Khi người già… “hồi xuân”

(PLVN) - Nếu như trước kia, 50, 60 tuổi đã được coi là các bậc cao niên thì ngày nay, độ tuổi ấy, nhiều người vẫn vô cùng trẻ trung và thực sự “bung lụa” sau khi… nghỉ hưu. Phần lớn, ở các đô thị, nếu có điều kiện, phụ nữ bắt đầu dành nhiều thời gian cho bản thân: Làm đẹp, dancing, thể thao, bạn bè, hội hè, du lịch, và thậm chí…yêu như lần đầu… 
Khi người già… “hồi xuân”

Xì tin tuổi… nghiêng chiều

Theo thống kê vào năm 2015, thế giới có khoảng 901 triệu người già, chiếm 12,3% dân số, và sẽ tăng khoảng hai tỷ người vào 2050, chiếm 22% tổng số dân toàn cầu. Riêng Việt Nam giờ đây có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, và cũng vào năm 2050, tỷ trọng các cụ sẽ là 26%.

Tất nhiên chẳng cần thông tin này thì bằng mắt thường người ta cũng dễ dàng thấy, hầu như ở mọi con phố Hà Nội vẫn luôn đông đúc các cụ có tuổi. Thường thì lúc đấy là buổi sáng tinh mơ sớm, và cũng có thể là lúc bảng lảng chiều muộn, các cụ khoan thai vui tươi quây quần thành từng đám nhỏ, thong thả tập thể dục.

Có cụ thoạt nhìn, nhất là mấy cụ ông, nếu phải so với tuổi thì thật quá trẻ. Đấy là do cái kiểu cách quần áo mà cụ đó đang mặc. Hoặc là sơ mi “chim cò”, hoặc quần “soóc” lửng ka-ki mầu khá chói. Nhìn mấy cụ bà đã ngoại thất tuần mà vẫn mặc bộ đồ thể thao “bo đì” rực rỡ đỏ, chợt thấy cuộc đời bỗng dưng thêm đôi phần nhẹ nhõm.

Duỗi chân duỗi tay xong xuôi, vẫn theo từng nhóm, các cụ ngồi tán chuyện nổ như bắp rang bơ. Chủ đề các cụ ông thường là chuyện chính trường trong nước ngoài nước, còn các cụ bà loanh quanh chuyện chợ búa rau dưa. Rồi chuyện mấy đứa cháu học giỏi đáng yêu, rồi chuyện mấy đứa con dâu lười biếng “hơi bị” đáng ghét. Nhiều lúc tranh luận bí, các cụ cũng rút smartphone ra, vào mạng vừa lướt “phây” vừa tra “gúc gồ”…

Thêm vào đó, ngày nay, cùng với sự hỗ trợ thời công nghệ 4.0, bạn bè từ hàng nửa thế kỷ lưu lạc cũng tìm được nhau qua facebook. Bao nhiêu kí ức một thời ngây ngô tràn về. Các cuộc họp lớp triền miên đủ các cấp, ở đó, có những ông bà nội ngoại bỗng xì tin lạ thường.

Họ không ngại màu sắc không phù hợp tuổi tác, váy áo các kiểu chả sao, miễn vui là được. Có cô bận một cái đầm hồng vải bóng, ren rua phần thân áo, đeo cái bóp đỏ chót, đi giày cao gót, trang điểm rất nổi. Cô kể giờ con lớn hết rồi. Chồng lại ly hôn vì có bà khác.

Nhà cửa tiền của không thiếu nên giờ “sống gấp”. Sáng đi ăn sáng, uống cà phê với bạn bè, rồi loanh quanh đi mua sắm chỗ nọ chỗ kia, rảnh thì đi du lịch trong nước, ngoài nước đủ cả. Tóm lại là tập trung vui chơi và ăn uống cho thoải mái. Ngoài ra là giữ gìn, làm đẹp, tập gym, yoga...

Và cuộc sống trên facebook của cô luôn rộn ràng, mua được cái áo đầm này, cái túi xách nọ hay check in hết điểm nọ tới điểm kia trong các tour du lịch từ Âu , Á, Mỹ, tất thảy đều có trên ấy. Trong tấm hình nào, cô cũng như một nàng tuổi teen, ăn mặc rất “trẻ hóa đội ngũ”, làm bộ làm dạng thả tim, giơ tay duỗi chân, nhảy lên cao… Đi cùng cô là một đoàn các bà các cô cùng tuổi, cùng một gu như thế khá xôm tụ.

