Khám phá phép thuật Trung Hoa cổ - Kỳ 6: Huyền bí Đạo Sa man

(PLVN) - Đạo Sa man Thời cổ đại ở Trung Quốc là một tín ngưỡng tôn giáo dân gian xuất phát từ tín ngưỡng nguyên thủy phát triển phong phú dần lên và có một thời kì hưng thịnh. Giống như các tôn giáo nguyên thủy khác, đạo Sa man đượm màu sắc phù thủy.
Đạo Sa man mang đậm màu sắc phù thủy.
Đạo Sa man mang đậm màu sắc phù thủy.

Đạo Sa man chủ yếu là tôn giáo của các dân tộc phương Bắc của Trung Quốc cổ đại. Tuy nhiên một số học giả cho rằng đạo Sa man là tôn giáo nguyên thủy của thổ dân trong xã hội nguyên thủy. Đạo Sa man khởi nguồn từ xa xưa. Trước khi các tôn giáo ngoại lai du nhập, đạo Sa man chiếm địa vị độc tôn trong các dân tộc ở phương Bắc Trung Quốc. Nó ảnh hưởng sâu sắc, vững chắc đến các dân tộc đó.

Sau này dù Phật giáo và Hồi giáo chiếm địa vị chủ yếu thì ở vùng Bắc Trung Quốc vẫn tồn tại bóng dáng của đạo Sa man. Các dân tộc Mãn, Mông, Duy Ngô Nhĩ, Triều Tiên... đều có hoạt động của đạo Sa man. Đạo này đựợc truyền giáo khá hoàn chỉnh trong một số dân tộc ở Đông Mông Cổ và lưu vực sông Tam Giang, rồi lan tràn sang miền biên giới Đông Bắc, Tây Bắc Trung Quốc.

Đến đẩu thập kỷ 50 thế kỉ XX một số vùng dân tộc ít người vẫn tồn tại đạo Sa man. Ngôn ngữ của dân tộc Thông Cổ Tư gọi thầy mo là Sa man nên đạo này mang cái tên đó.  Đạo Sa man quan niệm khá phức tạp về linh hồn. Họ cho rằng vạn vật đều có linh hồn. Họ tôn thờ linh hồn tổ tiên của thị tộc hoặc bộ lạc. Ngoài ra có nội dung sùng bái tự nhiên và tô tem.

Đối tượng sùng bái của họ rất rộng gồm cây cối, động vật và các vật thể, hiện tượng tự nhiên. Họ không có giáo lí thành văn, tổ chức tôn giáo, không có người sáng lập cũng chẳng có miếu thờ, không có nghi lễ tôn giáo thống nhất, quy phạm. Thầy mo có nhiệm vụ truyền nghề cho thế hệ sau. Khi chế độ Công xã Nguyên thủy giải thể và xuất hiện xã hội có giai cấp, đạo Sa man tàn lụi dần.

Tầng lớp trên của xã hội chuyển sang Phật giáo, Đông chinh giáo, Hồi giáo. Một số nhân tố nguyên thủy của đạo Sa man được các đạo giáo nói trên tiếp thu với mức độ khác nhau nhưng trong dân gian nó vẫn còn ảnh hưởng khá sâu, thậm chí tồn tại dưới hình thái khác. Một số học giả cho rằng, từ Sa man theo ngôn ngữ Thông Cổ Tư có nghĩa là “người phấn khởi”, “người xúc động”, chuyên dùng để chỉ thầy mo của đạo Sa man hoặc chỉ những đại diện và hoá thân của Thần.

Sa man còn chỉ người phụ trách công vụ và người phụ trách gia đình. Người phụ trách công vụ chủ trì công việc cúng bái của thôn xóm thị tộc hoặc bộ lạc. Người phụ nữ chủ trì mọi việc cúng bái trong gia đình. Sa man là nhân vật trung gian giữa thần với người, truyền đạt ý chí của thần cho người. Sa man dùng biện pháp tinh thần để nắm bí mật và sức mạnh của các hình thái sinh mệnh siêu nhiên.

 

Nghi thức cúng bái Sa man của một số dân tộc thiểu số ở vùng Đông Bắc Trung Quốc khác nhau tuỳ thuộc từng dân tộc và thị tộc nhưng trình tự cơ bản giống nhau: thỉnh thần (cúng tế mời thần về dự lễ); giáng thần (thần linh nhập vào và Sa man nói thay cho thần); Tiễn thần (tống tiễn thần ra về khi làm lễ xong). Mấy bước nghi lễ nói trên thuộc về nghi thức cúng bái chung của các dân tộc theo ngữ hệ Altai. 

Thế giới đạo Sa man quy kết lại có ba điều: Thứ nhất là vạn vật sống và có linh hồn. Thứ hai là vạn vật liên hệ với nhau và thứ ba là vạn vật đều có phép lạ. Đạo Sa man thường nhân cách hoá và thần bí hoá sông, núi, nước, lửa, cây cối, chim muông, trăng sao, sấm sét, băng giá, mây mù, gió bão...

