Khát vọng quốc thái dân an
Ngay khi “nhập gia”, Phật giáo đã hòa vào dòng chảy các tín ngưỡng dân gian nên có một sức sống lâu bền và luôn đồng hành cũng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Trong đó, không thể không kể đến những đóng góp của Phật giáo giai đoạn đầu kỷ nguyên độc lập, trải các triều Ngô, Đinh và Tiền Lê. Giống như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Phật giáo Việt Nam với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một”. Thạch kinh xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 971 do Vua Tống cho khắc kinh Địa Tạng lên cột đá để cúng dường. Chỉ 2 năm sau đó, năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn (Đinh Khuông Liễn) cho dựng 100 bảo tràng kinh (100 cột kinh khắc trên đá) tại kinh đô Hoa Lư. Cột kinh bằng đá, hình bát giác, cao từ 50 đến 80 cm, mỗi cạnh bát giác rộng từ 6cm đến 10,5cm.
Trên các Tràng kinh bằng đá đó khắc Bài thần chú “Phật đảnh Tôn thắng Đà La Ni”. Và theo cố GS. Hà Văn Tấn, trong bài kệ ở thạch kinh chùa Nhất Trụ có khắc những câu: “… Chư thiên thường văn phạn ngữ thanh/ Văn niệm Phật Đỉnh Đà La Ni/ Tắc đắc cụ túc trai giới”. Những cổ tự Nhất Trụ cho ta biết việc tụng niệm Đà La Ni khá phổ biến dưới triều Tiền Lê (vua Lê Đại Hành). Qua hàng chục thạch kinh được phát hiện thì trên đó (dù không còn nguyên vẹn) đều có đoạn minh văn giống nhau đó là đều khắc bài Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni.
Việc tạo hàng loạt cột kinh khắc Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni ở Hoa Lư có liên hệ với tín ngưỡng kinh tràng Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni trong Mật giáo. Theo truyền thống Mật giáo, Phật Đỉnh Tôn Thắng là một trong 5 Phật đỉnh của viện Thích Ca thuộc Thai Tạng Giới Mạn Đà La có tên là Trừ Chướng Phật Đỉnh. Biểu thị cho Đỉnh Thần Thông không có chỗ sợ hãi của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Tôn này có công năng nhiếp phục, làm tiêu trừ mọi nghiệp cấu của tất cả chúng sinh và khiến cho chúng trở thành thanh tịnh.
Trong 5 Phật Đỉnh hoá hiện từ đỉnh kế của Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai thì Phật Đỉnh này là thù thắng nhất cho nên hệ Mật giáo dùng Phật Đỉnh Tôn Thắng làm Bản tôn cho pháp tu trì về tức tai, trị bệnh… và xưng là Tôn Thắng Pháp. Trong hầu hết các bản ghi chép như các tập “Mật tạng Phật giáo Việt Nam” do Thượng tọa Thích Quảng Trí biên dịch, đều công nhận là nếu có người được nghe Tôn Thắng Pháp, thì các nghiệp chướng bệnh hoạn khổ não thảy đều được tiêu trừ, được quả báo lành…
Nếu tu trì thân khẩu ý trong sạch, tâm thường vui vẻ. Người trì tụng, các tội địa ngục, súc sanh và các ngã quỷ thảy đều tiêu sạch. Nếu cầu cho người đã chết được siêu độ thì trì tụng Đà La Ni này 21 biến vào một nắm đất hoặc cát sạch rồi rải lên thi hài hoặc nấm mồ thì người ấy nhất định siêu thoát… Trong Tôn Thắng Đà La Ni kinh viết: Người chép viết tu tập thọ trì cúng dường Đà La Ni nên biết nơi đó các địa ngục, ác thú, tội chướng thảy đều thanh tịnh.