Cũng là người phụ nữ đó, nếu như ở thời trẻ, cô vốn rất đằm thắm, kín đáo, suốt ngày lo cho chồng cho con, nếu nhìn vào hiện tại thì khó ai tin được. Sau cú sốc chồng bỏ, tất cả mọi niềm tin rằng “gái có công, chồng chẳng phụ”, và sốc hơn nữa, một đời cô được xem là người phụ nữ may mắn bởi chồng vừa có quyền, vừa thương yêu, chiều chuộng.

Rồi bỗng một ngày, các con có gia đình riêng, cô cũng chỉ còn lại một mình khi người chồng cô tôn thờ cũng chỉ “bạc như vôi” mà thôi. Thế nhưng, tất cả những gì cô thể hiện ra ngoài chỉ là phù phiếm, bề nổi bởi đó là một trong những trạng thái của khủng hoảng trung niên. Và cô ấy cảm thấy rất sợ hãi khi phải đối mặt với nó trong một hoàn cảnh khó khăn.

Cái nắm tay bình yên của người già, đánh đổi bằng nhiều giông bão ngày trẻ. Ảnh minh họa
Cái nắm tay bình yên của người già, đánh đổi bằng nhiều giông bão ngày trẻ. Ảnh minh họa

Những gì cô thể hiện như mua sắm, du ngoạn, ăn chơi, vui vẻ chỉ là hình thức bề ngoài, nội tâm cổ ngập các vấn đề tâm lý cần được giải quyết rốt ráo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, những khủng hoảng dạng này thường được gọi nhại là “dở chứng” hay “sướng quá hóa rồ”…

Mà ít   ai biết, phía sau đó là nhưng hối tiếc, níu kéo, thậm chí hoảng sợ tuổi tác. Họ chìm lấp trong những ảo giác về sự trẻ trung, tronng những sắc màu rực rỡ, trong những “seo phì 360 độ”… “cúng phây”…

 Với những nam giới khủng hoảng trung niên thường trốn chạy tuổi tác bằng cách nuông chiều bản thân với xe hơi thể thao, áo quần không phù hợp và những cô bồ trẻ để chứng minh mình còn... “ngon” thì với phụ nữ, trung niên là những chuỗi ngày đi tìm lại bản thân sau nhiều hi sinh cho gia đình.

Họ tìm cách ăn mặc trẻ trung hơn, phẫu thuật thẩm mỹ, cặp với đàn ông trẻ, nuông chiều bản thân bằng các chuyến du lịch, mua sắm như phá nếu có nhiều tiền. Một hiện tượng sống gấp khi thấy đời sống đang dần cạn kiệt niềm vui và đi tới chặng cuối của tuổi già.

Theo các chuyên gia tâm lý, trong hầu hết trường hợp này, nỗi sợ hãi ẩn giấu dưới những hình thức rối loạn tâm lý và những hành vi bất thường của họ. Sau nhiều năm vật lộn để kiếm tiền, xây dựng gia đình ổn định và nuôi dạy con, vào tuổi trung niên, hơn bao giờ hết, họ phải đối diện tuổi già và cái chết, không thể từ chối… 

“Đôi guốc đỏ biết rằng, em đã đến”

Không chỉ người trẻ mới biết yêu, mới nồng nàn thổn thức nhớ thương. Tình yêu của người già là một khúc hát, không vang thành tiếng nhờ micro, không lấp lánh nhờ ánh đèn sân khấu, mà đồng vọng da diết, hoặc đớn đau xao xuyến mãi trong lòng. Bởi họ sẽ yêu như ngày mai là ngày cuối cùng được sống… 

Ông T vốn đã ly hôn vợ, cũng chẳng sống với con. Tiền bán nửa căn nhà và tiền chia chác sau cuộc ly hôn, ông gửi ngân hàng để sống. Nhà thì ông thuê căn hộ chung cư, đến khi chết cũng là phủi tay mà đi khỏi vướng víu. Con cái đến thăm thì tốt, không thì thôi. Dân tình tập thể dục ở công viên đã chứng kiến cảnh bà bồ cũ của ông đánh ghen với bà bồ mới. Hỏi chuyện, ông bảo “Y. đã là tình yêu của đời tôi cho tới khi nàng không còn là vậy nữa”.

Tương tự như ông T, ông S dù đã ở tuổi ngấp nghé… 70 cũng khá đào hoa. Nhiều năm lại đây, con sống ở nước ngoài, còn lại mình ông, lên hẳn rừng… ở ẩn. Thỉnh thoảng ở cùng ông là 1,2 ông bạn… giận vợ lên chơi cho khuây khỏa. Trước đây, ông vốn là một tay chơi công nghệ có hạng, ngày ông có di động năm 90, chỉ để ngắm bởi bạn bè chả có ai dùng để liên lạc.

