Khám phá phép thuật Trung Hoa cổ - Kỳ 4: Bí ẩn bùa phép “giữ chồng” mang tên Tình Si độc

(PLVN) - Phép Tình Si độc của các phù thủy tộc người Miêu tại Trung Quốc là một loại bùa chú dùng để ám hại, thậm chí hạ chết người mà họ muốn trả thù. Phép thuật này cũng là biện pháp để những bà vợ yểm vào để giữ chồng những khi đi làm ăn xa; nếu người chồng chung thủy thì tự khắc bùa chú được giải, ngược lại nếu phản bội thì anh ta sẽ bị Si độc hạ chết bất đắc kỳ tử. 
Từ ngàn đời nay, phụ nữ Miêu đã dùng Si độc để giữ chồng (ảnh minh họa).

Tình si độc - bùa thiêng hại người

Si chỉ một loại trùng độc, phép phù thủy Tình si độc là dùng trùng độc để làm hại người khác. Phép phù thủy này chủ yếu xuất hiện ở miền Nam Trung Quốc và một số dân tộc thiểu số ở miền Giang Nam từ thời cổ đại.

Lúc đầu, Si chỉ loại trùng sống ở bát đĩa, sau chỉ cả những con bọ sinh ra từ đồ ngũ cốc, các thực phẩm biến chất. Người xưa cho rằng Si có năng lực thần bí và chất độc mạnh nên gọi là độc trùng. Si có thể qua đồ ăn uống, chui vào cơ thể con người, gây ra bệnh tật. Bệnh nhân cảm thấy như bị ma trêu quỷ ám, tinh thần hoảng loạn.

Si thời Tiên Tần phần lớn là những độc trùng tự nhiên sinh ra. Sự mê tín độc trùng lâu ngày phát triển thành cách dùng Si làm hại người khác. Theo khảo chứng của các học giả, vùng Trung nguyên thời Chiến quốc có người dùng độc trùng và dạy cách sử dụng độc trùng làm hại người. Tại các vùng núi hoang sơ của Trung Quốc cổ xưa bao phủ một tấm màn huyền bí.

Đâu đâu cũng thấy ma quỷ, yêu quái đi lại, chướng khí tràn ngập núi rừng. Tục dùng Si hại người là kì quái hơn cả. Người Miêu gọi tục này là Thảo quỷ, sống nhờ thân thể phụ nữ, làm hại con người. Những phụ nữ có Si kí sinh như vậy gọi là Mụ thảo quả.

 Miền đất Tây Tạng kỳ vĩ với chiều sâu lịch sử, văn hóa ẩn chứa trong lòng nó rất nhiều bí ẩn, linh thiêng.  

Theo điều tra, dân tộc Miêu ai cũng tin vào phép thủy tình Si độc, mức độ nặng nhẹ khác nhau. Họ cho rằng kèm theo bệnh tình trên còn có một số triệu chứng khác như ho dai dẳng dài ngày, khạc ra máu, mặt xám xanh, người gầy đi, nội tạng trục trặc, sôi bụng, ăn không ngon miệng. Đối với các chứng bột phát có thể dùng phép phù thủy để thu hồi Si về. Bệnh mãn tính phải mời thầy phù thủy. 

Theo truyền thuyết, phương pháp chế tạo độc trùng là thu gom độc trùng để vào chậu, các độc trùng sẽ ăn thịt lẫn nhau, con sống sót là con khoẻ nhất sẽ được dùng làm Si hại người. Xưa kia người ta rất tin Si gây bệnh, trong các sách y “Thiên kim phương” (Liều thuốc nghìn vàng), “Bản thảo cương mục” đều có phân tích kĩ các triệu chứng bệnh do Si gây ra và nói rõ cách chạy chữa. 

Người Miêu quan niệm có nhiều loại Si như Si rắn, Si ếch, Si kiến, Si chim sẻ, Si rùa. Con Si thiếu ăn sẽ tấn công ngay con chúi (người dùng Si). Khi chủ Si tung Si ra để hại người, họ sẽ nói: “Si ơi, mày hãy đi tìm người X mà ăn, chớ có quấy rối tao”.

Nhiều phụ nữ Miêu tin rằng Si chỉ có thể bám vào phụ nữ truyền nhiễm cho nữ của thế hệ sau, không truyền cho nam. Nam thanh niên lấy cô gái có Si mà chưa được bố mẹ đồng ý thì con gái đẻ ra sẽ có Si do mẹ truyền, cứ thể hết đời nọ sang đời kia.

Trong một số sách chữ Hán nói người truyền Si không nhất thiết phải là nữ. Vậy tại sao người Miêu lại cho rằng chỉ phụ nữ mới có Si? Điều này liên quan đến truyền thống văn hoá Hán Miêu.

Si độc có thể hạ chết kẻ phản bội tình yêu

Thuật phù thủy của người Hán, chỉ phân biệt chính và tà, không phân biệt giới tính nam nữ. Dân tộc Miêu ở miền Nam Trung Quốc, trong quá trình chuyển biến từ chế độ mẫu quyền sang chế độ phụ quyền, sự phân biệt nam nữ rất quyết liệt. Điều này ảnh hưởng đến thuật phù thủy của người Miêu. Các thầy phù thủy nam có địa vị chính thống, trở thành người duy trì trật tự xã hội.

Phù thủy nữ vốn có địa vị trong xã hội mẫu hệ nay bị coi là kẻ truyền bá phù thủy đen tối. Phù thủy nam đổ cho họ mọi tội về thiên tai địch hoạ. Điều đó giải thích tại sao lại xuất hiện quan niệm cho rằng phụ nữ có Si độc hại. 

Tình Si độc của dân tộc Miêu còn áp dụng như là biện pháp dùng để giữ tình chồng vợ. Khi người chồng đi xa, người vợ hẹn ngày về rồi truyền Si cho chồng. Đến hẹn, nếu người chồng phản bội không về Si độc cướp đi tính mạng của người chồng. Nếu đúng hẹn Si độc tự động hết tác dụng. Đó là cách các bà vợ trừng trị những ông chồng thiếu chung thủy. Tồn tại từ ngàn đời trước, phép Si độc đến nay vẫn tồn tại và được đánh giá rằng biện pháp này rất có hiệu quả. 

(Đón đọc: Những phép thuật của phù thủy Tây Tạng) 

Đọc thêm