Họ cho rằng thần linh có ý chí, dục vọng như con người, có thần thiện, thần ác. Các thần linh có tính nết và công năng khác nhau, mỗi vị phụ trách một phương, họ có địa vị như nhau nhưng không phụ thuộc vào nhau. Chủ thể cúng bái của đạo Sa man là Tổ thẩn (ông tổ của thị tộc, bộ lạc), thông thường chỉ ông tổ từ bốn đời trở lên. Theo quan niệm đó mỗi khi người hoặc gia súc mắc bệnh, họ thường cúng bái cầu xin Tổ thần giúp đỡ.

Họ rất coi trọng điềm báo mộng và hiện tuợng bất thường, coi đó là điềm báo của tổ thần về lành, dữ.  Lễ mai táng có nghi thức tống tiễn linh hồn. Họ làm hình nộm có dây buộc, con cháu người chết mặc tang phục cầm lấy đầu các sợi dây. Sa man cũng cầm một đầu dây rồi đọc thần chú xin người chết chớ luyến tiếc nơi ở cũ.

Sau đó Sa man dùng gậy thần đập đứt dây và ném hình nộm đi thật xa. Quan tài đặt ở nơi vắng vẻ trên núi hoặc chôn xuống đất.  Có dân tộc lại làm một người gỗ nhỏ mặc quần áo tượng trưng cho người chết, thắp hương đốt vàng mã, tổ chức cỗ bàn thết đãi 3 ngày liền. Ngày thứ ba, Sa man bắn ba mũi tên để chỉ đường cho linh hồn về cõi âm.  Khi cầu xin thần linh che chở, giúp đỡ, đạo Sa man cũng dùng đến phép phù thủy.

Một số dân tộc mỗi khi săn bắn kém đều làm lễ cầu xin. Họ dùng cành liễu bện thành con hươu đặt vào vị trí cúng bái thường ngày rồi bắn cung tên hoặc bắn súng vào con vật giả đó. Mọi người đứng xem hô to: “Bắn trúng rồi!”. Lúc đó xạ thủ làm động tác mổ thịt, lấy phủ tạng ra cúng. Đêm tối họ mang nồi đến địa điểm săn bắn, cầu xin trăng sao giúp đỡ. Đến tảng sáng nếu trong nồi có lông thú rơi vào thì Sa man sẽ làm lễ cầu xin thần linh giúp đỡ. 

Khi cầu mưa hoặc cầu ngưng mưa, họ đặt con chim gõ kiến đã chết xuống nước, để mỏ chim mở rộng ngửa lên trời, sau đó treo chim lên cây.  Trong chiến tranh, đạo Sa man càng chú ý vận dụng phép phù thủy. Có dân tộc tìm hiểu được tên tuổi của kẻ thù mời Sa man đọc thần chú. Sau đó dùng giấy dầu làm thành hình tam giác đều, đặt lên mâm gỗ đó rồi bí mật ném về phía kẻ thù, làm họ gặp tai họa. 

Khi làm lễ gọi hồn hoặc xua đuổi tà ma, các Sa man thi thố các phép thuật đi chân không trên đống lửa, trên bãi cắm dao nhọn, nếm miếng sắt nung đỏ, tự cắt lưỡi, phun máu vào người bệnh... Khi chữa bệnh, Sa man làm lễ cầu thần như sau: Ban đêm đốt một loại gỗ thơm nơi bệnh nhân nằm làm sạch không khí để Thần đến giúp đỡ.

Lúc đó Sa man mặc thần phục, đầu đội mũ thần, tay trái cầm trống, tay phải cầm dùi, ngồi xếp chân bằng tròn ở góc Tây Bắc, bệnh nhân ngồi ở góc Đông Nam. Sa man lim dim mắt, ngáp vài cái rồi gõ trống, sau đó ngồi dậy vừa gõ trống vừa múa may, vừa hát; mọi người xung quanh hát theo. Sa man nghiến răng ken két, hai mắt nhắm nghiền, toàn thân đảo đồng, làm ra vẻ đau đớn khi thần linh nhập vào thân mình.

Một người đứng gần đấy lấy cục than hồng đặt trước chân Sa man dẫn đường cho các thần. Sa man đột ngột dừng gõ trống, toàn thân run rẩy chứng tỏ Tổ thần đã nhập. Sa man nói: “Các con mời ta đên đây làm gì?”. Mọi người trả lời: “Có người mắc bệnh, xin phiền tổ thần đến cứu giúp”. Sa man lại vừa gõ trống vừa hát, hỏi xem bệnh nhân đã xúc phạm vị thần nào. Khi Sa man nói đến tên vị thần nào thì bệnh nhân phải run rẩy như đang bị thần hành hạ. C

ó khi thần đó nhập vào Sa man nhận mình đang hành hạ con bệnh và yêu cầu lễ vật cúng tế. Nếu bệnh tình con bệnh nghiêm trọng, Sa man để họ nằm khoả thân trên giường rồi vảy nước sôi. Nếu nhận thấy Thần ác đã lấy mất linh hồn của con bệnh Sa man sẽ mượn sức của tổ thần đấm võ với thần ác để cướp lại linh hồn, cứu con bệnh.  Những tô tem giáo hay tôn giáo cổ xưa vẫn có sức sống dai dẳng trong lòng văn hóa nhiều dân tộc thiểu số tại Trung Quốc, đặc biệt là phù thủy. Dù đã ít nhiều phai nhạt nhưng dấu ấn của nó như một nét văn hóa cổ vẫn còn trong xã hội Trung Quốc hiện nay.

(Còn nữa) 

Đọc thêm