Khi đạo đức gia đình “thủng đáy”…

(PLVN) - Nạn nhân của Ngôi nhà bình yên, những đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ, những vụ thảm án do chính tay những người ông, người bà, người cha, người mẹ gây ra… Tất cả những ví dụ này đều gặp nhau ở một điểm, cho thấy một thực trạng đáng buồn. Đó là báo động về sự xuống cấp, sự “thủng đáy” về đạo đức xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng…
Sinh hoạt chuyên đề về tiêu chí ứng xử tại xã Tả Phời TP. Lào Cai.
Sinh hoạt chuyên đề về tiêu chí ứng xử tại xã Tả Phời TP. Lào Cai.

Hôm nay, “ông già” tôi mất

Một lời tâm sự được những người trẻ lan truyền trên Facebook và đi kèm đó là những bình luận, an ủi, sẻ chia để thấy rằng có không ít bạn trẻ, trông cứng cỏi đó, mạnh mẽ đó, nhưng ẩn sâu trong tâm hồn là vết thương không thể liền sẹo do bạo lực gia đình. 

Lời tâm sự viết rằng: “Hôm nay “ông già” (người bố - PV) tôi mất, nhưng tôi vẫn lang thang ở một nơi cách nhà gần 100km. Chẳng phải tôi bận không về được mà là tôi hận không muốn về. “Ông già” tôi là một người gia trưởng bảo thủ và là một con ma rượu. Số ngày tỉnh thì ít, say sưa thì nhiều. Ký ức của tôi là những trận đòn roi vô cớ, chỉ cần ông ấy say là ông ấy lấy tôi và mẹ tôi ra trút giận. Có những lần để lại sẹo như nhắc tôi về một ông bố tồi tệ.

Mẹ tôi người đàn bà cam chịu, những trận đòn roi đã quá quen thuộc, mẹ tôi sống như vậy vì sợ ly hôn tôi sẽ không có đủ bố và mẹ. Năm tôi 14 tuổi mẹ tôi mất vì uất ức, mất vì bố tôi đi cặp bồ với người đàn bà khác.

Mẹ tôi có thể chịu đựng được mọi thứ nhưng chỉ duy nhất việc phản bội thì không, chiều hôm đó mẹ tôi và “ông già” cãi nhau to, lần đầu tiên tôi thấy mẹ tôi cãi lại ông ấy. Tối hôm đó thì mẹ tôi mất, mắt bà không khép lại được vì phẫn uất. Chỉ khi đến tôi vào vuốt thì mẹ tôi mới nhắm mắt. Tôi đã thề rằng cả đời này sẽ không bao giờ tha thứ cho ông ấy.

Mẹ tôi mất chưa được 49 ngày thì “ông già” dẫn người đàn bà kia về ở. Ở trong chính ngôi nhà đã từng thuộc về mẹ tôi. Năm 15 tuổi qua giỗ đầu mẹ tôi, tôi một mình bỏ lên Hà Nội, từ đó tôi không về nhà. Người duy nhất tôi liên lạc đó là chú tôi, chính ông ấy là người cho tôi 100 nghìn đầu tiên khi bỏ nhà.

Người đàn bà kia nghe nói cũng bỏ “ông già” sau hơn năm vì không chịu nổi cái tính gia trưởng và vũ phu. Tôi thì chẳng quan tâm, 8 năm ở vùng đất mới tôi đã cố gắng rũ bỏ tất cả. Chiều nay chú tôi gọi điện báo ông ấy mất bảo tôi về, tôi bảo không về. Người ta nói nghĩa tử nghĩa tận nhưng với tôi chỉ có sự căm thù…”.

Trong câu chuyện trên kẻ gây ra bạo lực gia đình là người cha, nhưng thời gian gần đây vụ án liên quan đến phụ nữ trong gia đình đã xảy ra ngày một nhiều. Tất cả đều bàng hoàng trước thông tin người mẹ giữa trời nắng nóng 40 độ vứt đứa con bé bỏng mới sinh dưới hố gas trong tình trạng không có quần áo mặc, cháu bé đã không qua khỏi dù đã được cứu chữa tận tình.

Rồi người bà là bác sĩ sản hai lần bơm thuốc chuột vào sữa cho cháu mình uống, mà theo lời bà là để cháu bị đa dị tật bẩm sinh bại não, tim bẩm sinh, hở hàm ếch hành hạ, nên bà muốn giải thoát cho cháu...

Hai người phụ nữ này đều đã bị khởi tố, nhưng cái lý do mà họ nại ra để bào chữa cho hành vi của mình nghe thật đau lòng: “vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn”, “vì muốn giải thoát cho cháu”. Từ đó một câu hỏi đặt ra: Phải chăng một bộ phận trong xã hội tuy đóng vai trò là những người ông, người bà, người cha, người mẹ nhưng lại có nhận thức lệch lạc, hay có thể nói là mù quáng?

