Chồng thích việc "công", nằm khểnh kệ vợ làm việc nhà
Chị Thụy Vy (Đồng Xoài, Bình Phước) được khen là “tốt phước”, vì có đức ông chồng mà xóm giềng chung quanh ai ai cũng quý mến. Là tổ trưởng dân phố nơi hai vợ chồng sinh sống, năm nào anh Tuấn, chồng chị Vy cũng được khen ngợi vì những đóng góp cho khu phố. Là một cán bộ mẫu mực, anh năng nổ khởi xướng mọi hoạt động ở khu phố, trong khu có ai đau ốm, bệnh tật, anh đều nhiệt tình thăm nom. Nhà ai mẹ góa con côi anh cũng thường xuyên lui tới giúp đỡ. Xóm giềng có chuyện gì anh đều ghé tay vào nhiệt tình như việc nhà mình. Bởi vậy, các bà trong khu, ai chê chồng cũng lôi anh Tuấn ra làm mẫu hình lý tưởng: Phải ông bằng nửa anh Tuấn thì may cho vợ con quá.
Riêng chị Vy, nghe ai khen ngợi chồng mình, cũng chỉ cười không nói. Cười, không phải vì tự hào mà cười “cho qua”, vì không biết trả lời như thế nào. Chẳng lẽ lại phủ nhận lời thiên hạ nói, bảo rằng chồng tôi bên ngoài lung linh vậy thôi chứ làm chồng thì… chán lắm.
Chị biết anh đúng là tốt tính, là đáng mến. Nhưng cái tính ấy lại đi kèm với cái sự “phổi bò”, siêng việc chú bác vì thích được mọi người khen ngợi, ngưỡng mộ. Nhưng ở nhà anh chỉ nằm khểnh, viện cớ làm việc “công” mệt mỏi quá rồi. Chuyện chăm con cái chỉ bảo con học hành lo toan nhà cửa anh đều đặt vào tay chị. Cứ mỗi tháng, lương đi làm công ty cộng với phụ cấp việc khu phố, trừ tiền xài ra anh đưa cho chị được hơn 3 triệu. Số tiền ấy chị phải trang trải đủ thứ chi phí, trong đó lo cho hai đứa con ăn học, thế nên chị phải phải cố gắng mà “cày” thêm kiếm tiền.
Đã vậy, việc nhà ống nước, điện hư, nhà dột… chị có "réo mỏi mồm" anh cũng chẳng thèm để tâm. Nhưng hàng xóm hỏng bóng đèn chỉ cần ới một tiếng anh có mặt ngay lập tức. Nhiều khi, chị cứ có cảm giác chồng mình là “của chung” thiên hạ chứ chẳng phải của riêng mình…
Vợ đảm "việc nước" nhưng kệ việc nhà
Cũng như tình trạng của chị Vy, anh Nhật Huy (quận 8, TP.HCM) lấy phải người vợ rất siêng năng việc xã hội. “Việc xã hội” nói đến ở đấy chính là việc trên công ty. Công ty chị Thoa, vợ anh Nhật Huy vốn là một công ty giải trí cỡ lớn, các hoạt động vui chơi thường xuyên diễn ra.
Chị Thoa là phó chủ tịch công đoàn, lại kiêm tổ trưởng tổ hậu cần. Trong công ty thì chị quá nổi tiếng về sự sôi nổi, tháo vát. Việc thuộc về chuyên môn thì chưa nói tới, chứ những chuyện tổ chức hội hè vui chơi, tiệc tùng của công ty cứ vào tay chị là trở nên sôi động tưng bừng ngay.
Là cán bộ công đoàn, chị cũng nổi tiếng vì chăm lo cho anh em công ty rất tròn đầy, chu toàn. Thi thoảng, chị lại mua mua sắm sắm, dùng bếp công ty nấu đãi đồng nghiệp những món ăn ngon… Ai ai cũng hỏi chị: Tính chị chu đáo, nhiệt tình như vậy chắc với gia đình chị vun vén lắm phải không? Chồng chị sướng thật. Mấy ai biết, ra ngoài thì săn sóc chung quanh vậy, mà về nhà thì nhà cửa chị bừa bãi như nhà của đàn ông. Chồng con chị cũng ít khi được ăn bữa ăn tươm tất, may lắm được ăn ngon cũng chỉ cuối tuần. Việc chăm con chị cũng chỉ làm qua quýt. Bởi thời gian chị đã dành hết cho những cuộc vui ở công ty.
Về đến nhà, chị cũng vẫn bận lòng, nghĩ nghĩ ngợi ngợi dịp lễ này này nên nấu món gì, tổ chức những gì cho không khí công ty sôi nổi vui vẻ. Rồi lên mạng, check mail, trao đổi thư từ, điện thoại với nhóm hậu cần… Những lúc đó chồng chị chỉ biết lắc, đầu, vì đã khuyên quá nhiều mà vợ vẫn bỏ ngoài tai…
Những người chồng người vợ như thế không hiếm. Có chị vợ, được tiếng là “chuyên gia tư vấn tâm lý” với bạn bè, đồng nghiệp và người chung quanh. Vì khi bất cứ người bạn nào có chuyện thì chị đều có mặt, chia sẻ và tư vấn rất nhiệt tình, rất tâm lý, đã giải tỏa không ít khúc mắc cho những người chung quanh, thế nhưng việc gia đình mình thì để rối như tơ vò, bởi hiểu người mà chẳng hiểu chồng mình muốn gì, thích gì, cần được săn sóc như thế nào…
Có anh chồng, thiên hạ ai cũng khen “điểm 10”, tính khí nam nhi, rộng lượng, hay giúp đỡ người khác. Đồng nghiệp hay bạn bè xóm giềng ai cũng quý mến, thế nhưng lại để vợ mình cô đơn vò võ trong chính ngôi nhà của mình. Cũng chỉ vì nhiệt tình quá, chan hòa quá, thời gian phân tán hết để giúp đỡ, chia sẻ với mọi người, đến mức vợ ốm mà cũng không biết, không chăm nom, vợ phải nhờ em ruột sang săn sóc…
Những người như thế, tuy quả không phải người xấu, nhưng chắc chắn không tránh khỏi sự vô tâm. Bởi, không vô tâm thì làm sao lại đem thời gian, công sức đối đãi người ngoài mà để mặc người bạn đời của mình lo toan, xoay xở. Và những người như thế, dù có nhận bao lời khen ngợi, tìm được bao niềm vui bên ngoài, thì nguy cơ đánh mất mái ấm của mình là rất cao…