Khèn Mông, “báu vật” nơi đại ngàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiếc khèn không chỉ là biểu trưng văn hóa dân tộc của người Mông mà còn là phương tiện kết nối cộng đồng, giao lưu văn hóa, mang nét độc đáo của dân tộc. Tiếng khèn, cây khèn chính là nhân chứng theo suốt cuộc đời của mỗi người Mông, hiện diện trong cả những lúc vui, lúc buồn của mỗi gia đình.

“Khèn lên man điệu nàng e ấp”

Những bản làng trên đỉnh núi mây mù của đồng bào Mông ở vùng núi của Tổ quốc vang vọng tiếng khèn lúc dập dìu khoan thai, lúc ào ạt sôi nổi, trầm bổng hòa vào giang sơn hùng vĩ. Già làng Lý A Lệnh Thẩm Háy (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên) là nghệ nhân chơi khèn hay và chế tác khèn giỏi. Theo già làng Lý A Lệnh Thẩm Háy, khèn có mặt ở mọi nơi trong đời sống của đồng bào Mông từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi truyền thống. Mỗi điệu khèn đều thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, thể hiện óc sáng tạo và trình độ nghệ thuật cao. Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống và giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Mông.

Trong văn hóa của người Mông, chỉ có nam giới mới biểu diễn độc tấu khèn. Ngay từ khi còn nhỏ, họ đã được ông, bố hoặc anh trai lớn tuổi trong gia đình hướng dẫn cách diễn tấu khèn. Người con trai dân tộc Mông khi lên 10 tuổi phải học chế tác một chiếc khèn riêng làm bạn đồng hành trên vai khi lên nương hoặc xuống chợ. Việc chế tác, diễn tấu khèn được người Mông coi là chuẩn mực đánh giá phẩm chất, tài năng của các chàng trai.

Người đàn ông dân tộc Mông thể hiện cảm xúc buồn, vui thông qua các bản nhạc khèn. Phụ nữ Mông khi nghe tiếng khèn sẽ thông qua giai điệu của người thể hiện, từ đó hồi đáp lại bằng các điệu múa xòe ô để bày tỏ tình cảm của mình. “Khèn lên man điệu nàng e ấp” - nhà thơ Quang Dũng đã xúc cảm viết về tiếng khèn như vậy trong bài thơ “Tây Tiến”.

Khèn Mông có rất nhiều chủ đề và bài bản. Với tiếng khèn vui, người Mông mời gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn... Còn khi buồn, tiếng khèn chậm và trầm, thường thổi trong đám tang để chia buồn cùng gia đình, tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới…

Múa khèn là yêu cầu bắt buộc đối với người biểu diễn khèn Mông. Trước một người con gái hay trước một đám đông, người đàn ông, con trai Mông phải bộc lộ sự tự tin, thái độ chân thành và sự khéo léo của mình. Khi thổi khèn, họ đem cả sự say sưa của mình vào từng động tác đung đưa cùng cây khèn. Múa khèn làm tăng thêm tính sinh động, sự tinh tế của người đang biểu diễn cùng cây khèn. Các vũ đạo, các động tác xoay, lộn, đá chân rất đều, đẹp và khỏe khoắn hoặc đi lại nhẹ nhàng, thong thả, tùy thuộc vào hoàn cảnh, không gian khi biểu diễn.

Nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn nhiều động tác độc đáo ở nhiều không gian khác nhau: múa khèn trên một tảng đá, trên mâm tre, trên gốc cây lớn cưa bằng hoặc trên cây gỗ tròn bắc qua suối. Dù ở bất kỳ tư thế và không gian nào thì người múa vẫn phải giữ ổn định tiếng khèn, không để tụt hơi hoặc rơi tiếng.

Khèn lên man điệu nàng e ấp. (Ảnh minh họa)

Khèn lên man điệu nàng e ấp. (Ảnh minh họa)

Gìn giữ “báu vật” núi rừng

Tuy nhiên, những năm qua, việc bảo tồn khèn Mông gặp một số khó khăn. Các hạt nhân văn nghệ và những nghệ nhân am hiểu sâu sắc, đầy đủ về múa bát, múa khèn ở địa phương đã cao tuổi, lớp trẻ chưa quan tâm nhiều đến các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Hệ thống phương tiện nghe nhìn ngày nay đa dạng và phong phú hơn đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ dành cho những giá trị văn hóa hiện đại nhiều hơn. Văn hóa dân gian, trong đó có dân vũ dân tộc ngày có nguy cơ mai một những giá trị nguyên bản. Do đó, nghệ nhân chế tác và nghệ sĩ khèn vắng bóng dần.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

Hiện, ngành văn hóa của các địa phương đã, đang có nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các cao niên am tường múa khèn đang nỗ lực truyền dạy, bảo tồn nghệ thuật độc đáo này. Chỉ tính từ năm 2018 - 2020, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Kạn đã mở 3 lớp truyền dạy dân ca, bí quyết thực hành di sản nghệ thuật múa khèn của người Mông tại xã Lương Thượng (huyện Na Rì), xã Cổ Linh (huyện Pác Nặm) và xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể). Ngoài ra còn có các chương trình như xây dựng phim tư liệu để quảng bá, giới thiệu về di sản “nghệ thuật múa khèn của người Mông” tỉnh Bắc Kạn; sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày, giới thiệu, quảng bá về di sản tại Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn.

Còn ở Yên Bái, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu… nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật trình diễn khèn với hàng chục học viên được tổ chức. Các cộng đồng đều tự trao truyền vốn di sản này từ thế hệ trước sang thế hệ sau thông qua việc thực hành trong đời sống hàng ngày, thông qua các hội thi, hội diễn, hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở. Các trường học tại huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn… đều có các chương trình dạy và học khèn tại trường trong các giờ ra chơi, ngoại khóa.

Tháng 3 vừa qua, Sở VH,TT&DL Hà Giang đã tổ chức “Hội thi thổi và múa khèn Mông Hà Giang năm 2023” thu hút gần 200 nghệ nhân đến từ 8 huyện trong tỉnh. Tại đây, các nghệ nhân và các diễn viên quần chúng của các đoàn đã biểu diễn một chương trình tổng hợp thổi và múa khèn Mông.

Đồng bào Mông biết làm du lịch và phát triển du lịch. Để thể hiện lòng mến khách của mình, họ thổi khèn chào đón khách phương xa mỗi khi đến thăm bản làng. Trên những nhà sàn hay trong những lễ hội xuân, những tiếng khèn hân hoan báo hiệu cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng bào người Mông hôm nay. Họ đã gìn giữ và phát huy di sản độc đáo của cha ông ngàn xưa để lại thành sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch, quảng bá văn hóa dân tộc đến với bạn bè ở trong và ngoài nước, góp phần quan trọng làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của các tỉnh vùng núi Việt Nam.

Theo UBND tỉnh Yên Bái, “Lễ khai mạc Festival trình diễn khèn Mông” và công bố quyết định đưa “Nghệ thuật khèn của người Mông ở 3 huyện phía Tây Yên Bái vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 9/2023 tại sân vận động huyện Mù Cang Chải.

Trong khuôn khổ Festival sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc: diễu hành đường phố; tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông; giao lưu, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông; hoạt động trải nghiệm vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong; phiên chợ vùng cao, dân ca, dân vũ, dân nhạc và các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Mông gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm.