Trò lạ cổ xưa của người Miêu
Nền văn hoá cổ đại Trung Quốc lấy dân tộc Hán làm chủ thể đã đặt thuật phù thủy xuống thấp với tầng lớp bình dân. Trong khi đó hoạt động phù thủy tại các vùng dân tộc thiểu số vẫn giữ được sức sống dồi dào.
Trong phạm vi nền văn minh Trung Hoa, thuật phù thủy của dân tộc Miêu (hay Mèo) ở phía Nam và dân tộc Mãn ở phía Bắc là đại diện tiêu biểu. Miêu tộc đã tồn tại rất lâu đời ở Trung Quốc, chủ yếu sống rải rác ở Quý Châu, Hồ Nam, Vân Nam, Hồ Bắc, Hải Nam, Quảng Tây.
Tổ tiên của người Mèo khởi nguồn từ bộ lạc Si Vưu trong thời nguyên thủy ở vùng Trung Nguyên. Về tôn giáo, tín ngưỡng, họ chủ yếu sùng bái tự nhiên, sùng bái Tô-tem và thờ cúng tổ tiên. Xã hội truyền thống của họ mê tín quỷ thần, ưa chuộng phù thủy.
Lễ hội của người dân tộc Miêu (Trung Hoa). |
Mấy ngàn năm nay, Miêu tộc vẫn luôn tin vào thuật phù thủy. Hoạt động phù thủy chủ yếu là gọi hồn người chết, bói toán, thần xét xử, tế quỷ. Hoạt động phù thủy do thầy phù thủy chủ trì. Có nơi thầy phù thủy còn làm lãnh đạo.
Ngoài am hiểu phép cúng lễ, họ còn có kiến thức về tôn giáo, nắm được lịch sử dân tộc mình và con đường di dân trong quá khứ. Họ biết nhiều truyện thần thoại, các bài hát cổ xưa và truyện dân gian. Có thầy phù thủy còn làm chức năng thầy dạy hát, dạy múa.
Vì thế có thể nói, thầy phù thủy đóng vai trò quan trọng trong xã hội người Miêu. Họ là phần tử trí thức của dân tộc. Ngoài ra thầy phù thủy còn nắm được một số cách chữa bệnh. Các hoạt động phù thủy nổi tiếng nhất trong dân tộc Mèo là Vu Na (phép xua đuổi quỷ thần), Tình si độc (dùng độc trùng làm hại người khác) và Hãn Thi (làm xác chết đi lại được).
Phép Vu Na
Phép thuật Vu Na bao gồm nhiều tuyệt chiêu phù phép hiếm thấy của người Miêu, có thể coi đây là một trong những phép phù thủy thần bí nhất, cổ xưa nhất trên thế giới. Các nhà nhân loại học nghiên cứu cho rằng, Vu Na là một thứ văn hóa tôn giáo, thế hiện sự đối kháng giữa văn hóa Miêu và Trung Quốc.
Trải qua diễn biến vài ngàn năm, đến đời Thương Chu hình thành một thứ phép thuật xua đuổi tà ma cố định nằm trong nền văn hoá Trung Nguyên. Văn hoá Vu Na bao gồm các nội dung Na Nghi, Na Kỹ, Mặt nạ Na. Na Kỹ là một loại phù thủy trong văn hóa Na (Na còn gọi là Nô). Nội dung chủ yếu là xua đuổi tà ma và mọi thứ gian ác.
Thủ đoạn chủ yếu của Na Kỹ là nhai bát sành sứ, ăn than cháy đỏ, đi chân không trên đống lửa, đi chân không trên mặt sàn cắm đầy dao nhọn, dùng vật nhọn đâm vào bụng. Cho đến nay, hiện tượng này vẫn còn tồn tại một số đặc kỹ như vậy trong dân tộc Miêu.
Đến vùng cư trú của người Miêu tại miền Tây tỉnh Hồ Nam ta vẫn được chứng kiến nhiều đặc kỹ Vu Na. Ở đó, có thầy mo leo lên bậc thang cắm đầy dao nhọn mà chân vẫn không sao. Họ còn có thể đi chân không trên đống lửa, ăn cục than đang cháy đỏ.
Đặc kỹ này gọi là “Leo núi dao, xuống biển lửa”. Đặc kỹ “Tiên nhân hợp trúc” cũng rất ly kỳ, thú vị. Thầy mo người Miêu tuỳ tiện để một du khách tay cầm 2 mảnh tre trúc rồi niệm thấm chú làm cho hai mảnh tre trúc hợp lại làm một.
Ngoài Na Kỹ, Na Tế cũng là một hạng mục quan trọng của phép thuật Vu Na. Khi làm Na Tế, trên bàn thờ phải dùng đến máu tươi. Ví dụ phép “khai hồng sơn” (mở núi hồng), thầy mo đặt một con dao nhọn trên đầu mình rồi cứ đội con dao đó mà nhảy một điệu vũ thần bí gọi là Vũ điệu tế lễ.
(Đón đọc kỳ tới: Phép thuật đuổi ma và dẫn xác chết của thầy pháp)