuyến đi Trung Quốc đầu tiên của vua Ramkamhaeng vào năm 1282 để thăm viếng Hoàng đế Hốt Tất Liệt và lần thứ hai vào năm 1300 sau Hốt Tất Liệt băng hà. Từ chuyến thăm thứ hai, vua mời nghệ nhân Trung Quốc về nước, và những nghệ nhân ấy đã dạy người Thái nghệ thuật làm đồ gốm. Ngày nay, đồ gốm Sangkhalok cổ là những thứ mà các nhà sưu tập đồ cổ đang truy lùng.

Hiện nay, người ta đã phát hiện hơn 40 tấm bia được viết bằng chữ Thái trong thời kỳ này. Đó là những tấm bia đá có khắc chữ ở 4 mặt hoặc 2 mặt. Trong số này, quan trọng nhất là bia Silajaruek Pokhun Ramkamhaeng (Bản khắc đá của vua Ramkamhaeng) - tấm bia ngày nay vẫn giữ lại được. Bản khắc này được viết bằng văn xuôi trên cả bốn mặt bia cao 1,11m, được dựng vào năm 1292. Đây là bản viết đầu tiên bằng tiếng Thái Lan và là một kiệt tác văn học.

Một phần bản khắc đá có nội dung như sau: “Thành phố Sukhothai này thật tốt đẹp. Dưới sông có cá, trên ruộng có nước. Vua không đánh thuế những người dân tập họp thành đoàn dẫn bò đi trao đổi hàng hóa và cưỡi ngựa đi bán. Ai muốn buôn bán voi thì cứ việc, Ai muốn buôn bán ngựa thì cứ việc. Ai muốn buôn bán bạc, vàng thì cứ việc”.

Có thể nói, nhờ những nỗ lực của các vị vua vương triều Sukhothai mà Phật giáo đã trở nên gắn bó mật thiết với nền văn hóa Thái, sản sinh ra các hình thức cổ điển của nghệ thuật tôn giáo Thái Lan trong đó có văn học Phật giáo. Đây có thể xem là đặc trưng của văn học thời kỳ này. Nền văn minh gắn với Vương quốc Sukhothai đã hấp thụ được nhiều sự ảnh hưởng và các truyền thống cổ đại; đồng hóa nhanh chóng tất cả những yếu tố này để hình thành nên một nét rất riêng, được gọi là “phong cách Sukhothai”.

Người Thái hiện nay có một quan niệm khá lãng mạn về Sukhothai, họ cho rằng Sukhothai là vương quốc của hạnh phúc... Sukhothai đã để lại những thành tựu về mỹ thuật, kiến trúc, văn học, ngôn ngữ và luật lệ, một số lâu đài lớn tồn tại là tư liệu quý giá không nơi nào có được và nơi đây trở thành điểm du lịch lý tưởng giúp du khách hiểu hơn về văn hóa, lịch sử phong phú của Thái Lan.

Ngày nay, Sukhothai chỉ là thủ phủ của tỉnh Sukhothai với diện tích 6.596km2, cách thủ đô Bangkok khoảng 427km về phía bắc. Cố đô Sukhothai được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991.

(Còn nữa)

Đọc thêm