Đứng về bình diện phân tích xã hội, trao đổi với truyền thông, PGS.TS xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Đây là biểu hiện sự xuống cấp trầm trọng trong các gia đình trong đó không chỉ là người phụ nữ mà còn có các thành phần khác trong gia đình. Các vụ bạo lực gia đình thông qua các vụ thảm án xảy ra gần đây cho thấy báo động về sự xuống cấp, sự thủng đáy về đạo đức xã hội nói chung, đạo đức gia đình nói riêng”.

Do nhân cách lệch lạc, thoái hóa đã tích tụ lâu ngày

Theo chuẩn mực xã hội, gia đình là tổ ấm, là nơi khi người ta gặp bất kỳ khó khăn có thể lui về. Chuẩn mực đó nhiều gia đình đã và đang giữ được như câu chuyện của vợ chồng bác sĩ Nay Blum, Trưởng trạm Y tế xã Glar, huyện Đắk Đoa, Gia Lai. 

Trước đây, ở nơi đây người dân có hủ tục chôn trẻ sơ sinh nếu không may người mẹ tử vong, xua đuổi người mắc bệnh phong, bệnh lao. Vợ chồng bác sĩ Nay Blum đã dấn thân chống lại hủ tục ở buôn làng, mang lại sức khỏe, cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Họ có 5 con đã trưởng thành thì 4 người là con nuôi.

Đó là đứa trẻ 25 năm trước họ cứu khi suýt bị chôn sống theo mẹ, là cậu bé họ mang về nuôi hồi bị buôn làng hắt hủi vì mắc bệnh lao, là hai chị em được cứu trong đói rét khi bị xua đuổi do cha mẹ chết vì bệnh phong.  Không chỉ giang tay đón nhận những đứa trẻ trong hoàn cảnh nguy khốn, vợ chồng bác sĩ còn dành tâm sức cho nhiều hoàn cảnh khó khăn. Cũng vì thế, họ được nhiều người gọi là ba mẹ nhất vùng…

Có một điều đáng buồn là trong xã hội hiện nay có không ít gia đình đã không còn là nơi an bình và hạnh phúc như gia đình của vợ chồng bác sĩ Nay Blum với những người con nuôi nữa, mà thay vào đó là chốn địa ngục trần gian, như gia đình bạn trẻ đã chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook nói trên. 

Từ góc độ của chuyên gia phân tích tâm lý tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu đã đánh giá bạo lực mang tính vũ lực trong gia đình thường xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ nhặt, xích mích trong đời sống chung hoặc do cá nhân các thành viên trở lên bị bức xúc bởi bị dồn nén do những thành viên khác trong gia đình tạo ra.

Trong quá trình xung đột do thiếu kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân, kiềm chế, bản thân những người trong cuộc có những tác động vào làm cho đối tượng bùng phát cơn nóng giận dẫn đến gây tội ác với người thân của mình, sau đó thường các đối tượng lại ân hận. 

“Muốn nói gì thì nói, do nhân cách lệch lạc, thoái hóa đã tích tụ lâu ngày rồi thì mới dẫn đến hành vi bạo lực những người thân của mình như vậy. Chứ cũng xung đột nhưng ở người có đạo đức, có văn hóa thì người ta chọn cách ứng xử khác chứ không phải chọn bạo lực để giải quyết”, ông Đào Trung Hiếu nhấn mạnh. 

Từ khi đặt bút ký cam kết thực hiện Bộ tiêu chí, tỷ lệ bạo lực gia đình giảm hẳn

Trong 2 năm 2019-2020 Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã được Bộ VH-TT&DL triển khai thí điểm tại nhiều địa phương trước khi nhân rộng thực hiện toàn quốc. Tại các địa phương thí điểm, đã có hàng nghìn gia đình đã ký cam kết.

Và tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng có thể thấy điều đáng mừng là kể từ khi đặt bút ký cam kết thực hiện thì tỷ lệ bạo lực gia đình, ly hôn trong các gia đình này giảm hẳn, như lời của ông Lục Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND xã Cốc San huyện Bát Xát, Lào Cai là một trong hai xã thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí cho biết, trong năm 2019, 2 xã thí điểm không xảy ra vụ bạo lực gia đình hay phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường…

Điều này cho thấy việc thực hiện Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử gia đình đã phần nào khiến cho mỗi cá nhân trong gia đình tự ý thức và điều chỉnh các hành vi của mình theo luật. Ở một góc độ pháp lý có thể nói, đây chính là việc luật hóa các vấn đề trong gia đình đã, đang và sẽ góp phần gìn giữ hạnh phúc trong gia đình, đạo đức và trật tự an toàn xã hội. 

Đọc thêm