Khám phá tết 'khẩu mấng' ở Cao Bằng

(PLO) - Lễ “khẩu mấng” (mừng lúa mới) là phong tục cổ truyền của đồng bào Tày- Nùng ở Cao Bằng. Lễ tết độc đáo này không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của làng bản, cộng đồng. 
Mâm thờ cúng tổ tiên, thổ công, thần bảo vệ gia súc và thần giữ cửa

Lễ “khẩu mấng” của người dân tộc ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng) thường được tổ chức trong khoảng thời gian sau tiết Bạch lộ và trước Thu phân tháng tám, 15 ngày đó chọn ra ngày Thìn để tổ chức “ăn tết”, thời điểm này những bông lúa ngoài đồng cũng bắt đầu kết hạt, chuẩn bị chín vàng.

Lễ mừng lúa mới được coi như một năm sản xuất, dâng thành quả lao động để cúng trời, cảm ơn vì đã cho một vụ mùa bội thu và cầu mưa thuận, gió hoà, đồng thời thể hiện sự tôn kính với ông bà tổ tiên đã khuất.

Người dân ở huyện Trùng Khánh cho hay, lễ “khẩu mâng” gồm có 4 bước: Bước thứ nhất là Niệm hương: báo cáo tổ tiên về việc làm hôm nay. Bước thứ hai là Tọng hương: báo cáo với tổ tiên trình tự buổi lễ sẽ diễn ra như thế nào.Thứ ba là phần lễ chính của buổi lễ gồm khâu cầu khấn, lên mã (ngựa) chở đồ lễ lên dâng cho tổ tiên. Phần cuối cùng là hồi mã để kết thúc ngày lễ tết mừng lúa mới.

Với phong tục mừng lúa mới truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, mọi nghi lễ cũng như đồ cúng đều được chuẩn bị đầy đủ, chu đáo. Vào ngày tết “khẩu mâng” lễ vật quan trọng không thể thiếu trong mâm cỗ là một bát nước đã được đun chung với ba bông lúa non, bát nước này được đặt lên bàn thờ tổ tiên. Tiếp đến là những món ăn đi kèm là canh mướp ngọt, khoai sọ, ốc đồng…

Người dân quan niệm rằng, nếu ăn những món này trong ngày này thì sau này con cái được no ấm, hiếu thảo, có sức khỏe dẻo dai, thậm chí có thể xua đuổi được tà ma. Vào ngày này, đến đầu giờ chiều, không khí tết càng thêm rộn ràng. Nhà nhà đều chuẩn bị từ trước một con vịt. Khắp bờ sông, bờ mương đều gặp cảnh mọi người đang vặt lông và thịt, rồi họ nói chuyện về mùa màng tốt tươi một cách vui vẻ.

Theo các cụ già người Tày, Nùng, giờ cúng lúa mới thường được bắt đầu từ 4 giờ chiều. Đây là giờ mà tổ tiên có thể về nhà nhận lễ cơm mới. Nhà nào cũng chuẩn bị mâm lễ vật gồm thịt vịt luộc, rượu, xôi nếp, nước lúa mới để khấn mời linh hồn tổ tiên về ăn tết lúa mới. Cúng xong tổ tiên ở bàn thờ, mọi người sẽ thắp 13 nén hương trầm ra đầu làng để thờ cúng thổ công, rồi quay lại cúng trước cửa chuồng trâu bò để tổ tiên bảo vệ đàn gia súc, cuối cùng mới đặt mâm cỗ cúng thần giữ cửa.

Về nguồn gốc của lễ mừng lúa mới, các cụ cao niên ở xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh kể rằng: Theo người già kể, thuở xưa có hai anh em trai gia đình nghèo khó, cha mẹ lại già yếu. Người dân trong bản đều chung cảnh nghèo đói, quanh năm phải vào trong rừng sâu bới đào rễ củ trong rừng về để sống qua ngày.

Ngày ngày qua tháng khác, cuộc sống của họ cứ tiếp diễn cho đến khi hai anh em nhà nọ trưởng thành. Thấy dân làng quanh năm vẫn nghèo khổ, làm mãi cũng chẳng bao giờ đủ ăn, vì vậy họ quyết định đi xa tìm thứ khiến cuộc sống no đủ hơn chứ không thể chết dần trong cảnh đói nghèo.