Việc chép Đà La Ni này an trí trên các ngọn phướn, trên cây, trên núi cao hoặc trên lầu các, chỗ cao hoặc trong phù đồ, nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, Thiện nam tử, Thiện nữ nhân… được thấy phướn gần gũi, hoặc hình bóng ngã vào gió thổi qua phướn, cái bụi dính vào thân đều tiêu trừ các tội chướng, không còn bị đoạ vào địa ngục, súc sanh, Diêm ma lô ca, ngạ quỷ…
Ngoài ra, trong Nghi quỹ (Bài chú về những phép tu thiền – PV) và Kinh điển còn ghi rất nhiều công năng của Pháp tu Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni như: cầu mưa, trừ lũ lụt, trừ tai nạn, cầu tài lộc, trị bệnh tật… Vì vậy, theo GS Hà Văn Tấn, thời kỳ này đã xuất hiện tín ngưỡng Tôn thắng kinh tràng, tức các cột kinh khắc bài Đà La Ni Phật đỉnh Tôn thắng.
Vấn đề này đã được chứng minh qua việc phát hiện hàng chục trong số hàng trăm Thạch kinh do Đinh Liễn cho dựng để cầu cho người em là Đính Noa Tăng Noa đã bị Khuông Liễn giết đồng thời cầu phúc cho Đinh Tiên Hoàng mãi mãi trấn giữ trời Nam và Khuông Liễn mãi giữ được lộc vị. Chính vì vậy, có thể dễ dàng hiểu rằng tại sao vua Lê Đại Hành lại cho khắc bài kinh này trên cột đá để truyền lại ngàn đời sau. Thể hiện mong muốn cầu quốc thái, dân an, triều đình vững mạnh, thể hiện sự tin tưởng, nhiệm màu của Phật pháp.
Dấu ấn thiền sư Pháp Thuận
Qua những minh chứng của lịch sử, ta có thể dễ dàng nhận thấy, vua Lê Đại Hành là một Phật tử tín thành và tin tưởng vào Mật Tông, đặc biệt là kinh Phật đảnh Tôn Thắng đà la ni. Không chỉ là một tín đồ Đồng thời cũng sử dụng Phật giáo để an dân, trị nước, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi Đại Cồ Việt.
Theo TS. Lê Cung, trường Đại học Sư phạm Huế, điều này được minh chứng rõ ràng trong lịch sử phát triển của nước ta dưới sự trị vì của vua Lê Đại Hành. Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước, Chiến thắng Bạch Đằng (938) đã đập tan âm mưu lâu dài của phong kiến phương Bắc muốn biến nước ta thành quận, huyện của thiên triều Trung Quốc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ cho đất nước.
Nhưng do chính sách đô hộ kéo dài của phong kiến phương Bắc, sau khi giành được độc lập, đất nước đứng trước những thách thức to lớn. Nạn tái xâm lăng nước ta từ phía phong kiến phương Bắc vẫn mang tính thường trực. Trước một tình thế như vậy, nên ở vào buổi đầu khởi nghiệp, vua Lê Đại Hành đã mời Thiền sư Đỗ Pháp Thuận (915 - 990) tham gia vào việc trù định kế sách của triều đại. Thiền sư Đỗ Pháp Thuận sinh năm 915, mất năm 990. Sách Thiền uyển tập anh viết: “Thiền sư Pháp Thuận ở chùa Cổ Sơn, Thừ Hương, quận Ải.
Không biết người ở đâu. Sư họ Đỗ, học rộng, thơ hay, có tài giúp vua, rõ việc đương thời. Nhỏ xuất gia, thờ Thiền sư Phù Trì chùa Long Thọ làm thầy. Khi đã đắc pháp, nói ra lời nào cũng hợp với sấm ngữ. Đương lúc nhà Lê mới dựng nghiệp, trù định kế sách, Sư tham dự đắc lực. Đến khi thiên hạ thái bình, Sư không nhận phong thưởng. Hoàng đế Lê Đại Hành càng kính trọng, thường không gọi tên, chỉ gọi Đỗ Pháp sư, đem việc văn thư giao phó cho Sư”. Sử liệu trên đây giúp chúng ta hiểu được Thiền sư Đỗ Pháp Thuận là người được vua Lê Đại Hành kính trọng vào bậc nhất trong số các vị thiền sư lúc bấy giờ.
