Vì thế nên chăng, mỗi thành viên trong gia đình khi giữ các vai trò của mình là cha mẹ hay là con cháu đều phải ý thức và nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của mình để tránh việc xao nhãng, không làm tròn bổn phận hoặc vô tình vi phạm pháp luật
Ngược đãi cha mẹ, pháp luật không dung
Mấy ngày gần đây, mạng xã hội đăng tải đoạn clip một cụ già nằm bên ngoài vỉa hè phía trước nhà hai người con trai. Cụ già trong clip là bà Nguyễn Thị Xế (86 tuổi, trú tại xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).
Câu chuyện người mẹ già cho thấy, bà bị hai người con trai ngược đãi, đuổi ra khỏi nhà và đã nhờ các con gái làm đơn khởi kiện con trai với mong muốn đề nghị chính quyền lấy lại ngôi nhà cũ mà người con trai đang ở. Đại diện UBND xã Xuân Thu cũng xác nhận đã tiếp nhận đơn khởi kiện của cụ Xế về vấn đề bị con trai ngược đãi và muốn đòi lại nhà để sinh sống.
Ngày 23/7, Công an huyện Tri Tôn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với D.T.N.M, 52 tuổi, ngụ xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang để tiếp tục điều tra về hành vi hành hạ, ngược đãi người khác. Người bị ngược đãi là cụ bà Nguyễn Thị L. 87 tuổi, mẹ ruột bà M.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài khoảng 3 phút ghi lại hình ảnh bà M vừa tắm vừa chửi mắng mẹ mình. Nguyên nhân được xác minh là do các anh chị của bà M đã có gia đình riêng nên giao mẹ cho bà M chăm sóc nên bực tức xảy ra sự việc.
Ngày 29/2, Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Võ Quốc Tuấn (56 tuổi) và vợ Phạm Thị Loan (57 tuổi) cùng ở xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo về hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình theo Điều 185 Bộ luật Hình sự. Hai đối tượng bị khởi tố là con trai và con dâu đã có hành vi đánh đập mẹ già…
Nỗi lo của con cái khi cha mẹ về già
Người đời có câu tuổi già có ba điều khó tránh đó là: không tiền bạc, bệnh tật và con hư. Người không may thì vướng cả ba nỗi khổ, người may mắn hơn thì vướng một. Thực tế cho thấy, người già vẫn có những nhu cầu trong đời sống hàng ngày như lương thực, thực phẩm, quần áo, chi phí thuốc men, thăm khám bệnh viện...
Một bộ phận người cao tuổi có lương hưu, có tiền để dành dụm trong suốt thời tuổi trẻ nhưng không phải ai cũng vậy. Bên cạnh đó, người già có tâm lý mình là gánh nặng của con cái nên dễ rơi vào trạng thái mặc cảm, trầm uất khi con cái không quan tâm.
Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng khi cha mẹ về già, thì con cái họ cũng đã vào tuổi trung niên, không còn được như thời thanh niên. Vì thế, chăm sóc cha mẹ khi bản thân họ cũng về già sẽ trở nên khó khăn hơn.
Làm thế nào đủ sức lực, đủ tài chính để chăm lo cho bản thân lẫn chăm cho cha mẹ già của mình thực sự trở thành vấn đề với con cái. Bởi khi con cái cũng bước vào tuổi trung niên hoặc về hưu, khả năng kiếm tiền không còn được như trước, dẫn đến nguồn lực tài chính thu hẹp lại.
Bên cạnh đó, khi con cái bước vào tuổi trung niên, sức khỏe, thể chất tinh thần đều yếu đi. Thời gian này, thay vì tập trung tận hưởng cuộc sống, bù đắp những điều tuổi trẻ chưa có cơ hội thực hiện, nhiều người buộc phải tập trung cho việc chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ già, thậm chí phải ở bên giám sát, ngăn ngừa cha mẹ khỏi tai nạn. Do đó, khi cha mẹ già, con cái sẽ đối mặt với vấn đề làm sao để phân bổ thời gian cho bản thân lẫn người thân trong gia đình cho hợp lý.
Khổng Tử từng nói về ba mức độ lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ bao gồm: mức độ cao nhất là có thể khiến cha mẹ tin cậy trọn vẹn, thứ hai là không làm cho họ thất vọng, mức thấp nhất chỉ đơn giản là có thể hỗ trợ cho họ kinh tế.
Đương nhiên, việc chăm lo cho cha mẹ ở tuổi già không bó buộc trong bất cứ quy định nào. Với một số người con, đó có thể là hỗ trợ tài chính để đem đến cho cha mẹ một chất lượng cuộc sống thoải mái, trong khi với những người con khác, đó có thể là việc quan tâm đến các vấn đề sức khỏe cá nhân. Chỉ miễn sao coi việc chăm sóc cha mẹ là bổn phận chứ không phải gánh nặng.
Hay nói như ông Suresh Rajenthiran một giám đốc tiếp thị và truyền thông người Malaysia: “Ở một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, chúng ta có thể cảm thấy rằng cha mẹ già của mình trở thành một gánh nặng.
Nhưng nếu bạn biết những gì cha mẹ đã hy sinh cho bạn, bạn sẽ không còn coi đó là gánh nặng, mà là bổn phận của chính mình. Chăm sóc không nhất thiết phải là tiền bạc, vật chất, đôi khi chỉ đơn giản là dành thời gian, thể hiện sự yêu thương”.
Có ý thức trách nhiệm để làm tròn bổn phận với ông bà, cha mẹ
Mạng xã hội đang chia sẻ câu chuyện của Trần Hữu Tài 29 tuổi là người đã chọn mẹ làm bạn đồng hành trong các chuyến du lịch khắp các vùng miền của đất nước. Đưa mẹ đi chơi, lo lắng cho mẹ về nơi ăn chốn ở, chàng trai cảm thấy phần nào đền đáp lại những năm tháng cha mẹ đã nuôi mình khôn lớn.
“Đừng nghĩ ba mẹ còn trẻ, vì với những người con đi làm ăn xa, thời gian được gặp họ còn rất ít. Nên tranh thủ lúc ba mẹ còn khỏe để đồng hành trong những chuyến đi” - Trần Hữu Tài bày tỏ suy nghĩ của mình.
Tất nhiên vì điều kiện cuộc sống, không phải người con nào cũng có thể bày tỏ lòng hiếu thảo của mình như chàng trai 9X nói trên. Vì thế, Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành đã có lời khuyên rằng: “Người làm con, cháu nào cũng muốn làm tròn bổn phận đối với ông bà, cha mẹ của mình, tuy nhiên việc này cũng phải tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện riêng. Khi còn trong độ tuổi đi học, việc làm tròn bổn phận của con, cháu đối với cha mẹ, ông bà là vâng lời thầy cô, học hành chăm chỉ, tích lũy kiến thức và trau dồi đạo đức để khi trưởng thành sẽ tự tin tham gia vào đời sống xã hội, lao động để tạo thu nhập nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình.
Khi đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng, việc làm tròn bổn phận của con, cháu là sống đúng, sống theo và sống hợp với các nguyên tắc đạo đức xã hội, chăm lo gia đình riêng của mình chu đáo, chăm sóc, phụng dưỡng, thăm nom cha mẹ, ông bà khi có thời gian, theo khả năng và điều kiện…
Nói chung trong mọi hoàn cảnh và trường hợp, người con làm tròn bổn phận phải là người có ý thức trách nhiệm và thể hiện trách nhiệm đó phù hợp với đạo lý và luật pháp của xã hội hiện hành”.