Chuyện buồn của những người phụ nữ chạy thận
Đó là số phận của những người phụ nữ bị suy thận phải chạy thận nhân tạo. “Căn bệnh nhà giàu” tốn nhiều tiền của, bắt họ cả đời gắn chặt với giường bệnh, ngày ngày tháng tháng phải đi lọc máu để duy trì sự sống. Căn bệnh này vốn dĩ có thể làm giảm khả năng tình dục của bệnh nhân, nhưng khả năng sinh sản thì ít bị ảnh hưởng. Do vậy mà với người đàn ông chạy thận, họ vẫn có có thể có con như người khỏe mạnh. Nhưng với người phụ nữ, quá trình chạy thận khiến độc tố trong máu cao hơn bình thường, ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của thai kỳ, dẫn đến việc họ khó giữ được con.
Giọng trầm buồn, Mai Anh Tuấn (SN 1976), trưởng xóm chạy thận ở ngõ 121 Lê Thanh Nghị, đối diện Bệnh viện Bạch Mai kể lại chuyện về người bạn của mình: “Trong số những người cùng chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai, tôi có quen với một cô gái người Hà Nội. Cô ấy cũng có “thâm niên” chạy thận như tôi, gần 20 năm và mới mất cách đây hơn một năm. Trong thời gian chạy thận, cô ấy cũng từng có thai. Lúc mới biết, cô ấy vui lắm. Nghe lời bác sĩ, cô ấy cố gắng ăn uống thật nhiều món bổ dưỡng, hạn chế tối đa mọi hoạt động để nghỉ ngơi dưỡng thai. Tiếc là cuối cùng, cô ấy vẫn không giữ được con. Cái thai bị sảy khi mới được vài tuần tuổi”.
Cùng với cô bạn gái người Hà Nội, một cặp vợ chồng khác tên Hùng - Hoa, người Hà Nam, cũng có những giây phút vỡ òa trong hạnh phúc khi phát hiện mình sắp được “lên chức”: “Hàng tháng, chu kỳ đèn đỏ của tôi diễn ra khá đều đặn. Nhưng rồi đột nhiên tháng ấy tôi không thấy nữa. Vốn dĩ tôi cũng không tin mình có thai đâu, vì việc chạy thận này khó có thai lắm. Nhưng mọi người cứ bảo mua que về thử, kết quả lên hai vạch. Đi kiểm tra, bác sĩ bảo cái thai đã được 12 tuần. Nghe bác sĩ nói, hai vợ chồng mừng lắm. Tiếc là sau đó, cái thai cũng bị sảy” - chị Hoa nghẹn ngào cho biết.
Hạnh phúc bị đứt quãng
Việc khó có con, sức khỏe yếu, gánh nặng kinh tế là những lý do khiến những nữ bệnh nhân chạy thận không dám mơ đến việc mình sẽ được thực hiện thiên chức của người phụ nữ là làm mẹ. Không những thế, họ còn không dám mơ đến việc có một gia đình cho riêng mình - một gia đình nho nhỏ được kết thành từ những lời chúc phúc của người thân, bạn bè, của luật pháp.
Trong căn phòng trọ nhỏ chỉ chừng 10m2 nằm trong con hẻm đầu tiên của xóm chạy thận, Trần Thị Hương (SN 1990, quê Lâm Thao, Phú Thọ) chạy thận được 7 năm, chia sẻ: “Em sống ở đây cùng với bạn trai cũng được vài năm rồi. Gia đình hai bên đều biết và không phản đối, nhưng bọn em không muốn tiến xa hơn. Bệnh này nào ai biết được mình sẽ “đi” lúc nào, nên không ai muốn là gánh nặng cho người ở lại. Bọn em cứ sống tạm thế này thôi. Trao cho nhau chút yêu thương ít ỏi trước khi từ giã cõi đời. Có tương lai đâu mà cần phải ràng buộc”.
Vậy là với những bệnh nhân chạy thận, cuộc sống này với họ chỉ là “sống tạm”. Thuê nhà ở tạm để tiện cho việc vào bệnh viện chạy thận. Yêu nhau, dọn về sống tạm với nhau cho hết cuộc đời bệnh tật, trao nốt cho nhau chút yêu thương cuối cùng còn lại trong tâm hồn đầy những vết nứt của bệnh tật, mặc cảm.
Hay như lời chia sẻ của Huệ, cô gái 28 tuổi, vừa tốt nghiệp Khoa Kế toán của Trường Cao đẳng Du lịch đã phải gạt ước mơ rồi gắn bó đời mình trong xóm chạy thận: “Em mặc cảm cả với những người khỏe. Bạn bè khỏe mạnh hỏi thăm em bệnh thế nào rồi, bao giờ về quê? Em chẳng biết trả lời thế nào vì có nói họ cũng chẳng hiểu về căn bệnh của mình, nên em cứ lảng tránh rồi cắt đứt dần các mối quan hệ. Kết hôn ư? Làm mẹ ư? Đó là những điều xa tầm với mà em không bao giờ dám nghĩ đến”.
Theo thống kê của Mai Anh Tuấn: “Trong xóm có 137 bệnh nhân thì có 4 – 5 cặp vợ chồng có gia đình đổ vỡ vì một trong hai người bị suy thận. Có 8 cặp vợ chồng chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn hay làm đám cưới vì không muốn là gánh nặng của nhau sau khi chết đi”.
Mới đây, chị Hoàng Thị Yến (31 tuổi, ở Tuyên Quang) đã may mắn được làm mẹ dù đã chạy thận nhân tạo được 7 năm. Đó là một kỳ tích, một phép màu kỳ diệu trong cộng đồng những người chạy thận nhân tạo, nhất là những nữ bệnh nhân chạy thận. Niềm vui ấy qua chưa bao lâu thì nay “xóm chạy thận” lại hồi hộp đón chào một niềm vui nữa. Đó là việc chị Lê Thị Yến (SN 1990, quê xã Điềm Thị, huyện Phú Bình, Thái Nguyên), bệnh nhân suy thận mãn chạy thận hơn một năm có thai được 17 tuần.
Niềm vui đang đến dồn dập, tất cả mọi người đều mong các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ lại mang đến một phép màu thứ hai, để hạnh phúc của nữ bệnh nhân Yến không bị đứt quãng, hành trình làm mẹ được cán đích thành công.