Không những thế, vua Lê Đại Hành đã đặt hết niềm tin ở Thiền sư Pháp Thuận khi đem việc văn thư giao phó cho Sư, đặc biệt vua Lê Đại Hành đã tham vấn Sư về vận nước, nghĩa là vấn đề sinh tử, tồn vong của triều đại. Khi được hỏi về vận nước, Đỗ Pháp Thuận đã trả lời vua Lê Đại Hành bằng một bài kệ: “Vận nước như mây quấn/ Trời Nam hưởng thái bình/Vô vi trên điện các/ Chốn chốn dứt binh đao". Nguyên văn: "Quốc tộ như đằng lạc/ Nam thiên lý thái bình/ Vô vi cư điện các/ Xứ xứ tức đao binh”.
Bằng thiên tư trí tuệ, sự nhạy bén về chính trị, Thiền sư Đỗ Pháp Thuận khẳng định chắc nịch rằng, để đất nước thái bình, triều đại trường tồn, điều quan trọng bậc nhất là toàn dân đoàn kết (cuộn mây). Từng cá nhân riêng rẽ giống như từng sợi mây tất sẽ trở nên yếu đuối không tránh khỏi bị tiêu diệt mỗi khi kẻ thù ngó tới, nhưng khi toàn dân đoàn kết như một cuộn mây thì không một kẻ thù nào địch nổi. Không chỉ toàn dân đoàn kết, mà hơn thế nữa, để toàn dân đoàn kết, Pháp Thuận đòi hỏi bậc nhân chủ phải hành xử vì quyền lợi nhân dân, tức là phải vô vi (vô vi trên điện các). Với Phật giáo, vô vi tức là “cẩn thận không kiêu ngạo, là hạnh của học sĩ, bỏ lòng dơ ân ái, không lấm bụi bặm của sáu tình, không để các ái nhỏ như tóc tơ che giấu trong lòng mình thì các niệm lắng diệt”. Vô vi mới tạo được niềm tin trong nhân dân, để từ đó họ xả thân bảo vệ đất nước, vương triều.
Trên mặt trận ngoại giao, đóng góp của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận cũng hết sức nổi bật. Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Năm Đinh Hợi Thiên Phúc thứ 8 (987) mùa Xuân... nhà Tống lại sai Lý Giác đến. Tới chùa Sông Sách, vua sai Pháp sư tên Thuận giả làm giang lệnh đi đón”. Một màn đối đáp đã diễn ra giữa Lý Giác và Thiền sư Đỗ Pháp Thuận tại chùa Sông Sách. Ứng xử ngoại giao của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận đã khiến Lý Giác đi từ chỗ thán phục thần dân Đại Cồ Việt đến sự ngưỡng mộ vua Lê Đại Hành không khác gì hoàng đế triều Tống.
Qua công tác ngoại giao mà Đỗ Pháp Thuận góp sức, cho thấy ý thức dân tộc Việt từ thời Tiền Lê đã vững mạnh, vị thế Đại Cồ Việt trên trường quốc tế, nói cụ thể hơn trong quan hệ với Tống triều Trung Quốc. Tinh hoa Phật giáo Đại Cồ Việt qua sự chứng ngộ của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận thực sự đã chuẩn bị cho sự thăng hoa của Phật giáo Đại Việt vào thời đại Lý - Trần. Và cột kinh Phật chùa Nhất Trụ chính là tư liệu quý báu không chỉ của Phật giáo mà của cả lịch sử dân tộc ta. Hiện vật không chỉ cho chúng ta thấy đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người Việt cách đây trên một nghìn năm mà còn có giá trị với lịch sử, văn hóa Phật giáo thế giới.