Ông rộng rãi, ga lăng, trí thức, nhẹ nhàng nên xung quanh ông lúc nào cũng có phụ nữ. Và ông thường chẳng làm mất lòng cô nào. Cho đến khi ông lên rừng, cứ tháng đôi lần, một vài phụ nữ lại lên thăm ông. Họ là “bạn”, không ràng buộc vợ chồng, nhưng nhìn cách họ đi cùng nhau, nâng đỡ, tình tứ vui vẻ, thấy họ đã cùng tìm được một điều gì đó ở nhau, điều mà những cuộc hôn nhân lâu bền có khi không thể mang tới được…

Thế nhưng, cũng như trước đây, những người phụ nữ yêu ông rồi cũng đều nhẹ nhàng rời bỏ ông, theo đúng nghĩa “ đôi guốc đỏ biết rằng em đã đến”. Khi vào một ngày đẹp trời nào đó, những người phụ nữ lặn lội từ thành phố lên thăm “chàng” cho bất ngờ, bỗng chung ý tưởng lớn. Người thì sồn sồn xông vào nhau cho hả giận, người thì sững sờ, lặng lẽ, tức tưởi bắt xe ra về…

Mặt khác, ở góc độ tình dục, theo kết quả điều tra quốc gia đầu tiên về người cao tuổi mới được công bố tại Hà Nội, trong số 4.000 người từ 50 tuổi trở lên được phỏng vấn thì có 71,8% trong độ tuổi từ 50-59 vẫn quan hệ tình dục đều đặn.

Đặc biệt, ở nhóm các cụ 80 tuổi trở lên, có tới 6% trong số này vẫn còn khả năng quan hệ tình dục tốt! Dù đó là một thực tế nhưng theo TS tâm lý Nguyễn Kim Quý, hiện nay tại Việt Nam, vấn đề quan hệ tình dục của người già đang được đặt trong điều kiện xã hội kém thuận lợi.

Đa số người Việt coi nhẹ, và tâm lý phổ biến coi việc người già vẫn còn quan hệ tình dục là điều “không bình thường” theo chiều hướng kém tôn trọng. Hầu hết, những người già đã mất bạn đời, khi họ muốn tái hôn hoặc chung sống với một người khác đều nhận được sự phản ứng, cản trở của con cháu vì cho rằng việc làm này là lố lăng, làm xấu mặt con cháu…

Bởi thế, nghịch lý với những cụ già đó là tìm gái mại dâm lại là phương án… an toàn nhất, vừa đảm bảo bí mật, nếu chẳng may có bị phát hiện thì cũng không đến nỗi ở tù như kiểu sàm sỡ hay hiếp dâm. Trước nhu cầu của các quý ông lớn tuổi, cùng với đó là nhu cầu của những khách ít tiền, nhiều tụ điểm mại dâm rẻ tiền đã hình thành.

Đó có cả những cô công nhân vì cuộc sống khó khăn phải bán mình với giá rẻ mạt, nhưng cũng có những phụ nữ ở cái tuổi… lên chức bà nội, bà ngoại.  Thông thường họ hoạt động lẻ lang thang ở công viên, bờ hồ hay địa điểm công cộng nào đó, nếu gặp con mồi thì bắt tín hiệu.

Nhưng thời gian gần đây, đã xuất hiện những đường dây gái gọi… già, chuyên phục vụ khách làng chơi lớn tuổi. Mới đây, một ổ mại dâm như vậy đã bị Công an huyện Đông Anh, Hà Nội phá dỡ. Tất cả từ chủ nhà nghỉ, môi giới và gái bán dâm đều ở tuổi trên dưới U50, U60 nhiều người tóc đã điểm bạc. Khách mua dâm cũng là những người đã lớn tuổi ở các vùng lân cận. 

Có thể nói, tình yêu ở lứa tuổi nào cũng đáng được trân trọng và là một nhu cầu cần thiết như cơm ăn, nước uống. Bởi vì, ngày nào người ta còn sống, ngày đó người ta còn khóc cười vì yêu.

Chẳng những thế, người già càng cần có tình yêu đôi lứa bởi đó chính là quãng thời gian người ta cần có một người bạn đồng hành để chia sẻ những vui buồn, cùng chăm sóc nhau và dắt nhau qua những ngày tháng quý giá còn lại. Bởi ai cũng có cuộc sống riêng, thế giới riêng của người đó, sâu thẳm trong nhiều góc khuất của cuộc sống… 

Đọc thêm