Sau hơn một năm thì hai anh em trở về với bản làng và mang theo một thứ ngũ cốc ngon hơn ngô. Họ bắt đầu gieo những hạt ngũ cốc đó xuống đất, rồi nó nảy mầm, ra bông, kết hạt. Từ đó dân làng được ấm bụng, không còn phải vào rừng đào củ mài, rễ cây như trước nữa. Hạt ngũ cốc kỳ diệu đó chính là hạt lúa. Để ghi nhớ điều kỳ diệu này, mỗi năm trước mùa lúa gặt, đến tháng 8, 9 âm lịch dân bản lại tổ chức tết mừng lúa mới.

Những đứa trẻ chuẩn bị khèn ồ lô từ chiều để thổi vào buổi tối trong ngày tết lúa mới

Ngày lễ “khẩu mấng”, trẻ con thường tụ tập nhau để làm khèn bằng những cọng rơm và dùng lá cây Cáp Tao (một loại lá dài thẳng dùng để cuốn thành một chiếc khèn) để thổi ồ lô, tiếng khèn này có thể vang xa đến các bản làng xung quanh với những giai điệu cổ xưa của tổ tiên truyền lại. Vào ngày này đám trẻ con được bố mẹ mua cho quần áo mới, được đuổi trâu bò về chuồng sớm hơn mọi ngày để kịp ăn bữa cơm mừng lúa mới với gia đình.

Cụ Nông Lý Huỳnh (72 tuổi) ở xóm Bản Khuông, xã Thông Huề, huyện Trùng Khánh cho hay, những chiếc khèn ồ lô chỉ có giá trị duy nhất trong ngày này vì người địa phương quan niệm rằng thổi kèn sớm quá lũ chuột nghe thấy sẽ phá hoại mùa màng. Đây là thời điểm thích hợp để tấu lên những bản nhạc báo hiệu mùa màng đã tốt tươi, chuẩn bị tinh thần để thu hoạch, bước vào mùa vụ sản xuất mới. Tết lúa mới được kéo dài đến tận đêm khuya khi đám trẻ con đi thổi khèn ồ lô ở đầu làng về.

“Ngày tết này trong bản vui lắm, nhà nào cũng rộn rã, không khi nào ngưng tiếng ồ lô. Những đứa trẻ trong làng từ buổi chiều đã làm sẵn khèn ồ lô chỉ đợi đến chiều tối ăn cơm xong sẽ tụ tập nhau thổi vang giai điệu vui tươi “Ồ lằn lí lô lô ồ lô. Lí lô lô ồ lằn lí... Không có ồ lô, những giai điệu vang vọng mừng cây lúa thì ngày tết này cũng sẽ kém vui…

Tết lúa mới là dịp con cháu nhớ ơn tổ tiên, biết ơn mẹ lúa cũng là dịp giáo dục cho con cháu truyền thống văn hóa đặc trưng của dân tộc. Đời sống người dân ngày càng khấm khá no đủ hơn nên tết đầu lúa vì thế cũng đông vui hơn, đoàn kết hơn”, ông Nông Lưu Đồng, Trưởng thôn Bản Khuông hồ hởi nói.

Có thể nói, lễ tết “khẩu mấng” – mừng lúa mới là nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời góp phần đoàn kết hơn nữa tình cảm keo sơn của anh em các dân tộc ở các xã vùng cao. Ngày tết lúa mới của bà con miền núi vùng cao tỉnh Cao Bằng ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn được giá trị tín ngưỡng truyền thống và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Theo các cụ cao niên nơi đây cho biết, nghi lễ này đã hình thành từ lâu đời và người dân tộc Tày, Nùng tổ chức lễ nghi này biểu sự biết ơn “hồn lúa” đã sinh sôi nảy nở, ban lương thực nuôi sống con người. Ngoài ra, lễ mừng lúa mới cũng là dịp để bà con cầu mong thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được bội thu.

Đọc thêm